Bàn về cuộc sống hạnh phúc

ban-ve-cuoc-song-hanh-phuc

Nét đẹp chính yếu của con người chính là đức hạnh; nó bị gắn với thể xác vô dụng và phù du này, chỉ được trang bị vì để tiếp nhận thức ăn.

Bàn Về Cuộc Sống Hạnh Phúc

Với phần giới thiệu và bình luận mới của Massimo Pigliucci

Giới thiệu

Đối với người sống một cuộc sống đạo đức, kiên định và phán đoán tốt, hạnh phúc luôn trong tầm tay.

- Massimo Pigliucci

Lucius Annaeus Seneca là một nhân vật thời cổ đại xuất chúng và cũng gây tranh cãi không kém. Ông sống từ năm thứ 4 trước Công Nguyên đến năm 65 sau Công Nguyên, là thượng nghị sĩ La Mã kiêm cố vấn chính trị cho Hoàng đế Nero, đã từng bị lưu đày nhưng đã trở lại thành Rome và trở thành một trong những người giàu có nhất dưới thời của Hoàng đế. Ông ta đã cố gắng giúp đỡ Nero trở thành một người cai trị tốt, nhưng trong quá trình đó lại trở thành đồng phạm gián tiếp trong âm mưu ám sát ngài. Cuối cùng, hoàng đế đã 'đề nghị’ ông tự sát. Cuối cùng, ông đã tự kết liễu trước sự chứng kiến ​​của bạn bè để bảo vệ nhân phẩm của mình.

Seneca đã viết nên rất nhiều vở bi kịch trực tiếp truyền cảm hứng cho William Shakespeare, nhưng cũng là một trong những nhân vật tiêu biểu của trường phái triết học Khắc kỷ, đã quay trở lại một cách đáng ngạc nhiên trong những năm gần đây. Chủ nghĩa Khắc kỷ dạy chúng ta rằng điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời chính là theo đuổi 4 đức tính chính yếu, đó là trí tuệ thực tiễn, sự ôn hòa, công bằng và lòng quả cảm - bởi chỉ có những tố chất ấy mới luôn làm cho chúng ta trở thành con người tốt đẹp và không bao giờ có người có thể sử dụng chúng làm chuyện xấu được. Nó cũng cho chúng ta biết chìa khóa cho một cuộc sống thanh thản là nhận ra rằng một số thứ chúng ta có thể kiểm soát được và một số thứ khác thì không: Chúng ta có thể kiểm soát các giá trị, cách nhìn và hành động của bản thân. Còn lại mọi thứ khác đều nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, và ta chỉ nên tập trung chú ý và nỗ lực vào cái mình kiểm soát được thôi.

Seneca đã viết một loạt các bức thư triết học cho người bạn Lucilius của mình khi cuối đời. Các lá thư được viết ra rõ ràng là với mục đích xuất bản, tương tự một kiểu di chúc triết học dành cho hậu thế. Tôi đã chọn bức thư 92, "Bàn về cuộc sống hạnh phúc", bởi vì nó gói gọn cả những nguyên lý cơ bản của triết học Khắc kỷ và một số lời khuyên mà giá trị vẫn còn y nguyên đến tận ngày nay.

Điều đầu tiên cần hiểu về bức thư này là tiêu đề của nó: 'Hạnh phúc' ở đây không mang một ý nghĩa mơ hồ hiện đại là một cảm giác tích cực, mà là tương đương với từ eudaimonia trong tiếng Hy Lạp - gần đây cũng được các nhà tâm lý học tích cực chấp nhận và được hiểu rõ nhất với ý nghĩa là một cuộc đời đáng sống. Đối với Seneca và những người theo trường phái Khắc kỷ, cuộc sống đáng sống duy nhất là một cuộc sống có đạo đức, là một sự tồn tại mà chúng ta khi cuối đời nhìn lại có thể thành thật nói rằng mình không xấu hổ về nó.

Điều đó nói lên rằng - trái với sự nhìn nhận phổ biến - trường phái Khắc kỷ không kêu gọi người ta bỏ đi niềm vui cuộc sống. Thật vậy, trong bài tiểu luận 'Bàn về sự tĩnh lặng của tâm trí', chính Seneca đã viết:

Socrates không đỏ mặt khi chơi với các cậu bé, Cato thường làm mới tâm trí của mình bằng rượu sau khi anh ta dùng nó vào các vấn đề của nhà nước, và Scipio sẽ di chuyển cánh tay mạnh mẽ theo tiếng nhạc để ăn mừng chiến thắng… Đi bộ ra khỏi nhà cũng rất hữu ích bởi không khí thoáng đãng và làn gió trong lành sẽ làm cho tinh thần của chúng ta cải thiện và tươi mới: Đôi khi chúng ta mạnh mẽ hơn khi lái xe ngựa, đi du lịch, thay đổi không khí, hoặc bằng các bữa ăn kết giao và chi thêm tiền vào rượu vang hơn: đôi khi chúng ta nên uống đến mức say mèm, không phải để chìm đắm trong đó, mà chỉ đơn giản là ngâm mình trong rượu: bởi rượu rửa trôi những rắc rối và đánh bật chúng ra khỏi nơi sâu thẳm của tâm trí, và được coi như một phương thuốc giải sầu.

