Bí kíp đối phó với những câu hỏi tọc mạch

bi-kip-doi-pho-voi-nhung-cau-hoi-toc-mach

Các câu hỏi tò mò sẽ chẳng khi nào dừng lại, có khi còn sinh sôi với cấp số nhân. Bí quyết quan trọng nhất mà bà học được, chính là hãy có khiếu hài hước về chuyện đó. Và cũng đừng quên, ta không nợ ai câu trả lời nào, nếu không muốn.

Ở tình cảnh phải nghe những câu hỏi thừa tò mò thiếu duyên dáng dưới vỏ bọc của sự quan tâm, một số "thần chú" do chuyên gia tâm lý mách nước không giúp ta thoát khỏi hội thoại như có phép màu, nhưng sẽ làm bối cảnh nhẹ nhàng đi nhiều chút. Nói theo ngôn ngữ bây giờ là "thoát pressing thành công".

Trong bữa giỗ chạp tề tựu họ hàng, một người bà con hỏi "con bé cũng lớn rồi, có định đẻ đứa nữa cho có chị có em không chớ để nó thui thủi một mình hoài vậy?". Nếu câu trả lời là không, câu hỏi nối đuôi thường là "chắc nó lẻ loi buồn lắm ha?". 

Thậm chí, như thể chưa đủ tính sát thương với người nghe, sẽ có người bồi thêm "mai mốt vợ chồng em không còn nữa, và con bé không lập gia đình thì nương tựa vào ai?". Người nghe trong trường hợp này dễ có cảm giác bị phán xét, loay hoay với suy nghĩ rằng mình đang làm tổn hại con gái mình, hay bản thân chưa đủ thấu đáo.

Sẽ đến một lúc ta rơi vào những câu hỏi tọc mạch gây nản lòng hết sức như: Sao giờ mà còn chưa có người yêu? Chừng nào mới chịu có con cho ông bà ẵm bồng? Vẫn chưa tìm được việc làm nữa à? Tuổi này mà còn làm việc vất vả thế, phải nghỉ hưu an dưỡng tuổi già rồi chứ? Nghe nhiều đến mức bội thực, chỉ muốn trốn biệt cho rồi. Đau lòng hơn cả là chúng đến từ bạn bè và gia đình, những người không phải lúc nào cũng hiểu ta như họ nghĩ.

Cứ tưởng dân tây trọng tự do cá nhân, ít hỏi chuyện đời tư, ai ngờ những câu hỏi chõ mũi vào chuyện người khác cũng phổ biến, đến nỗi các chuyên gia tâm lý phải dày công nghiên cứu, tìm cách giúp khổ chủ vượt qua 1.001 câu hỏi tại sao.

Ảnh: Launchnote

Theo Scott Shigeoka - chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm khoa học Greater Good thuộc Đại học California, Berkeley, những câu hỏi kiểu trên thực chất là cách người hỏi muốn bày tỏ quan điểm của họ.

Shigeoka được biết đến là "chuyên gia nghiên cứu tò mò", sau khi xuất bản quyển Seek: How Curiosity Can Transform Your Life and Change the World (tạm dịch: Sự tò mò chuyển hóa cuộc sống của bạn và thay đổi thế giới ra sao) cuối năm ngoái. Theo ông, các câu hỏi chuyện cá nhân có thể xuất phát từ hai kiểu tò mò: tò mò đích thực ("Tôi thật sự muốn hiểu bạn"), và tò mò lợi dụng ("Tôi muốn thay đổi bạn"). Người thuộc kiểu thứ hai không hỏi để biết, mà có "âm mưu" sẵn, đợi ta trả lời để chớp cơ hội thể hiện suy nghĩ cá nhân về vấn đề đó.

Nạn nhân của kẻ tò mò tọc mạch rõ là rơi vào thế im thì tổn thương mà phản ứng sương sương thì mang danh đanh đá. Trong bản tin định kỳ về sức khỏe hồi hạ tuần tháng 7, tờ The New York Times bày cho độc giả cách "dập" ngay những kiểu tò mò lợi dụng đó từ sớm.

