Bức tranh toàn cảnh về hôn nhân

buc-tranh-toan-canh-ve-hon-nhan

Giống như con người, hôn nhân cũng trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau - êm đềm có, bão táp có. Nếu biết vượt qua những thăng trầm này, bạn sẽ được đón nhận một tình yêu trọn vẹn và sự cam kết mới với bạn đời.

Michele Weiner-Davis, tác giả cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ The Divorce Remedy: The Proven 7-Step Program for Saving Your Marriage (7 bước cứu vớt cuộc hôn nhân), đã tổng hợp để vẽ nên một bản đồ hôn nhân hoàn chỉnh. Theo Weiner-Davis, bản đồ nhằm mang đến một cái nhìn rộng mở về những kinh nghiệm mà các cặp vợ chồng đều trải qua khi chống chọi với dòng chảy cuộc đời. Mỗi cuộc hôn nhân thông thường sẽ gồm 5 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Đam mê khỏa lấp

Khi đắm chìm trong tình yêu, bạn không thể tin được vì mình thật may mắn đã gặp được người trong mộng. Mọi thứ khác ngoài cuộc tình nhanh chóng bị lu mờ. Trước sự ngạc nhiên của bạn, 2 người có rất nhiều điểm chung: thói quen, âm nhạc, nhà hàng, phim ảnh... Bạn thậm chí thích cả bạn bè của người ấy. Hai người cùng thốt ra một câu. Khi bạn nhấc điện thoại lên gọi cũng là khi người ta đang gọi cho bạn. Hai người hoàn toàn đồng nhất trong mọi hành động, suy nghĩ. Khi có những chuyện bất đồng nhỏ nhặt xuất hiện, chúng cũng nhanh chóng bị gạt bỏ và tan biến.

Không một giai đoạn nào khác trong mối quan hệ mà cảm giác thoả mãn và niềm đam mê dành cho nhau lên đến đỉnh điểm như lúc này. Sự mới mẻ và phấn khích của mối quan hệ kích thích việc sản xuất hoá chất trong cơ thể, tăng cường năng lượng và thái độ tích cực, đẩy mạnh nhục dục và xúc cảm. Bạn chưa từng có cảm giác này trước đây. "Đó chắc chắn là tình yêu", bạn tự nhủ. Ở giai đoạn hưng phấn tự nhiên này, 2 người tự nguyện cam kết dành trọn cuộc đời bên nhau. "Và sao lại không chứ?", bạn lý giải, "Chúng ta là một đôi hoàn chỉnh". Và kết hôn là điều tất yếu.

Trừ khi bạn phải trốn chạy gia đình hoặc lựa chọn một kiểu lễ cưới giản đơn, thì sự hưng phấn của 2 người sẽ tạm thời giảm đột ngột khi bạn lên kế hoạch và thực hiện lễ cưới. Một khi đã vượt qua những thử thách kinh khủng trong việc giải quyết mâu thuẫn của 2 gia đình và làm chủ buổi lễ, niềm đam mê trong nhau lại trỗi dậy và đưa bạn bồng bềnh lướt qua tuần trăng mật. Trong một thời khắc, bạn thấy không còn gì tuyệt vời hơn thế. Nhưng nhanh chóng, niềm vui của bạn sẽ phải nhường chỗ cho một cơn bừng tỉnh choáng váng; hôn nhân không hoàn toàn như những gì bạn mong đợi.

Giai đoạn 2: Mình đang nghĩ gì thế này?

Theo một cách nào đó thì giai đoạn này là thời điểm khó khăn nhất, bởi bạn sẽ hụt hẫng tột độ. Sau cùng, khoảng cách giữa hạnh phúc và vỡ mộng là bao xa?

Điều gì là nguyên nhân cho sự thay đổi khủng khiếp này? Chính là hiện thực. Những thứ nhỏ nhặt bắt đầu làm bạn phiền lòng. Bạn nhận thấy ông xã có hơi thở khó chịu vào buổi sáng, ngồi quá lâu trong toilet, không bao giờ đặt đúng báo chí vào giá sách, không đậy thức ăn trước khi cho vào tủ lạnh, và hơn hết là ngáy rất to. Chưa kể những điều to tát khác.

