Chẳng ai có thể phớt lờ khao khát
Cảm giác mong muốn có được mọi thứ là chất xúc tác đặc biệt mạnh mẽ, đầy sức thuyết phục não bộ “ra lệnh” cho chúng ta hành động. Quả thực, khi khao khát trỗi dậy, chẳng ai có thể phớt lờ.
Khao khát là thứ cảm xúc kỳ quặc, gắn với đời sống loài người kể từ khi xuất hiện trên cõi đời này. Cảm giác mong muốn có được mọi thứ là chất xúc tác đặc biệt mạnh mẽ, đầy sức thuyết phục não bộ “ra lệnh” cho chúng ta hành động. Quả thực, khi khao khát trỗi dậy, chẳng ai có thể phớt lờ.
Mặt trái của khao khát
Mười năm lưu trữ hồ sơ hàng nghìn bệnh nhân khiến bác sĩ Zoey Lavallee nhận thấy một sự thật thú vị: sức mạnh của khao khát dường như đạt tới cực đỉnh khi con người vướng vào cám dỗ chất kích thích. Câu chuyện Nigel Warburton thèm rượu mỗi ngày trở thành nỗi ám ảnh trong sự nghiệp của Zoey Lavallee. Bảng phân loại bệnh quốc tế ICD-10 xếp nghiện rượu vào loại tình trạng mãn tính liên quan đến rối loạn hành vi do sử dụng các chất tác động tâm thần. Bệnh nhân một khi lạm dụng và phụ thuộc sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái “nát”, cũng như gặp phải rối loạn tâm lý nặng nề khi... xa rượu.
Khao khát như lời thúc giục vang vọng từ não bộ, là trạng thái phức tạp về mặt tâm lý không dễ phỏng đoán.
Một khao khát phá hủy cuộc đời, hay chí ít khiến con người ta lạc lối bởi những thách thức cắt cơn, khi mà ý chí chưa thể khuất phục hành động tay chân. Ma túy chẳng hạn, bất kể hậu quả có đau đớn, tàn khốc đến mức nào đối với kẻ “yêu” nàng tiên nâu, gia đình hoặc người thân của họ, nỗ lực kiên quyết không sử dụng luôn bị lấn át bởi ham muốn mãnh liệt đến từ cơn nghiện. Đôi tay mất kiểm soát, lý trí chịu khuất phục, còn trái tim cảm thấy bất lực. Ngay cả khi tưởng như đã cai nghiện thành công, sự khao khát vô hình vẫn luẩn quẩn đâu đó, và chỉ cần “mồi lửa” châm ngòi phản ứng thì mọi công sức sẽ đổ bể.
Trong “Sợ hãi và ghê tởm ở Las Vegas”, Hunter Thompson lột tả chân dung một thành phố tội lỗi, coi ảo giác ma túy chết chóc như một cái gương phản chiếu sự minh mẫn, chiếm lấy không gian của lý trí. Những vòng xoáy thèm khát, cảm giác ham muốn “đè nát” quyết tâm tiết chế, để rồi mang đến những trải nghiệm khủng hoảng, đáng sợ, và nhuốm màu tổn thương. Có thể kéo dài cả đời, đôi khi là vài năm, ngắn thì đôi ba tháng. Thành công thì ở lại với nhân gian, còn thất bại đồng nghĩa với dần lụi tàn cho đến khi trái tim ngừng đập. Khi ấy, cái chết như một hình phạt chính đáng cho việc... không biết sống.
Không chỉ rượu và ma túy, Zoey Lavallee ghi chép lại nhiều trường hợp không thể cưỡng lại hay kiểm soát ham muốn đồ ăn trong hai năm đại dịch COVID. Cơn thèm ăn chọn lọc là một ví dụ thú vị, chỉ khao khát với những món chung chung, kiểu khoai tây chiên, hay cụ thể hơn chút như bánh mì khoái khẩu ở một nhà hàng ưa thích. Chúng ta chưa hiểu rõ nguyên nhân của hiện tượng này, chỉ phỏng đoán cảm xúc là chìa khóa, tồn tại ở những cá nhân có thói quen tìm kiếm sự thoải mái bằng cách ăn. Zoey Lavallee cho rằng, cách tốt nhất là hãy nhai kẹo cao su để miệng bớt nhàn rỗi, khiến dạ dày cảm thấy no lâu hơn, từ đó đánh lừa bộ não về một loại khao khát kỳ quặc.
