Bản sắc của bạn sẽ là bản sắc của bạn cho đến khi có một trải nghiệm mới xảy ra chống lại nó

ban-sac-cua-ban-se-la-ban-sac-cua-ban-cho-den-khi-co-mot-trai-nghiem-moi-xay-ra-chong-lai-no

Những câu chuyện ta bịa ra cho chính mình xoay quanh cả cái quan trọng lẫn cái không quan trọng, cái xứng đáng lẫn không xứng đáng – chúng bám chặt vào ta và định nghĩa ta, chúng quyết định cách ta hòa nhập với thế giới và với người khác.

Đây là một câu chuyện lâm ly bi đát thường thấy. Chàng trai lừa dối cô gái. Trái tim cô gái tan vỡ. Cô gái tuyệt vọng. Chàng trai rời bỏ cô gái, và nỗi đau của cô gái kéo dài triền miên suốt nhiều năm sau đó. Cô gái cảm thấy bản thân mình thật tồi tệ. Và để Bộ Não Cảm Xúc của cô tiếp tục hy vọng, Bộ Não Tư Duy của cô phải chọn một trong hai lời giải thích. Cô có thể tin rằng (a) tất cả lũ con trai đều khốn nạn, hoặc (b) cô ấy thật tệ hại.

Ờ, chết tiệt. Chẳng có lựa chọn nào là tốt cả.

Nhưng cô quyết định chọn (a), “tất cả lũ con trai đều khốn nạn”, vì rốt cuộc, cô vẫn phải sống với bản thân cô. Nhớ này, đây không phải là lựa chọn có chủ ý. Nó chỉ xảy ra tự nhiên thôi.

Thấm thoắt đã vài năm trôi qua. Cô gái gặp một chàng trai khác. Anh chàng này không khốn nạn. Thực tế, anh chàng này ngược lại với khốn nạn. Anh ta khá thú vị. Ngọt ngào. n cần. Kiểu như là, thực sự rất chu đáo.

Nhưng cô gái lại hoang mang? Chàng trai này sao có thể là thật được? Làm sao mà có thể là thật được chứ? Suy cho cùng, cô ấy biết là tất cả bọn con trai đều khốn nạn. Đúng vậy. Chắc chắn là như vậy; cô ấy có rất nhiều vết sẹo cảm xúc để chứng minh cho điều đó.

Buồn thay, nhận thức cho rằng chàng trai này không xấu xa quá đau đớn với Bộ Não Cảm Nhận của cô gái đến nỗi nó không thể chấp nhận được, thế nên cô tự thuyết phục bản thân rằng anh ta, thực sự, là kẻ khốn nạn. Cô săm soi từng lỗi nhỏ nhặt nhất của anh. Cô để ý từng lời lẽ thiếu sót, từng cử chỉ không phù hợp, từng cái đụng chạm vụng về. Cô nhắm vào những lỗi vụn vặt nhất cho đến khi chúng trở nên sáng rực trong tâm trí cô giống như một tia sáng chợt lóe lên gào thét bảo cô, “Chạy đi! Tự cứu lấy mình đi!”

Và cô nghe lời. Cô bỏ chạy. Và cô chạy theo những cách kinh khủng nhất. Cô rời bỏ anh để theo chàng trai khác. Suy cho cùng, tất cả bọn con trai đều tồi tệ. Vậy việc gì phải đổi một kẻ khốn nạn để nhận lấy một kẻ khốn nạn khác chứ? Điều đó thật vô nghĩa.

Trái tim chàng trai đổ vỡ. Chàng trai tuyệt vọng. Nỗi đau kéo dài đằng đẵng nhiều năm và lớn mạnh thành nỗi tủi nhục. Rồi nỗi tủi nhục này lại đẩy chàng trai vào tình thế khó khăn. Vì bây giờ Bộ Não Tư Duy của anh phải đưa ra lựa chọn: (a) tất cả các cô gái đều xấu xa, hoặc (b) anh thật tệ hại.

