Cảm giác thế nào khi tâm trí không khoẻ mạnh?
Sâu trong thâm tâm, đôi khi chúng ta không tránh khỏi nghĩ rằng họ có thể đang làm quá lên, hoặc tệ hơn, đang kiếm cớ trốn tránh trách nhiệm.
Ngày nay, xã hội đã trở nên nhạy cảm và tôn trọng hơn rất nhiều đối với những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần so với trước đây. Chúng ta học cách kiên nhẫn lắng nghe khi ai đó chia sẻ rằng họ đang vật lộn với tâm trí mình, hay khi một đồng nghiệp xin nghỉ để tập trung chữa lành tinh thần.
Tuy nhiên, sự đồng cảm bề mặt này không đồng nghĩa với việc hầu hết chúng ta thực sự hiểu được những gì diễn ra trong tâm trí của một người đang bất ổn. Sâu trong thâm tâm, đôi khi chúng ta không tránh khỏi nghĩ rằng họ có thể đang làm quá lên, hoặc tệ hơn, đang kiếm cớ trốn tránh trách nhiệm. Hoặc, chúng ta có cảm giác rằng họ đã rơi vào một thế giới xa lạ, không còn chút liên hệ nào với thực tại mà chúng ta có thể hình dung hay hiểu được. Dù không bao giờ thốt lên, chúng ta vẫn âm thầm dán nhãn họ là “điên” hay “mất trí” – những trạng thái mà ta cảm thấy mình chẳng đủ gần gũi để hình dung nổi.
Wassily Kandinsky, Fragments, 1943
Nhưng để dễ cảm thông hơn, hãy thử hình dung rằng: những trạng thái tâm lý bất ổn này không phải là một thế giới hoàn toàn khác biệt, mà chỉ là phiên bản cực đoan hơn của những điều mà tất cả chúng ta đều từng trải qua, dù chỉ thoáng qua. Bệnh tâm lý thực chất là khi những thử thách mà một người bình thường phải đối mặt được khuếch đại lên gấp nhiều lần. Người mắc bệnh tinh thần chính là “phiên bản của bạn” nhưng không có phanh, không có cách giảm xóc, không thể đổi chủ đề, không tìm được một góc nhìn khác và thậm chí cả giấc ngủ cũng không giúp được gì.
Vấn đề của họ không nằm ở việc họ đang nghĩ hay cảm gì, mà là ở những điều họ không thể dừng nghĩ hay cảm. Trong căn bệnh, không còn chỗ cho sự phản biện, chẳng còn sự an ủi nào khả dĩ. Không có khoảng trống để thở giữa những cơn hoảng loạn. Chỉ còn lại sự trần trụi của nỗi sợ hãi, tự căm ghét, mặc cảm tội lỗi, nghi ngờ và cảm giác vô giá trị.
Hãy tưởng tượng một người bệnh bị thuyết phục rằng họ đã làm điều gì đó khủng khiếp. Họ tin rằng mọi người sẽ ghét bỏ họ, và rằng thế giới sắp sụp đổ. Những người xung quanh, với tất cả thiện chí, cố trấn an: “Không sao đâu mà, mọi chuyện sẽ ổn thôi.” Một người bình thường sẽ có thể nguôi ngoai chỉ sau vài phút. Nhưng với người bệnh, tâm trí họ không còn khả năng tiếp nhận bất kỳ góc nhìn tích cực nào. Nỗi sợ thuần túy len lỏi vào từng tế bào, khiến họ tê liệt. Họ không ăn, không bước nổi ra ngoài. Vai họ sụp xuống, họ nằm bẹp trên giường và khóc. Ý nghĩ duy nhất còn lại là chết đi – bởi họ tin rằng thế giới này sẽ tốt đẹp hơn nếu thiếu họ.
Hoặc, họ bị ám ảnh rằng mình là một người xấu xa. Nghĩ rằng mình không hoàn hảo là điều bình thường, nhưng với người bệnh, vấn đề nằm ở mức độ cực đoan. Họ không chỉ nghĩ mình “hơi tệ” mà hoàn toàn kinh tởm, không xứng đáng với bất cứ điều gì, thậm chí không đáng được sinh ra. Trong tâm trí họ, không có chỗ cho sự tha thứ hay dung thứ. Ở mức độ nặng, có thể xuất hiện “tiếng nói” liên tục nhắc nhở rằng tất cả những gì họ là, tất cả những gì họ từng làm đều là một thảm họa. Một trạng thái tâm lý mà người bình thường chỉ thoáng qua, với họ lại xâm chiếm toàn bộ nhận thức và tư duy.
Bệnh tâm lý không chỉ tấn công những người yếu đuối hay mong manh. Nó có thể ập đến với cả những tâm hồn từng mạnh mẽ, vui tươi, đầy lòng nhân ái và sống trọn vẹn từng phút giây. Và thường, nó xuất hiện bất thình lình, chỉ cần một cú hích tưởng chừng rất nhỏ – một trục trặc trong tình yêu, một email với giọng điệu hơi đe dọa, hay thậm chí chỉ là một tin đồn vặt vãnh.
Cảm giác ấy giống như bạn đang đi trên mặt băng dày, yên tâm rằng mọi thứ ổn thỏa, rồi đột ngột, chỉ trong một khoảnh khắc, băng vỡ dưới chân. Một giây trước, bạn còn đứng vững vàng, có thể đã như vậy hàng tháng trời. Một giây sau, bạn rơi vào làn nước băng giá, chìm nghỉm, và cơn khủng hoảng bắt đầu.
Chúng ta không chỉ cần được giáo dục để hiểu rằng bệnh tâm lý có tồn tại, mà quan trọng hơn, chúng ta cần được dạy cách cảm nhận nó. Hãy tưởng tượng cái ranh giới mỏng manh giữa những cảm xúc bạn đã biết – nỗi buồn, sự sợ hãi thoáng qua – và những cơn khủng hoảng tột độ. Hãy thử rùng mình nghĩ về sự mong manh ấy, để hiểu rằng bất kỳ ai cũng có thể rơi vào vực thẳm.
Và khi hiểu được điều đó, hãy sẵn sàng trao cho người đang đau khổ thứ họ cần nhất: thời gian để hồi phục, tình yêu thương vô bờ và sự cảm thông tuyệt đối. Hãy tin rằng họ không hề giả vờ hay lẩn tránh – họ chỉ đang chiến đấu với một căn bệnh khắc nghiệt như bất kỳ căn bệnh nào khác.
Từ khi loài người xuất hiện, bệnh tâm lý đã luôn hiện diện như một phần của cuộc sống. Nhưng chỉ đến thời đại này, chúng ta – cả những người khỏe mạnh và những người đang bất ổn – mới bắt đầu thực sự hiểu nó là gì. Đó là một thành tựu lớn lao, bởi chúng ta đang tiến gần hơn đến việc chấp nhận và yêu thương trọn vẹn, dù tâm trí của bất kỳ ai cũng có thể dễ tổn thương như bất kỳ cơ quan nào khác.
Nguồn: WHAT IS IT LIKE TO BE MENTALLY UNWELL