Chữa lụy tình bằng khoa học thần kinh
Tình yêu có cơ sở thần kinh giống như nghiện ngập
Tác giả: Helen Thomson
(Hình: Benjamin Bechet/Picturetank)
Hoa hồng màu đỏ, hoa violet màu xanh, khi anh từ chối em, em biết sống sao đây? Khi chúng ta khám phá thêm về cơ sở thần kinh của tình yêu thì chúng ta đang tiến gần hơn đến một phương cách nhằm chữa trị những nỗi đau vì tình.
Dù nhiều người có thể khá cảnh giác trước một phương cách chữa trị bằng hóa chất đối với tình trạng trái tim tan nát vì tình, song vẫn có một lý lẽ cho rằng những giải pháp chống lại-tình yêu như vậy có thể giúp cho những người đang cố vượt qua ý nghĩ tự tử hay ảo tưởng vì tình yêu đơn phương, hay những ai đang phải chịu đựng nỗi đau buồn triền miên dai dẳng. Những vấn đề đạo đức của việc sử dụng và lạm dụng những loại thuốc đó vốn dĩ phức tạp, nhưng nếu gạt vấn đề đạo đức qua một bên thì một phương cách chữa trị thất tình trông như thế nào?
Trước hết: tình yêu là gì? Đối với Shakespeare, tình yêu là thứ mà “Trong giông bão, suốt đêm ngày vẫn đỏ, Tình yêu là đèn sáng giữa xa khơi”. Đối với các nhà khoa học thần kinh, tình yêu chẳng thơ mộng tẹo nào: một hiện tượng sinh học thần kinh rơi vào 3 phân nhóm: ham muốn nhục dục, sự cuốn hút và gắn bó – tất cả đều tăng khả năng sinh sản và làm cha mẹ của chúng ta.
Mỗi khía cạnh được dựa trên một bộ các hệ thống hóa chất chồng chéo lên nhau trong não bộ. Theo Helen Fisher tại Đại học Rutgers ở New Jersey, có nhiều cách để giảm bớt chúng, nhưng không phải lúc nào cũng dễ đón nhận.
Hãy lấy ham muốn nhục dục làm ví dụ. Bạn đã từng thấy mình bị ám ảnh bởi những chi tiết nhỏ nhất của một ai đó chưa? Như mái tóc của họ, hay số nụ hôn trong tin nhắn? Thị lực đường hầm này (tầm nhìn thu hẹp) trông giống như một số triệu chứng của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD, vì vậy nên Donatella Marazziti tại Đại học Pisa ở Ý đã so sánh bộ não của 20 người lần đầu quằn quại vì tình yêu với bộ não của 20 người mắc chứng OCD.
Cả hai nhóm đều có nồng độ protein vận chuyển serotonin bao quanh não bộ – một loại hocmon liên quan đến khả năng điều chỉnh tâm trạng – thấp bất thường. Một năm sau, khi kiểm tra lại những người yêu đương này thì nồng độ serotonin của họ đã tăng lên, và họ không còn báo cáo về tình trạng tập trung đầy ám ảnh đến người yêu của họ.
Những loại thuốc làm tăng serotonin có thể cứu giúp cho những ai mắc OCD, cho nên cũng có lý khi tin rằng chúng cũng có thể giúp giảm đi những cảm giác ham muốn nhục dục. Những loại thuốc này bao gồm thuốc chống trầm cảm được gọi là thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin, được biết là làm giảm những cảm xúc cực đoan và khiến người ta khó tạo lập mối quan hệ tình ái. Đây là một tác dụng phụ không mong muốn đối với những ai đang bị trầm cảm, nhưng đối với những người đang tìm cách rời xa một ai đó thì nó lại được hoan nghênh.
Nhưng nếu như không phải ham muốn nhục dục, mà là một mối quan hệ gắn bó lâu dài mà bạn muốn cắt đứt thì sao? Một số hóa chất đóng vai trò trong việc giúp chúng ta hình thành nên mối gắn bó, và các nghiên cứu trên động vật cho thấy cách chúng ta có thể điều khiển chúng để đạt được mục đích ấy.