GIÁ TRỊ CỦA TA KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ BỘ SƯU TẬP CẢM XÚC. GIÁ TRỊ CỦA TA LÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN.

Khi Bộ Não Cảm Nhận của ta cảm nhận điều gì đấy, Bộ Não Tư Duy sẽ tiến hành dựng một câu chuyện để GIẢI THÍCH cho điều gì đó. Mất việc không chỉ là điều tồi tệ; bạn còn dựng nên một câu chuyện đầy đủ xung quanh nó: Gã sếp khốn kiếp đối xử tệ bạc với bạn sau hằng năm trời bạn trung thành với gã! Bạn đã cống hiến hết mình cho công ty đó! Và bạn đã nhận lại được gì?

Những câu chuyện của chúng ta rất phiền nhiễu, chúng bám chặt lấy tâm trí ta và dính sát vào bản sắc của chúng ta như những bộ quần áo chật ních ướt nhèm. Ta mang chúng theo khắp nơi và dùng chúng để định nghĩa bản thân. Ta trao đổi các câu chuyện của mình với người khác, tìm kiếm những người có những câu chuyện trùng khớp với câu chuyện của ta. Ta gọi những người này là bạn, đồng minh, là người tốt. Thế còn người có câu chuyện trái ngược với ta thì sao? Chúng ta gọi họ là kẻ xấu xa.

Các câu chuyện về bản thân ta cùng thế giới thực chất liên quan đến 

cái gì đó hoặc giá trị của ai đó, và 

liệu cái gì đấy/ai đó có xứng đáng với giá trị ấy hay không. Mọi câu chuyện đều được hình thành theo cách này:

Điều tồi tệ xảy ra với một người/vật, và anh ấy/cô ấy/cái ấy không đáng bị như vậy.

Điều tốt đẹp xảy ra với một người/vật, và anh ấy/cô ấy/cái ấy không xứng đáng với nó.

Điều tồi tệ xảy ra với một người/vật, và anh ấy/cô ấy/cái ấy đáng bị như vậy.

Điều tốt đẹp xảy ra với một người/vật, và anh ấy/cô ấy/cái ấy xứng đáng với nó.

Mọi cuốn sách, truyện thần thoại, truyền thuyết, lịch sử – mọi ý nghĩa của con người được truyền đạt và ghi nhớ chỉ đơn thuần là vòng luẩn quẩn đẹp mắt của các câu chuyện thiên về giá trị tầm thường, câu chuyện này tiếp nối câu chuyện kia, từ giờ cho đến muôn đời.

Những câu chuyện ta bịa ra cho chính mình xoay quanh cả cái quan trọng lẫn cái không quan trọng, cái xứng đáng lẫn không xứng đáng – chúng bám chặt vào ta và định nghĩa ta, chúng quyết định cách ta hòa nhập với thế giới và với người khác. Chúng quyết định cách ta cảm nhận về bản thân – liệu ta xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp hay không, liệu ta có xứng đáng được yêu thương hay không, liệu ta có xứng đáng được thành công hay không – và chúng định nghĩa những gì ta biết, ta hiểu về bản thân mình.

Mạng lưới của các câu chuyện dựa trên giá trị này chính là BẢN SẮC của ta. Khi bạn tự nhủ với mình, như tôi là một thuyền trưởng khá tồi, đó là một câu chuyện bạn dựng nên để định nghĩa bản thân và để hiểu bản thân. Đó là một phần của cái tôi biết nói, biết đi mà bạn giới thiệu với người khác và đăng kín trang Facebook của mình. Bạn lèo lái những con thuyền, và bạn làm việc ấy rất tốt, thế nên bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp.

