Cái gì ngăn chúng ta đến hạnh phúc? Bộ não
Hoá ra "trùm phản diện" cuối cùng khiến cuộc đời ta thêm gian khổ chính là não bộ.
Trong Chương trình nói chuyện đêm khuya cùng Conan O' Brient có một tập khách mời là diễn viên hài Louis C.K. Trong đoạn phỏng vấn này, Louis bày tỏ nỗi băn khoăn về việc tại sao trong một thế giới đầy những phát minh kỳ diệu khiến cuộc sống dễ thở hơn, con người vẫn có thể dễ dàng trở nên khổ sở chỉ vì những chướng ngại nhỏ nhặt (ví dụ: máy bay là một phát minh vĩ đại đã giúp việc di chuyển của chúng ta nhanh hơn gấp vạn lần, nhưng ai cũng xem đó là điều đương nhiên không cần cảm kích mà chỉ phàn nàn nếu chuyến bay delay 20 phút).
Thật ra mối quan tâm của Loius C.K vốn đã có câu trả lời – các chuyên gia đã phát hiện ra rằng bộ não loài người có một chuỗi những “vòng phản hồi” kì cục luôn ngầm phá hoại con đường dẫn đến hạnh phúc. Nếu bạn thấy sao cuộc đời chỉ toàn những sự ngược đời tàn nhẫn, chính là do nó đó: bộ não.
6. Bạn cho rằng: Chỉ mấy kẻ ngốc mới có được hạnh phúc
Giờ hãy thử tưởng tượng, một người đang tuyệt đối vui vẻ trông như thế nào?
Đoán chắc rằng, hình ảnh bạn mường tượng ra ấy khoa trương như bước ra từ phim truyền hình hay mấy vở hài kịch đúng không? Một người hay cười, vẫy tay với cả người lạ, nhảy nhót trong mưa, trân quý những điều nhỏ bé trong đời sống, vô tư vô lo với sự đời. Mấy người này chắc tâm hồn nghệ sĩ lắm.
Vậy cho phép chúng tôi đoán, bạn cũng đang nghĩ kiểu người như trên là tuýp A) Rất trẻ con, hoặc B) Hơi ngu ngu. Nói cách khác, bạn cho rằng họ không hẳn đang hạnh phúc, mà chẳng qua họ chưa biết đá biết vàng. Niềm vui của họ như của một đứa trẻ hay con cún thôi bởi họ chẳng biết gì cả. Còn ngoài kia những thiên tài thì ủ ê uống cạn chén say hoặc tự tử. Bởi vì họ nhìn thấu hết bi kịch cuộc đời, họ hiểu mớ hỗn loạn trong đầu họ - khả năng tự nhận thức khiến những người thông minh có đầy đủ hiểu biết về xã hội suy đồi này.
Như vậy liệu có tốt không? Đúng là một người trưởng thành hoàn toàn là người biết tự nhận thức như thế. Biết rõ mình là ai, mình ảnh hưởng thế nào đến người khác, những hiểu biết đó giúp ta không trở thành đồ khốn thản nhiên cắt đầu xe người khác trên đường và gật gù cho rằng mọi người bấm kèn loạn xị như vậy vì thấy xe mình xịn. Thế nhưng, sự tự nhận thức khi đạt đến mức nào đó sẽ phản tác dụng. Điều này được gọi là "self-absorption paradox " (Nghịch lý tự hấp thụ).
Các nhà tâm lý học lý giải có thể do con người chúng ta thường có hai xu hướng: 1 là tự biết quy chiếu (phân tích suy nghĩ, cảm nhận, hành động và từ đó học cách để trở nên tiến bộ hơn) và 2 là tự phê phán (không ngừng tập trung vào lỗi sai của bản thân). Cách 1 giúp bạn sống vui sống khỏe, được thầy yêu bạn mến trong khi xu hướng thứ 2 đày đọa cuộc đời bạn, đến mức khiến bạn ghét những người luôn vui vẻ (theo miêu tả ở trên) vì họ không cùng bạn rơi xuống vực thẳm.
