Bố mẹ thiên vị, con cái tổn thương thế nào?
Đề tài “Bố mẹ thiên vị con cái” chưa bao giờ hết nóng. Các bậc cha mẹ thường dõng dạc tuyên bố rằng mình không thiên vị con cái, luôn công bằng với các con. Tuy nhiên, sự thật thường không phải như vậy.
Theo những nghiên cứu cụ thể cho thấy, dù có thể hiện ra hay không thì bất kỳ cặp bố mẹ nào cũng có xu hướng dành tình thương, sự quan tâm cho một đứa con nhiều hơn so với những đứa còn lại. Tuy nhiên, họ dường như không nhận ra rằng trẻ con có thể bị tổn thương rất nhiều từ việc thiên vị này.
Các nhà khoa học đã nhận ra tầm ảnh hưởng của việc thiên vị đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Theo đó, những đứa trẻ biết rằng mình không nhận được nhiều tình thương và sự quan tâm bằng anh chị em có xu hướng sử dụng rượu, thuốc lá và chất kích thích trong độ tuổi thiếu niên nhiều hơn những đứa trẻ khác.
Điều này đặc biệt đúng ở những gia đình không hòa thuận hoặc các thành viên trong gia đình không gần gũi nhau. Sự căng thẳng giữa các anh chị em sẽ càng tăng cao khi đứa trẻ được bố mẹ thiên vị nhận ra điều đó và sử dụng chúng như một công cụ để công kích anh chị em của mình.
Các cặp bố mẹ có lẽ sẽ thấy ngạc nhiên hơn khi biết rằng nhận thức đóng vai quyết định trong các trường hợp này. Nói cách khác, việc bố mẹ thiên vị con cái không gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng lắm, cho đến khi đứa trẻ nhận thức được điều đó và nghĩ rằng bố mẹ không yêu thương mình.
ĐÔI KHI, SỰ THẬT KHÔNG NHƯ VẺ NGOÀI CỦA NÓ…
Theo Michele Levin, nhà tâm lý trị liệu gia đình: “Chuyện bố mẹ yêu thích hoặc cảm thấy gần gũi một đứa con hơn những đứa con khác là vô cùng bình thường”.
Michele Levin không khuyến khích bạn phô trương sự yêu thương đó ra ngoài, nhưng cô ấy nghĩ rằng các cặp bố mẹ cần xác định và nhận thức rõ ràng về những hậu quả từ việc đối xử không công bằng có thể gây ra, đặc biệt là đối với cảm xúc của các con.
Mỗi đứa trẻ đều có tính cách, sở thích, nhu cầu và cách thể hiện mong muốn riêng của mình. Chúng không giống nhau và không thể lúc nào cũng đáp ứng được những mong mỏi của bố mẹ. Bên cạnh đó, mỗi đứa con đều có những vấn đề riêng, ví dụ như trầm cảm hoặc lo lắng, những điều đó đôi khi khiến chúng khó gần và không dễ mở lòng với bố mẹ bằng anh chị em xung quanh.
Vì vậy, đôi khi bố mẹ không thật sự thiên vị hay yêu thương một đứa con nào đó hơn mà đơn giản chỉ là họ cảm thấy gần gũi với chúng hơn những đứa còn lại.
Một trường hợp khác có thể bị nhầm lẫn thành thiên vị chính là bố mẹ dành nhiều thời gian để chăm sóc một đứa con nào đó hơn những đứa khác. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể nhận định như vậy. Một vài đứa trẻ gặp phải các vấn đề về sức khỏe và đòi hỏi phải nhận được nhiều sự chăm sóc hơn từ bố mẹ. Chúng có thể không phải là những đứa trẻ được yêu thương nhất, tuy nhiên trong mắt của những đứa con khác, chúng có thể hiểu lầm rằng bố mẹ thiên vị anh chị em hơn và không yêu thương mình.
Đôi khi việc bố mẹ gần gũi hoặc dành nhiều thời gian hơn cho con là vì cả hai có cùng sở thích. Levin giải thích rằng: “Một người bố có sở thích thể thao sẽ gần gũi với đứa con có cùng sở thích này hơn là những đứa trẻ chỉ thích ở nhà và chơi game”.