Bạn vẫn từng nghĩ cả hai giống nhau đến kỳ lạ, nay nhận ra rằng giữa 2 người có rất nhiều điểm khác biệt. Mặc dù bạn chung sở thích với người ta, bạn vẫn bất đồng trong việc tham gia ở mức độ bao nhiêu. Cùng thích một nhà hàng, nhưng có lúc bạn thích ăn ngoài trong khi bạn đời muốn ở nhà để tiết kiệm tiền. Sở thích âm nhạc là tương đương nhau, nhưng bạn thích yên tĩnh vào buổi tối trong khi bạn đời muốn bật loa to hết cỡ có thể. Bạn có nhiều bạn chung, nhưng lại không thể thống nhất trong việc đi chơi vào buổi nào.

Bạn bối rối trước những điều đang xảy ra. Bạn tự lý luận rằng mình biết cuộc đời không phải là một thảm hoa hồng, nhưng bạn không thể tưởng tượng lại có nhiều gai đến vậy. Bạn vỡ mộng và tự hỏi không hiểu mình đã phạm phải sai lầm.

Thật trớ trêu là giữa cảm giác rối bời về các bất đồng đó, thì bạn lại phải đối mặt với rất nhiều quyết định thay đổi cả cuộc đời. Chẳng hạn như khi nào thì sinh con, sống ở đâu, ai sẽ chu cấp cho gia đình, ai sẽ trả các hoá đơn, sử dụng thời gian rỗi như thế nào, đối xử với gia đình bên nội, ngoại ra sao, và ai sẽ là người làm việc nhà. Đúng vào lúc mà tinh thần đoàn kết trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, thì cặp vợ chồng lại bắt đầu trở thành 2 đối thủ. Vì vậy mà họ dành cả chục năm tới để tìm cách "chiến thắng" và bắt buộc đối thủ phải thay đổi. Điều này dẫn đến giai đoạn 3.

Giai đoạn 3: Mọi thứ sẽ tuyệt vời nếu người ấy thay đổi.

Trong giai đoạn này, hầu hết mọi người tin rằng luôn có 2 cách nhìn nhận mọi thứ, cách của bạn đời và cách của mình - luôn là cách đúng. Cho dù thậm chí các cặp vợ chồng có bắt đầu cuộc hôn nhân bằng một quan điểm thoáng rằng có rất nhiều giải pháp cho một tình huống, thì họ cũng nhanh chóng quên luôn điều này. Và thay vì động não để tìm ra giải pháp, họ lại đấu tranh gay gắt để buộc đối phương phải chấp nhận rằng họ sai. Đó là bởi mỗi lần bất hoà là cơ hội để xác định cuộc hôn nhân. Làm theo cách tôi, cuộc hôn nhân sẽ tốt đẹp, còn làm theo anh, nó sẽ thất bại.

Khi ở trong trạng thái này, họ sẽ khó mà hiểu được vì sao vợ/chồng mình lại khăng khăng giữ lối nghĩ đó. Họ sẽ cho rằng đó là sự bướng bỉnh, hằn học hoặc gia trưởng. Điều mà họ không nhận ra là chính đối phương cũng đang suy nghĩ như mình. Qua một thời gian, cả hai cùng khoét sâu thêm khoảng cách. Không có một nỗ lực nào để nhìn nhận quan điểm của người kia, bởi nỗi lo sợ mất thể diện, hoặc tồi tệ hơn là mất cảm nhận cái tôi.

Và đây là thời điểm mà nhiều người phải đối mặt với ngã 3 đường. Họ không muốn tiếp tục tình trạng này nữa. Có 3 lựa chọn xuất hiện. Tự cho rằng mình đã nỗ lực hết sức và từ bỏ. Những người này tự nói với mình rằng tình yêu đã hết và mình đã cưới lầm người. Ly hôn dường như là giải pháp duy nhất. Còn những người khác thì đầu hàng với số phận và sống ly thân. Họ chấp nhận một cuộc sống bất hạnh mãi mãi. Nhưng cũng có những người quyết định rằng đây là thời điểm chấm dứt chiến tranh lạnh và bắt đầu tìm kiếm những cách thức giao tiếp tích cực và hợp lý hơn. Mặc dù giải pháp này cần một niềm tin sâu sắc, những ai làm theo cách này sẽ vô cùng may mắn bởi điều tốt đẹp nhất của hôn nhân bây giờ mới đến.

Giai đoạn 4: Đó là cách mà người ấy như vậy.

