Châm ngôn về lòng tốt
Trên lý thuyết, tất cả chúng ta đều yêu mến lòng tốt, nhưng trên thực tế, hình ảnh một người tốt bụng đôi khi nghe như một lựa chọn mà ta chỉ tìm đến sau khi mọi con đường gian truân và phần thưởng khác đều thất bại.
Trên lý thuyết, tất cả chúng ta đều yêu mến lòng tốt, nhưng trên thực tế, hình ảnh một người tốt bụng đôi khi nghe như một lựa chọn mà ta chỉ tìm đến sau khi mọi con đường gian truân và phần thưởng khác đều thất bại. Học cách tốt bụng nghĩa là chấp nhận rằng đôi khi lòng tốt nghe có vẻ nhạt nhẽo đến vô lý.
Thế nhưng, có bao nhiêu điều quý giá trên đời vẫn tồn tại nhờ lòng tốt và hoàn toàn có thể song hành cùng nó. Ta có thể tốt bụng và thành công, tốt bụng và đầy hứng khởi, tốt bụng và giàu có, thậm chí tốt bụng mà vẫn quyền lực. Lòng tốt là một đức tính cần được khám phá lại, cần được trân trọng một cách giản dị, tự nhiên.
Điều ta thường thiếu nhất từ người khác chính là lòng tốt trong cách nhìn nhận: là một cái nhìn bao dung với những yếu điểm, những khác thường, những lo âu và những lầm lỡ mà ta phơi bày, nhưng lại khó lòng nhận được sự cảm thông trực diện. Người tốt bụng là người có thể kể lại câu chuyện đời ta theo một cách nhân từ, mở ra niềm tin cho ta.
Người tốt bụng vẽ nên một bức chân dung về ta đủ bao dung và sâu sắc để không biến ta thành "kẻ ngốc", “kẻ lập dị", "kẻ thất bại" hay “kẻ thua cuộc" - những danh xưng dễ dàng dán lên nếu không có một ánh nhìn đủ rộng lượng.
Người tốt bụng cho đi hào phóng, vì họ hiểu rằng, đến một lúc nào đó, bản thân họ cũng sẽ cần đến lòng tốt. Không phải bây giờ, không phải trong chuyện này, nhưng sẽ là chuyện khác. Họ hiểu rằng tự cao tự đại chỉ là hệ quả của trí nhớ kém - là sự không thể nhớ rằng ngay trong những khoảnh khắc bản thân hoàn toàn tốt đẹp và đúng đắn, họ đã có biết bao lần sai lầm và thiếu sót lớn lao.
Lòng tốt hiểu rằng giữa bề bộn điều xấu, vẫn có chút gì đó lấp lánh thiện lành. Khi ai đó thốt lên lời xúc phạm, họ không phải đang tiết lộ điều thật lòng về cảm xúc của mình, mà chỉ đang cố làm tổn thương người khác vì chính họ đã bị tổn thương – thường là do một ai khác mà họ chẳng thể đáp trả. Lòng tốt biết cảm thông với những hoàn cảnh bất đắc dĩ, với những mảnh sự thật nhỏ nhoi có thể làm nhẹ bớt những lầm lỡ, tưởng chừng chẳng thể cứu vãn.
Ta nên luôn cố gắng nhìn vào điểm yếu của người khác như mặt trái không thể tránh khỏi của những phẩm chất từng thu hút ta đến với họ, những điều từ đó ta sẽ hưởng lợi vào lúc khác (dù có thể lúc này chưa nhận ra). Điều ta thấy không chỉ là khiếm khuyết, mà là cái bóng của những điều tốt đẹp trong họ. Ta nhận ra những yếu đuối đó xuất phát từ chính những điểm mạnh.
Người tốt đã vượt qua cái suy nghĩ vô ích rằng – nếu tìm kỹ hơn – sẽ có thể thấy một ai đó hoàn toàn hoàn hảo, không tì vết. Khi đã hiểu rằng điểm mạnh luôn đi cùng với nhược điểm, ta sẽ thấy chẳng có ai hoàn hảo cả. Ta có thể gặp người với những điểm mạnh khác, nhưng họ cũng sẽ mang theo một chuỗi dài những yếu điểm mới. Đôi khi cần phải nhắc nhở bản thân rằng, con người hoàn hảo là không hề tồn tại.