Những trường hợp này thường khá phức tạp và khó đánh giá là có phải thiên vị hay không. Dù bạn đôi khi không cố ý làm cho các con có cảm nhận như vậy, nhưng bằng một cách nào đó, hành động của bạn khiến chúng tủi thân và cảm thấy mình không được yêu thương.
Ngoài ra còn có vài lý do nổi bật khác dẫn đến tình trạng bố mẹ thiên vị như:
DO ĐẶC ĐIỂM TÍNH CÁCH: Khi cha mẹ thiên vị và gần gũi 1 đứa con nhiều hơn những đứa khác là điều bình thường. Bởi mỗi đứa trẻ sinh ra thường có những tính cách riêng, nếu như bé có tính cách tương đồng bố mẹ thì có xu hướng muốn chia sẻ cùng nhau nhiều hơn.
DO KHOẢNG CÁCH SINH HOẠT: Nếu các con không cùng chung sống chung, anh chị thì sống xa nhà, em nhỏ ở cùng cha mẹ thì nhiều bố mẹ thiên vị con út hơn những đứa con khác.
QUAN ĐIỂM SỐNG: Bạn và gia đình không có chung quan điểm sống, định hướng và suy nghĩ không giống nhau sẽ phát sinh sự bất hòa, khó khăn trong việc trò chuyện, trao đổi. Điều này chính là nguyên nhân dẫn đến sự thiên vị của cha mẹ.
DO QUAN ĐIỂM TRỌNG NAM KHINH NỮ: Ở các nước Châu Á vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ cũ từ Nho giáo. Nhiều gia đình phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, cha mẹ thiên vị con trai nhiều hơn.
DO THỨ TỰ ANH CHỊ EM: Theo kết quả một nghiên cứu chỉ ra rằng, thứ tự anh chị em cũng sẽ ảnh hưởng đến tình cảm mà bố mẹ dành cho con cái. Xu hướng của nhiều gia đình là bố mẹ thiên vị con cả và đứa con út hơn.
“THE BLACK SHEEP”: Đây là khái niệm chỉ những đứa trẻ hư hỏng, hay gây chuyện, không đem đến giá trị trong gia đình. Điều này dẫn đến tình trạng cha mẹ thiên vị con cái, và những người con này thường bị cha mẹ chán ghét, không yêu thương bằng những đứa biết nghe lời.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC TỪ VIỆC THIÊN VỊ CON CÁI
THIÊN VỊ LÀ MỘT HÌNH THỨC LẠM DỤNG TINH THẦN
Trong một gia đình đông con, đứa trẻ nào không được quan tâm, không được yêu thương sẽ mất đi sự kỳ vọng đối với người thân, không học được cách yêu bản thân, không học được cách tin tưởng người khác, thậm chí không cảm nhận được giá trị của sự tồn tại của chính mình. Sự thiên vị tước đi tình yêu thương của trẻ là một kiểu hành hạ tinh thần cho trái tim mỏng manh của trẻ.
Shelly Vaziri Flais, bác sĩ khoa nhi và là mẹ của 4 đứa trẻ, cho biết: “Việc một đứa bé nhận thức rằng mình không được yêu thương bằng anh chị em có thể LÀM TỔN THƯƠNG LÒNG TỰ TRỌNG của chúng”.
Cô nói: “Điều mà các cặp bố mẹ cần lưu ý là không nên so sánh con cái với nhau dưới mọi hình thức. Là mẹ của một cặp song sinh, tôi cần phải cẩn trọng hơn các bà mẹ bình thường nhiều lần. Chúng tôi tránh gán ghép cho con những biệt danh như “đứa bé thông minh nhất” hoặc “đứa bé giỏi thể thao nhất”. Nếu không phải là “con cưng”, chúng sẽ dần cảm thấy xa cách và dễ trở thành một người khó gần”.
Cô bổ sung thêm: “Tôi nghĩ rằng những đứa trẻ không phải là “con cưng” của bố mẹ có xu hướng nổi loạn ở tuổi thiếu niên. Lòng tự trọng của trẻ em thường được xây dựng trong những năm tháng này. Tuy nhiên, nếu trẻ nghĩ rằng vì chúng ương bướng nên không được bố mẹ yêu thương nhiều bằng anh chị em, chúng dễ có xu hướng càng trở nên phá phách và hư hỏng hơn. Việc bố mẹ có sự thiên vị giữa các con chắc chắn có tác động rất lớn đến lòng tự trọng của trẻ cũng như cảm giác của chúng đối với gia đình”.
