Cách hóa giải bế tắc trong mối quan hệ

cach-hoa-giai-be-tac-trong-moi-quan-he

Khi cơn giận dữ và tuyệt vọng với người bạn đời lên đến đỉnh điểm, có một bài tập mà chúng ta có thể thử, một cách để phá vỡ bế tắc.

Khi cơn giận dữ và tuyệt vọng với người bạn đời lên đến đỉnh điểm, có một bài tập mà chúng ta có thể thử, một cách để phá vỡ bế tắc. Nó có thể giúp mối quan hệ thoát khỏi sự ngột ngạt và mang đến một bầu không khí mới – giàu trí tưởng tượng và lòng trắc ẩn hơn.

Hãy tự hỏi bản thân hai câu hỏi có mối liên hệ mật thiết với nhau:

– Điều gì ở bạn đời khiến tôi bực bội nhất?
– Điều gì họ đã phải học cách làm – và trở thành – để vượt qua tuổi thơ của mình?

Chúng ta có lẽ đã biết kha khá về câu chuyện tuổi thơ của họ, nhưng bài tập này yêu cầu chúng ta nhìn nhận con người họ từ một góc độ hoàn toàn khác biệt. Nó khuyến khích ta hiểu rằng những khía cạnh khó chịu nhất trong tính cách hiện tại của họ không chỉ đơn thuần là sự bực mình (mặc dù rõ ràng nó là thế). Chúng bắt nguồn từ một tuổi thơ không như mong muốn, nơi họ đã phải chật vật tìm cách sinh tồn. Những điều đó – nếu nhìn sâu hơn – là các phản ứng thích nghi với hoàn cảnh bất lợi. Đó là những cơ chế tự vệ thông minh mà họ đã phát triển để có thể sống sót và bước đến tuổi trưởng thành.

The Birthday, 1915, Marc Chagall, Wikimedia Commons

Những cơ chế này có thể giờ đây đã trở nên lạc lõng, lỗi thời, nhưng sự tồn tại của chúng từng có lý do chính đáng – và việc nghĩ về điều đó có thể khiến trái tim ta mềm đi, thậm chí cay cay nước mắt.

Điều này không có nghĩa là dễ dàng khi phải đối mặt với những khía cạnh ấy – chẳng hạn một người luôn quá lý trí và hay bắt bẻ từng câu chữ. Hoặc một người luôn khép kín, lạnh lùng, không chịu mở lòng. Hoặc một người làm cho bất kỳ bất đồng nào cũng leo thang thành khủng hoảng. Hoặc một người quá chú trọng đến địa vị, luôn khao khát tiếp xúc với “những người phù hợp.”

Nhưng thay vì chỉ nhìn chúng như những thói quen đáng ghét, ta có thể bắt đầu thấy rằng – ít nhất ban đầu – chúng là những chiến lược thích nghi đầy khéo léo trong những năm tháng tuổi thơ giông bão. Thật thông minh (theo một cách nào đó) khi phát triển một thái độ lý trí, lạnh lùng để đối mặt với người cha nóng tính và bạo lực. Thật dễ hiểu khi một người khép kín, phòng thủ sau khi phải sống với một người mẹ nghiện rượu, không bao giờ tôn trọng ranh giới của con cái. Thật cảm động (gần như thế) khi một ai đó ám ảnh với tiền bạc và địa vị vì đã phải trốn thoát khỏi cảnh nghèo túng khắc nghiệt.

Rõ ràng, những chiến lược này giờ đây không còn phù hợp nữa, nhưng việc hình dung ra nguồn gốc của chúng có thể khơi gợi một dòng cảm xúc dịu dàng rất cần thiết trong trái tim vốn đã mệt mỏi vì những cuộc xung đột.

Sau đó, chúng ta cần xoay chiếc gương ngược lại chính mình – một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều – và áp dụng cùng nguyên tắc tâm lý đó.

Điều gì ở tôi khiến bạn đời bực bội nhất?
Tôi đã phải học cách làm – và trở thành – điều gì để vượt qua tuổi thơ của mình?

Chính chúng ta cũng có thể trở nên khó chịu, không phải vì chúng ta xấu xa hay ngu ngốc, mà bởi vì ta đã rèn giũa những khuôn mẫu hành vi nhất định để đối phó với những hoàn cảnh tuổi thơ cũng không lý tưởng gì. Chúng ta khiến người khác mệt mỏi bởi vì một người thân trong gia đình từng khuyến khích ta lúc nào cũng phải dè chừng sự phản bội. Hoặc ta biến mọi thứ thành trò đùa vì đó là cách duy nhất gia đình ta chịu chú ý đến ta. Hoặc ta hay hờn dỗi bởi vì chưa bao giờ có ai thực sự quan tâm đến những nỗi thất vọng của ta.

Khi một cặp đôi gặp trục trặc, gần như luôn luôn là do những kỹ năng mà cả hai đã học từ thời thơ ấu đang cản trở sự tin tưởng và tình yêu thương giữa họ. Dễ dàng để rơi vào tuyệt vọng, nhưng khôn ngoan hơn cả là ta nên học cách tò mò hơn. Những “vũ khí” ta từng sử dụng là cực kỳ hợp lý vào thời điểm ấy, nhưng giờ đây, chúng trở nên nguy hiểm – và ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận để buông bỏ chúng ngay lập tức.

Nguồn: A WAY TO BREAK LOGJAMS IN A COUPLE - The School Of Life

menu
menu