Thế giới hiện đại thường khó chấp nhận ý tưởng một người tốt có thể không thành công. Ta thà cho rằng họ không tốt hẳn, hơn là chấp nhận một sự thật bất tiện và ít ai muốn công khai: rằng thực tế là cuộc sống này rất bất công. Người tốt sẽ luôn mang trong mình ý niệm về sự bất công ấy.
Một trong những con đường quan trọng nhất để giữ được lòng tốt khi ở bên mọi người là khả năng duy trì, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, sự phân biệt giữa điều ai đó làm – và ý định thực sự của họ khi làm điều đó.
Chúng ta hiếm khi giỏi trong việc nhận ra động cơ thực sự đằng sau những sự việc khiến mình tổn thương. Chúng ta dễ dàng và nhiều lúc hoàn toàn sai lầm, thấy có chủ ý ở nơi không có, làm lớn chuyện và đáp trả mạnh mẽ dù chẳng có lý do nào cần đến những phản ứng gay gắt như vậy.
Một phần lý do khiến chúng ta dễ dàng nhảy đến những kết luận đen tối về người khác và thấy những âm mưu xúc phạm hay làm hại mình lại xuất phát từ một hiện tượng tâm lý khá xúc động: tự căm ghét bản thân. Càng ít yêu thích chính mình, ta càng dễ thấy mình như một đối tượng thực sự hợp lý cho sự giễu cợt và tổn thương. Đó là lý do vì sao để trở nên tử tế, trước tiên ta phải học cách tử tế với chính mình.
Khi ta mang trong lòng cảm giác ghét bỏ bản thân, lẩn khuất dưới tầng ý thức, ta sẽ không ngừng tìm kiếm sự xác nhận từ thế giới rộng lớn hơn rằng mình thực sự là kẻ vô giá trị như ta nghĩ. Rất tự nhiên khi thấy sự xấu tính ở khắp nơi nếu ta nhìn mình như mục tiêu dễ dàng cho những lời miệt thị.
Lòng tốt lớn nhất mà ta có thể dành cho người khác trong những lúc khó khăn là đối xử với họ như đối với những đứa trẻ. Chúng ta hiếm khi cảm thấy bị tổn thương hay bất an trước hành vi tồi tệ của trẻ con. Và lý do là ta không gán cho chúng những động cơ xấu xa hay ý đồ không tốt. Ta tìm mọi cách để hiểu theo hướng bao dung nhất. Ta tha thứ.
Thật xúc động khi chúng ta đang sống trong một thế giới mà con người đã học cách tử tế với trẻ nhỏ đến vậy. Sẽ còn đẹp hơn biết bao nếu ta học cách rộng lượng hơn với phần trẻ thơ trong mỗi người.
"Đừng bao giờ nói rằng con người là xấu xa," nhà triết học người Pháp Alain viết, "Bạn chỉ cần tìm ra chiếc gai." Ý của ông là: đừng chỉ dừng lại ở sự phán xét, hãy tìm nguồn cơn của nỗi đau khiến ai đó có hành vi khó chịu hoặc tồi tệ.
Ta cần luôn hình dung đến những hỗn loạn, thất vọng, lo âu và nỗi buồn của những người mà thoạt nhìn chỉ có vẻ hung hăng và "xấu xa". Ta cần nhắm đến lòng trắc ẩn ở những nơi bất ngờ nhất: dành cho những người khiến ta bực mình nhất.
Người khác gần như chỉ cư xử tệ khi họ đang phải chịu đựng một nỗi đau nào đó. Lý do duy nhất họ khiến ta tổn thương là vì họ cũng đang – ở đâu đó sâu trong lòng – tự tổn thương chính mình. Họ khó chịu, châm chọc, tỏ ra ác ý bởi vì họ không ổn. Ta không cần phải làm họ đau thêm.
Những người tử tế hiểu rất rõ về việc lọc suy nghĩ của mình. Họ biết rằng "được là chính mình" là một niềm vui mà họ phải cẩn trọng hết mức để không đẩy cho người khác – đặc biệt là những người họ yêu thương.