Trường phái Khắc kỷ thường tương phản với trường phái Epicurean, và trong ‘Bàn về cuộc sống hạnh phúc’ có nhiều đoạn Seneca cũng bàn về sự tương phản đó. Tuy nhiên, mọi người không nên hiểu chủ nghĩa hưởng lạc (Epicurean) theo nghĩa hiện đại của chủ nghĩa khoái lạc laissez-faire (sex, ma túy và rock'n'roll), vì nó thực sự là một triết lý về sự điều độ chủ yếu là để tránh đau đớn (cả về thể chất lẫn tinh thần) và tận hưởng những thú vui đơn giản của cuộc sống (như ăn uống lành mạnh và có tình bạn tốt đẹp).

Cả hai trường phái Khắc kỷ và Epicurean đều coi trọng lối sống đạo đức và sự thoả mãn trong cuộc sống. Điểm khác biệt là ở một trong những điều ưu tiên: ví dụ, những người theo chủ nghĩa Epicurean rút khỏi chính trị vì nhất định nó sẽ gây ra nhiều nỗi đau (hãy xem xét các cuộc bầu cử gần đây của Hoa Kỳ là bạn có thể cảm nhận được). Ngược lại, những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ không bao giờ đánh đổi đạo đức để theo đuổi niềm vui hoặc tránh đau đớn.

Seneca đã viết một bài luận cùng chủ đề dài hơn nhiều về những điều tạo nên một cuộc đời hạnh phúc, trong đó bao gồm bộ 7 'điều răn cho chính mình' (từ phần XX của cuốn 'On a Happy Life' ). Trong đó đưa ra một phương pháp để kiến thiết cuộc sống của chúng ta một cách đầy triết học:

  1. I) Tôi sẽ nhìn cái chết với cùng vẻ mặt khi xem một bộ phim hài.
  2. II) Tôi sẽ coi thường của cải khi tôi có cũng như không có chúng.

III) Tôi sẽ xem tất cả các vùng đất như thể chúng thuộc về tôi, và vùng đất của riêng tôi như thể chúng thuộc về cả nhân loại.

  1. IV) Bất cứ điều gì tôi có được, tôi sẽ không giữ kín nó một cách tham lam hay phung phí nó một cách liều lĩnh.
  2. V) Tôi sẽ không làm bất cứ điều gì vì dư luận, nhưng sẽ làm tất cả mọi thứ vì lương tâm.
  3. VI) Tôi sẽ tử tế với bạn bè, dịu dàng và ôn hòa với kẻ thù của mình: Tôi sẽ ân xá trước khi tôi được yêu cầu, và sẽ thỏa hiệp với mong muốn của những con người đáng kính.

VII) Bất cứ khi nào Thiên nhiên đòi hỏi hơi thở của tôi một lần nữa, hoặc ra lệnh cho tôi từ bỏ nó, tôi sẽ từ bỏ cuộc sống này, kêu gọi tất cả mọi người để chứng kiến tôi đã phải lòng một lương tâm tốt và những mục tiêu chân chính.

Massimo Pigliucci là Giáo sư Triết học của KD Irani tại Đại học Thành phố New York. Ông ấy viết blog tại platofootnote.org và howtobeastoic.org. Cuốn sách mới nhất của ông là “Làm thế nào để trở thành một người khắc kỷ: Sử dụng triết lý cổ xưa để sống một cuộc sống hiện đại (2017)”.

 

Lucius Annaeus Seneca

Bàn về cuộc sống hạnh phúc

Từ 'Những lá thư đạo đức gửi đến Lucilius', được dịch bởi Richard Mott Gummere

Với phần bình luận mới của Massimo Pigliucci

 

Tôi nghĩ bạn và tôi sẽ cùng đồng ý rằng con người tìm kiếm những thứ bên ngoài để thỏa mãn cho thể xác, con người thương yêu thể xác mà không đoái hoài gì đến phần linh hồn, và trong linh hồn  lại có những phần nhất định chăm sóc cho chúng ta, cho phép chúng ta di chuyển và duy trì sự sống, ban cho chúng ta chỉ vì lợi ích của những phần chính trong ta. Trong phần chủ chốt này có một cái gì đó không hợp lý, và một cái gì đó hợp lý. Cái trước tuân theo cái sau, trong khi cái sau là thứ duy nhất không dựa vào bất cứ cái gì khác, mà tất cả mọi thứ đều được quy về chính nó. Vì lý do thiêng liêng cũng được đặt trong mệnh lệnh tối cao đối với tất cả mọi thứ, và bản thân nó không chịu sự chi phối nào; và ngay cả lý do chúng ta sở hữu nó cũng là giống nhau, bởi vì nó bắt nguồn từ lý do thiêng liêng.