Theo "thần chú" của Adia Gooden - nhà tâm lý học lâm sàng ở Chicago, điều đầu tiên và quan trọng là hãy dành thời gian lắng nghe bản thân xem có thật sự muốn trả lời câu hỏi đó không. 

"Nhiều khi chuẩn mực xã hội cho rằng lịch sự là được hỏi thì phải trả lời. Nhưng quyền của ta là chọn người để nói và điều muốn chia sẻ, vì các câu trả lời thường chứa đựng sự riêng tư trong đó" - bà phân tích. 

Vậy nên, lỡ gặp trúng những câu hỏi tọc mạch phiền nhiễu thì cứ tự nhủ bản thân rằng "ta chẳng nợ ai câu trả lời nào cả", kèm theo nụ cười tự tin tỏa sáng "cảm ơn đã quan tâm nha, tôi cảm động quá chừng, tôi vẫn ổn lắm".

Nếu làm vậy rồi mà vẫn không xong, giọng điệu bình tĩnh, trung lập mà bảo "tôi không thích nói chuyện đó cho lắm" có thể sẽ hiệu nghiệm. Theo Karthik Gunnia - phó giáo sư lâm sàng về tâm lý học ứng dụng tại Đại học New York, cách phản bác trên dùng được trong nhiều bối cảnh khác nhau, dựng lên hàng rào đối với người hỏi mà không làm họ thấy sượng sùng. 

Gunnia nói thêm, nếu không nỡ áp dụng kế cuối cùng, tẩu vi thượng sách, có thể từ chối chủ đề rồi lái sang chuyện khác, như "À chuyện đó nói sau đi, có chuyện này vui hơn mới xảy ra tức thì, để kể cho nghe".

Niro Feliciano, nhà trị liệu tâm lý kiêm tác giả sách This Book Won't Make You Happy: Eight Keys to Finding True Contentment (Cuốn sách này sẽ không giúp bạn hạnh phúc: Tám chìa khóa tìm kiếm sự hài lòng), khuyến khích hít một hơi thật sâu rồi thở ra lâu hơn để bớt căng thẳng và bực bội khi người hỏi vô duyên mà tưởng mình hài hước.

Bà Feliciano nhấn mạnh nếu đã chọn trả lời thì nên ngắn gọn, và tránh "đối đầu" ngay tại thời điểm đó, nhất là lúc đang ở một cuộc tụ tập: "Bạn không nên trao cho đối phương quyền làm mình khó chịu trong suốt thời gian còn lại của cuộc gặp. Thay vào đó, ta có thể thỏ thẻ hay vui vẻ đáp: chuyện đó quan trọng lắm, để bữa nào rảnh a lô hay cà phê kể nghe. Nếu họ thật tình quan tâm vấn đề của bạn, họ sẽ tìm cách sắp xếp cho cái "bữa nào" đó".

Feliciano, một người Mỹ gốc Sri Lanka, đã dành cả đời để đối phó với các câu hỏi tọc mạch từ gia đình ("Các bà các mẹ Nam Á thì thôi rồi"): Chưa kết hôn thì bị hỏi khi nào, đám cưới xong thì hỏi chừng nào sinh con, đẻ tới đứa thứ tư, người ta vẫn nghĩ ra câu hỏi mới: "Thế chừng nào mày định thôi sản xuất em bé?".

Theo Feliciano, các câu hỏi tò mò sẽ chẳng khi nào dừng lại, có khi còn sinh sôi với cấp số nhân. Bí quyết quan trọng nhất mà bà học được, chính là hãy có khiếu hài hước về chuyện đó. Và cũng đừng quên, ta không nợ ai câu trả lời nào, nếu không muốn.

KHÁNH NGUYÊN dịch

Theo Tuổi trẻ cuối tuần

menu
menu