Chỉ có người tốt mới bị trầm cảm - Dorothy Rowe
Nếu sống ích kỷ hơn thì liệu tôi có vui vẻ hơn hay không?
Nếu sống ích kỷ hơn thì liệu tôi có vui vẻ hơn hay không?
Tác giả: Dorothy Rowe • Melvin Lerner
Câu hỏi này kéo theo một câu hỏi khác về khái niệm “sống ích kỷ”. Nếu bạn cho rằng sự ích kỷ đơn thuần nghĩa là “Tôi sẽ làm điều tôi muốn, và tôi không quan tâm đến bạn”, nhiều người sẽ phải giật mình. Họ có cảm giác người như vậy là thô lỗ, bất cần, “không tử tế”. Thế nhưng cảm giác này đến từ đâu? Tại sao “làm điều tôi muốn” có vẻ như đi cùng với giả định rằng “tôi không quan tâm đến bạn”?
Các nhà tâm lý học và các nhà trị liệu tâm lý dường như đồng ý với nhau về nguồn gốc của những quy tắc đó. Trẻ em phải được hòa nhập trong văn hóa, từ đó chúng được hòa hợp và khôn lớn, thay vì bị coi là kỳ quặc hay “lạc quẻ” với rất ít cơ hội phát triển. Trách nhiệm cho sự xã hội hóa này trước hết thuộc về các bậc cha mẹ, những người có ý thức rằng họ phải dạy cho con cái về lẽ thường của xã hội và điều chúng cần làm để sống tốt.
Nhà tâm lý Dorothy Rowe đã xem xét rất kỹ từ “tốt” trong ngữ cảnh đó. Dường như trẻ em dĩ nhiên là nên học cách trở thành người tốt, nhưng định nghĩa chính xác về điều đó lại phụ thuộc vào người đưa ra các quy tắc. Giả sử một người phụ huynh có đức tin tôn giáo rất mạnh mẽ, hoặc xuất thân từ một gia đình xem khoái lạc là tội lỗi, thì điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các quy tắc mà họ vạch ra cho gia đình? Ngay cả trong những gia đình thoải mái hơn, cũng có thể có những quy tắc cổ súy thói ích kỷ mà vẫn rất kiểu cách, chẳng hạn như “Không bao giờ ăn cái bánh cuối cùng” hoặc “Những người hay đòi hỏi sẽ không được đáp ứng”.
Những người học nhanh
Trẻ em đều nhanh chóng nắm được các quy tắc trong gia đình và hậu quả của việc vi phạm. Với người ngoài, hậu quả này chỉ là một lời khiển trách đơn thuần, nhưng những quy tắc ấy sẽ được củng cố khi được đưa trẻ tiếp thu chúng cùng với cảm giác tội lỗi. Nếu những lời khiển trách này lặp lại nhiều lần, thậm chí trong những hoàn cảnh tầm thường nhất, trẻ bắt đầu cảm thấy rằng mình không thể đáp ứng được kỳ vọng (vì các tiêu chuẩn dường như quá tầm với) và nó cảm thấy nỗ lực của mình chỉ dẫn đến thất bại.
“Để sống hạnh phúc, chúng ta không nên quá bận tâm đến kẻ khác.”
- Albert Camus
Cùng lúc ấy, những niềm tin mới cũng được củng cố. Khi chào đời, chúng ta không thể hiểu được những ánh sáng, màu sắc và âm thanh xung quanh mình, nhưng dần dà chúng ta bắt đầu hiểu rõ chúng hơn. Chúng ta được nâng niu bởi cha mẹ và thầy cô giáo, và những câu chuyện từ sách vở, truyền hình, điện ảnh, sân khấu và hầu hết các loại hình văn hóa – cả hàn lâm lẫn đại trà. Những câu chuyện đó nhìn chung thường đi đến một chủ đề chính: những người tốt sẽ chiến thắng, còn kẻ xấu sẽ thua cuộc và chịu trừng phạt. Đôi lúc điều này có thể không rõ ràng – chẳng hạn như khi chúng ta sẵn lòng ủng hộ “những kẻ xấu” giành chiến thắng (giống như kẻ cướp ngân hàng Butch Cassidy và Sundance Kid), nhưng điều này chỉ xảy ra khi họ được xem là “người tốt” trong thực tế.
“Hãy từ bỏ niềm tin ấu trĩ đó, chấp nhận sự ngẫu nhiên, chịu đựng sự hỗn loạn, và mọi chuyện sẽ đâu vào đó thôi.”
- Tim Lott
Những câu chuyện này nói lên hai điều: thứ nhất, thế giới là công bằng, trật tự và dễ dự đoán; và thứ hai, ở hiền tất sẽ gặp lành. Thật không may, những quan điểm này không chỉ bén rễ trong niềm tin của chúng ta mà chúng còn làm rối loạn cảm nhận về bản thân của chúng ta khi những điều tồi tệ xảy ra. Nếu người tốt nhận được phần thưởng (chiến thắng) mà tôi lại đang có cảm giác như mình bị cuộc đời trừng phạt, thì tôi không thể nào là một người tốt. Tôi hẳn phải là người xấu.