Người tử tế là người hiểu rõ những mặt chưa dễ mến của chính mình, nên họ khéo léo làm nhẹ đi tác động của những điều đó đối với thế giới xung quanh. Chính sự nghi ngờ bản thân này giúp họ – trong cuộc sống thường ngày – trở nên thân thiện, đáng tin cậy và tử tế một cách hiếm thấy.
—----------------
Người tử tế luôn bắt đầu bằng giả định rằng người khác có thể đang ở trong một trạng thái nội tâm rất khác biệt. Thái độ của họ trong giao tiếp vì thế thường rụt rè, thận trọng và đầy sự tìm hiểu. Họ không lấy những gì mình đang cảm nhận làm thước đo cho những gì bạn có thể đang trải qua. Phép lịch sự của họ được xây dựng trên ý thức sâu sắc về khoảng cách mà con người có thể có với nhau.
Người tử tế luôn nghĩ rằng, nội tâm của người khác mong manh vô cùng. Họ cảm nhận – mà không có ý xúc phạm – rằng người khác lúc nào cũng đang ở bờ vực của sự tự ghét bỏ. Cái tôi của người xung quanh luôn mỏng manh, dễ bị tổn thương, và có thể xẹp xuống bất cứ lúc nào. Vì thế, người tử tế thường xuyên phát ra những tín hiệu nhỏ, nhưng đầy ý nghĩa của sự trấn an và khích lệ.
Người tử tế biết rằng, dù bề ngoài trông có tự tin đến đâu, ta đều dễ dàng bị tổn thương bởi cảm giác bị xem nhẹ hay không được yêu thương. Tất cả chúng ta đều như đang đi mà không có một lớp da che chắn. Vậy nên, những lời khen ngợi tưởng chừng giản đơn không phải là sự giả tạo hay khéo léo quá mức, mà thực sự giúp mỗi người cảm thấy dễ chịu hơn với chính mình.
Người tử tế hiểu rằng họ có thể sẽ chẳng bao giờ hoàn toàn thay đổi được cuộc đời của ai, nhưng chính sự khiêm tốn ấy khiến họ trân trọng từng điều nhỏ bé: luôn sẵn sàng nở nụ cười, nhớ đến ngày sinh nhật, viết thiệp và dành thời gian cho những cuộc trò chuyện thân tình.
Người tử tế nhìn nhận thế giới là nơi cái tốt và cái xấu luôn rối rắm đan xen, và sự thật có thể ẩn mình dưới những dáng vẻ kỳ lạ từ những người bất ngờ. Họ không vội vàng phán xét. Sự nhã nhặn của họ là một phản ứng hợp lý trước sự phức tạp mà họ thấy ở bản thân và trong thế giới này.
Người tử tế biết cách bày tỏ tâm sự. Họ mở lòng, cho phép người đối diện thấy được những lỗi lầm, những phút giây lúng túng, và cả những sai lầm ngốc nghếch của mình; từ đó người khác cũng có thể học cách nhìn nhận bản thân và những góc tối của mình một cách bao dung hơn.
Điều khiến người tử tế có thể đem lại niềm vui cho người khác chính là khả năng duy trì trong các cuộc gặp gỡ, ngay cả khi đối mặt với những người xa lạ và có vẻ đáng sợ. Họ luôn giữ bên mình sự nhạy bén về những điều có thể xoa dịu, an ủi và động viên người khác. Bản năng của họ là dùng trải nghiệm cá nhân làm nền tảng để suy xét nhu cầu của người đối diện.
Người tử tế biết cách giữ cho mình một chút ngại ngùng. Sự ngại ngùng ấy chứa đựng một chiều sâu tinh tế: đó là sự ý thức rằng sự hiện diện của mình có thể làm phiền ai đó, là cảm giác nhạy bén rằng một người lạ có thể không thoải mái vì mình. Người ngại ngùng như bừng tỉnh trước nguy cơ trở thành sự phiền toái cho người khác, và điều đó thật dễ thương.
Người tử tế là một kẻ chọc ghẹo ấm áp, nhẹ nhàng, người thỉnh thoảng bám vào những nét độc đáo của ta và đáp lại bằng cách góp ý thân tình, đầy xây dựng để giúp ta trở nên tốt đẹp hơn. Họ không giảng giải nghiêm túc, mà thay vào đó khéo léo giúp ta nhận ra những cái quá đà của mình và cùng ta cười về điều đó.
