Bạo hành bắt đầu như thế nào – Giải mã tâm lý kẻ bạo hành
Sự mở đầu vô cùng hạnh phúc là một phần của hầu hết các mối quan hệ bạo hành.
“Vườn Địa đàng”—đó là thứ tôi dùng để nói về sự khởi đầu một mối quan hệ với kẻ bạo hành.
Sự mở đầu vô cùng hạnh phúc là một phần của hầu hết các mối quan hệ bạo hành. Làm sao một kẻ bạo hành lại có người yêu hắn được? Phụ nữ đâu có ngu ngốc. Nếu bạn có buổi hẹn hò đầu tiên trong một nhà hàng và sau khi dùng món tráng miệng xong, người đàn ông gọi bạn là một “con khốn ích kỷ” và ném bay ly nước của bạn vào góc phòng, bạn sẽ không đời nào nói: “Này, tuần tới anh có rảnh không?” Cần phải có mồi câu. Rất ít phụ nữ tự ghét bản thân tới nỗi họ sẽ dính vào một người đàn ông tồi tệ ngay từ lúc đầu—mặc dù về sau họ có thể cảm thấy kinh khủng về bản thân, bởi vì kẻ bạo hành có thời gian để từ từ từng bước hủy hoại hình ảnh bản thân của họ.
Lúc đầu anh ta quá tốt đẹp, có phải là anh ta đang lên kế hoạch bạo hành người yêu sau này không?
Một trong những câu hỏi về bạo hành mà tôi thường xuyên được hỏi nhất đó là: Khi một người đàn ông tỏ ra quyến rũ lúc khởi đầu một mối quan hệ, có phải anh ta đã suy tính đến việc bạo hành người phụ nữ? Tất cả đã được anh ta lên kế hoạch hết? Có phải anh ta cố tình cài bẫy đối phương yêu anh để sau này anh ta có thể đối xử tàn nhẫn với cô? Câu trả lời thường là không. Kẻ bạo hành thường không tưởng tượng đến chuyện anh ta sẽ quát mắng, hạ nhục hoặc ném đồ đạc vào người cô. Khi phải lòng cô, anh ta cũng mơ về một tương lai cuộc sống đôi lứa hạnh phúc giống cô.
Vậy nếu anh ta không lập mưu để gây tổn thương cho cô thì điều gì đang diễn ra trong tâm trí anh ta? Đầu tiên, anh ta sẽ chăm chú nhìn hình ảnh mà anh ta nắm giữ về tương lai mà ở đó người phụ nữ sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh ta, xinh đẹp và gợi cảm bất cứ lúc nào, cả ngày và đêm. Cô ấy không có các nhu cầu cho bản thân, và luôn ngưỡng mộ trước sự quyến rũ và trí tuệ của anh ta. Anh ta khao khát một phụ nữ sẽ phục vụ anh ta mà không bao giờ ca thán về bất kì việc gì anh ta làm hoặc để cho những thất vọng và bất hạnh về cuộc đời cô làm một ngày của anh ta bị u ám.
Người đàn ông bạo hành không để lộ những huyễn tưởng ích kỷ của anh ta với người yêu mới. Trên thực tế, anh ta gần như không biết về chúng. Vì vậy, cô không cách nào biết được anh ta đang tìm kiếm một người chăm sóc bản thân hơn là người yêu. Kẻ bạo hành có xu hướng sử dụng những lời nói chung chung trong suốt giai đoạn hẹn hò:
“Chúng ta thực sự là đôi lứa xứng đôi.”
“Anh muốn ở bên em mọi lúc.”
“Anh thực lòng muốn ở bên em những khi em cần.”
“Em có thể dừng làm thêm để hoàn thành việc học, và anh sẽ nuôi em.”
“Anh sẽ giúp em học để qua được bài kiểm tra trợ lý y khoa, rồi em sẽ được thăng tiến.”
