Cách lấy lại động lực khi 'không thiết làm gì'?

cach-lay-lai-dong-luc-khi-khong-thiet-lam-gi

Động lực là nguồn năng lượng giúp chúng ta hành động và bạn không phải là người duy nhất ở thời điểm hiện tại đang cảm thấy "mất hết hứng thú".

Có thể đang có một số người kiệt sức sau gần hai năm mất mát, đau buồn và đầy khó khăn vì đại dịch. Những người khác cảm thấy chán nản, không có động lực làm gì. Dù bạn đang trong tình huống nào, hãy xem xét kỹ hơn các cách sau đây có thể tiếp cho bạn nhiên liệu tiến lên phía trước.

  1. Các loại động lực để tiến lên

Nhà nghiên cứu Stefano Di Domenico (Đại học Toronto, Canada) cho biết khi bạn muốn tìm động lực cho mình, có thể xem xét hai loại.

Đầu tiên là các động lực kiểm soát. Đó là khi bạn cảm thấy mình đang bị các tác nhân bên ngoài chi phối như tiền thưởng, deadline hoặc cảm giác tội lỗi hoặc làm hài lòng mọi người. Thật khó để duy trì động lực khi bạn không kiểm soát được tình huống. "Thông thường khi mọi người nói họ đã mất đi động lực, ý của họ thực sự là gì? Đó là tôi làm điều này vì tôi phải làm, không phải vì tôi muốn", tiến sĩ Di Domenico nói.

Loại thứ hai, động lực tự chủ, là những gì chúng ta đang tìm kiếm. Đây là cảm giác bạn cảm thấy lúc mình có quyền tự quyết, tự chủ, cho dù bạn làm vì yêu thích nhiệm vụ đó hay vì hiểu được tại sao nên làm.

Khi bạn sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu, hãy thử loại động lực thứ hai.

  1. Phần thưởng nhỏ đúng thời điểm

Mong nhận được phần thưởng không phải là cách tốt nhất để có động lực lâu dài. Song một số nghiên cứu cho thấy việc kết hợp giữa các phần thưởng nhỏ và tức thì cho một nhiệm vụ sẽ cải thiện động lực và cho bạn niềm vui.

Lora Park, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Buffalo, dẫn ví dụ việc mình từng chạy bộ ngoài trời, nhưng trong thời kỳ giãn cách xã hội, cô thấy thật khó để rèn luyện trong nhà. Cô đã chạy trên máy buổi tối, kết nối với Netflix để làm cho việc chạy bộ trong nhà trở nên dễ chịu hơn.

Đối với những ai làm việc bên máy tính, viết lách, có thể tự thưởng cho mình một tách trà hoặc chocolate nóng để nhâm nhi.

  1. Tìm lý do của bạn

Những món quà tự thưởng chỉ có một tác dụng nhất định. Nhà tâm lý học lâm sàng Richard M. Ryan, đưa ra lý thuyết tự quyết, liên quan đến nguyên nhân đằng sau những lựa chọn của mọi người mà không có ảnh hưởng và can thiệp từ bên ngoài. Lý thuyết này khuyến khích con người tìm kiếm động lực lâu dài, tìm hiểu sâu hơn về giá trị của họ.

Giáo sư Ryan (Đại học Australian Catholic) nói, khi những điều quan trọng với bản thân trùng khớp với việc cần làm, bạn sẽ thấy hứng thú hơn. Hãy thử đặt các câu hỏi: Bạn yêu thích điều gì trong công việc/nhiệm vụ này? Nó đáp ứng giá trị cốt lõi nào trong bạn?... Hãy hỏi chính mình.

  1. Muốn đi xa đi cùng nhau

Phó giáo sư Park nói, các kết nối xã hội rất quan trọng để khơi dậy động lực, đặc biệt là sau khi bắt buộc phải cô lập vì đại dịch. "Nếu không có mối liên hệ cơ bản đó, động lực sẽ khô héo, lụi tàn", cô nói.

Nếu cảm thấy chán ở nơi làm việc, hãy liên hệ đồng nghiệp để cùng cộng tác trong một dự án hoặc xin lời khuyên của họ. Tổ chức một buổi họp trao đổi với nhau cũng rất hiệu quả. "Cho ai đó biết rằng bạn đang nghĩ về họ cũng là cách để khơi dậy động lực của họ", tiến sĩ Park nói.

Gần đây tiến sĩ Park đã gửi một bức thư cảm ơn đến một cựu giáo sư đại học vì đã dạy một lớp học đầy cảm hứng. Vị giáo sư nhanh chóng phản hồi và nói rằng email đó đã nâng cao tinh thần của bà.

  1. Cạnh tranh thân thiện

Mọi người cũng thúc đẩy lẫn nhau thông qua cạnh tranh. Trong một nghiên cứu năm 2016, giáo sư Damon Centola (Đại học Pennsylvania) đã tập hợp sinh viên trong một chương trình tập thể dục kéo dài 11 tuần thành các mạng xã hội trực tuyến nhỏ: một số nhóm cạnh tranh, nhóm khác hỗ trợ. Kết quả nhóm cạnh tranh có kết quả tốt hơn hơn nhóm hỗ trợ.

Những người xung quanh ảnh hưởng đến chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta có thể tin - vì vậy hãy khai thác ảnh hưởng đó bằng cách tìm kiếm một liều lượng cạnh tranh khi bạn cần động lực để làm gì đó.

  1. Khoan dung với bản thân

Tuy nhiên trong chuyện viết lách, việc cạnh tranh đôi khi chỉ khiến bạn thêm căng thẳng. Kristin Neff, phó giáo sư tâm lý giáo dục tại Đại học Texas ở Austin, khuyên, đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn hiệu quả hơn nhiều so với tự trù dập mình. "Mọi người nghĩ rằng họ sẽ tự xấu hổ khi hành động không khả quan, nhưng sự trắc ẩn có thể giảm nỗi sợ thất bại và cải thiện sự tự tin, điều này cũng có thể cải thiện động lực", cô nói.

Để bắt đầu, tiến sĩ Neff đề nghị tạm dừng hỏi bản thân cần gì. Đôi khi chỉ đơn giản thừa nhận bạn đang trải qua thời gian khó khăn và đây là điều bình thường của cuộc sống. "Khoan dung với bản thân không có nghĩa yếu mềm và bỏ buộc", Neff nói.

Cô dẫn chứng một nghiên cứu về sinh viên đại học đại điểm kém trong bài thi từ vựng. Những sinh viên sau đó được khuyến khích nên "thông cảm với bản thân" đã chăm chỉ học hơn và kết quả tốt hơn trong bài kiểm tra tiếp theo, so với sinh viên được khuyến khích phải nâng cao lòng tự trọng.

Dành lòng trắc ẩn cho bản thân còn có thể thông qua các việc như thể dục nhiều hơn, ngủ nhiều hơn. Khi tỉnh táo, bạn sẽ nhìn thấy ngoài kia có nhiều người đang bắt đầu ngày mới với việc họ có cảm thấy thích hay không.

 

Bảo Nhiên dịch

Nguồn: https://www.nytimes.com/2021/07/28/well/live/motivation-energy-advice.html

menu
menu