Loài chuột đồng thảo nguyên (prairie vole) có tiếng là chung thủy – chúng hình thành một mối quan hệ kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, khi Larry Young tại Đại học Emory ở Atlanta, Georgia, tiêm một loại thuốc ngăn chặn dopamine hoặc oxytocin cho những con chuột cái thì chúng trở nên ‘lăng nhăng’. “Điều này cho thấy rằng bạn có thể chặn oxytocin và cắt đứt được một mối quan hệ gắn bó lâu dài,” Young cho biết.
Nhưng oxytocin đóng vai trò quan trọng đối với mọi mối quan hệ chứ không chỉ riêng tình yêu lãng mạn. Bạn có thể chữa lành con tim tan vỡ vì tình, nhưng liệu có đáng để làm tổn hại đến những mối quan hệ khác của bạn hay không?
Nhóm của Young cũng cho thấy rằng việc ngăn chặn yếu tố phóng thích corticotropin (CRF), một loại hocmon liên quan đến phản ứng trước stress, ngừng được hành vi trầm uất mà chuột đồng biểu lộ trước cái chết của bạn tình. Young không khuyên bạn nên tìm cách ngăn chặn CRF vì yêu đơn phương, nhưng ông ấy cho rằng điều này có thể hữu ích trong việc xoa dịu cơn trầm cảm đi cùng với nỗi đau buồn dai dẳng.
Bởi vì tình yêu chia sẻ một số nền tảng thần kinh với chứng nghiện ngập cho nên bạn sẽ cần thay thế liều oxytocin hay dopamine của bạn. Theo Young, bạn có thể làm được điều này mà không cần uống thuốc. Tập thể dục làm tăng nồng độ dopamine, và tiếp xúc cơ thể cùng với tương tác xã hội có thể tăng oxytocin.
“Tình yêu có nền tảng thần kinh giống như nghiện ngập nên để chữa lành nỗi đau vì tình, bạn cần phải tìm ra một giải pháp mới”
Liệu chúng ta có nên mong đợi tìm ra được những giải pháp khắc phục chóng vánh hay tìm mua mấy liều thuốc chữa thất tình ở chợ đen? “Tôi nghĩ rằng thực sự tồn tại một thị trường như vậy, nhưng chắc chắn là tôi không khuyến khích điều đó,” Young nói.
Và sau cùng, thời gian là câu trả lời, Fisher cho biết. Nhóm của bà là nhóm đầu tiên nghiên cứu về các cơ chế thần kinh liên quan khi tình yêu biến mất. Bà phát hiện thấy những người đang héo hon sau khi đánh mất tình yêu có hoạt động não bộ lớn hơn ở vùng ventral pallidum, liên quan đến sự gắn bó, hơn những ai đang hạnh phúc trong men tình. Hoạt động này giảm dần theo thời gian, chỉ ra rằng mối gắn bó của họ rồi cũng phai nhạt.
Các nhóm khác đang cố gắng giúp những ai bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) thay thế một ký ức bằng ký ức khác bớt xúc cảm hơn. “Theo giả thuyết thì bạn có thể mường tượng đến một liệu pháp tâm lý tương tự được dùng để giảm bớt ký ức về tình yêu,” Fisher nói. Đến một ngày nào đó, người ta thậm chí còn có thể dùng cách kích thích não bộ để làm giảm hoạt động ở vùng ventral pallidum, nhằm tăng tốc tác dụng chữa lành của thời gian, bà cho biết.
Cho đến lúc đó thì có vẻ như những điều mà mẹ bạn nói với bạn về tình trạng tan nát cõi lòng vẫn rất đúng: bạn không thể đánh bại thời gian và một chút yêu thương từ một người mới.
Dịch: Chó béo cute
Nguồn
https://www.newscientist.com/article/mg22129564-600-cure-for-love-chemical-cures-for-the-lovesic/