Cuối cùng chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế rằng sẽ không thể nào nhất trí với bạn đời trong mọi vấn đề, và cần phải tìm ra cách để chung sống hoà bình hơn. Chúng ta tìm đến người khác để xin ý kiến, nói chuyện với gia đình, bạn bè, tư vấn, đọc sách. Những người kín đáo hơn thì nhìn lại bản thân và tìm giải pháp từ đó.

Chúng ta sẵn lòng hơn để tha thứ cho sự cứng đầu của người ấy và nhận thấy rằng bản thân chúng ta cũng không dễ bảo. Chúng ta dám nhìn lại bản thân để xem xét những hành vi cần sửa đổi. Khi bất đồng xảy ra, chúng ta nỗ lực hơn để đặt mình vào vị thế của người kia, và thật ngạc nhiên, chúng ta thấy thông cảm và hiểu nhau hơn. Các cuộc tranh cãi bớt đi, và khi chúng xảy ra thì cũng không đến nỗi căng thẳng như hồi đầu. Chúng ta biết khi nào nên nhường nhịn. Khi mắc lỗi chúng ta cũng sẵn sàng hoà giải, bởi tự nhủ rằng cuộc sống là ngắn ngủi và không đáng phải chịu những nỗi đau. Và bởi vì đã đủ thông minh để tiến tới giai đoạn này, chúng ta thu được những lợi ích từ giai đoạn 5 - giai đoạn cuối cùng.

Giai đoạn 5: Cuối cùng cũng bên nhau

Thực sự là một thảm kịch khi một nửa các cặp vợ chồng không bao giờ tiến đến giai đoạn 5, khi mà tất cả nỗi đau và sự vất vả của những phần trước bắt đầu được đền bù. Cho dù bạn vẫn luôn yêu bạn đời, bạn bắt đầu lại nhận thấy mình thích người đó biết bao. Và những điều bất ngờ lại xảy ra. Bạn nhận ra rằng kẻ lạ mặt đã bắt cóc người mình yêu vào giai đoạn 2 lại tử tế trả người ấy về cho bạn. Bạn hài lòng phát hiện ra những phẩm chất mà bạn nhìn thấy trước đây ở người bạn đời không hề biến mất. Điều này làm mới lại cảm giác gắn kết ở 2 người.

Vào thời điểm bạn đến giai đoạn 5 thì 2 người đã có chung một lịch sử. Và mặc dù đều công nhận rằng hôn nhân không hề đơn giản chút nào, bạn cũng tự hào thấy mình đã vượt qua được cơn bão. Bạn coi trọng sự cam kết và cống hiến ở người bạn đời để duy trì cuộc hôn nhân. Bạn cũng nhìn lại và hài lòng về những thành quả đạt được ở bản thân. Bạn thấy an tâm hơn về mình và bắt đầu coi trọng sự khác biệt. Bạn thấy gần gũi và gắn kết hơn. Nếu có con, chúng cũng trưởng thành và tự lập hơn, cho phép bạn lại tập trung vào mối quan hệ. Bạn đã đi trọn một vòng đời. Cảm giác bạn thèm muốn trong suốt giai đoạn bão táp cuối cùng cũng đến. Bạn lại được trở về nhà.

Nếu nhiều cặp vợ chồng nhận ra rằng có một hũ vàng ở cuối cầu vồng, thì họ đã sẵn sàng chống chọi với cơn giông. Vấn đề là hầu hết mọi người tự đẩy mình vào suy nghĩ rằng, cho dù họ đang ở trong giai đoạn nào, thì nó cũng là mãi mãi. Điều này sẽ rất tồi tệ nếu bạn ở trong thời điểm khó khăn. Và trong hôn nhân, có vô số điều phức tạp - những vấn đề ngoài sức tưởng tượng - như vô sinh, đẻ con, thách thức cuộc sống, con cái xa gia đình, ngoại tình, bệnh tật, sự mất mát người thân, bạn bè.

Ngoài ra, rất quan trọng để nhớ rằng không phải ai cũng sẽ lần lượt đi qua những giai đoạn này. Có thể là 3 bước tiến và 2 bước lùi. Vào lúc bạn bắt đầu yên bình ở giai đoạn 4, khủng hoảng lại nảy sinh và bạn tụt về giai đoạn 3. Nhưng nếu bạn đã đủ may mắn để tiến vào giai đoạn 4, sự tỉnh táo đã có mặt, thì bạn sẽ lại trở về đúng quỹ đạo của mình. Chất lượng và khối lượng tình yêu bạn dành cho nhau sẽ không bao giờ tàn phai.

Minh Thi/Theo VNE

menu
menu