Bây giờ nếu chúng ta đã đồng ý với quan điểm này, thì tự nhiên chúng ta cũng sẽ đồng ý với những điều sau đây - cụ thể là, cuộc sống hạnh phúc phụ thuộc vào điều này và chỉ duy nhất điều này mà thôi: sự sở hữu lý do hoàn hảo. Mặc dù nó là vô ích nhưng điều này giữ cho linh hồn không bị khuất phục, và vững vàng trước cám dỗ của tài sản; bất kể vấn đề của họ có ra làm sao đi nữa, nó giúp cho con người tránh khỏi phiền phức. Chỉ có một điều là một thứ tốt đẹp không bao giờ biến chuyển. Tôi tuyên bố con người đó là người hạnh phúc mà không có điều gì có thể làm cho người đó yếu đi; người đó luôn giữ được đẳng cấp của mình, không dựa vào ai khác ngoài bản thân; bởi một người mà cần phải dựa vào một điều gì đó mới sinh tồn được thì sớm muộn gì cũng sẽ sụp ngã. Nếu ở trong tình huống khác thì những thứ không gắn liền với chúng ta sẽ bắt đầu có ảnh hưởng lớn đối với chúng ta. Nhưng có ai mong muốn sẽ bị tài sản chi phối đâu, hay có ai khôn ngoan mà lại đi tự hào về những điều không phải của mình?

In the town of Ollantaytambo in the Peruvian Andes.

Cuộc sống hạnh phúc là gì? Đó là sự bình an trong tâm trí, và sự thanh tịnh dài lâu. Bạn sẽ đạt được điều này nếu như bạn sở hữu một tâm hồn vĩ đại, nếu bạn kiên định dựa vào lương tri của bản thân. Làm thế nào để một con người đạt đến trạng thái này? Bằng cách có được cái nhìn đầy đủ về chân lý, bằng cách duy trì được trật tự, chuẩn mực, sự phù hợp trong tất cả những gì anh ta làm, và một ý chí không gì có thể chê trách được, một mục đích dựa trên lý trí và không bao giờ từ bỏ được, điều đó đồng thời đòi hỏi cần phải có cả tình yêu và sự khâm phục. Nói tóm lại, phương châm ngắn gọn đó chính là linh hồn của người khôn ngoan phải tương xứng như linh hồn của một vị thần.

Một người còn có thể mong mỏi gì hơn nữa khi đã sở hữu tất cả những điều đáng kính? Vì nếu những điều không có gì là danh dự có thể tạo nên tài sản lớn nhất, thì sẽ xuất hiện khả năng có một cuộc sống hạnh phúc mà lại không đòi hỏi đó là một cuộc sống đáng kính. Và có gì tầm thường hay dại dột hơn là kết nối những điều tốt đẹp của một tâm hồn lý trí với những điều phi lý?

Tuy nhiên, có một số triết gia cho rằng Đấng tối cao chấp nhận việc có thêm tài sản bởi vì rất khó đạt được cuộc sống hạnh phúc khi không có tài sản. Ngay cả Antipater, một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại của trường phái Khắc kỷ, cũng thừa nhận rằng ông có quy gán một số sự ảnh hưởng cho những yếu tố bên ngoài, mặc dù chỉ là một ảnh hưởng rất nhỏ. Tuy nhiên, bạn thấy đó, điều phi lý nằm ở việc không hài lòng với ánh sáng ban ngày trừ khi nó được thắp thêm một ngọn lửa nhỏ. Một tia lửa thì có gì là quan trọng giữa ánh sáng mặt trời chói lọi này chứ?

Nếu bạn không hài lòng với việc chỉ có danh dự, thì phải chạy theo mong muốn mà bạn muốn có thêm, tức là loại yên tĩnh mà người Hy Lạp gọi là 'không bị xáo trộn', hoặc là sự thoả mãn. Nhưng loại yên tĩnh 'không bị xáo trộn' có thể đạt được trong mọi trường hợp. Bởi vì tâm trí không bị xáo trộn khi nó hoàn toàn tự do chiêm ngưỡng vũ trụ, và không có gì làm nó phân tâm khỏi công việc chiêm nghiệm tạo hóa. Còn sự thoả mãn đơn giản chỉ tốt cho gia súc mà thôi. Nhưng chúng ta đang thêm những điều phi lý vào những điều hợp lý, thêm những điều không đáng kính vào những gì đáng kính. Một cảm giác dễ chịu của cơ thể rồi sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống này của chúng ta;

Vì vậy, tại sao bạn lại ngần ngại nói rằng tất cả đều ổn với một người chỉ vì tất cả ham muốn của người đó đều ổn? Và liệu bạn có nghĩ qua - tôi sẽ không nói trong số các anh hùng - nhưng trong số những con người mà hạnh phúc của họ là chuyện về hương vị, màu sắc với âm thanh à? Không, hãy để người đó ra khỏi hàng ngũ loài người này - tầng lớp sinh vật cao quý nhất, chỉ đứng sau các vị thần; hãy để anh ta nhập bầy với những con thú không biết nói - một con vật lấy cỏ khô làm niềm vui!

Phần phi lý của linh hồn có hai mặt: Một mặt là hăng hái, tham vọng, không kiểm soát được; nó nằm trong những đam mê; mặt còn lại thì thấp hèn, chậm chạp và hết lòng vì khoái cảm. Các triết gia đã bỏ qua mặt đầu tiên, mặc dù không kiềm chế được nhưng vẫn tốt hơn, và chắc chắn là can đảm hơn và xứng đáng hơn với một con người, và coi mặt còn lại - mặt hèn hạ và thấp kém - là không thể thiếu cho một cuộc sống hạnh phúc.