Anh ta thực sự tin vào những lời hứa hẹn của mình, vì anh ta muốn xem bản thân như một người tình hào phóng và chu đáo, không lợi dụng hay thiếu tôn trọng phụ nữ. Sau này khi anh ta bắt đầu kiểm soát cô và lợi dụng cô, anh ta sẽ tìm cách tự thuyết phục mình rằng chuyện đó không xảy ra hoặc đấy là lỗi ở cô. Bạo hành không phải là mục tiêu của anh ta, mà mục đích của anh ta là sự kiểm soát. Anh ta bạo hành để có được sự kiểm soát mà anh ta nghĩ nó thuộc về mình.
Mặt khác, một số khách hàng của tôi cố tình thao túng người yêu ngay từ đầu. Một người đàn ông kiểu này nở nụ cười ẩn ý, cho rằng mọi gã đàn ông đều dùng những thủ đoạn giống nhau, và nói, “Tất nhiên bạn phải quyến rũ phụ nữ và lắng nghe họ nói lảm nhảm, họ thích thể. Anh trò chuyện vui vẻ, anh mời họ khiêu vũ. Anh biết trước giờ đã như thế mà.” Nhưng ngay cả người đàn ông này nhìn chung cũng không toan tính sẽ bạo hành phụ nữ sau này. Anh ta tạo ra kiểu quan hệ theo ý anh ta, thông qua sự quyến rũ và thiếu trung thực và mong đợi tiếp tục duy trì như vậy để có lợi cho bản thân. Đối với kẻ bạo hành kiểu này, sự thao túng làm anh ta cảm thấy thỏa mãn và gọn gàng, trong khi dùng lời lẽ hạ thấp giá trị và hăm dọa đánh đập thì không. Khi anh ta bắt đầu chà đạp cô hoặc đe dọa cô sau này, anh ta sẽ đổ lỗi cho cô, có thể cho rằng cô ấy là một “con khốn” vì đã không cho phép anh ta nói dối và thao túng theo cách của anh ta. Và anh ta không xem sự thao túng là một dạng bạo hành.
Kẻ bạo hành không phải là một con quái vật, cũng chẳng phải là nạn nhân
Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu hai khái niệm quan trọng nhất liên quan đến người bạo hành. Đầu tiên:
Một kẻ bạo hành là một con người chứ không phải là quái vật độc ác, nhưng anh ta có một vấn đề mang tính tiêu cực, hủy hoại và phức tạp sâu sắc, mà chúng ta không nên coi nhẹ.
Quan điểm thông thường cho rằng đàn ông bạo hành là ác quỷ, mưu tính, vũ phu, có thể khiến phụ nữ khó mà nhận ra vấn đề ở nửa kia. Cô ấy có xu hướng nghĩ rằng: Chồng tôi thực sự biết lo cho tôi và anh ấy cũng có điểm tốt. Anh ấy cũng có tình cảm chứ không phải là một kẻ hung ác. Anh ấy không thể là kẻ bạo hành được. Cô không nhận ra một điều, anh ta có thể có mọi phẩm chất tích cực trên, mà vẫn là kẻ bạo hành.
Ở đầu kia của quang phổ, chúng ta thấy một quan điểm phổ biến không kém và dễ gây hiểu lầm về những kẻ bạo hành: kẻ bạo hành là một người đàn ông có tâm tính hiền lành chỉ bị che giấu dưới vẻ bên ngoài bạo hành của anh ta và có thể chuyển hóa anh ta bằng tình yêu, lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu. Vào một buổi sáng, anh ta sẽ thức dậy và nhận ra anh ta từng bị tổn thương nhiều biết nhường nào và sẽ từ bỏ sự tàn nhẫn của mình, đặc biệt nếu anh ta có được tình yêu của một người phụ nữ tử tế. Cách nhìn này được mô tả và ủng hộ trong các bài hát, bộ phim, tiểu thuyết lãng mạn và những vở kịch truyền hình nổi tiếng. Thực tế đau lòng là việc thay đổi kẻ bạo hành là vô cùng khó. Một người đàn ông bạo hành phải chôn vùi lòng trắc ẩn của ta xuống một cái hố sâu để thoát khỏi sự ác cảm sâu sắc mà loài người có khi nhìn thấy khổ đau ở người khác. Anh ta phải tuân thủ chặt chẽ các lý do và sự hợp lý hóa của anh ta, phát triển một khả năng tách biệt bản thân khỏi nỗi đau do anh ta gây ra, và học cách thưởng thức quyền lực và sự kiểm soát đối với người bạn đời của anh ta. Mong đợi một cấu trúc tâm lý phức tạp như vậy, phải mất 15 đến 20 năm mới hình thành nên, biến mất như hơi nước, là thiếu thực tế. Nhưng phụ nữ thường bị bạn bè, gia đình hoặc các chuyên gia gây áp lực “hãy cho anh ấy thêm một cơ hội để thay đổi” và “có thêm chút niềm tin vào con người.”