Tất thảy mọi mong muốn “tiêu cực” vì ma túy, rượu hay đồ ăn, đều khởi tạo cho khát vọng tự do thoát khỏi kìm kẹp thường trực bên trong mỗi người.
Đích đến hạnh phúc
Triết gia William Irvine, với “Bàn về ham muốn”, từng ngụ ý: thử tưởng tượng một ngày thức dậy trong một thế giới mà toàn bộ khao khát bị tước bỏ, chúng ta sẽ chẳng còn lý do để sống, hoặc chết, tồn tại vô hồn ở nơi mà sự sống hoàn toàn đóng băng. Khao khát hiện diện ở mọi nơi, từ tiếng khóc của đứa bé đòi bình sữa, ánh mắt loay hoay của cô bé học sinh khi giải bài tập, cho đến chàng trai cảm thấy hạnh phúc với người vợ mới cưới, và hình ảnh bà cụ khom người dịch chuyển từng bước chậm chạp dọc theo hành lang của viện dưỡng lão để nhận lá thư của người con.
Kỹ năng hình thành khao khát thật phi thường, chẳng cần trường lớp hay ai chỉ bảo. Mỗi phút giây thức giấc, chúng ta ngập chìm trong thế giới của khao khát. Khi ta nhắm mắt chìm vào giấc ngủ, ước muốn tạm thời được chế ngự, nhưng giấc mơ định hình bởi chính ước muốn lại xuất hiện. Ngay cả đau ốm và tuổi già cũng chẳng thể khiến ta phải dừng hành trình khao khát. Ở đó, mong muốn được thành công luôn mạnh mẽ nhất, về tiền bạc quyền lực, về tài cao học rộng, về một gia đình êm ấm, con cái nên người. Tuy vậy, nhiều người tin rằng điều chúng ta thực sự cần là cảm giác mãn nguyện khi đạt được mục tiêu. Khát vọng hạnh phúc, suy cho cùng, mới là đích đến cuối cùng, còn thành công chỉ đóng vai trò phương tiện.
Khao khát luôn có hai mặt. Tất thảy mọi mong muốn “tiêu cực” vì ma túy, rượu hay đồ ăn, đều khởi tạo cho khát vọng tự do thoát khỏi kìm kẹp thường trực bên trong mỗi người. Con đường tìm kiếm tự do trở thành bản năng sống còn, tựa ham muốn bị thôi thúc bởi cơn khát khi không có nước. Tiểu thuyết gia Jean Paul Sartre từng nói, hiện hữu của con người là không gian tự do, nhưng họ không lang thang trong đó mà đi theo các đòi hỏi. Nếu như tự do là cảm giác đầu vào, thì ở đầu ra chính là hạnh phúc, còn toàn bộ tiến trình ở giữa là hành động phản ánh tiến trình phát triển.
Nhắc đến hạnh phúc, không thể quên khao khát tình yêu. Tại sao chúng ta lại yêu nhau trở thành bản tình ca mà giáo sư Helen Fisher gửi tới độc giả, như nhắn nhủ mỗi người đều mòn mỏi vì yêu để hướng tới một trải nghiệm tuyệt vời nhất trong đời. Chẳng thế mà, nhà thơ Walt Whitman phải thốt lên “anh sẽ đánh đổi tất cả để có em”, nhấn mạnh xã hội loài người kỳ cục đến độ nhiều người, ngay cả khi đã có tất cả tiền bạc cùng danh vọng, luôn trăn trở về một khoảng trống cảm xúc cần được lấp đầy. Như một cơn nghiện, chúng ta “đói” người ấy, chấp nhận thử thách để gặp người yêu, rồi ám ảnh nghĩ mãi không dừng về một hình bóng trong tâm trí.
