Cách cha mẹ thiếu yêu thương có thể khiến trẻ thơ ghét bản thân

Một sự thật không thể phủ nhận về tuổi thơ là khi chào đời, trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào người khác.
Một sự thật không thể phủ nhận về tuổi thơ là khi chào đời, trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Chúng không có sức mạnh, trí tuệ hay bất kỳ giá trị hữu ích nào tự thân. Trẻ không thể tự vệ, phàn nàn, hay rời đi khi không hài lòng. Sự sống của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng dùng đôi mắt trong veo, ngây thơ để lay động trái tim cha mẹ – khiến họ yêu thương và chăm sóc. Chính khả năng thu hút tình yêu này đảm bảo rằng trẻ được cho ăn, mặc, bảo vệ và tiếp tục tồn tại.
Đổi lại, trẻ thơ tự nhiên dành cho cha mẹ hoặc người chăm sóc mình sự ngưỡng mộ vô điều kiện. Chúng yêu thương một cách thuần khiết và tràn đầy ấn tượng với những người đỡ nâng mình, tắm rửa, làm ấm sữa, thay chăn ga. Với trẻ, cha mẹ là những người khổng lồ kỳ diệu – biết cách bật máy giặt, biết đá bóng bay qua ngọn cây. Ở giai đoạn này, trẻ không có bất kỳ ý niệm nào về việc nghi ngờ hay chất vấn quyền uy.
Vì sự sống còn phụ thuộc vào tình yêu thương, trẻ nhỏ nhạy cảm một cách bản năng với việc mình có đang “chiếm được lòng” của những người bảo vệ mình hay không. Khi cảm nhận được tình yêu, trẻ sẽ an tâm khám phá bản thân và tập trung vào vô vàn nhiệm vụ quan trọng khác của tuổi thơ: làm quen với thức ăn đặc, tìm hiểu ổ cắm điện, nút bấm, từ ngữ, hay cách bọt xà phòng hình thành.
Nhưng nếu tình yêu thương bị hạn chế, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Có những tuổi thơ mà vì nhiều lý do, cha mẹ không đủ bị quyến rũ bởi sự hiện diện của đứa trẻ. Họ để mặc trẻ khóc, họ la hét nhau, bạo lực có thể xảy ra, kèm theo nỗi sợ hãi, tuyệt vọng và hỗn loạn. Trẻ nhỏ, với bản năng sinh tồn mạnh mẽ, biết rằng mình đang đứng trước nguy cơ lớn, và nếu không làm gì để cải thiện tình hình, có thể bị bỏ rơi, như chiếc lá bị quẳng đi giữa ngọn đồi hoang.
Khi ấy, cơ chế sinh học của trẻ khởi động một quá trình tuyệt vọng nhưng lại rất hợp lý theo lẽ tự nhiên. Trẻ cố gắng hơn nữa: nỗ lực thu hút, ngoan ngoãn, cười nhiều hơn, làm hài lòng hơn. Chúng tự hỏi liệu có điều gì sai sót ở bản thân khiến cha mẹ không hài lòng, và không còn cách nào khác, chúng đành tìm câu trả lời từ chính tính cách và hành vi của mình.
Cùng lúc đó, trẻ cũng tránh điều mà từ góc nhìn của người lớn có thể là lẽ hiển nhiên: tức giận và trách móc người lớn vì đã không chăm sóc mình đúng mực. Nhưng suy nghĩ táo bạo này không thuộc về sự bất lực của những năm đầu đời. Khi còn chẳng với tới tay nắm cửa hay bật được vòi nước, trẻ không có khả năng thách thức quyền uy của những người bảo vệ mình. Trẻ cần có chìa khóa nhà riêng và tài khoản ngân hàng trước khi sự hoài nghi trở thành lựa chọn khả thi. Vì vậy, trẻ dễ hướng sự ghét bỏ vào bản thân hơn là oán trách những bất công đã xảy ra với mình.
Trẻ nhỏ tự nhiên biến những tổn thương thành sự căm ghét chính mình. Chúng không hỏi: “Tại sao cha mẹ không yêu mình?”, mà thay vào đó là: “Làm sao mình lại khiến những con người đáng ngưỡng mộ này thất vọng?” Trẻ ghét bản thân hơn là nghi ngờ những người lẽ ra phải bảo vệ chúng. Sự xấu hổ thay thế cho cơn giận dữ. Và điều này, xét cho cùng, có vẻ là lựa chọn an toàn hơn.
Từ đây, một vòng xoáy tự căm ghét hình thành. Đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu thốn tình yêu liên tục đặt câu hỏi về lỗi lầm của mình. Cha mẹ có thể nghiện ngập, tự ái, bạo lực hoặc trầm cảm; họ có thể chẳng bao giờ nấu một bữa ăn tử tế hay liên tục quát tháo từ phòng ngủ – nhưng tất cả những điều đó không quan trọng. Với trẻ, cha mẹ vẫn luôn là hình mẫu lý tưởng. Để lý giải sự thiếu vắng tình yêu từ những "tượng đài" ấy, trẻ đành cho rằng lỗi nằm ở mình: chúng hẳn là kẻ ngốc nghếch, ích kỷ, xấu xí, phiền phức và nông cạn.
Khi tuổi thơ trôi qua, phần lớn những gì đã xảy ra rơi vào quên lãng. Đứa trẻ khi trưởng thành không còn nhớ rõ mọi chuyện, và đôi khi cha mẹ cũng chẳng muốn chúng nhớ. Thay vì một cuộc khám phá tâm lý trung thực, người ta thường bám vào những ký ức đẹp đẽ trong album ảnh hay các câu chuyện vui về kỳ nghỉ gia đình. Người con trưởng thành không còn nhận ra rằng cảm giác xấu hổ của mình bắt nguồn từ một nơi rất cụ thể. Nó giống như một điều tự nhiên, một hiện tượng trời đất, chẳng khác gì cơn mưa hay trận cảm cúm.
Sự giải thoát chỉ đến khi ta dám chấp nhận một ý tưởng tưởng chừng phi lý: rằng sự tự căm ghét bản thân không phải điều hiển nhiên, mà là hệ quả của những thiếu thốn trong quá khứ. Rằng ta không cần mãi tôn thờ và ngưỡng mộ những người từng chối từ tình yêu với mình. Ta có thể hiểu, chất vấn, phẫn nộ và đau buồn vì những gì đã không được nhận. Ta không đáng ghét như ta từng nghĩ. Chỉ là – đến giờ phút này – ta chưa tìm ra cách nào tốt hơn để lý giải tại sao những người lẽ ra phải yêu thương mình lại không làm điều đó từ khi bắt đầu.
Nguồn: HOW UNLOVING PARENTS CAN GENERATE SELF-HATING CHILDREN – The School Of Life