Cần lắm một lần được khóc

can-lam-mot-lan-duoc-khoc

Một trong những điều khôn ngoan nhất ở trẻ nhỏ là chúng chẳng hề cảm thấy xấu hổ hay ái ngại khi bật khóc.

Một trong những điều khôn ngoan nhất ở trẻ nhỏ là chúng chẳng hề cảm thấy xấu hổ hay ái ngại khi bật khóc. Có lẽ bởi vì các em có cái nhìn chân thật hơn và không bị cái tôi làm mờ mắt khi đối diện với vị trí của mình trong thế giới này: các em biết rằng mình chỉ là những sinh linh bé nhỏ trong một thế giới đầy bất trắc và khắc nghiệt, rằng các em không thể kiểm soát phần lớn những gì đang xảy ra xung quanh, rằng khả năng thấu hiểu của các em còn hạn chế, và rằng cuộc sống chứa đầy những điều khiến các em bối rối, buồn bã và đau khổ. Vậy thì tại sao không, thỉnh thoảng, dù chỉ trong vài phút ngắn ngủi, để mặc bản thân chìm vào những giọt nước mắt trong lành, như một cách để giải tỏa trước nỗi đau buồn sâu sắc của kiếp người?

Thật không may, sự khôn ngoan ấy thường bị đánh mất khi chúng ta trưởng thành. Chúng ta được dạy rằng phải tránh xa bằng mọi giá hình ảnh của một người “mít ướt” – một kiểu người bị cho là yếu đuối nhưng thực chất lại rất sâu sắc và đầy triết lý. Chúng ta bắt đầu liên kết sự trưởng thành với vẻ ngoài bất khả xâm phạm và sự tự tin vững chãi. Chúng ta nghĩ rằng thật hợp lý khi ngầm khẳng định mình luôn mạnh mẽ và làm chủ mọi thứ xung quanh.

Thế nhưng, việc cố tỏ ra mạnh mẽ ấy thực ra lại là một kiểu nguy hiểm đầy ngạo mạn. Nhận ra mình không thể gắng gượng thêm nữa chính là một phần không thể thiếu của sự kiên cường thực thụ. Bản chất sâu thẳm của chúng ta là những “đứa trẻ hay khóc” – những con người vẫn luôn nhớ rõ mình dễ tổn thương và biết trân trọng nỗi đau mà mình phải trải qua. Mất đi lòng can đảm đôi lúc chính là dấu hiệu của một cuộc đời can trường. Nếu không cho phép bản thân đôi khi được gục ngã, ta sẽ đối mặt với nguy cơ một ngày nào đó, khi sức chịu đựng cạn kiệt, ta sẽ hoàn toàn sụp đổ.

Chúng ta thường nhầm tưởng rằng chỉ một thảm họa rõ ràng và nghiêm trọng mới có thể biện minh cho những giọt nước mắt. Nhưng như vậy là quên mất rằng, mỗi giờ trôi qua, có biết bao điều nhỏ nhặt trục trặc, biết bao thứ tưởng chừng vụn vặt lại âm thầm chất nặng lên tâm hồn ta, để rồi chỉ trong chốc lát, tất cả trở nên quá tải.

Khi cảm giác muốn khóc ùa đến, ta nên đủ “trưởng thành” để chấp nhận nó, giống như ta đã từng biết làm thế nào khi mới chỉ là một đứa trẻ lên bốn, lên năm. Hãy tìm một góc yên tĩnh, trùm kín chăn và cứ thế để dòng nước mắt mặc sức tuôn trào trước những nỗi kinh khủng của cuộc đời. Chúng ta quên mất rằng mỗi ngày, ta phải tiêu tốn biết bao năng lượng để chống lại tuyệt vọng; và giờ đây, ta có thể để mặc nỗi buồn nhấn chìm mình, không cần phải chống trả.

Hãy để cho những suy nghĩ đen tối nhất ùa về: Rõ ràng chúng ta chẳng ra gì. Hiển nhiên mọi người đều tàn nhẫn. Chắc chắn là mọi thứ quá sức chịu đựng. Cuộc đời – không nghi ngờ gì nữa – là vô nghĩa và đã hoàn toàn sụp đổ. Để những giây phút như thế thực sự có tác dụng, ta cần chạm tới tận đáy cảm xúc và an yên đối mặt với nó. Hãy để nỗi đau, nỗi thất vọng có cơ hội được trỗi dậy và được sống đúng với hình hài vốn có của nó.

Rồi, nếu ta đã thực sự để nỗi đau được sống trọn vẹn, thì vào một khoảnh khắc nào đó giữa những u sầu, một ý nghĩ – dù nhỏ bé đến đâu – sẽ lặng lẽ xuất hiện, gợi ý một lối thoát: ta sẽ chợt nhớ rằng mình có thể tận hưởng một bồn tắm nước nóng thật ấm áp, rằng đã từng có người âu yếm vuốt tóc ta thật dịu dàng, rằng trên thế giới này vẫn còn một người rưỡi bạn tốt và một cuốn sách hay đang đợi ta khám phá. Và khi đó, ta sẽ nhận ra cơn bão tồi tệ nhất đã qua đi.

Xã hội đôi khi đối xử bất công với chúng ta khi luôn khuyến khích sự vui vẻ hời hợt hoặc gieo rắc những nỗi kinh hoàng cực đoan. Nhưng thực ra, cuộc sống đòi hỏi một sự cân bằng tinh tế giữa sự chịu đựng kiên cường, chút hài hước đen tối và những giọt nước mắt dạt dào. Dù chúng ta có lý trí và trưởng thành đến đâu, nhu cầu của tuổi thơ vẫn âm thầm tồn tại bên trong mỗi người. Chúng ta không bao giờ thực sự rời xa cảm giác khao khát được ôm ấp và an ủi, như cách mà nhiều năm trước một người lớn đầy cảm thông – có lẽ là cha mẹ – đã từng làm: người đó bảo bọc ta trong vòng tay ấm áp, hôn lên trán ta, nhìn ta bằng ánh mắt chan chứa yêu thương và dịu dàng, rồi chẳng cần nói nhiều, chỉ thì thầm nhẹ nhàng: “Ừ, mẹ hiểu mà.”

Khao khát được "mẹ vỗ về" ở tuổi trưởng thành thường dễ bị xem là nực cười, nhất là khi ta đã cao gần hai mét và đang gánh vác biết bao trọng trách. Nhưng thực tế, việc thừa nhận và chấp nhận những mong mỏi trẻ thơ ấy chính là cốt lõi của sự trưởng thành thực sự. Không ai có thể đạt tới sự chín chắn đích thực nếu chưa từng đối diện và thương lượng với “đứa trẻ bên trong” mình, và cũng không có người trưởng thành nào không đôi lúc ao ước được vỗ về như một đứa trẻ.

Trong những gia đình biết cách thấu hiểu, có lẽ chúng ta nên có những tấm biển treo trước cửa phòng, giống như biển hiệu ở khách sạn, để báo rằng: “Xin đừng làm phiền. Tôi đang dành vài phút cho một việc rất cần thiết đối với nhân tính và năng lực sống như một người trưởng thành – đó là khóc như một đứa trẻ lạc mẹ.”

Nguồn: THE NEED FOR A CRY

menu
menu