Sau đó họ đã đưa ra lý do để minh chứng cho điều này; họ đã làm cho Đấng tối cao của cuộc sống cao quý trở thành một đối tượng đáng ghét và xấu xa, và cũng là một sự lai tạp quái dị, bao gồm nhiều thành phần khác nhau tuy hài hòa nhưng tệ hại. Giống như Vergil của chúng ta khi mô tả Scylla, nói rằng: 'Ở trên là khuôn mặt của con người và bộ ngực của thiếu nữ, / Một bộ ngực kỳ quái, - bên dưới là một con quái vật khổng lồ / Tầm vóc lớn và không có hình dạng, có đuôi của một con cá heo / Được nối với một cái bụng như con sói.’ Chưa hết, quái vật Scylla này mang hình dạng của động vật hoang dã, đáng sợ và nhanh nhẹn; nhưng từ những hình dạng quái dị đó lại có những trí tuệ phức tạp hợm hĩnh!

Nét đẹp chính yếu của con người chính là đức hạnh; nó bị gắn với thể xác vô dụng và phù du này, chỉ được trang bị vì để tiếp nhận thức ăn, như lời nhận xét của Posidonius. Đức tính thiêng liêng này kết thúc trong tội lỗi, và đối với những phần cao hơn, đáng kính và siêu phàm, nhanh chóng trở thành một con vật chậm chạp và nhếch nhác. Đối với ước nguyện thứ hai - yên tĩnh - mặc dù nó thực sự sẽ không mang lại lợi ích gì cho linh hồn, nhưng nó sẽ làm giảm bớt những chướng ngại của linh hồn; niềm vui, trái lại, thực sự phá hủy linh hồn và làm suy yếu tất cả sức sống của nó. Những yếu tố nào không hài hòa như vậy mà lại thống nhất với nhau? Những gì đầy sinh lực nhất lại bị gắn kết với những gì uể oải nhất; đối với những gì chân phương, điều đó còn quá thiếu đúng đắn; đối với những gì thiêng liêng nhất, điều đó quá vô độ thậm chí đến mức không tinh khiết.

Sẽ có người bắt bẻ: ‘Nếu như sức khỏe tốt, sự nghỉ ngơi và tự do khỏi nỗi đau không có khả năng lấn áp đạo đức, vậy bạn sẽ không tìm kiếm tất cả những điều này ư?' Tất nhiên tôi sẽ tìm kiếm chúng, nhưng không phải vì chúng là những thứ tốt đẹp - tôi sẽ tìm kiếm chúng vì chính bản chất của chúng và bởi vì tôi sẽ có được chúng thông qua việc đắn đo, suy xét về bổn phận của tôi. Sau đó, ở chúng có điều gì tốt nào? Chỉ điều này thôi cũng đã là một điều tốt để chọn chúng. Vì khi tôi không mặc trang phục phù hợp, hoặc không đi bộ khi tôi nên đi bộ, hoặc không ăn tối khi tôi nên ăn tối, thì đó không phải là bữa tối, cuộc đi bộ, hay trang phục của tôi là điều tốt, mà là sự lựa chọn có chủ ý mà tôi thể hiện liên quan đến chúng, như tôi quan sát thấy, trong mỗi việc tôi làm, một ý nghĩa phù hợp với lý trí.

Tôi cũng nói thêm rằng việc lựa chọn quần áo gọn gàng là một đối tượng phù hợp để một người nỗ lực; bởi vì con người về bản chất là động vật gọn gàng và được chăm sóc tốt. Do đó, việc lựa chọn trang phục gọn gàng, và trang phục không gọn gàng, bản thân nó là một điều tốt; vì điều tốt không nằm trong thứ được chọn, mà nằm ở chất lượng của sự lựa chọn. Chính hành động của chúng ta mới đáng kính, chứ không phải là những điều thực tế chúng ta làm.

Và bạn có thể cho rằng những gì tôi mới nói về trang phục, cũng áp dụng cho cơ thể. Vì thiên nhiên đã bao bọc tâm hồn chúng ta với cơ thể như một loại quần áo; cơ thể là áo choàng của tâm hồn. Nhưng có ai đã từng tính giá trị của quần áo bằng chiếc tủ chứa chúng đâu? Bao kiếm không làm cho thanh kiếm tốt hay xấu. Do đó, khi nói đến cơ thể, tôi sẽ đáp lại cùng một câu trả lời cho bạn - rằng, nếu tôi có sự lựa chọn, tôi sẽ chọn sức khỏe và sức mạnh, nhưng những gì tốt đẹp có liên quan sẽ nằm ở sự suy xét của tôi về những thứ này, chứ không phải nằm ở chính bản thân chúng.

Một lời bắt bẻ khác: ‘Cứ cho rằng người khôn ngoan là hạnh phúc đi; tuy nhiên, anh ta sẽ không đạt được cảnh giới Chí Thiện mà chúng ta đã xác định, trừ khi những phương tiện mà tạo hóa cung cấp để đạt được cảnh giới đó đều sẵn sàng trong tầm tay của anh ta. Vì vậy, một người có đức hạnh không thể không hạnh phúc, nhưng con người không thể hạnh phúc hoàn toàn nếu thiếu đi những món quà mà tạo hóa ban tặng như sức khỏe hay chân tay đầy đủ.'

