Bỏ đi thói làm hài lòng người khác

bo-di-thoi-lam-hai-long-nguoi-khac

Sẽ mất một thời gian để ta nhận ra rằng mình không chỉ là người lịch sự và tử tế; mà còn là người luôn điên cuồng cố gắng làm vừa lòng người khác,

Sẽ mất một thời gian để ta nhận ra rằng mình không chỉ là người lịch sự và tử tế; mà còn là người luôn điên cuồng cố gắng làm vừa lòng người khác, bất chấp việc hy sinh hạnh phúc của bản thân – ta là những kẻ bẩm sinh luôn làm hài lòng người khác.

Trẻ nhỏ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng xoa dịu những người quanh mình, ngay cả khi họ bị khước từ. Chúng thường đổ lỗi cho mình về cách mà người lớn đối xử với mình, sáng tạo ra đủ lý do biện minh cho những người mà chúng cần nhất. Những đứa trẻ này sẽ tự nhủ rằng, bạo lực mà chúng chịu đựng không chỉ đơn thuần là bạo lực: đó là cách người lớn thể hiện sức mạnh, là sự đau khổ họ không kiểm soát được, là do kết quả học tập của chúng chưa đủ tốt. Sự lạnh nhạt cũng không hoàn toàn là hờ hững: nó chỉ là một kiểu nghiêm khắc theo cách xưa cũ, được cho là nhằm dạy sự độc lập và bản lĩnh.

Photo by Alexey Demidov on Unsplash

Chúng ta có thể vùi đầu vào công việc ở trường rồi sau này là công việc nơi công sở, chỉ mong nhận được sự chú ý từ những “bậc phụ huynh” dường như không bận tâm rằng ta có tồn tại. Ta dốc lòng cho những bài tập, bài kiểm tra, dự án, không chỉ để đạt điểm cao mà còn để trở thành đứa con và người có giá trị, xứng đáng với sự yêu thương. Đôi khi, ta được gán nhãn là “kẻ cầu toàn” hay “người thành đạt”, nhưng sự thật là ta chỉ là những người “khao khát yêu thương” đang cố gắng để tìm thấy sự chấp nhận của chính mình.

Chúng ta cần đối diện với một sự thật vừa buồn bã vừa giải thoát: những ai cần con mình phải làm họ tự hào thì thực chất không đáng để ta cố làm hài lòng. Ta có thể ngỡ rằng chỉ cần cố gắng thêm chút nữa, họ sẽ chú ý, nhưng thay vào đó, ta sẽ khôn ngoan hơn khi chấp nhận sự thật: ta sẽ không bao giờ thay đổi được những người vốn không thấy giá trị của ta. Một người cha mẹ thực sự thương con không cần con phải "trình diễn" để được chú ý; họ có thể vui khi con thành công, tự hào khi con đạt thành tích, nhưng không bao giờ biến điều đó thành điều kiện để thương yêu. Điều đó thuộc về những rối loạn tâm lý, chứ không phải là điều nên theo đuổi.

Những ai luôn sống để làm hài lòng người khác cần học một kỹ năng ít ai nói đến: nghệ thuật từ bỏ những người không xứng đáng. Thay vì mãi tin rằng ta phải có lỗi gì đó mới khiến người lớn cau có, ta nên nhận ra rằng mình đã lớn lên trong vòng tay của những người có vấn đề nặng nề về tâm lý. Thay vì sống đời tự trách, hãy tự hỏi: điều gì khiến họ có những đòi hỏi quá đáng và kỳ lạ đến vậy?

Ta nên ngừng trông đợi rằng mình sẽ được đối xử tốt, giống như chú cún nhỏ cứ mãi ngóng chờ chủ nhân đưa đi chơi công viên. Ta đã chờ những phần thưởng đó quá lâu, và giờ đây đã đến lúc phải buông tay những người luôn nắm giữ trái tim ta chỉ bằng cách không trao cho ta những điều lẽ ra thuộc về ta từ lâu.

Không cần phải tìm kiếm lỗi lầm nào ta chưa từng phạm phải. Ta đã làm đủ tốt ở công việc; ta đủ thông minh và cũng đủ dễ mến. Ta đã học quá lâu trong ngôi trường đầy đắng cay này. Đã đến lúc để ta đưa ra một khám phá đáng kinh ngạc: ta hoàn toàn có thể buông bỏ những ai đã bỏ rơi ta và tập trung vào những người chân thành, đã sẵn sàng trao cho ta lòng tốt và sự chấp nhận mà ta xứng đáng có được.

Nguồn: GIVING UP ON PEOPLE PLEASING | The School Of Life

menu
menu