Nhưng khi bạn thừa nhận những câu chuyện tầm thường làm bản sắc của mình, bạn bảo vệ chúng và phản ứng nhạy cảm với chúng như thể chúng là một phần vốn có của bạn. Giống như câu chuyện bị ăn đấm sẽ tạo ra phản ứng cảm xúc quá khích, khi ai đó xuất hiện và nói rằng bạn là một tên thuyền trưởng tệ hại, điều đó sẽ gây ra một phản ứng cảm tính tiêu cực tương tự, vì ta phản ứng để bảo vệ cái tôi siêu hình như cách ta bảo vệ cơ thể bằng xương bằng thịt vậy.

Bản sắc của ta phát triển nhanh dần xuyên suốt cuộc đời ta, càng lúc càng tích luỹ nhiều giá trị cùng ý nghĩa như trái banh tuyết đang lăn. Bạn gần gũi với mẹ trong quá trình trưởng thành, và mối quan hệ đó mang đến cho bạn hy vọng, thế nên bạn dựng nên một câu chuyện trong tâm trí dần định hình phần nào đó con người bạn, giống như mái tóc dày, đôi mắt nâu hay bộ móng chân đáng sợ định hình nên bạn vậy. Mẹ là một phần cực kỳ quan trọng trong cuộc đời bạn. Mẹ là một người phụ nữ tuyệt vời. Bạn nợ mẹ bạn mọi thứ … và cùng mọi điều sáo rỗng khác mà mọi người nói trong Giải thưởng Viện Hàn Lâm. Sau đó, bạn bảo vệ mảnh bản sắc đó của mình như thể nó là một phần của con người bạn. Một ai đó xuất hiện và nói những điều tồi tệ về mẹ của bạn, khiến bạn nổi điên và bắt đầu đập phá mọi thứ.

Rồi trải nghiệm đó tạo ra một câu chuyện mới cùng giá trị mới trong tâm trí bạn. Bạn quyết định rằng mình không thể kiềm chế cơn thịnh nộ…nhất là với những chuyện liên quan đến mẹ mình. Và giờ điều đó trở thành một phần cố hữu trong bản sắc của bạn.

Và cứ thế câu chuyện tiếp tục.

Ta giữ một giá trị càng lâu, thì nó cắm rễ càng sâu bên trong ta và càng trở nên cơ bản hơn cho cách nhìn nhận của ta về bản thân cùng thế giới. Giống như lãi suất của một khoản nợ ngân hàng, mọi giá trị kết hợp theo thời gian, phát triển mạnh mẽ hơn và điểm tô cho những trải nghiệm trong tương lai. Không phải chỉ việc bị bắt nạt khi bạn học cấp một khiến bạn bị tổn thương. Mà việc bị bắt nạt cộng với tất cả nỗi căm ghét bản thân và sự yêu bản thân quá mức mà bạn mang đến cho các mối quan hệ đáng giá hàng thập kỷ trong tương lai, khiến tất cả chúng đều thất bại, tăng dần theo thời gian.

Các nhà tâm lý học chắc chắn không biết nhiều, nhưng có một điều họ chắc chắn biết đó là sang chính tâm lý ở thời thơ ấu hủy hoại ta. "Hiệu ứng quả Cầu Tuyết” của những giá trị đầu đời này chính là lý do giải thích được tại sao những trải nghiệm thời thơ ấu của ta, cả tốt lẫn xấu, lại có tác động lâu dài đến bản sắc của ta cũng như tạo ra bộ giá trị cơ bản tiếp tục định nghĩa phần lớn cuộc đời ta. Các trải nghiệm đầu đời của bạn trở thành những giá trị cốt lõi và nếu các giá trị cốt lõi này quá tệ hại chúng sẽ tạo nên một hiệu ứng domino của sự tệ hại kéo dài trong nhiều năm liền đầu độc mọi trải nghiệm cả lớn lẫn nhỏ.