Hiểu biết quan trọng thứ hai là:
Kẻ bạo hành ý thức được hành vi của anh ta – anh ta cố tình hành động chứ không phải bị mất kiểm soát bản thân hay do vô tình – nhưng lối suy nghĩ bên dưới điều khiến hành vi của anh ta phần lớn là vô thức.
Một kẻ bạo hành học được hành vi thao túng và kiểm soát từ nhiều nguồn, bao gồm những hình mẫu đàn ông lý tưởng, bạn bè đồng trang lứa, và những thông điệp văn hóa phổ biến (xem chương 13). Khi đến tuổi trưởng thành, anh ta đã tích hợp hành vi thao túng đến một mức độ sâu sắc làm hành động của anh ta phần lớn diễn ra theo cách tự động hóa. Anh ta biết mình đang làm gì nhưng không nhất thiết hiểu được tại sao. Hãy xem cuộc gọi sau đây mà tôi nhận được từ Kelsea, vợ của một khách hàng của tôi:
Lance muốn tôi đi trượt tuyết với anh ấy vào cuối tuần này, nhưng tôi không muốn đi vì tôi đã có một tuần làm việc đến kiệt sức và chỉ muốn dành thời gian bên bạn bè. Khi tôi từ chối, anh ta đã chỉ trích tôi. Anh ta nói lý do tại sao tôi không bao giờ trở thành một vận động viên trượt tuyết giỏi là vì tôi không gắn bó với nó, tôi không muốn cho nó một cơ hội để luyện tập, rằng tôi là đồ lười biếng và đấy là lý do tại sao tôi chẳng giỏi được bất cứ việc gì, và vân vân. Tôi thấy thật kinh khủng…Nhưng ông biết ông, tôi lại cho rằng theo một cách nào đó, anh ta nói đúng—có lẽ tôi nên kỷ luật bản thân nhiều hơn để học trượt tuyệt. Những lời khinh miệt của Lance bắt nguồn từ đâu? Có phải anh ta thực sự lo lắng rằng Kelsea đang ngừng tiến bộ? Không. Một người đàn ông sẽ không chà đạp lên lòng tự trọng của bạn gái anh ta bởi vì mong muốn giúp đỡ cô ấy. Vấn đề thực sự liên quan đến những gì Lance muốn cho chính anh ta: Anh ta cần Kelsea đi cùng anh vào cuối tuần vì anh ta không thích đi trượt tuyết một mình. Anh ta bực bội với sự lựa chọn của cô ấy, biến mối quan hệ bạn bè thành trung tâm trong cuộc đời cô—một chủ đề phổ biến với người đàn ông bạo hành—và tin rằng trách nhiệm của cô ta là phải luôn kè kè bên cạnh anh ta và tập trung vào anh ta. Anh ta đang nện xuống cô mọi lời lẽ khinh thường, hạ nhục mà anh ta nghĩ ra được để bắt nạt cô, và có chút thành công khi làm cô ấy trở nên hoài nghi về bản thân. Khi một số thành viên của nhóm dành cho người bạo hành thách thức anh ta về những hành vi của anh vào buổi tiếp theo, những động cơ và thái độ thực sự của anh trở nên sáng tỏ; phần lớn công việc của tôi với tư cách là một nhà tham vấn bao gồm việc giúp những người đàn ông bạo hành trở nên ý thức và đối diện với những lý do đích thực cho hành vi mà họ lựa chọn.
Trích từ cuốn sách “Tại sao anh ta làm thế - Giải mã tâm lý kẻ bạo hành” -- Lundy Bancroft
Link đặt sách: https://shope.ee/6KccFZjpeT