Nếu bạn hỏi vậy làm thế nào để có thể hướng suy nghĩ theo xu hướng 1 mà không vướng phải cái còn lại, thì hiện chưa có câu trả lời thỏa đáng. Bởi không một ai có khả năng điều tiết sự căm ghét bản thân được khi không có sự hỗ trợ về mặt hóa học.
5. Bạn cho rằng: Lạc quan tức là tự huyễn hoặc
Đa số mọi người (hay ít ra là những người theo trường phái bi quan) có vẻ hiểu sai về sự lạc quan. Lạc quan không có nghĩa mặc kệ thực tại, thay vào đó, nó còn chấp nhận thực tế phũ phàng nhưng tin rằng chúng ta có thể vượt qua được nếu bạn luôn cố gắng tiến tới. Cái này gọi là Nghịch Lý Stockdale, đặt theo tên James Stockdale, tù nhân chiến tranh tại Việt Nam. Ông là người phát hiện ra rằng, những người lạc quan đơn thuần thường là những người gục ngã trước tiên ở chốn lao tù.
“Họ là những người luôn nói ‘Chúng ta sẽ thoát khỏi đây thôi, vào Giáng Sinh’. Giáng Sinh đến rồi đi. Họ sẽ lại nhủ rằng ‘Vào Lễ Phục Sinh, chúng ta sẽ được thả’. Và rồi Phục Sinh đến rồi đi. Sau đó sẽ thêm một lễ Tạ Ơn nữa, một mùa Giáng Sinh nữa. Họ chết trong đau khổ cùng cực.”
Sự lạc quan của Stockdale không phải tự lừa dối chính mình rằng Giáng Sinh tự do sẽ đến, ông chấp nhận tình cảnh tồi tệ đó và bắt đầu hành động để sinh tồn. Đầu tiên ông chế ra một hệ thống mật mã giúp các tù nhân có thể nói chuyện với nhau, để họ có cách động viên, vực dậy tinh thần nhau sau mỗi đợt tra tấn. Điều này nhằm đánh bại kẻ thù ngự trị trong chính tâm trí họ. Nói cách khác, tâm trí ông đã vượt qua khỏi xà lang ngục tù, vượt qua khỏi bóng mây tuyệt vọng. Ông còn thường xuyên viết thư về nhà sử dụng mật mã trong ngục, không cần biết liệu những bức thư đó có đến được tay gia đình ông không.
Tóm lại, sự lạc quan của Stockdale được chuyển hóa thành hành động cứu rỗi chính ông và người khác chứ không còn là suy tư đơn thuần nữa.
4. Sự thật: Những khó chịu nho nhỏ lại khiến bạn tức giận hơn cả những bi kịch thực sự, cái này là do não bộ.
Các tin về xâm phạm quyền con người có khi chẳng được quan tâm mấy ngoài vài cái like, share, nhưng chỉ một vài lỗi nho nhỏ xảy ra trong game thôi cũng đủ khiến nhà phát hành bị dọa giết. Việc này xảy ra không phải chỉ vì cộng đồng mạng đầy những “trẻ trâu” mà còn vì cách não bộ bạn phản ứng với nỗi thất vọng.
Barbara Quinn/iStock/Getty Images
Nếu bạn tự hỏi: quán trà sữa ưa thích bị đóng cửa, hay đứt phăng một ngón tay vì lỡ thò vào máy xay cà phê, cái nào làm bạn đau lòng hơn? Cái thứ 2 phải không? Cái vụ mất ngón tay ấy.
Không. Bạn thường sẽ thích ứng với cuộc sống 9 ngón nhanh hơn việc phải đi uống trân châu đường đen ở quán khác. Lý do là bộ não có một hệ thống giúp bạn đối mặt với thảm họa nhưng mấy chuyện vặt vãnh thì nó mặc kệ.