Nhưng khi nói như thế, bạn gợi lên một sự lựa chọn có vẻ khó tin hơn - rằng con người ở trong nỗi đau không nguôi và đau đớn cùng cực lại không khốn khổ, thậm chí còn hạnh phúc; và bạn phủ nhận rằng điều đó ít nghiêm trọng hơn nhiều - rằng anh ấy hoàn toàn hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu đạo đức có thể giúp cho một người thoát khỏi khổ đau, thì nhiệm vụ làm cho con người hoàn toàn hạnh phúc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vì khoảng cách giữa hạnh phúc và hạnh phúc trọn vẹn dù gì cũng ngắn hơn so với khoảng cách giữa khốn khổ và hạnh phúc. Liệu có hợp lý hay không khi hiện hữu một điều gì đó quyền năng đến mức cướp đi một người khỏi thảm họa, và đặt anh ta vào hạnh phúc, lại vẫn không thể hoàn thành những gì còn sót lại, và khiến anh ta vô cùng hạnh phúc? Có phải quyền năng đó tỏ ra thất bại với điều theo đuổi cao nhất – hạnh phúc trọn vẹn?

Trong cuộc sống có cả những điều thuận lợi và bất lợi - cả hai đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nếu một người tốt, mặc dù bị đè nặng bởi đủ thứ hoàn cảnh bất lợi, vẫn không khổ đau, thì làm gì có chuyện anh ta lại không hạnh phúc trọn vẹn chứ, cho dù anh ta thiếu đi những lợi thế nhất định? Vì anh ta không vì vô vàn hoàn cảnh bất lợi của mình mà vô cùng khổ đau, cho nên anh ta dù không có gì thuận lợi trong đời vẫn có thể chạm đến được hạnh phúc tối thượng; không, anh ta khi không có được lợi thế vẫn sẽ vô cùng hạnh phúc vì anh ta không hề đau khổ mặc dù phải chịu rất nhiều bất lợi. Mặt khác, nếu như anh ta không thể duy trì đức tính tốt đẹp đó, thì hạnh phúc có thể hoàn toàn vụt mất.

Một đoạn ngắn phía trên, tôi nhận xét rằng một ngọn lửa nhỏ không làm cho mặt trời sáng hơn. Vì mặt trời quá sáng, nên bất kỳ ánh sáng nào chiếu sáng ngoài ánh sáng mặt trời cũng đều trở nên mờ nhạt. 'Nhưng' - người ta có thể nói - 'có một số vật thể có thể cản đường ngay cả đó là ánh sáng mặt trời.' Tuy nhiên, mặt trời không bị hư hao gì ngay cả khi ở giữa các chướng ngại vật, và mặc dù một vật thể có thể can thiệp và cắt đứt tầm nhìn của chúng ta, mặt trời vẫn trung thành với công việc của mình và tiếp tục chiếu sáng. Bất cứ khi nào nó cũng tỏa sáng cho dù là ở giữa những đám mây, không nhỏ hơn và cũng không trễ giờ hơn vào những lúc không có mây; bởi vì mặt trời đã trở nên quá khác biệt cho dù có thứ gì đó cản đường ánh sáng của nó hay thứ gì đó cản trở sự tỏa sáng của nó.

Tương tự như vậy, những trở ngại cũng không thể ảnh hưởng đến đạo đức; nó không nhỏ lại, mà chỉ bớt tỏa sáng hơn một chút. Trong mắt chúng ta, nó có lẽ sẽ khó thấy hơn và kém sáng hơn trước; nhưng bản chất của đạo đức vẫn như vậy - giống như mặt trời khi bị che mờ - vẫn thế, mặc dù trong bí mật, đang tỏa sáng chói chang. Do đó, thảm họa, mất mát, và sai trái, chỉ có thể tác động tới đạo đức như đám mây tác động tới mặt trời mà thôi.

Chúng ta gặp gỡ một người kiên quyết rằng một con người khôn ngoan đã gặp bất hạnh về thể xác thì không đau khổ cũng không hạnh phúc. Nhưng người ấy cũng sai vì người đó đang đặt kết quả của sự ngẫu nhiên ngang bằng với các giá trị đạo đức, và cho rằng những thứ đáng kính cũng như những thứ không đáng kính đều mang lại ảnh hưởng như nhau. Nhưng còn có điều gì đáng trách và không hợp lý hơn khi đặt những thứ đáng khinh trong cùng một nhóm với những thứ đáng được tôn kính! Vì sự tôn kính có được là nhờ vào việc thực thi công lý, nghĩa vụ, lòng trung thành, sự dũng cảm và thận trọng; ngược lại, những phẩm cách đó trở nên vô giá trị với những con người vô dụng nhất thường có phước lành khi có được một cơ thể đầy đủ hơn - chẳng hạn như một đôi chân vững chắc,  đôi bờ vai chắc khỏe, hàm răng tốt, cơ bắp khỏe mạnh và rắn chắc.

