Cảm xúc ảnh hưởng đến năng lượng của bạn như thế nào?

cam-xuc-anh-huong-den-nang-luong-cua-ban-nhu-the-nao

Là con người ai cũng phải có những cảm xúc, chẳng hạn như vui, buồn, giận dữ, hạnh phúc, sợ hãi,… Thế nhưng có thể bạn chưa biết một điều rằng cảm xúc sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cơ thể của chúng ta, đặc biệt dưới góc nhìn của nghiên cứu khoa học.

Là con người ai cũng phải có những cảm xúc, chẳng hạn như vui, buồn, giận dữ, hạnh phúc, sợ hãi,… Thế nhưng có thể bạn chưa biết một điều rằng cảm xúc sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến cơ thể của chúng ta, đặc biệt dưới góc nhìn của nghiên cứu khoa học. Cơ thể con người là vô cùng phức tạp và không dễ dàng để cho chúng ta có thể hiểu được nó. Một nhóm nhà khoa học người Phần Lan đứng đầu là nhà tâm lý học Lauri Nummenmaa đã làm thí nghiệm trên một nhóm tập hợp hơn 700 người và quan sát biểu cảm khuôn mặt, cảm xúc của họ thông qua các trải nghiệm. Những người trong thí nghiệm đã được các nhà khoa học sử dụng các màu sắc khác nhau để miêu tả sự thay đổi các phần cơ thể đối với các trạng thái cảm xúc.

Màu nóng chính là màu đỏ, vàng và màu da cam tượng trưng cho xu hướng gia tăng các hoạt động của bộ phận trên cơ thể trong khi những màu tối và màu xanh da trời đại diện cho sự đối lập lại. Màu đen thể hiện sự trung lập.

(Sơ đồ trong hình sẽ phần nào cho bạn thấy sức mạnh của cảm xúc tích cực và cái giá của những cảm xúc tiêu cực chi phối chúng ta như thế nào.)

Hạnh phúc và yêu thương là hai loại cảm xúc tích cực quan trọng

Hai cảm xúc tích cực nhất đáng lưu ý đối với bạn đó chính là yêu thương (love) và hạnh phúc (happiness). Qua bức hình trên, chắc hẳn bạn cũng đã nhận ra được sức mạnh của hai loại cảm xúc tích cực này. Đây là hai cảm xúc mang đến sức mạnh tỏa ra khắp cơ thể. Cho nên, nếu một người đang hạnh phúc hoặc một người có đầy đủ tình yêu thương thì họ tỏa ra thứ năng lượng rất ấm áp và tích cực. Chính vì vậy, để có thể sống tích cực thì hãy lựa chọn để có được nhiều nhất hai loại cảm xúc là hạnh phúc và yêu thương. Điều này có được khi bạn làm chủ được bản thân và làm chủ được cảm xúc của mình, cũng như có thể làm chủ được các mối quan hệ của bạn.

Một nghiên cứu mang tính cách mạng trong ngành tâm lý học đó chính là thí nghiệm kéo dài 3/4 thế kỷ (75 năm) của đại học Harvard về hạnh phúc chỉ ra đâu là yếu tố quan trọng nhất để một người có thể có được một cuộc sống viên mãn suốt đời. Thông điệp sâu sắc được chỉ ra đó là: “Các mối quan hệ tốt đẹp làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc và khỏe mạnh hơn”.

Thêm vào đó, một nghiên cứu kinh điển khác về tần số rung động của con người được nhà thần kinh học David Hawkins cũng chỉ ra rằng những người không được thương yêu hay có tư tưởng tiêu cực, oán giận, chỉ trích, hận thù người khác hoặc sống ích kỷ đều có tần số rung động thấp. Trong quá trình trách móc, hận thù người khác sẽ làm tiêu hao rất nhiều năng lượng của họ và nó cũng tạo ra nhiều áp lực trên cơ thể vì thế tần số rung động sẽ giảm và những người này có nguy cơ bị mắc rất nhiều loại bệnh. Tần số rung động chính là từ trường mà mọi người thường hay nói.

Đừng để trầm cảm tấn công bạn

Loại cảm xúc tiêu cực đáng sợ nhất đó chính là trầm cảm (depression), nó khiến cho toàn bộ cơ thể bị tê liệt và làm cho con người ta mất hoàn toàn năng lượng.