Có lẽ câu hỏi dạy ta nhiều nhất về sự chọc ghẹo trìu mến của người tử tế là: "Mình muốn người tử tế sẽ trêu đùa mình về điều gì?"
——————–
Người tử tế hiểu rằng dù ai đó bên ngoài có vẻ cứng cỏi và điềm đạm đến đâu, bên trong vẫn là một bản ngã đôi khi còn loay hoay, dễ bối rối, với những nhu cầu rất đỗi đời thường, dễ cảm thấy cô đơn – và thường chỉ cần một cái ôm hay một cuộc trò chuyện ấm áp để được an ủi.
Người tử tế cũng biết cách "thả thính". Thả thính đúng nghĩa không nhằm mục đích chiếm lấy ai mà là một cách, xuất phát từ sự đồng cảm và hứng khởi đầy sáng tạo, để khiến người khác tin tưởng hơn vào sức hấp dẫn của mình – không chỉ về ngoại hình mà cả về tâm hồn. Đó là món quà trao đi không để điều khiển, mà đơn thuần là niềm vui khi phát hiện điều đáng mến ở người khác.
Bởi chúng ta dễ rơi vào tự ti, dễ quên đi giá trị của chính mình, nên ta cần mạnh mẽ hơn và bớt e ngại khi tham gia vào việc quan trọng: thả thính nhau để mỗi người đều thấy mình đáng yêu hơn trong mắt chính mình.
Người thực sự tử tế luôn sẵn sàng, và thậm chí đôi khi rất hào hứng, với việc nói dối. Họ không nói dối vì lợi ích bản thân, mà là để thuyết phục người khác rằng họ thực sự quan tâm.
Người tử tế hiểu rằng có những chân lý to lớn (“Mình rất thích bạn”) đôi khi phải len lỏi vào tâm trí người khác qua những lời nói dối nhỏ nhẹ (“Bánh của bạn thật ngon”).
Dù yêu sự thật, người tử tế lại có một cam kết lớn hơn: sự tử tế. Họ thấu hiểu (và thông cảm) với việc một sự thật đôi khi có thể khiến người nghe tự suy diễn ra những niềm tin chẳng mấy tích cực. Vì vậy, họ không coi trọng sự thành thật tuyệt đối bằng lòng tốt. Sự trung thành của họ nằm ở điều gì đó cao quý hơn lời kể chân thật: đó là sự an yên của những người mà họ quan tâm.
Chúng ta thường nghĩ mình đủ dũng cảm để đón nhận sự thật, dù có đau đớn đến đâu. Chúng ta có thể khăng khăng rằng người khác nên nói hết mọi điều với mình, nhưng lại quên rằng ta rất dễ bị tổn thương. Đó là lý do không chỉ đôi khi chúng ta nên nói dối, mà còn nên âm thầm hy vọng rằng thỉnh thoảng, người khác cũng sẽ nói dối ta – và mong sao ta không bao giờ biết được sự thật ấy.
Người tử tế là người biết lắng nghe, không phán xét. Họ hiểu rõ bản thân đến mức chẳng ngạc nhiên hay sợ hãi trước những điều lạ lùng. Họ thấu rằng, chúng ta ai cũng có chút “điên rồ” trong mình. Chính vì thế, khi trò chuyện với họ, ta cảm thấy dễ chịu, vì họ mang đến cảm giác đón nhận, không cay nghiệt cũng chẳng lên án, rằng bản chất của con người thật ra là đáng yêu và lắm khi hơi… tưng tửng.
Người tử tế chẳng ngại tiết lộ về những yếu kém của mình. Họ tâm sự không phải để trút bầu tâm sự, mà để giúp người khác dễ chấp nhận bản thân, thấy rằng đôi khi làm một người cha mẹ vụng về, một người yêu thiếu sót hay một nhân viên ngơ ngác không phải là lỗi lầm tội lỗi, mà chỉ là những phần tất yếu trong cuộc sống mà ai cũng có, chỉ là ít ai dám phơi bày ra ngoài.
Người tử tế biết rằng trong mỗi con người dù có những góc khuất rắc rối, nhưng vẫn luôn tồn tại những vùng đất rộng lớn của lòng tốt, khiêm nhường và thiện lương. Họ hiểu rằng, quyền được yêu thương, được quan tâm và kết bạn của một ai đó không nên bị tước đoạt chỉ vì vài sai lầm hay mặt tối. Họ chấp nhận rằng con người tử tế, dù mong muốn hoàn hảo, nhưng vẫn sẽ có lúc nghĩ và làm những điều chưa hay.