Một lần nữa, nếu người khôn ngoan có thân thể vốn là một gánh nặng được coi là không đau khổ cũng không hạnh phúc, nhưng sẽ rơi vào trạng thái nửa vời, cuộc sống của anh ta cũng sẽ không như mong muốn hoặc cũng không phải quá ư là bất hạnh. Nhưng có gì là ngu ngốc khi nói rằng cuộc sống của người khôn ngoan đó không như mong muốn? Và những gì vượt quá giới hạn của sự tín ngưỡng khi có ý kiến ​​cho rằng bất kỳ cuộc sống nào cũng không như mong muốn hoặc cũng không lấy làm gì là bất hạnh? Một lần nữa, nếu bệnh tật cơ thể không làm cho một con người đau khổ, thì chúng sẽ cho phép người đó được hạnh phúc. Vì vậy, những thứ không có sức mạnh khiến tình trạng của anh ta tồi tệ hơn cũng không có sức mạnh để làm xáo trộn tình trạng đó khi nó ở mức tốt nhất.

Ai đó sẽ nói 'Nhưng chúng ta biết cái gì lạnh và cái gì nóng; một nhiệt độ ấm ở giữa. Tương tự như vậy, người A thì hạnh phúc, còn người B thì khốn khổ, và người C thì không hạnh phúc cũng không khốn khổ.' Tôi muốn xác minh giả thuyết này, vốn được đưa ra để đùa giỡn chúng ta. Nếu tôi thêm vào chỗ nước ấm của bạn một lượng nước lạnh lớn hơn, kết quả sẽ là nước lạnh. Nhưng nếu tôi đổ vào một lượng nước nóng lớn hơn, nước cuối cùng sẽ trở nên nóng. Tuy nhiên, theo lập luận của bạn, trong trường hợp người đó không khốn khổ cũng không hạnh phúc, cho dù tôi có thêm vào bao nhiêu rắc rối đi nữa, anh ta cũng sẽ không bất hạnh; do đó giả thuyết của bạn không hợp lý.

Một lần nữa, giả sử tôi đặt ra trước bạn một người đàn ông không đau khổ cũng không hạnh phúc. Tôi thêm mù lòa vào những bất hạnh của anh ấy; anh ấy không tỏ ra là bất hạnh. Tôi làm anh ta bị liệt; anh ấy cũng không tỏ ra là bất hạnh. Tôi thêm vào những phiền não khôn nguôi và nghiêm trọng; anh ấy cũng không tỏ ra là bất hạnh. Do đó, một người có cuộc sống không vì tất cả những căn bệnh này mà trở nên đau khổ hơn thì cũng không bị những căn bệnh này ảnh hưởng đến cuộc sống hạnh phúc của người đó.

Tiếp nữa, nếu như bạn nói, người khôn ngoan không thể chuyển từ hạnh phúc sang đau khổ, thì anh ta cũng không thể rơi vào tình trạng không hạnh phúc. Vậy phải làm thế nào nếu một người tinh thần bắt đầu trượt dốc có thể dừng lại ở bất kỳ chỗ nào? Điều đó ngăn cản anh ta rơi xuống đáy vực và cũng giúp anh ta duy trì được trạng thái đỉnh cao. Bạn bày tỏ quan điểm tại sao một cuộc sống hạnh phúc không thể bị phá hủy? Cuộc sống hạnh phúc đó thậm chí còn không bị gián đoạn; và vì lý do đó, tự bản thân đức hạnh đã đủ để tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc.

'Nhưng,' có người nói, 'không phải người khôn ngoan sẽ hạnh phúc nếu anh ta sống lâu hơn và không bị phân tâm bởi nỗi đau, hơn một người luôn bị buộc phải vật lộn với số mệnh xui rủi hay sao?' Trả lời tôi ngay bây giờ - anh ta tốt hơn hay đáng kính hơn? Nếu anh ta không như thế, thì anh ta cũng không hạnh phúc hơn. Để sống hạnh phúc hơn, anh ta phải sống đúng đắn hơn; nếu không thể làm điều đó thì anh ta cũng không thể sống hạnh phúc hơn. Chúng ta không thể nào lạm dụng đức hạnh quá mức, và do đó, một cuộc sống hạnh phúc vốn phụ thuộc vào đức hạnh cũng vậy. Bởi đức hạnh là một điều quá tốt đẹp đến nỗi nó không bị ảnh hưởng bởi những sự tấn công không đáng kể như sự ngắn ngủi của cuộc sống, nỗi đau và những phiền toái đa dạng của cơ thể. Vì lạc thú không xứng đáng với điều đó nên những giá trị đạo đức thậm chí cũng châm biếm nó.

Bây giờ điều chính yếu trong đạo đức là gì? Đó là phẩm chất của việc không cần một ngày nào ngoài hiện tại và không trông cậy vào thời gian mà chúng ta có; trong một khoảnh khắc nhỏ nhất có thể của thời gian, đức hạnh khiến cho một điều tốt đẹp trở thành vĩnh cửu. Những điều tốt đẹp này dường như đáng kinh ngạc đối với ta và siêu việt với bản chất của con người; vì chúng ta đo sự vĩ đại của nó bằng tiêu chuẩn của sự yếu đuối của chính chúng ta, và chúng ta gọi những tật xấu của mình bằng cái tên đạo đức. Hơn nữa, không phải có vẻ rất khó tin khi có bất kỳ người nào đang ở trong sự đau khổ cùng cực mà lại nói: 'Tôi hạnh phúc'? Chưa hết, câu nói này đã được nghe trong chính “nhà máy” của niềm vui, khi Epicurus nói: 'Hôm nay và một ngày khác là hạnh phúc nhất trong tất cả!' mặc dù trong lúc đó anh ta đau khổ dữ dội vì bị siết cổ, và trong trường hợp khác là đau khổ vì dạ dày bị loét không thể chữa được.