Bác sĩ David Burns, giảng viên, bác sĩ Nghiên cứu lâm sàng bộ môn Tâm thần học và Khoa học hành vi, Khoa Y Dược – Đại học Stanford và là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Đừng để trầm cảm tấn công bạn” (đã có bản dịch tiếng Việt của TGM BOOKS) có kết luận đáng chú ý rằng trầm cảm là một trong những dạng đày đọa tinh thần nặng nề nhất, bởi nó là hỗn hợp đậm đặc pha trộn giữa cảm giác tội lỗi, vô dụng, vô vọng và chán chường. Bị trầm cảm có khi còn tệ hơn là bị ung thư giai đoạn cuối, bởi đa số bệnh nhân ung thư cảm thấy được thương yêu, có hy vọng và lòng tự trọng. Nhiều bệnh nhân bị trầm cảm đã chia sẻ rằng, thật ra là họ muốn chết và mỗi ngày họ đều cầu cho mình bị ung thư để được chết đàng hoàng, chứ không phải tự tử.

Chính vì lẽ đó, mỗi ngày trôi qua, cách tốt nhất là bạn cần học cách thư giãn tinh thần và đừng để cho những ưu sầu tích tụ, một ngày nào đó khiến bản thân bạn trở nên trầm cảm. Bởi trầm cảm là một loại cảm xúc ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến cơ thể của bạn.

Gia tăng cảm xúc tích cực - hạn chế cảm xúc tiêu cực

Có một số loại cảm xúc hơi bị mơ hồ một chút, nhưng nếu quan sát kết quả thì bạn cũng sẽ phần nào thấy được sự ảnh hưởng của chúng. Chẳng hạn như giận dữ làm cho bạn siết chặt / nghiến chặt nắm tay. Xấu hổ khiến cho má bạn ửng đỏ. Sợ hãi làm ngực bạn căng thẳng. Trong khi ghê tởm khiến bạn nôn nao ở cuống họng. Trong thí nghiệm trên, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận về tính chất chưa thực sự rõ ràng của một số loại cảm xúc ảnh hưởng đến cơ thể. Thế nhưng, với một số cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực hiển nhiên thì chúng ta cũng có thể thấy được khá rõ sự chi phối của nó.

Do vậy, có một số cảm xúc tích cực bạn có thể gia tăng trong cuộc sống của bạn đó là tự hào. Một số loại cảm xúc tiêu cực đặc biệt cần tránh đó là đau khổ, sợ hãi, ghê tởm, khinh thường, lo lắng, xấu hổ. Chắc chắn rằng những nghiên cứu về sự ảnh hưởng bởi cảm xúc con người đến cơ thể sẽ còn rất nhiều. Qua đó, chúng ta cũng thấy được một điều rằng việc phản ứng tích cực trong cuộc sống và làm chủ các cảm xúc quan trọng đến như thế nào. Thế nhưng, vấn đề lại nằm ở chỗ các nhà khoa học cũng chỉ ra một điều rằng chúng ta có khuynh hướng đón nhận cảm xúc tiêu cực cao gấp 10 lần so với những cảm xúc tích cực.

Một ví dụ dễ hình dung nhất trong trường hợp này đó là việc bạn thấy một chấm đen trên tờ giấy trắng. Lẽ dĩ nhiên, xu hướng tự nhiên con người ta có khuynh hướng nhìn thấy chấm đen đó nhanh hơn là nhìn vào những khoảng trắng còn lại. Chấm đen đó chính là đại diện cho những thông tin tiêu cực, những cảm xúc tiêu cực hàng ngày mà con người ta dễ gặp phải trong quá trình tiếp nhận thông tin. Cho nên, không dễ để bạn có thể hạn chế việc chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực.

Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn có thêm một góc nhìn để hiểu hơn về giá trị của hai cảm xúc tích cực là hạnh phúc và yêu thương, cũng như hiểu được sự đáng sợ của trầm cảm, tuyệt vọng và một loạt cảm xúc tiêu cực khác. Để từ đó, bạn có thể lựa chọn cho mình cảm xúc tích cực và hữu ích cho bản thân.

Cre: diễn giả Trần Đăng Khoa

menu
menu