———
Người tử tế luôn thú vị, không phải vì họ đã làm những điều phi thường, mà vì họ là những người lắng nghe sâu sắc, tự ý thức về bản thân, và luôn thành thật ghi lại những rung động tinh tế trong tâm hồn. Chính điều này mang đến cho ta những câu chuyện sống động về niềm đau, sự kịch tính và sự kỳ lạ của cuộc sống.
Đúng lúc, người tử tế biết cách sống thật với bản thân. Điều này khiến ta nhận ra rằng, những đứa trẻ 5 tuổi thường ít nhàm chán hơn những người trưởng thành 45 tuổi. Điều làm trẻ con cuốn hút không phải vì cảm xúc của chúng đặc biệt hơn, mà bởi chúng sống với cảm xúc ấy một cách hồn nhiên, không dè chừng. Sự ít trải đời khiến chúng vẫn còn trung thành với bản thân mình – một điều mà những người lớn tử tế, dễ thương luôn biết cách nhớ lại và trân trọng.
Người tử tế mà ta thường gọi là thú vị, thực chất là người biết cách lắng nghe, thấu hiểu những điều sâu kín mà mỗi chúng ta đều khao khát trong các mối quan hệ xã hội: một cái nhìn không che đậy về cuộc sống qua ánh mắt của người khác, và cảm giác an ủi rằng ta không hoàn toàn cô đơn giữa bao cảm xúc hoang mang, lạ lẫm và mãnh liệt trong tâm hồn mình.
Những người tử tế biết cách nói về thất bại của họ. Họ hiểu rằng người khác rất cần nghe những bằng chứng về những vấn đề mà chúng ta vẫn thường ôm nỗi cô đơn trong lòng: cuộc sống chăn gối chẳng mấy bình thường, sự nghiệp ngày càng lạc hướng, gia đình không phải lúc nào cũng hoàn hảo, hay cái cảm giác lo lắng luôn đeo đẳng.
Thật cảm động khi ta dành quá nhiều công sức để tỏ ra mạnh mẽ trước thế giới - trong khi, sự thật là, chính những mảng buồn bã, vụng về, yếu đuối và lo âu mới là thứ khiến ta trở nên đáng yêu trong mắt người khác, và biến người dưng thành bạn.
Ta luôn ngại rằng mình sẽ tỏ ra kiêu ngạo nếu đối xử với người khác như thể họ không hiểu biết bằng mình. Nhưng có khi, lòng tử tế đích thực lại chính là biết rằng người khác cũng có lúc chẳng thể hiểu rõ mọi cảm xúc và suy nghĩ của chính họ.
Những người tử tế hiểu niềm hân hoan khi nghe những lời thú nhận. Họ hiểu niềm vui của chúng ta khi ai đó dám công khai một chút kỳ lạ: khi họ nói, chẳng hạn, rằng họ bị hấp dẫn bởi xe thể thao hay tổng thống, hay sợ vi trùng đến mức luôn dùng chân mở cửa nhà vệ sinh công cộng. Sự kỳ lạ của họ làm cho những phần “điên rồ” của chúng ta bỗng trở nên chính đáng.
Người tử tế mang đến cho chúng ta một bức tranh chân thực và an ủi hơn về bản chất con người: rằng thực ra, nếu nói một cách thống kê, ai cũng có những điểm kỳ lạ riêng. Họ xác nhận rằng việc "bất thường" đôi chút lại là điều hoàn toàn bình thường.
Người tử tế hiểu rằng tình bạn bắt đầu, và cô đơn có thể kết thúc, khi ta ngừng cố gắng tạo ấn tượng, dám bước ra khỏi vùng an toàn và cho phép mình – dù chỉ trong chốc lát – trở nên ngớ ngẩn một chút.
Người tử tế không hoài nghi, vì họ đã tập làm quen và thoải mái với mọi mớ hỗn độn đời thường. Họ không bất ngờ hay sốc trước những điều “lạ kỳ” của cuộc sống, bởi họ đã quan sát và chấp nhận chúng với một trái tim không còn gì để ngỡ ngàng.