Vậy thì tại sao những điều tốt đẹp mà đức hạnh ban tặng đó lại trở nên khó tin theo cách nhìn của chúng ta - những người bồi dưỡng đức hạnh - và khi chúng được tìm thấy ngay cả ở những người thừa nhận niềm vui là tình nhân của họ nữa? Những người này cũng vậy, thờ ơ và có đầu óc như họ, tuyên bố rằng ngay cả trong lúc đau khổ và bất hạnh cùng cực, một người khôn ngoan cũng sẽ không cảm thấy đau khổ hay hạnh phúc gì. Nhưng điều này cũng không thể tin được, - không, còn đáng kinh ngạc hơn trường hợp khác. Vì tôi không hiểu làm sao đức hạnh sụp đổ từ trạng thái đỉnh phong của mình có thể bị đẩy xuống tận đáy. Đạo đức một là giúp cho con người luôn được hạnh phúc, hai là, nếu bị tác động từ vị trí này, cũng sẽ không ngăn được việc chúng ta trở nên bất hạnh. Nếu đạo đức trở nên vững vàng, thì không thể bị tác động khác đi; đạo đức hoặc là phải chinh phục hoặc là bị chinh phục.

Nhưng một số người nói: 'Chỉ có các vị thần bất tử mới được ban cho đức hạnh và cuộc sống hạnh phúc; chúng ta chỉ có thể đạt được cái bóng, như đã từng như thế, và vẻ bề ngoài của những điều tốt đẹp đó. Chúng ta hướng đến họ, nhưng chúng ta không bao giờ đạt được như họ.' Tuy nhiên, lý do nằm ở một thuộc tính chung của cả thần và người; trong các vị thần nó đã được hoàn thiện, còn trong chúng ta nó có khả năng được hoàn thiện.

Nhưng chính những thói hư tật xấu của bản thân đã đưa chúng ta đến chỗ tuyệt vọng; đối với giống loài thứ hai có lý trí, con người - ở một thứ tự thấp hơn - một người bảo vệ từ trước đến giờ đã quá bấp bênh để nhanh chóng bắt kịp những gì tốt nhất, khả năng phán đoán vẫn dao động và không chắc chắn. Con người có thể yêu cầu năng lực về thị giác và thính giác, sức khỏe tốt, một vẻ ngoài cơ thể không ghê tởm, và, bên cạnh đó, thời gian sinh tồn kéo dài hơn đi cùng một cấu tạo nguyên vẹn.

Mặc dù bằng lý trí, con người có thể sống một cuộc đời không để lại sự hối tiếc, nhưng vẫn tồn tại trong sinh vật không hoàn hảo này một sức mạnh nhất định tạo nên những điều xấu dở, bởi vì tâm trí con người dễ bị tác động rồi họ sa đọa. Tuy nhiên, giả sử chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ những mặt xấu dở của nhân loại và trước đây đã từng được khuyến khích phải loại bỏ; con người vẫn chưa phải là một giống loài tốt đẹp, nhưng họ đang được nhào nặn để trở nên hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, người nào mà thiếu đi phẩm chất hướng thiện trong con người của họ, thì tệ đấy.

Nhưng 'Người có đức hạnh thể hiện ở cả thân và tâm' thì không khác gì với các vị thần; để tâm đến nguồn gốc của mình, con người có thể cố gắng để trở về nơi đó. Không có gì sai trái trong việc nỗ lực khôi phục lại trạng thái tối cao trước đây của mình. Và tại sao bạn không tin rằng một cái gì đó thiêng liêng tồn tại trong mỗi người là một phần của Thiên Chúa? Tất cả vũ trụ này bao gồm chúng ta là một, và đó là Thiên Chúa; chúng ta là cộng sự của Thiên Chúa; chúng ta là thành viên của người. Tâm hồn của chúng ta có đầy đủ khả năng và có thể đạt tới nơi Thiên Chúa nếu những thói hư tật xấu không giữ chân ta lại. Giống như bản chất của cơ thể chúng ta là đứng thẳng và nhìn lên trời, tâm hồn của ta cũng vậy - có thể vươn xa hết mức và đã được tạo hóa định hình để vươn đến nơi cuối cùng -, nên mong muốn bình đẳng với các vị thần. Và nếu nó sử dụng sức mạnh của mình để vươn lên và tiến vào cảnh giới thích hợp, thì đó không phải là chặng đường xa lạ mà phải len qua để hướng tới trạng thái tối cao.

