Bỏ miếng dán “no tears today” đi và ghi nhận cảm xúc của trẻ

bo-mieng-dan-no-tears-today-di-va-ghi-nhan-cam-xuc-cua-tre

Khi được khen ngợi vì đã kìm được nước mắt, trẻ em sẽ học được cách phớt lờ và che dấu những cảm xúc đau đớn.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH:

- Rất nhiều người trong chúng ta khi lớn lên đã được dạy rằng những cảm xúc khó chịu của chúng ta là không có giá trị, gây phiền toái và thậm chí là tiêu cực, phá hoại.

- Cảm xúc khó chịu không biến mất chỉ vì chúng ta phớt lờ chúng. Chúng thường biểu lộ theo những cách không ngờ đến.

- Việc né tránh và gạt bỏ cảm xúc theo thói quen có thể khiến chúng ta cảm thấy tê liệt và mất kết nối.

Vài năm trước, tôi đưa đứa con 3 tuổi của mình đến phòng xét nghiệm để lấy máu. Mạch máu nhỏ xíu của bé lần này đến lần khác trốn tránh mũi kim thăm dò. Nhưng bé ngồi trong lòng tôi, thân hình nhỏ bé của con được bao bọc trong vòng tay tôi, cố gắng hết sức để giữ yên cho qua những tiếng nức nở. Sau lần thử thứ năm, cuối cùng người kỹ thuật viên lấy máu cũng thở phào nhẹ nhõm khi máu bắt đầu đổ đầy ống đựng.

Cuối cùng, khi chúng tôi đã hoàn thành, con trai tôi tự hào nhận một nhãn dán đầy màu sắc từ người kỹ thuật viên lấy máu. Hình dán có dòng chữ “No Tears Today” được in giữa những ngôi sao bùng nổ chiến thắng. Bé kiêu hãnh dán nó vào ngực, gương mặt vẫn còn vương những giọt nước mắt.

Khi chúng tôi đi về phía xe hơi, bé đột nhiên hỏi: "Hình dán nói gì?"  "Nó nói rằng con đã không đổ nước mắt ngày hôm nay." Khi đọc những dòng chữ đó, tôi biết có điều gì đó không ổn. Tôi quay lại nhìn con trai mình. Ánh sáng của niềm tự hào và niềm vui bao trùm lấy bé chỉ giây phút trước đó đã biến mất. Thay vào đó là ánh mắt tổn thương và thất bại thầm lặng. Và rồi nước mắt lưng tròng.

Một cách tức giận, anh chàng xé miếng dán trên áo ra. Thứ được tạo ra nhằm mục đích chứng thực sức mạnh của bé bỗng nhiên biến thành sự chế giễu và một sự phủ nhận tàn nhẫn đối với kinh nghiệm của bé. Đây là một kỷ niệm mà tôi không bao giờ có thể quên được. Trên thực tế, đó là điều đã truyền cảm hứng cho tôi bắt đầu viết cho tạp chí Psychology Today.

Là một nhà trị liệu, phần lớn những gì tôi làm là giúp mọi người xử lý cảm xúc của họ. Rất nhiều người phải vật lộn với bước đầu tiên, đó là xác định cảm xúc. Trong các phiên trị liệu, tôi thường gặp ánh mắt bối rối, thất vọng và cam chịu khi yêu cầu mọi người gọi tên cảm xúc của họ. Một số người đặt câu hỏi về ích lợi của bài tập này. Một số khác sợ hãi một cách công khai về việc phơi bày những thứ mà họ đã phải vất vả để kìm nén. Một số người khăng khăng rằng họ, thực tế, không có cảm xúc.

Hình dán “No Tears Today” nhấp nháy trước mắt tôi khi tôi nghe thấy tuyên bố "không có cảm xúc". Rất nhiều người trong chúng ta khi lớn lên đã được dạy rằng những cảm xúc khó chịu của chúng ta là vô giá trị, gây phiền toái và thậm chí là tiêu cực, phá hoại. Bắt đầu từ giai đoạn sơ sinh, chúng ta gọi những trẻ ít nói là “trẻ ngoan”, trong khi những trẻ khóc nhiều được coi là “những đứa om sòm” hoặc thậm chí bị bệnh như là “đau bụng”.

Nhiều người lớn không giỏi trong việc nhận biết cảm xúc. Chúng ta thường vất vả để tránh né các cảm xúc vì chúng có thể trở nên u ám, khó chịu, lộn xộn và nặng nề. Nếu chúng ta thừa nhận chúng, thì chúng ta sẽ phải đối phó với chúng và có nguy cơ chết chìm trong vực sâu âm u của chúng. Không phải việc trốn đằng sau tấm biển “Không nước mắt” thì sẽ dễ dàng hơn sao?

Nếu khi còn nhỏ, chúng ta được khen ngợi vì đã kìm được nước mắt, thì không có gì ngạc nhiên khi trở thành những người lớn chúng ta có thói quen phớt lờ và gạt bỏ những cảm xúc đau đớn của mình. Thay vào đó, chúng ta làm những điều khiến chúng ta không chú ý đến cảm xúc nữa: Chúng ta liên tục lướt xem các bài đăng trên mạng xã hội; chúng ta chơi trò chơi điện tử; chúng ta ăn những thứ chúng ta biết chúng ta không cần; chúng ta tập thể dục, đôi khi quá mức; chúng ta làm những việc mạo hiểm. Có gì sai khi phớt lờ cảm xúc của ta khi chúng trở nên u sầu? Những cảm xúc này không mất đi. Chúng vẫn còn để lại mầm mống và có thể sẽ biểu lộ ra theo những cách không mong đợi. Chúng ta trở nên mất kết nối với chính mình.

Trở lại với hậu quả của cuộc lấy máu đầy đau đớn. Tôi thấy rõ rằng điều gây thương tổn nhất đối với con tôi không phải là nỗi đau về thể xác mà là sự nhận ra rằng bản lĩnh của nó thôi thì chưa đủ tốt, rằng “không có nước mắt” rõ ràng mới là “chiến thắng cuối cùng”.

Tôi khuỵu gối xuống và ôm chặt lấy cơ thể nhỏ bé của con trong vòng tay. Thở phào trước sự chân thật của bé, tôi nói với con rằng việc rơi nước mắt là điều hoàn toàn bình thường. Và những giọt nước mắt chảy dài.

Tác giả: Ying Wang M.D là một bác sĩ chuyên khoa tâm thần, một nhà tâm lý trị liệu và là diễn giả về các vấn đề sức khỏe tâm thần

Nguồn: Psychology Today

Dịch: Xuân Lộc

menu
menu