Chế ngự kẻ chỉ trích tàn nhẫn trong tâm trí ta

che-ngu-ke-chi-trich-tan-nhan-trong-tam-tri-ta

Một trong những điều mệt mỏi nhất khi đối diện với vấn đề tâm trí là ta buộc phải quan tâm nhiều hơn đến cách nó vận hành so với những người vốn bình yên vô sự.

Một trong những điều mệt mỏi nhất khi đối diện với vấn đề tâm trí là ta buộc phải quan tâm nhiều hơn đến cách nó vận hành so với những người vốn bình yên vô sự. Ta phải trở thành “thợ cơ khí của tâm hồn” vì bên trong ta đang đau đớn.

Một vấn đề độc hại mà rất nhiều người gặp phải là cảm giác lo âu triền miên, tự chỉ trích, ghét bỏ chính mình và không ngừng bị ám ảnh rằng mình không xứng đáng tồn tại. Trong mắt ta, ta không bao giờ đủ tốt. Chưa bao giờ, và có lẽ sẽ không bao giờ.

Tâm lý học gọi tên một phần trong tâm trí này là “lương tâm” – chức năng giúp ta quan sát xem ta đang làm tốt đến đâu trong việc tuân thủ trách nhiệm, đáp ứng những đòi hỏi của thế giới và kiềm chế những ham muốn, khát khao cá nhân. Lương tâm nhắc nhở ta xem mình đã làm việc đủ chăm chỉ hay chưa, đã cân bằng đủ giữa nghỉ ngơi và lao động chưa, hay liệu ta có đang nuông chiều bản thân quá mức với những thú vui.

Nghe có vẻ hữu ích, nhưng với nhiều người, chức năng này đã bị mất cân bằng nghiêm trọng. Thay vì thỉnh thoảng nhắc nhở nhẹ nhàng, nó không ngừng gào thét, hạ thấp và tấn công ta vì những lỗi lầm (dù chỉ là cảm nhận). Nó bảo ta rằng ta chẳng làm gì đủ tốt cả, rằng ta không có quyền được nghỉ ngơi hay hưởng thụ. Nó đe dọa rằng những điều tồi tệ nhất đang chờ ta chỉ vì bản chất “tội lỗi” của mình. Lo âu và khinh miệt bản thân trở thành trạng thái mặc định.

Freud, nhà tâm lý học lừng danh, đã đưa ra một phát hiện đơn giản nhưng thiên tài: lương tâm ta thực ra được hình thành từ tàn dư của giọng nói cha mẹ – thường là người cha – mà ta nghe khi còn nhỏ. Ông gọi lương tâm là “siêu ngã” và cho rằng nó tiếp tục vang lên trong tâm trí ta như cách những người cha từng nói với ta khi xưa.

Những ai may mắn có được những người cha lý trí và nhân hậu thường sẽ có một lương tâm tử tế. Nếu hôm nay ta thất bại, ta có thể thử lại lần sau. Nếu ta không được yêu thích, điều đó cũng không có nghĩa ta vô giá trị. Ta xứng đáng được nghỉ ngơi, được yêu thương, được hưởng thụ. Ta được phép dừng lại và chỉ cần là chính mình.

Nhưng với những người kém may mắn hơn, lương tâm của họ là tiếng vang của những lời chỉ trích cay nghiệt nhất. Khi mọi thứ sai lầm, họ dễ dàng đi đến kết luận rằng có lẽ tốt hơn là họ không nên tồn tại nữa.

Một bước đi quan trọng để đạt được sức khỏe tinh thần là nhận thức rõ ràng rằng ta đang sống với một vở bi kịch như vậy trong đầu. Nghe thì kỳ lạ, nhưng đa số ta không hề hay biết; sự chỉ trích đã trở nên quen thuộc đến mức ta không nhận ra nó, chỉ coi đó là bản chất của mình. Ta không phân biệt được tiếng nói của kẻ chỉ trích bên trong và phần còn lại của bản thân.

Vậy nên, bước đầu tiên là tạo khoảng cách giữa ta và lương tâm của chính mình. Hãy hình dung lương tâm như một nhân vật. Hãy nói với chính mình: “Ta có một kẻ chỉ trích nội tâm, và nó thật bất công với ta, thậm chí nó còn đang cố giết chết ta. Nó nói trong đầu ta, nhưng nó không phải là tất cả con người ta. Nó chỉ là một phần từ thời thơ ấu mà ta vô tình hấp thụ, và có lẽ, ta có thể học cách đẩy nó ra khỏi tâm trí mình theo thời gian.”

Tiếp theo, hãy chất vấn kẻ chỉ trích ấy. Liệu có công bằng không khi nói rằng cuộc đời ta hoàn toàn vô giá trị?Đúng là ta đã phạm sai lầm, nhưng liệu ta không xứng đáng nhận được chút cảm thông và tha thứ nào sao? Có thực sự không có gì tốt đẹp ở ta? Ta có bao giờ nghĩ sẽ đối xử với bạn bè – hay thậm chí với kẻ thù – như cách ta đang đối xử với chính mình không?

Ta không có quyền chọn ai là người đã nói chuyện với ta khi ta còn nhỏ, nhưng giờ đây ta có quyền làm chủ chính mình. Ta có thể rèn luyện tâm trí, học cách nhận ra những niềm tin sai lầm đã được gieo vào từ quá khứ. Ta đã hình thành những thói quen vô cùng khắc nghiệt và sai lầm. Không ai đáng phải sống trong cảm giác mình là rác rưởi; cảm giác ấy có nguồn gốc trong quá khứ, và nó không nhất thiết phải tiếp tục tồn tại trong tương lai.

Để thay đổi, ta cần người khác. Ta cần những người yêu thương ta, lấp đầy tâm trí ta bằng những quan điểm tử tế hơn. Ta cần đủ can đảm để dựa vào họ (một điều không dễ dàng với những người luôn cảm thấy mình không xứng đáng) và nhờ họ giúp ta chế ngự tiếng nói cay nghiệt bên trong. Ta nên ngừng cố tỏ ra dũng cảm trước những tấn công nội tâm ấy. Hãy thẳng thắn nói với người khác: “Bạn ở đây là để giúp tôi đối phó với kẻ chỉ trích trong đầu tôi, và cho tôi một góc nhìn mới về sự trừng phạt bản thân và nỗi tuyệt vọng của mình.”

Ta cũng nên cảm thấy tức giận vì phải sống chung với kẻ chỉ trích đó, và tự hỏi vì sao ta luôn dễ dàng tha thứ cho nó – hay cho cha mẹ đã tạo ra nó – trong khi lại trách móc chính mình vì sự yếu đuối. Ta cần biết thương xót bản thân, và đôi khi cũng bực bội với những người không biết cách trao cho ta sự dịu dàng mà ta đáng được nhận.

Dĩ nhiên, đôi khi ta cần tự nhắc nhở và cố gắng hơn. Nhưng thành tựu lớn nhất là học cách đứng về phía chính mình một cách dịu dàng và bao dung.

Nguồn: TAMING A PITILESS INNER CRITIC - The School Of Life

menu
menu