Tuy nhiên, cô cũng cho rằng các tác động này chỉ thực sự xảy ra khi một đứa trẻ cảm nhận rõ ràng sự thiên vị và suy nghĩ về nó một cách tiêu cực.
BỐ MẸ ĐỐI XỬ KHÔNG CÔNG BẰNG GIỮA CÁC CON CÓ THỂ GÂY RẠN NỨT TÌNH CẢM GIA ĐÌNH
Việc bố mẹ có sự thiên vị con cái không chỉ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái mà còn có thể làm rạn nứt tình cảm giữa anh chị em với nhau.
Tiến sĩ Levin giải thích: “Điều này tùy thuộc vào từng gia đình. Một số đứa trẻ nhận ra được điều đó và cảm thấy có lỗi với anh chị em của mình, từ đó chúng càng nỗ lực hơn để bù đắp cũng như hàn gắn tình cảm với anh chị em. Tuy nhiên, một số khác lại biến mình trở thành “cái rốn của vũ trụ” và giành lấy hết tình yêu thương, sự quan tâm của bố mẹ”.
Các nghiên cứu của các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng khi cha mẹ không thể cân bằng các mối quan hệ của con cái, mỗi đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm thúc đẩy hành vi chống đối xã hội và bạo lực hoặc ảnh hưởng đến chức năng nhận thức.
Một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, bỏ mặc lâu ngày không những bị tổn thương về thể chất, tinh thần mà còn có tâm lý mặc cảm, không chỉ mất niềm tin vào bản thân mà còn với mọi người xung quanh và thậm chí trên toàn thế giới. Ngược lại, đứa trẻ được yêu thương chiều chuộng có thể độc đoán, kiêu căng ngạo mạn, không những ỷ lại vào cha mẹ mà còn thiếu khả năng tự chăm sóc bản thân, khó có lòng biết ơn, khó hiếu thảo với người sinh thành.
Bác sĩ Vaziri Flais lo ngại rằng những ảnh hưởng về tâm lý từ sự thiên vị của cha mẹ có thể theo trẻ đến lúc trưởng thành và khiến mối quan hệ trong gia đình trở nên căng thẳng hơn.
Tuy nhiên, cô cũng nhắc nhở những người không phải là “con cưng” của bố mẹ rằng: “Bạn bè chính là gia đình mà bạn tự tìm kiếm được. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu và bạn hoàn toàn có thể xây dựng “một gia đình mới” nếu không tìm được tình yêu thương từ gia đình hiện tại”.
Đối với các bậc bố mẹ, nếu không muốn con cái lớn lên và sống tách biệt với gia đình, hãy HÀNH ĐỘNG NGAY bây giờ để giúp con không còn tự ti và ghen tỵ với anh chị em của mình.
NHỮNG GÌ BỐ MẸ CÓ THỂ LÀM?
1. Thấu hiểu cảm giác của con
Levin cho rằng điều quan trọng nhất mà bố mẹ có thể làm được chính là thấu hiểu cảm giác của con, đặc biệt là khi chúng nói rằng bố mẹ thương anh chị em hơn mình. Đừng chỉ nói “Bố mẹ không có thiên vị ai hết” hoặc phớt lờ chúng.
Nếu một đứa trẻ nhận thức được sự thiên vị của bố mẹ, chúng chắc hẳn đã chứng kiến hoặc cảm nhận được điều gì đó. Vì vậy, bạn không được bỏ qua hoặc phớt lờ điều mà con nói. Chúng ta cần tìm ra lý do vì sao trẻ lại cảm nhận như vậy và tìm cách khắc phục nó càng sớm càng tốt.
Nếu trẻ nói rằng chúng cần bố mẹ dành nhiều thời gian để quan tâm mình hơn, bạn hãy dành cả ngày để chơi hoặc tham gia những hoạt động mà các bé thích. Tuy nhiên, đừng chỉ thực hiện vài lần rồi thôi mà hãy làm việc đấy thường xuyên mỗi tuần hoặc mỗi tháng để xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa bạn và bé.