——
Chúng ta nên ngừng mong đợi người khác trở thành phiên bản hoàn hảo nào đó. Bất kỳ ai ta gặp gỡ đều sẽ có vô vàn khiếm khuyết nghiêm trọng theo những cách rất riêng. Chỉ có thể có những mối quan hệ “đủ tốt” với người khác mà thôi.
Ta cũng không nên trách người khác vì họ không thể hiểu ta như ta mong muốn. Họ không vụng về đến thế đâu – chỉ là chẳng ai có thể hoàn toàn hiểu được người khác, và cũng vì vậy mà sự cảm thông toàn diện là điều khó thành hiện thực.
Sự tử tế bắt nguồn từ ý thức sâu sắc về cái khó khăn mà ta mang lại cho những người xung quanh. Hãy nhẹ nhàng với những ai đã chấp nhận thử thách đầy gian nan là dành trọn ngày đêm bên cạnh ta. Nếu ta không thường xuyên thấy xấu hổ về chính mình, có lẽ là ta chưa thực sự hiểu rõ bản thân đâu.
Chúng ta nên chấp nhận rằng, trong nhiều trường hợp, người khác có thể sẽ khôn ngoan, lý trí và trưởng thành hơn mình. Ta nên mở lòng để học hỏi từ họ. Hãy chịu đựng khi có ai đó chỉ ra lỗi lầm của ta. Đôi khi, hãy nhìn họ như người thầy, còn mình là học trò.
Đừng mong đợi người yêu hay bạn bè phải giống hệt mình. Thay vào đó, hãy tập trung vào cách đối thoại thông minh và tinh tế để điều chỉnh những khác biệt. Sự hoà hợp là kết quả của tình yêu, không phải điều kiện tiên quyết của nó.
Ta nên loại bỏ tự mãn bằng cách nhận ra rằng ta rất dễ sai lầm, rất dễ phán đoán sai, dễ phản ứng thái quá khi đói hay mệt, và tâm trí ta đã bị nhào nặn bởi những kỳ quặc từ thuở ấu thơ. Ta đã sai lầm quá nhiều lần để có thể chỉ trích người khác về lỗi của họ.
Giải pháp cho nhiều nỗi buồn và phiền muộn nằm ở một điều tưởng chừng đơn giản: một triết lý sống bi quan. Kỳ vọng là kẻ thù của sự bình yên. Cách ta phản ứng với thất vọng chịu ảnh hưởng lớn từ điều ta cho là "bình thường". Chúng ta không phát cáu mỗi khi có chuyện xảy ra – cơn giận dữ mạnh mẽ nhất thường bắt nguồn từ những gì trái với quy luật mà ta tin là bất di bất dịch của cuộc sống. Một chút bi quan chính là con đường dẫn đến lòng tử tế.
Yêu một người không chỉ là ngưỡng mộ trước sự hoàn hảo, mà còn là khả năng rộng lượng phi thường dành cho họ, đặc biệt vào những lúc họ không mấy dễ thương, dễ gần. Yêu là biết nhìn xuyên qua vẻ ngoài đôi khi không mấy thiện cảm, là có đủ năng lượng để thấu cảm và kiên nhẫn tha thứ ngay cả khi đối diện với những điều rắc rối, rối ren từ họ.
Người tử tế hiểu rằng mỗi chúng ta đều có nhu cầu được an ủi theo những cách rất khác nhau. Có người cần trò chuyện, có người thích được ôm ấp, có người lại muốn vui chơi. Lòng tử tế không chỉ dừng ở ý tốt, mà còn là sự nỗ lực không ngừng để biến những ý muốn ấy thành hành động phù hợp với tâm lý và quá khứ của người kia.
Người tử tế cũng hiểu vai trò của sự hài hước trong việc làm dịu đi các mối quan hệ. Cuộc đời chúng ta trôi nổi giữa những gì chỉ là khiếm khuyết nhỏ và cả những điều thật kinh khủng. Khi may mắn, ta có thể thôi nhìn người khác như những kẻ ngốc, mà thay vào đó là phiên bản dễ thương hơn nhiều – những “kẻ ngốc đáng yêu.”
Nguồn: APHORISMS ON KINDNESS - The School Of Life