Bí mật của buồn chán
Buồn chán (boredom) là một dấu hiệu cảnh báo, và đây là những gì nó nói với bạn.
MỘT THÍ NGHIỆM CÓ Ý NGHĨA
Buồn chán là cách não cảnh báo chúng ta mọi thứ đang không suôn sẻ như ý muốn và hãy làm điều gì đó có ý nghĩa hơn.
Trong một thí nghiệm mới đây, những người tham dự được yêu cầu ngồi yên lặng 15 phút trong một căn phòng không có gì khác ngoài những suy nghĩ của riêng họ. Họ cũng được tùy chọn nhấn nút và tự gây sốc điện (electric shock) nếu muốn. Điều thú vị là nhiều người thà chấp nhận bị sốc cơ thể (dù hơi sợ) còn hơn là chịu đựng cảm giác khó chịu của sự buồn chán.
Trong số 42 người tham gia, gần một nửa chọn nhấn nút sốc điện ít nhất một lần, dù trước đó họ từng thề thà trả tiền còn hơn là bị điện giật sau khi đã gặp một lần trong đời.
Buồn chán là một cảm giác đáng sợ phổ biến. Chán có nghĩa là bạn muốn tham gia vào điều gì đó nhưng không thể. Lúc đó bộ não của chúng ta yêu cầu chúng ta phải hành động, giống như cơn đau là một tín hiệu quan trọng cho sự nguy hiểm hoặc tổn hại cần có giải pháp thích đáng. Buồn chán cũng là cách bộ não cảnh báo chúng ta rằng mọi thứ không diễn ra tốt đẹp. Các nhà khoa học nghiên cứu cảm xúc lưu ý rằng mỗi giai đoạn buồn chán đều là cơ hội để tạo ra sự thay đổi tích cực thay vì chỉ phản ứng đơn thuần để tìm kiếm lối thoát nhanh nhất, dễ nhất. Nhưng chúng ta cần chú ý đến nó và hành động kịp thời.
Bà Erin Westgate, nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Florida chuyên nghiên cứu về buồn chán và là đồng tác giả của thí nghiệm sốc điện cho biết: “Buồn chán là một tín hiệu trên bảng điều khiển cảm xúc báo hiệu tất cả những gì chúng ta đang làm đều vô nghĩa đối với bản thân hoặc chúng ta không thể thực hiện thành công chúng. Buồn chán thực sự là một dấu hiệu cảnh báo cần thiết”.
NỘI DUNG THÍ NGHIỆM
Trong một nghiên cứu năm 2021, Westgate và các đồng nghiệp nhận thấy sự buồn chán khiến người tham gia thí nghiệm có những hành vi tàn bạo hơn. Ví dụ họ cảm thấy buồn chán khi xem một đoạn video dài 20 phút xàm xí đến nỗi có thể sẵn sàng làm một việc gì đó mà họ chưa bao giờ nghĩ đến trước đây: Ví dụ xé nát những con giòi Toto, Tifi và Kiki (tên do nhóm nghiên cứu đặt) trong máy xay cà phê.
Trong số 67 người được cho xem đoạn video xàm xí, 12 người (18%) đã thả một con giòi vào máy xay cà phê. Để so sánh, trong một nhóm khác 62 người được cho xem một bộ phim tài liệu thú vị, chỉ có một đối tượng cố gắng xé nhỏ một con giòi (chiếc máy xay giòi là giả và không có con giòi nào thực sự bị hại). CÁC THÍ NGHIỆM KHÁC ĐÃ CHỈ RA MỐI LIÊN HỆ GIỮA SỰ BUỒN CHÁN VÀ CÁC LOẠI HÀNH VI XẤU KHÁC, TỪ TRÒ ĐÙA TRÊN MẠNG, BẮT NẠT TRONG LỚP HỌC ĐẾN XÂM HẠI BẰNG LỜI NÓI VÀ THỂ CHẤT GIỮA CÁC BINH LÍNH VỚI NHAU.
Tin tốt là sự buồn chán không phải lúc nào cũng khiến chúng ta trở nên uể oải mà chỉ kêu gọi chúng ta hành động, dù là tích cực hay tiêu cực. Khi có những lựa chọn thay thế tốt hơn, sự buồn chán cũng có thể khiến chúng ta làm những việc tốt.