Chỉ có người tốt mới bị trầm cảm
Rowe quả quyết rằng niềm tin ấy là nền tảng của trầm cảm. Những người quyết định làm “người xấu” và cố tình nổi loạn thì lại ổn định và khá hạnh phúc, mặc dù họ có thể bị coi là ích kỷ khi sống theo cách mình muốn. Ngược lại, những ai cố gắng để trở thành “người tốt” và sau đó vi phạm quy tắc đã đề ra (bởi người khác) thì sẽ tự xem bản thân là kẻ thất bại và kết luận rằng “chỉ là mình chưa đủ tốt”. Nếu đó thực sự là những quy tắc, mọi người hẳn là đã tuân thủ nghiêm túc rồi. Khi “người tốt” (nghĩa là đang cố làm người tốt) phải chịu mất mát hoặc sang chấn tâm lý, họ cảm thấy rằng mình đáng phải chịu khổ bởi vì những điều tồi tệ chỉ xảy đến với người xấu. Đây là hình phạt dành cho họ vì họ không đủ tốt. Chính vì quá cố gắng để trở thành người tốt nên họ mới cảm thấy mình kém cỏi. Đó là ý của Rowe, người đã đi đến kết luận rằng “Chỉ có người tốt mới bị trầm cảm”.
Tìm đọc cuốn sách của Dorothy Rowe bàn về Trầm cảm:Depression: The Way Out of Your Prison
Niềm tin cơ bản về thế giới như một nơi công bằng và có thể dự đoán cũng củng cố cho niềm tin sai lầm của chúng ta rằng người tốt phải được tưởng thưởng, từ đó nâng cao cảm giác về sự thiếu sót. Nếu chúng ta tin rằng có thể dự đoán về thế giới và áp dụng những kiến thức khoa học như nhân quả, thì sẽ có một lý do “rõ ràng” cho mọi chuyện. Vì vậy, hẳn phải có một nguyên nhân đằng sau những thử thách khó khăn nhất trong đời chứ! Chẳng hạn, trong khi đang tìm kiếm một lý do (“Tại sao lại là tôi?”) cho việc bị chấn thương trong tai nạn xe cộ, một người tin rằng thế giới này là nơi công bằng sẽ chỉ đi đến được một kết luận: Tôi chắc hẳn phải xứng đáng với điều này.
Làm cho thế giới ăn khớp với “câu chuyện”
Nhà tâm lý học Melvin Lerner kiểm nghiệm lại niềm tin vào một “thế giới công bằng” và thấy rằng con người sẽ bảo vệ quan điểm này mặc cho mọi bằng chứng chống lại nó. Trên thực tế, chúng ta sẽ biến đổi các sự thực để cho phù hợp với câu chuyện này. Trong một thí nghiệm cổ điển với nhà tâm lý học Carolyn Simmons năm 1966, người tham gia được cho xem hình ảnh truyền trực tiếp của một phụ nữ đang bị điện giật đau đớn vì trả lời sai câu hỏi. Khi được phép ngắt dòng điện, họ đã làm vậy ngay, nhưng khi được cho biết rằng mình không thể can thiệp và phải bất lực ngồi nhìn, họ bắt đầu thay đổi quan điểm của họ về người phụ nữ kia. Họ cho rằng cô ta hẳn là đáng bị như thế, chứ cô ta không thể nào là một nạn nhân vô tội được. Đây là thế giới công bằng, nên cô ta không thể vô tội được. Nhất định là cô ta gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Nếu không thể thay đổi số phận của người phụ nữ, họ sẽ thay đổi luôn tính cách của cô.
Chúng ta đều muốn nghĩ rằng mình sẽ hành xử khác, nhưng công tác nghiên cứu dường như bác bỏ điều này. Chúng ta cần tin rằng thế giới này là công bằng, dễ dự đoán và tuân theo một bộ quy tắc rõ ràng, bởi nếu không thì chúng ta đang sống trong một thế giới hỗn loạn và khủng khiếp khi mà bất cứ thứ gì cũng có thể xảy ra. Tất nhiên, đó là sự thật, nhưng lại là một sự thật ta không thể chịu đựng. Bởi vậy, chúng ta cần đến sự chối bỏ (cảm ơn ông, Freud) và thậm chí sẽ hy sinh cả phẩm giá của mình để tiếp tục tin vào câu chuyện về một thế giới an toàn và dễ hiểu.
Có lẽ đã đến lúc chấp nhận sự không chắc chắn?
Có lẽ đó là lý do tại sao những người nổi loạn (“những kẻ xấu”) lại hạnh phúc và vui vẻ hơn. Họ đã nhìn thấu câu chuyện kia và tự tìm lối đi riêng của mình trong một thế giới của ngẫu nhiên, hỗn loạn, nhưng dẫu sao vẫn cứ vui. Nếu bạn buông bỏ sự chắc chắn, vứt bỏ hết những quy tắc và nhìn nhận thực tế, thay vì cứ cố làm cho cuộc sống phải phù hợp với những câu chuyện nghèo nàn, bạn sẽ phải ngạc nhiên đấy. Không có lời đáp nào cho câu hỏi “Tại sao lại là tôi?” Những biến cố ngẫu nhiên cứ xảy ra suốt ấy mà, vì vậy hãy phá bỏ hết quy tắc đi. Hãy cứ ăn miếng cuối cùng đi. Hãy xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Những lý thuyết chính
Chỉ có người tốt mới bị trầm cảm – Dorothy Rowe
Niềm tin vào một thế giới công bằng – Melvin Lerner
Bài viết trích từ cuốn Ơn giời, Freud trả lời - Lời khuyên từ những nhà tâm lý trị liệu hàng đầu - tác giả Sarah Tomley
Hiện tại cuốn sách Ơn giời, Freud trả lời đã hết hàng, nhưng bạn có thể mua những cuốn khác trong bộ sách Ơn giời cũng hay không kém, ví dụ như cuốn Ơn Giời, Nietzsche Trả Lời: Lời Khuyên Từ Những Triết Gia Hàng Đầu