Càng trải đời, niềm vui nhỏ lại càng thêm ý nghĩa

cang-trai-doi-niem-vui-nho-lai-cang-them-y-nghia

Có một nghịch lý hiển hiện khi càng sống lâu, ta lại càng biết trân trọng những điều nhỏ bé, giản dị hơn trong cuộc sống:

Có một nghịch lý hiển hiện khi càng sống lâu, ta lại càng biết trân trọng những điều nhỏ bé, giản dị hơn trong cuộc sống: một mẩu sôcôla đen trong căn bếp, một đoạn đường đi bộ đến chỗ làm, những mầm cây nhú lên trong vườn vào tháng Giêng, một cuối tuần không hẹn hò, một bồn nước nóng thật lâu, tiếng cười thân mật với người bạn, một quyển sách mới. Những điều này lại càng trở nên quý giá, dù kinh nghiệm sống ngoài kia cứ tăng dần theo năm tháng.

Ảnh: Gustave Van de Woestyne, The Porridge Eater, 1911

Thuở đầu đời, mọi thứ thường rất khác biệt; ta luôn khao khát quy mô và những xúc cảm mạnh mẽ, muốn đứng trên đỉnh cao, để lại dấu ấn, và tìm kiếm tri kỷ. Ta dễ thấy chán trong những khung cảnh tráng lệ nhất, xem thường cả những bí ẩn lớn lao. Hiếm khi ta dừng chân bên đường để nghĩ suy hay ngắm nhìn.

Nhưng rồi, có một lúc nào đó, tham vọng dường như đổi hướng – và yếu tố thúc đẩy sự thay đổi đó thường là đau đớn. Cuộc sống càng gian truân, càng nếm trải yêu thương, bệnh tật, tranh chấp, trở ngại, thất bại, sóng gió chính trị, ta càng trân quý những gì còn tinh khôi và đầy hy vọng, dù vẻ ngoài có bình dị, thiếu phần lộng lẫy. Khi đó, ta biết tôn trọng một trái sung, một khoảnh khắc tĩnh lặng, một người bạn hiền lành và giản đơn – tất cả đều được nâng niu bởi những ký ức của những đêm dài khóc cạn nước mắt, những tháng ngày lạc lối trong tranh cãi, hay những giây phút tuyệt vọng tràn trề trong phòng tắm giữa bóng tối.

Chính những khó khăn là chất xúc tác cho sự quan tâm đến việc làm vườn, ngắm nhìn một bức tranh hồ thu, tìm hiểu vòng đời của vịt hay đọc một bài viết về các mặt trăng của sao Mộc. Những người đã từng đối mặt với nhiều đau thương về tuổi già, ung thư, pháp lý công việc, ly hôn, và cả bệnh viện tâm thần – chính họ là những người hiểu sâu sắc vẻ đẹp của bông hoa nở, ngày thảnh thơi, chuyến tàu dài và ánh trăng trên mái nhà trong buổi tối ấm áp.

Với đứa trẻ lên năm, tất cả chỉ là một cây kem nữa và một ngày nắng nữa. Nhưng với người ông, người bà ngồi cạnh chúng, mọi thứ đều gần như siêu nhiên: những ngón tay bé xíu, cơ thể tròn trĩnh, đứa con nay đã thành cha mẹ đang chất hành lý lên xe, tiếng chim sẻ lách cách đâu đó trên cây. Đứa trẻ - nếu may mắn – chưa biết đến sự mong manh của mọi thứ và cái nghiệt ngã đang đợi đâu đó. Ai có thể hiểu được niềm vui của một ngày tẻ nhạt cho đến khi từng có đám đông bu quanh cửa; ai có thể hân hoan với một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng cho đến khi từng chật vật truyền đạt điều gì đó quan trọng với người mà cuối cùng mình phải rời xa để tự cứu lấy mình; ai có thể thấy ngọt ngào khi ăn thêm một viên kem vani và sô-cô-la tan chảy, khi chỉ còn vài mùa hè nữa để tận hưởng.

Những điều kỳ diệu giản đơn của thế giới luôn được tái khám phá, và những người tiên phong khám phá chúng thường là những người đã từng bước qua lối đi của địa ngục.

Nguồn: WHY SMALL PLEASURES BECOME A BIGGER, NOT A SMALLER DEAL, THE MORE WE SUFFER AND AGE I The School Of Life

menu
menu