Khi còn trẻ ta có bản sắc nhỏ bé và mỏng manh. Ta trải nghiệm quá ít. Ta phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc mình về mọi thứ, và tất nhiên họ sẽ can thiệp vào nó. Sự bỏ bê hay làm tổn hại có thể gây ra những phản ứng cảm xúc cực đoan tạo ra những lỗ hổng đạo đức lớn đến nỗi không bao giờ có thể khỏa lấp được. Cha đột ngột bỏ đi và Bộ Não Cảm Nhận 3 tuổi của bạn khẳng định ngay từ ban đầu rằng bạn sẽ không bao giờ được yêu thương. Mẹ bỏ rơi bạn vì một người chồng mới giàu có nào đó và bạn khẳng định rằng tình thân không tồn tại, rằng không ai đáng tin nữa.

Và điều tệ nhất là, ta bám víu những câu chuyện này càng lâu, ta càng ít nhận ra được là mình có chúng. Chúng trở thành tạp âm cho suy nghĩ của ta, là đồ trang trí nội thất cho tâm trí ta. Dù tuỳ tiện được dựng nên, nhưng chúng dường như không chỉ là cái gì đó hiển nhiên mà còn rất quen thuộc với ta nữa.

Những giá trị mà ta chọn lọc xuyên suốt cuộc đời mình sẽ kết tinh lại và tạo nên một lớp kết tủa trên bề mặt tính cách của ta. Cách duy nhất để thay đổi những giá trị của bản thân là có trải nghiệm TRÁI NGƯỢC với các giá trị này. Bất cứ nỗ lực nào nhằm thoát khỏi các giá trị này thông qua trải nghiệm mới hoặc trái ngược tất nhiên sẽ phải đối mặt nỗi đau cùng cảm giác khó chịu. Đây là lý do tại sao không có sự thay đổi nào mà không có đau đớn, tại sao ta không thể trở thành một người mới mà trước hết không phải trải qua nỗi đau đớn của việc mất đi con người cũ của mình.

Vì khi mất đi giá trị của mình, ta đau buồn cho cái chết của các câu chuyện định hình bản sắc ấy như thể ta mất đi một phần của mình vậy – vì ta đã mất một phần của bản thân. Ta đau buồn như khi mất một người thân yêu, mất việc làm, nhà cửa, cộng đồng, tín ngưỡng tâm linh, hay mất đi một tình bạn. Tất cả chúng đều là những phần cơ bản, định hình nên con người bạn. Khi chúng bị kéo ra khỏi bạn, niềm hy vọng chúng mang đến cuộc đời bạn cũng biến mất, khiến bạn một lần nữa phải đối mặt với Sự Thật Nghiệt Ngã.

Có 2 cách để chữa lành cho bạn – đó là, thay thế các giá trị cũ kỹ, khiếm khuyết bằng những giá trị tốt hơn, lành mạnh hơn. Đầu tiên là kiểm tra lại những trải nghiệm trong quá khứ của bạn và viết lại câu chuyện xoay quanh chúng. Chờ đã, anh ta đấm tôi vì tôi là một người tồi tệ; hay anh ta mới là người tồi tệ?

Việc kiểm tra lại những câu chuyện của mình cho ta cơ hội làm lại từ đầu, để quyết định: bạn biết đấy, có lẽ tôi không phải là một thuyền trưởng xuất sắc gì cả, nhưng điều đó vẫn tốt mà. Thường thì theo thời gian, ta nhận ra rằng điều mình từng tin là quan trọng về thế giới thật ra lại không như vậy. Những lần khác, ta lại khai triển câu chuyện để có một cái nhìn rõ hơn về giá trị của bản thân – ồ, cô ấy bỏ tôi vì một gã khốn kiếp nào đó từng bỏ cô ấy, và cô ấy cảm thấy xấu hổ và không xứng đáng được yêu thương – và đột nhiên, việc chia tay ấy trở nên dễ chấp nhận hơn.

Bài trích từ cuốn sách MỌI THỨ THẬT THẢM HẠI của Mark Manson.

Thông tin đặt sách tại

Lazada: https://shorten.asia/Zqqvwy5E

Shopee: https://shope.ee/7zewzUMnTd

menu
menu