Khi bạn bị mất một ngón tay, não bạn nổ ra loạt phản ứng giúp bạn dịu lại, đẩy lùi nỗi đau (ví dụ “Không sao, mình bị mất ngón tay, nhưng cái máy xay ấy còn từng ngoạm mất một chân của Steve luôn cơ mà...”). Phản ứng này hao tốn nhiều năng lượng và sự tập trung của não nên nó chỉ được dùng ở lúc nguy cấp.
Ví dụ tương tự như khi đi bác sĩ, nếu bạn đứt cả ngón tay, bác sĩ sẽ kê liều thuốc giảm đau, nhưng nếu chỉ đơn giản là bị lật móng, bạn sẽ không được cho thuốc, dẫn tới việc cái móng lật gây cho bạn nhiều đau đớn hơn.
Điều này lý giải vì sao những “cái móng lật” bé bé xảy ra hằng ngày trong đời sống như quán cà phê dẹp tiệm khiến bạn bực bội nhiều hơn. Đây gọi là Nghịch lý vùng Beta (The Region-Beta Paradox). Bởi vì những chuyện như mấy đứa không biết nói cảm ơn, xe kêu cọc cạch dù đã ngốn cả đống tiền ngoài tiệm, đứa nào đậu xe ngang ngược... là những chuyện “không đáng”, bộ não không muốn bỏ sức ra giải quyết.
3. Bạn cho rằng: Cô đơn để tránh bị tổn thương bởi các mối quan hệ
Hãy nhớ lại lần cuối cùng có ai đó làm bạn tổn thương. Không phải kiểu tổn thương như bị anh đẹp trai giành mất chỗ ngồi cuối cùng trên xe buýt nhé, mà là tổn thương tới mức khiến bạn phải lui về ở ẩn, nốc rượu, ăn đồ ngọt và nghe nhạc Adele.
Những người có thể khiến bạn đau lòng tới mức “đốt cháy cơn mưa” ấy không thể là người lạ, đó thật ra là những người bạn quen biết thậm chí thân thiết.
Freud (triết gia) từng viết về điều này: sự gần gũi khiến bạn hạ thấp khiên, phơi bày cái tôi dễ vỡ ra. Nhưng một khi bạn lỡ để ai đó bước vào buồng điều khiển của bạn, bắn bạn tan xác bằng ngư lôi phản bội, và bạn thề không để chuyện này xảy ra lần nữa. Cách duy nhất để thực hiện lời thề đó là không thân thiết với ai nữa.
Những người bạn đó, đẩy ta vào thế lưỡng nan họ nhà nhím (The Hedgehog Paradox).
Tên gọi được đặt theo một câu chuyện của triết gia Arthur Schopenhauer, trong một tác phẩm hoàn thành vào TK19 Parerga and Paralipomena, về mùa đông của loài nhím. Khi trời lạnh, đàn nhím ôm nhau để lấy hơi ấm. Nhưng càng ôm sát nhau, chúng càng tự đâm vào nhau, buộc chúng phải buông nhau ra.
Giống như bạn không chịu nổi sự cô đơn lạnh lẽo, nhưng điều đó không ngăn bạn thở phào nhẹ nhõm khi nhận tin nhắn hủy hẹn và bạn có thể ở nhà.
Nhưng sau đó, trải qua nhiều tuần ăn nhậu, cày phim bộ, bạn bắt đầu cảm nhận cái lạnh căm của nỗi cô đơn. Loài người là động vật hoạt động xã hội, động thái tách mình đó chỉ như giấc ngủ trưa. Một mình thật tuyệt, nhưng nếu bạn cứ ở trong tình trạng đó một thời gian dài, không khéo bạn sẽ bị lôi vào bệnh viện và gắn đủ thứ máy móc vào đầu.
Bạn có 3 lựa chọn:
A) Mặc kệ xã hội, mình thích thì mình cứ một mình thôi, cho đến khi sự tự cô lập đủ lâu để khiến bạn hóa điên.
