Chu kỳ Phẫn nộ

chu-ky-phan-no

KHỞI NGUỒN CƠN PHẪN NỘ

KHỞI NGUỒN CƠN PHẪN NỘ

Thời khắc số 0: Một sự kiện chấn động xảy ra. Các nhân chứng và nguồn tin chính thống bắt đầu tung tin. Những phát ngôn được đưa ra. Video được chia sẻ. Tweet được đăng tải.

Giờ đầu tiên: Các nhà báo hối hả đưa tin khắp nơi về sự kiện này. Phần lớn mọi thứ diễn ra trên Twitter, nhưng các trang tin tức cũng nhanh chóng tạo những bài viết sơ sài, đài truyền hình cắt ngang một cuộc rượt đuổi xe hơi để thông báo “tin tức nóng hổi” về sự kiện dù chẳng ai có manh mối gì đang thực sự xảy ra. Đây chính là làn sóng lan truyền đầu tiên – ta gọi nó là “Làn sóng lan truyền nguyên thủy.”

24 giờ đầu tiên: Đây là thời điểm “đổ xô tìm vàng.” Từ nhà báo, blogger, người nổi tiếng, đến chính trị gia, tất cả đều đưa ra “quan điểm” của mình về sự kiện. Những phát biểu này trải dài từ những phân tích sâu sắc cho đến những chiêu trò câu kéo sự chú ý rẻ tiền. Bất cứ ai nói được điều gì “ra vẻ thông minh” về sự kiện này ngay lập tức nổi như cồn, lượt theo dõi tăng vùn vụt, tweet của họ được đưa lên truyền thông chính thống – nơi vẫn còn đang “đoán già đoán non” mọi chuyện.

24-48 giờ: Trong hàng vạn quan điểm nhan nhản suốt ngày đầu tiên, chỉ vài chục ý kiến “nổi bật” giành chiến thắng trong đấu trường chú ý. Những góc nhìn này được chia sẻ, nhắc lại liên tục cho đến khi chúng trở thành “sự thật hiển nhiên” và “kiến thức nền tảng” về sự kiện. Những người theo dõi tin tức sát sao bắt đầu kể lại cho bạn bè, gia đình trong bữa tối hay vài cuộc nhậu về những gì mình biết. Họ tự thấy mình vừa hiểu chuyện, vừa uyên bác.

48-72 giờ: Làn sóng lan truyền nguyên thủy đã bão hòa. Không còn gì mới mẻ để nói về sự kiện này nữa. Lúc này, các nhà báo, blogger và những người “mặn mòi” trên mạng bắt đầu soi kỹ hơn. Và rồi, bạn biết đấy, video này là hàng giả! Bức ảnh kia bị Photoshop! Phân tích dữ liệu kia hoàn toàn sai lệch!

Trời ơi, hóa ra là bê bối!

Mọi thứ bạn biết về sự kiện này đều sai hết cả! Chính quyền nói dối. Truyền thông thì đánh lừa bạn. Lại thêm một lần nữa!

Đây là lúc những thông tin sai lệch và các chiêu trò bịa đặt trong sự kiện bắt đầu bị phơi bày. Điều này làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ mới trên mạng xã hội và truyền thông. Hãy gọi nó là “Làn sóng phản ứng dữ dội.”

LÀN SÓNG PHẢN ỨNG

Làn sóng phản ứng dữ dội không đơn thuần chỉ là một câu chuyện, mà là hàng loạt câu chuyện đa chiều, được tô vẽ bởi các nhóm lợi ích và quan điểm văn hóa khác nhau. Những người cánh hữu sẽ tập trung vào “tự do và quyền lợi bị xâm phạm.” Những người cánh tả sẽ la lên về “sự bất công và định kiến.” Người chống phân biệt chủng tộc sẽ tìm thấy dấu hiệu của nạn kỳ thị trong các câu chuyện gốc. Những người tôn thờ thị trường tự do sẽ chỉ trích chính quyền tham nhũng và thừa quyền lực.

Giống như một bài kiểm tra Rorschach toàn cầu, sự kiện chấn động chẳng thay đổi quan điểm của ai cả. Nó chỉ phản chiếu lại chính những gì họ đã tin tưởng bấy lâu nay.

Vì làn sóng phản ứng chứa đựng vô số ý kiến mâu thuẫn nhau, mọi người nhanh chóng rơi vào những cuộc cãi vã không hồi kết: Ai sai? Ai đúng? Ai đáng bị đổ lỗi? Nếu làn sóng nguyên thủy ban đầu tạo ra một sự tò mò và khao khát thấu hiểu, thì làn sóng phản ứng dữ dội sẽ xé toạc cộng đồng, biến mọi người trở về với “bộ lạc” quan điểm của riêng mình.