Trong một nhóm thí nghiệm khác với gần 2,000 người tham gia, nhóm nghiên cứu của Westgate đã yêu cầu các đối tượng xem một đoạn video dài 5 phút về nhạc rock hoặc video thú vị hơn. Mọi người trong nghiên cứu đều có quyền lựa chọn giảm lương của những người tham gia khác và không thủ lợi cho bản thân. Kết quả: Trong lúc buồn chán, những người xem nhạc rock có nhiều khả năng cắt giảm lương của người khác hơn những người xem video thú vị.
Nhưng khi những người buồn chán được cho hai lựa chọn, cắt hoặc tăng lương của người khác, thì phần lớn mọi người quyết định tăng lương hơn là cắt lương. Rõ ràng, khi nhàm chán người ta vẫn bị thúc đẩy làm một điều mới lạ hơn là điều xấu.
Tóm lại, nếu bạn rơi vào buồn chán vì không đọc được một cuốn sách mình thích hoặc được hưởng một sở thích mình muốn, bạn dễ có xu hướng làm thứ đó tích cực hơn tự gây sốc điện và giết ấu trùng.
SỰ BUỒN CHÁN NẰM TRONG NÃO
Buồn chán là một trải nghiệm khác với sự nhàn rỗi vì thời gian chết hoặc thư giãn (relaxation). Buồn chán có nghĩa là bạn muốn làm gì đó nhưng không thể, nên có cảm giác không thoải mái.
James Danckert, nhà khoa học thần kinh nhận thức tại Đại học Waterloo và các đồng nghiệp đã cho 10 người trưởng thành ngồi vào máy quét não fMRI để đo hoạt động não khi họ đang xem đoạn trích phim tài liệu về thiên nhiên của kênh Planet Earth nói về hai người đàn ông treo quần áo hoặc một hình ảnh tĩnh.
Yên lặng bên trong máy fMRI hoặc xem video giặt giũ nhàm chán, cả hai đều tự kích hoạt mạng chế độ mặc định của não (default mode network, một chùm các vùng não hoạt động trong quá trình suy nghĩ nội tại), giống như khi tâm trí đang lang thang. Đoạn video nhàm chán cũng đóng cửa “anterior insular cortex”, một vùng não có nhiệm vụ báo hiệu điều gì đó quan trọng đang xảy ra ở thế giới bên ngoài.
Thí nghiệm đã rút ra điều gì? Qua quá trình quét fMRI, bộ não buồn chán trông rất giống bộ não không hạnh phúc, buông bỏ. Danckert, đồng tác giả của “Out of My Skull: The Psychology of Boredom, đặt câu hỏi: “Thật là tệ khi chúng ta cảm thấy buồn chán. Nhưng làm thế nào để phục hồi tâm trạng khi buồn chán?”.
Chúng ta có thể cảm thấy buồn chán ở nơi làm việc hoặc ở trường học, những môi trường chúng ta có ít khả năng tự chủ hơn và ít lựa chọn hơn để tác động đến nó. Trong một cuộc khảo sát gần 4,000 người Mỹ trưởng thành, 63% thú nhận họ cảm thấy buồn chán ít nhất một lần trong 10 ngày qua. Cái khó của sự buồn chán là trong khi nó cho chúng ta biết có điều gì đó không ổn, nó lại không cho chúng ta biết phải làm gì để giải quyết vấn đề.
Tìm ra cách lành mạnh để vượt qua sự buồn chán hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng và sự thông minh của mỗi người. Thường khi cảm giác buồn chán ập đến, chúng ta sẽ phản ứng theo phản xạ bằng cách nắm lấy thứ gần tầm tay nhất: Điện thoại thông minh. “Nhưng phản ứng này có thể tạo ra vòng luẩn quẩn – Danckert nói – Thời gian trên điện thoại không giải quyết được gì cả và buồn chán sẽ sớm quay về. Vì vậy, thay vì phản ứng vội vã với buồn chán, bạn hãy cố gắng chú ý hơn đến tín hiệu mà nó gửi cho bạn. Hãy tận dụng chán nản như cơ hội để ‘cài đặt’ lại, suy ngẫm hoặc sắp xếp lại các ưu tiên”.
Westgate kết luận: “Theo tôi, để buồn chán dẫn đến một hậu quả tệ hại là không cần thiết. Buồn chán liên quan đến rất nhiều điều chúng ta mong muốn nhưng không làm được, chẳng hạn như có một cuộc sống giàu sang, đầy đủ, thú vị và ý nghĩa. Hãy nhìn buồn chán như một tín hiệu hữu ích, dù là tín hiệu không mong muốn”.
Hình minh hoạ: niklas-hamann-unsplash
Tác giả: Lương Thái Sỹ