B) Nghe theo lời khuyên của Schopenhauer, giữ khoảng cách an toàn với xung quanh, những mối quan hệ nông cạn nhưng vô hại đủ cho ta sự gần gũi nhưng không gây tổn thương về sau. Như các mối quan hệ trên Facebook chẳng hạn, bạn theo dõi bạn mình từ xa, nếu thích thì thả vài lời tử tế trên hình chụp những chuyến du lịch, bữa ăn, hay con mèo nhà họ. Sau đó bạn tùy nghi quay lại với bộ phim đang xem dở, ảo ảnh của hơi ấm cộng đồng xua tan hơi lạnh cô độc.
C) Bước ra ngoài và chấp nhận rằng mọi mối quan hệ đều có khả năng như vậy, vì bạn đủ mạnh mẽ và khôn ngoan để nhận định đâu là mối quan hệ lành mạnh cho cuộc sống của bạn và khéo léo tránh xa những người bạn độc hại mà đúng không?
2. Bạn cho rằng: Nói ra những gì mình muốn sẽ mang tiếng ích kỷ
Hỏi một ai đó định nghĩa của họ thế nào là một tên khốn, bạn sẽ nhận được câu trả lời hầu hết: “Đó là những người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình”. Dù cho biểu hiện của hành vi này chính xác là gì, họ thô lỗ, bất lịch sự, bất hợp tác, chỉ thích mọi thứ theo ý mình, thì mọi sự đều bắt nguồn từ một nguyên do: họ không quan tâm nhu cầu người khác. Trái ngược với định nghĩa “đồ khốn” trên thì khái niệm “người tử tế” cũng đơn giản: tôn trọng sở thích người khác và dẹp bỏ nhu cầu bản thân qua một bên. Bất cứ ai hoàn hảo, thánh thiện cũng sẽ làm thế.
Ví dụ bạn cùng nhóm bạn lựa chọn chỗ để đi ăn vào một tối thứ 6. Một người đã nhanh nhẩu hỏi “Mọi người muốn đi ăn ở đâu?” để tránh đưa ra quyết định. Còn bạn thì “Ăn gì cũng được, mọi người thích ăn gì thì mình ăn đó.” (cho dù trong đầu bạn cũng đã có sẵn một địa điểm, nhưng lỡ nó đắt quá thì sao? Bạn đâu muốn thành kẻ phù phiếm). Một người chép miệng đề xuất địa điểm X, vì sao? Vì đó là một lựa chọn an toàn, gần, chưa nghe ai phàn nàn về quán đó, họ đã từng ăn qua một lần. Bạn, và những người khác nữa, dù có thể đã có sẵn một ý kiến khác, muốn đến một nơi ấm cúng hơn, nhưng không muốn trở thành “người xấu” phản bác ý kiến bạn mình, không muốn mắc công tìm hiểu và so sánh nữa, bạn đồng ý, tận hưởng một buổi tối hơi nhạt vì chẳng ai chủ động đề xuất ý tưởng đột phá.
Nghịch lý đây: tất cả đều muốn thể hiện mình là người khoáng đạt, để đạt được điều này bạn phải biết được nhu cầu thực sự của mọi người xung quanh, nhưng điều này cũng bất khả thi vì ai cũng che giấu ý muốn thực sự của họ, với cùng một lý do như bạn. Tất cả rơi vào ngõ cụt vì đưa ra kết luận sai về nhu cầu của nhau. Hãy nhìn xung quanh, từ các mối quan hệ xã giao, nhóm bạn thân thiết đến cặp đôi yêu nhau,.. chúng ta cứ lặp đi lặp lại “Bạn chọn đi, cái nào cũng được. Miễn bạn vui là được”. Đâu đó ngoài kia vẫn còn những “người tốt” theo kiểu tuyệt vọng như vậy.