Tiến sĩ Levin cho rằng điều quan trọng nhất là bạn phải cho trẻ cơ hội để trò chuyện và chia sẻ với bạn về nhu cầu của chúng. Bác sĩ Vaziri Flais cũng bày tỏ sự đồng tình với nhận định này và đưa ra thêm lời khuyên: “Đừng phớt lờ con cái khi chúng cho rằng bạn thiên vị và biện minh việc đó bằng cách nói rằng con bạn đang nổi loạn tuổi thiếu niên. Mối quan hệ của bạn và chúng chắc chắn cần một thời gian để dịu lại. Tuy nhiên, sau khi cả hai bên đã bình tĩnh, bạn nên tạo cơ hội để trò chuyện với con”.
Là cha mẹ, bạn hãy dành thời gian để nghe con nói về những suy nghĩ của bản thân và cùng nhau tìm ra cách để giúp chúng không còn cảm thấy như vậy nữa. Đó có lẽ là cách tốt nhất giúp bạn bảo vệ mối quan hệ với các con trong tương lai.
Levin khuyến khích các bậc cha mẹ nên hành động ngay từ bây giờ. Cô nói: “Thực tế là dù có nói ra hay không, những đứa trẻ đều có thể cảm nhận được rõ ràng sự thiên vị của bố mẹ”.
Vậy bạn cần làm gì để hàn gắn mối quan hệ với con cái nếu trường hợp đó xảy ra?
Khi đó, các bậc cha mẹ phải bước ra khỏi khu vực an toàn của mình và học cách yêu những gì mà các con bạn thích, dù cho bạn không hề hứng thú với chúng một chút nào. Cùng con làm những việc yêu thích và dành thời gian cho chúng là những cách tốt nhất giúp bạn kéo gần khoảng cách với các con. Đặc biệt bạn cần nhớ rằng hãy cố gắng dành thời gian cho các con bằng nhau, có thể dẫn chúng đi chơi cùng nhau để gắn kết mối quan hệ anh chị em trong gia đình. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các con trong gia đình sẽ giúp chúng yêu thương và ít tỵ nạnh với nhau hơn, đồng thời cũng giúp chúng dễ thông cảm hơn nếu thật sự nhìn thấy bố mẹ dành nhiều thời gian cho anh chị em hơn cho mình.
Đôi khi một cố gắng nhỏ có thể đem lại những sự khác biệt vô cùng lớn. Hãy làm điều gì đó để kéo gần khoảng cách giữa bạn và các con, cũng như giúp chúng không cảm thấy mặc cảm hoặc ghen tỵ khi không được bố mẹ yêu thương bằng anh chị em của mình. Sự thiên vị có thể gây ra những tổn thương rất lớn cho con cái, bạn nên dừng lại ngay.
- Không nên so sánh hai đứa trẻ
Trong một gia đình đông con, chắc chắn bố mẹ sẽ không tránh khỏi sự so sánh "Nhìn anh/chị làm như thế nào, sao mà ngốc thế?"; "Nhìn em trai/chị ngoan ngoãn mà sao con lại nghịch ngợm thế này". Đừng nói bất cứ điều gì như thế. Việc so sánh có nghĩa là "cha mẹ không yêu con" đối với đứa trẻ. Việc bị giảm giá trị trong một thời gian dài không chỉ làm gia tăng thái độ thù địch với anh chị em mà còn khiến đứa trẻ cảm thấy tự ti hoặc thậm chí từ bỏ chính mình.
Nhà tâm lý học giáo dục người Mỹ Jane Nelson cho biết: "Hai đứa trẻ phải được đối xử bình đẳng, để một đứa không nảy sinh tâm lý ‘nạn nhân’, còn đứa kia không nảy sinh tâm lý ‘bắt nạt’. Điều quan trọng không phải là bạn làm gì, mà còn là cách bạn làm trông như thế nào". Cha mẹ phải có ý thức điều chỉnh tâm lý, đối xử công bằng với từng đứa trẻ, làm giảm bớt sự cạnh tranh giữa các con và khiến chúng cảm thấy mình là duy nhất.
Phương Quỳnh/HELLO BACSI