1-2 tuần: Các làn sóng phản ứng cạnh tranh nhau đã bão hòa trong từng nhóm khán giả của mình. Để giữ được sự chú ý, báo chí và những “người có sức ảnh hưởng” bắt đầu đẩy ngôn từ lên mức kịch tính nhất có thể. Những từ như “kẻ phản bội,” “tội phạm,” “phân biệt chủng tộc” được dùng nhiều đến mức… nhạt nhẽo. Những câu chuyện về Hitler và Stalin lại xuất hiện đầy “ngẫu nhiên.” Thuyết âm mưu tràn lan như nấm mọc sau mưa. Ai cũng bực bội, ai cũng thấy bị xúc phạm.

Nếu có một điều chắc chắn trong kỷ nguyên mạng xã hội, thì đó là: mọi câu chuyện sẽ tiến hóa đến mức cực đoan nhất có thể.
Những người dẫn chương trình từng chỉ lo lắng nhẹ nhàng tuần trước giờ đây trở nên “tận thế hóa.” Các chuyên gia xuất hiện trên TV để nói năng chừng mực giờ bị thay thế bởi những kẻ giật gân và phản loạn. Những người nổi tiếng “lố bịch” sẽ nghĩ ra đủ chiêu trò phi lý chỉ để khiến Twitter lại sôi sục bàn tán về mình.

LÀN SÓNG THỨ BA

Giữa cơn hỗn loạn ngập tràn tranh cãi và phẫn nộ, một nhóm nhà báo và người có sức ảnh hưởng khác bước ra, nhẹ nhàng phẩy tay và nói: “Bình tĩnh lại cái coi.”

Họ thường là những người trung lập về mặt chính trị, độc lập xuất bản nội dung của mình, không bị ràng buộc bởi vòng xoáy kinh tế méo mó của "cuộc đua chú ý". Họ cất lên giọng nói ôn hòa, cân nhắc, và chính xác đến từng câu chữ. Làn sóng thứ ba này, ta gọi nó là “Làn sóng phản ứng ngược” – một đợt sóng nhẹ nhàng, từ tốn, như lời ru êm đềm giữa một đại dương đang bão giông.

Và bạn biết điều gì sẽ xảy ra không? Nó khiến người ta… chán ngắt.

Vâng, nó đúng là cung cấp kiến thức. Nó cũng đủ thuyết phục để khiến hàng triệu người dần dần nguôi ngoai cơn phẫn nộ. Nhưng cùng lúc, nó khiến họ nhận ra rằng: “Ồ, có vẻ như mình cũng chẳng quan tâm đến cuộc chiến này nhiều như mình nghĩ.”

Thử tưởng tượng nhé, một sử gia lặng lẽ phân tích lịch sử nước Nga trong suốt ba tiếng đồng hồ trên podcast. Kết quả là gì? Người ta hiểu ra mọi chuyện có lẽ phức tạp hơn họ tưởng. Và rồi, cũng đủ để họ nhận ra: “Thôi, chắc mình nên xem bóng rổ tối nay thì hơn.”

Vậy là sự chú ý của họ lại nhanh chóng chuyển sang thứ gì đó sáng lấp lánh và thú vị hơn: liệu thị trường chứng khoán tuần sau có lao dốc không, hôm nay con có tập đàn piano suôn sẻ không, và ô kìa, trận bóng rổ sắp bắt đầu rồi…

...cho đến khi một Sự Kiện Chấn Động Mới xảy ra, và họ lại bị quẳng xuống cầu thang như một trò đùa của định mệnh.

Họ sẽ lại trải qua từng làn sóng lan truyền một cách mệt nhoài, hết lần này đến lần khác. Và lạ kỳ thay, như một ảo thuật gia tài ba khiến khán giả hết lần này đến lần khác há hốc mồm kinh ngạc, họ vẫn sẽ ngỡ ngàng, hoảng hốt và bức xúc y như lần đầu tiên.

Điều đáng kinh ngạc hơn cả là, mỗi Sự Kiện Chấn Động mới lại lập tức hất cẳng cái cũ ra khỏi vùng sáng của tâm trí. Thậm chí, họ còn chẳng nhớ nổi phần lớn những sự kiện "chấn động" đã từng khuấy đảo mình chỉ vài năm trước.

Đây mới chính là bi kịch: nếu họ có thể nhớ lại tất cả những Sự Kiện Chấn Động đã trôi qua trong đời, họ có lẽ sẽ nhận ra rằng, rất nhiều trong số đó chẳng "chấn động" như họ tưởng.

Tệ hơn nữa, khi một điều gì đó thật sự quan trọng xảy ra, nó lại dễ dàng hòa tan trong cái dòng chảy hỗn độn và ô nhiễm của thông tin trong thời đại mạng xã hội.

Và rồi... chẳng ai để ý cả.

Dịch từ bài The Outrage Cycle của Mark Manson

menu
menu