1. Tránh trở thành gánh nặng (điều này khiến bạn trở thành cái gánh nặng hơn)
Không ai muốn trở thành kẻ phụ thuộc. Chúng ta được dạy phải biết tự giải quyết vấn đề của mình, bởi vì thế giới to lớn, đáng sợ ngoài kia, người đáng tin nhất chính là bản thân. Như các siêu anh hùng lúc nào cũng tự lập, và điều đó khiến họ ngầu hết sức. Người Dơi không cần ai, mà cả thế giới phải cầu cứu Người Dơi. Nỗi đau mất ba mẹ, khao khát tìm ra con đường riêng cho mình, chính là lực đẩy khiến anh ấy trở thành Người Dơi. Quá ngầu!
Vậy nghĩa là việc giúp đỡ người khác khiến họ trở thành đồ yếu đuối phải không? Nếu muốn họ trở thành đấng anh hào, trên thông tinh văn dưới tường địa lý, là phải đá họ ra khỏi vùng an toàn?
Có chuyện kể thế này.
A: Cho mình mượn 6 triệu được không? Cái xe mình cầm sắp mất luôn rồi.
B: Tại sao?
A: Vì lúc trước mình cần 2 triệu nên cầm xe, bây giờ đã 2 tháng rồi lời lãi đội lên thành 6 triệu...
B: VẬY SAO HỒI ĐÓ KHÔNG MƯỢN MÌNH 2 TRIỆU CHO RỒI?
A: Vì lúc đó mình không muốn làm phiền cậu...
Thế đấy, nỗi sợ trở thành nỗi phiền phức cho người khác vô tình khiến bạn thành kẻ phiền phức gấp bội. Mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu từ đầu bạn chấp nhận bản thân cần được giúp đỡ, và điều này đúng cho hầu hết các mối quan hệ. Phụ thuộc hoàn toàn vào tình cảm, vật chất của người khác là sai. Nhưng chối rằng bạn không cần giúp đỡ còn sai hơn, không chỉ bất lợi cho bạn mà còn khó xử cho đối phương. Bởi trong một mối quan hệ, nếu thú nhận rằng bạn cần người còn lại, thì vô tình điều đó lại khiến bạn trở nên giỏi giang hơn, thậm chí có thể tự lập tốt. Đó là Paradox of Dependency (Nghịch lý phụ thuộc).
Nghịch lý này bắt đầu từ thuở bạn còn thơ: Thiết lập mối quan hệ phụ thuộc vào người lớn giúp ích cho sự phát triển não bộ của trẻ. Đó là cách chúng ta nên được nuôi dạy. Việc quăng một đứa trẻ ra đời sớm cho nó tự kiếm ăn không khiến chúng trở nên mạnh mẽ hơn mà ngược lại, khiến đứa trẻ có thể bị chấn thương tâm lý, lệch lạc về hành vi.
Con người là động vật sống theo xã hội, bạn không nên phủ nhận điều này. Khả năng cầu viện vào sự trợ giúp từ xung quanh khiến ta học được khả năng thấu cảm với người khác. Nếu không, chúng ta sẽ trở thành kẻ hếch mặt lên trời khi có ai nhờ giúp đỡ “Lúc tôi còn nhỏ, tôi đã có thể tự làm ABC XYZ các thứ rồi!”
Kết:
Thế giới chúng ta vẫn còn đầy rẫy những con người đang lâm vào hoàn cảnh khổ sở nhưng một mực từ chối giúp đỡ. Đó là một phần lý do vì sao con người luôn nhanh chóng hất đổ mọi thứ có khả năng khiến họ hạnh phúc, và kích động nếu ai đó bảo họ cần được hỗ trợ. Như anh lính không chịu cấp cứu khi bị bắn, để rồi vết thương trở nên quá nặng đến mức phải bỏ luôn cuộc chiến bên đồng đội mà nằm giường. Người lính đó dũng cảm vì không sợ đổ máu, hay anh ta quá hèn để thể hiện rằng mình sợ và cần hỗ trợ y tế ngay?
Loại bỏ được những lầm tưởng trên tức cuộc đời bạn được cứu vớt một phần.