Khao khát là một chiến lược
Chúng ta liên tục trải nghiệm khao khát nên không nhận ra sự hiện diện của chúng. Chỉ khi nào khao khát trở nên dữ dội (như khi bước vào tình yêu) hoặc xuất hiện xung đột (như lúc thèm đồ ngọt trong chuỗi ngày ăn kiêng) thì chúng ta mới chú ý đến những ham muốn, xen lẫn cảm giác bối rối, bực bội. Bác sĩ Zoey Lavallee phỏng đoán, khao khát, dù theo nghĩa tích cực hay tiêu cực, đều do “hormone hạnh phúc” dopamine chi phối. Tức là, liều cao dopamine làm tăng hưng phấn, thích thú cùng nghị lực sống, trái lại mức độ dopamine thấp sẽ khiến chúng ta giảm động lực cũng như sự nhiệt tình với mọi thứ xung quanh.
Tuy vậy, khoa học thần kinh cùng Giả thuyết Dopamine chỉ là bề nổi. Zoey Lavallee nghĩ đến sự ảnh hưởng của kinh nghiệm, tư duy, hành vi và môi trường sống. Từ quan điểm này, khao khát bất cứ điều gì, vô hình hay hữu hình, không hẳn là “công tắc” bật tắt trên não, mà giống phản ứng tâm lý đối với thành công hoặc biến cố nhất định. “Đói” ma túy thường rất nghiêm trọng và khó hồi phục khi chúng ta rơi vào trạng thái đau khổ, cô lập. Nhật ký của Nigel Warburton tiết lộ người đàn ông tìm đến men say để giải sầu sau những thất bại công việc, gia đình tan vỡ. Rượu làm cơ thể phóng thích “thuốc phiện nội sinh” endorphin mang lại cảm giác thoải mái nhất thời. Nhưng endorphin quá liều lại biến người thường thành kẻ nghiện ngập.
Helen Fisher miêu tả khao khát như lời thúc giục vang vọng từ não bộ, là trạng thái phức tạp về mặt tâm lý không dễ phỏng đoán. Cuộc sống chìm đắm trong khao khát là theo đuổi một hành trình cảm xúc cho đến lúc lìa đời. Những người mắc chứng nghiện một thứ gì đó bị chi phối bởi thèm khát hướng tới cảm giác tự hủy diệt, để được giải thoát khỏi những điều kiện đau đớn của cuộc sống bằng bất cứ giá nào. Số đông còn lại, mang trong mình hoài bão lớn lao của tình yêu, tự do, hạnh phúc, tìm kiếm động lực từ ý thức bản thân để thay đổi chính mình.
Từ quan điểm xã hội, khao khát là một chiến lược để đối phó với những điều kiện sống cụ thể. Một cuốn nhật ký về chứng nghiện, một bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, hoặc tự bản thân suy ngẫm, tất cả đều phản ánh bối cảnh văn hóa, chuẩn mực xã hội và lịch sử cá nhân. Số ít nghi ngờ di truyền “nhúng tay” thao túng tâm lý, nhưng lập luận này có vẻ yếu vì các yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự biểu hiện gen, có nghĩa là khả năng dễ bị nghiện của các cá nhân phụ thuộc vào hoàn cảnh của họ.
Ở hiện tại, phần lớn chúng ta “nghiện” Instagram, Twitter hay Facebook. Đối với nhiều người, mạng xã hội mở ra cơ hội chữa trị sự cô đơn, được chú ý và kết nối xã hội, thôi thúc bản thân chạm tới amour-propre - một trạng thái tự yêu bản thân hình thành bởi sự công nhận hoặc chấp thuận của người khác. Zoey Lavallee tin rằng, mỗi khi chúng ta cảm thấy khao khát thứ gì đó thật sự mãnh liệt, hãy chiêm nghiệm cách bản thân trải nghiệm cuộc sống. Phải chăng não bộ chuẩn bị ra tín hiệu tăng dopamine đột ngột để trái tim ngập tràn hạnh phúc? Đó có thể là một phần của khao khát, nhưng chắc chắn câu chuyện sẽ còn tiếp diễn với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, để cái kết chạm tới một mục đích nào đó lớn hơn suy nghĩ ban đầu rất nhiều...
Tác giả: Lê Nam