Hướng tới thiên đường sẽ là một nhiệm vụ tuyệt vời; linh hồn sẽ trở về nơi đó. Một khi đã tìm thấy con đường, nó mạnh dạn tiến bước, bất chấp mọi thứ. Không còn cái nhìn lạc hậu về sự giàu có; vàng và bạc - những thứ hoàn toàn xứng đáng với sự ảm đạm mà chúng từng nằm trong đó - có giá trị không phải bởi ánh sáng làm mờ mắt những kẻ ngu dốt, mà bởi vũng bùn của thời cổ đại, từ đó lòng tham đã khiến con người bắt đầu khai thác chúng. Linh hồn, tôi khẳng định, biết được sự giàu có được cất giữ ở nơi khác nằm ngoài những ngôi nhà chất đầy kho báu của con người; và biết được rằng linh hồn không phải là một chiếc két sắt cần được lấp đầy.

Nhờ vào linh hồn mà con người có thể thống trị tất cả mọi thứ, và có thể làm chúa tể của vũ trụ, để giới hạn sự giàu có của mình chỉ bằng ranh giới của Phương Đông và Phương Tây, và, giống như các vị thần, có thể sở hữu tất cả mọi thứ; và nó có thể, với nguồn lực khổng lồ của riêng mình, nhìn chung những người giàu có, không ai trong số họ vui mừng với sự giàu có của chính mình khi người đó đố kỵ sự giàu có của người khác.

Khi linh hồn đã đạt đến trạng thái tối cao này, nó cũng vẫn quan tâm đến cơ thể, vì đó là một gánh nặng, không phải là một thứ để yêu chiều mà là một thứ cần khống chế; linh hồn cũng không phụ thuộc vào cơ thể mà nó được thiết lập để làm chủ. Bởi vì không có một người nào là tự do cả khi còn là nô lệ cho cơ thể của mình. Thật vậy, bỏ qua tất cả các khía cạnh khác của việc chăm sóc cơ thể quá mức, bản thân thế lực mà cơ thể cung phụng rất là khó tính và hay “kén cá chọn canh”.

Từ phía trong thân xác này, bây giờ linh hồn thoát ra với tinh thần điềm tĩnh, với sự hân hoan, và một khi nó đã thoát ra, không cần hỏi điều gì sẽ là kết thúc của ngày hiu quạnh. Không; cũng giống như việc chúng ta không nghĩ đến chuyện cắt tóc và cạo râu, ngay cả linh hồn thiêng liêng đó cũng như vậy, khi nó sắp xuất ra từ bên trong người phàm trần, thì vật chứa nơi trần thế của nó - hoặc là bị lửa thiêu rụi, hoặc bị giam nhốt bởi một hòn đá, hoặc bị chôn vùi trong lòng đất, hoặc bị những con thú hoang cắn xé. Vì khi đó không cần quan tâm nhiều đến vật chứa nữa giống như đứa trẻ đã được sinh ra thì không cần để ý đến nhau thai. Và dù cơ thể này có bị những con chim gặm nhấm và xé thành từng mảnh, hay bị nuốt chửng khi bị 'ném làm mồi cho những con hải cẩu', cũng có liên quan gì đến linh hồn vô ngã đâu?

Ngay cả khi nó ở giữa những người còn sống, linh hồn cũng không sợ bất cứ điều gì có thể xảy ra với cơ thể sau khi chết; mặc dù những điều như thế có thể là mối đe dọa, nhưng chúng không đủ để làm linh hồn kinh hoàng trước thời khắc từ giã cõi đời. Nó nói: 'Tôi không sợ hãi bởi cái móc của tên đao phủ, hay bởi cảnh xác thân bị cắt xẻo đáng kinh tởm rồi đem phơi bày trước sự khinh bỉ của những người sẽ chứng kiến​. Tôi không yêu cầu mọi người phải thực hiện các nghi thức cuối cùng cho tôi; tôi giao phó tàn dư của mình cho hư không. Thiên nhiên đã chuẩn bị đầy đủ để không một ai qua đời mà không được chôn thây. Thời gian sẽ chôn cất một kẻ mà sự tàn ác đã từ bỏ người đó.' Đó là những lời hùng hồn mà Maecenas đã thốt ra: 'Tôi chẳng muốn ngôi mộ nào cả; hãy để thiên nhiên lo liệu / chôn cất những thể xác bị ruồng bỏ.' Ắt là bạn sẽ tưởng tượng rằng đây là câu nói của một con người có nguyên tắc nghiêm ngặt. Anh ta thực sự là một con người cao quý và mạnh mẽ, nhưng trong sự thịnh vượng, anh ta đã hủy hoại bản thân bởi sự giải đãi. Từ biệt.

Lucius Annaeus Seneca ('Seneca the Younger') là một chính khách, nhà viết kịch và triết gia người La Mã. “Những lá thư đạo đức gửi Lucilius” (sống vào năm 64 sau Công Nguyên), bao gồm 124 bài tiểu luận được viết trong những năm cuối đời, vẫn là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông và là một tài liệu tham khảo của trường phái Khắc kỷ được đọc rộng rãi.

 

Nguồn dịch: http://openedu.vn/Kho-tri-thuc/Ban-ve-cuoc-song-hanh-phuc

Nguồn: https://aeon.co/classics/massimo-pigliucci-on-senecas-stoic-philosophy-of-happiness

menu
menu