Chứng cuồng phóng hỏa & Giải mã tâm lý tội phạm vụ phóng hoả ở Phú Đô  

chung-cuong-phong-hoa-giai-ma-tam-ly-toi-pham-vu-phong-hoa-o-phu-do- 

Những người bị mắc chứng này thường không thể cưỡng lại ham muốn đốt một thứ gì đó và bản thân họ có thể tham gia vào các hoạt động khác liên quan đến lửa, và có cảm giác thỏa mãn hoặc giải tỏa được căng thẳng/lo âu trong người khi đốt được một thứ gì đó.

Định nghĩa 

Chứng cuồng phóng hỏa (Pyromania) là một dạng rối loạn ám ảnh khá hiếm gặp, được định hình bởi hành vi đốt/phóng hỏa có chủ đích lặp đi lặp lại. Những người bị mắc chứng này thường không thể cưỡng lại ham muốn đốt một thứ gì đó và bản thân họ có thể tham gia vào các hoạt động khác liên quan đến lửa, và có cảm giác thỏa mãn hoặc giải tỏa được căng thẳng/lo âu trong người khi đốt được một thứ gì đó. 

Triệu chứng 

Chứng cuồng phóng hỏa có thể ảnh hưởng lên cả thanh thiếu niên và người trưởng thành. Mặc dù cả nam và nữ đều có thể xuất hiện bệnh lý này nhưng thường nó phổ biến ở nam giới, đặc biệt là ở những người mắc các khiếm khuyết học tập và thiếu hụt kỹ năng xã hội. Các triệu chứng của bệnh bao gồm sự chú ý đặc biệt đến lửa, luôn có ý định muốn đốt lửa nhiều hơn cần thiết, cảm thấy phấn khích hoặc hồi hộp ngay trước khi đốt, và cảm thấy cực kỳ nhẹ nhõm và thoải mái sau khi đốt. Các dấu hiệu của chứng cuồng phóng hỏa bao gồm sự xuất hiện của diêm, bật lửa, các lỗ cháy xém trên vải, thảm, các mảnh giấy bị cháy, các vật liệu bắt lửa khác trong thùng rác hoặc gần bồn rửa hay bếp/lò. Một người mắc chứng cuồng phóng hỏa có thể bị ám ảnh với lửa và cả công tác cứu hỏa, thường xuyên ghé vào các cơ quan phòng cháy chữa cháy, quan sát lửa cháy, có khi họ còn giúp đỡ hỗ trợ công tác cứu hỏa, và thậm chí tạo báo cháy giả.

Nguyên nhân

Mặc dù nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được xác định nhưng chứng cuồng phóng hỏa thường có liên đới với những bệnh lý tâm thần khác, như rối loạn khí sắc, những vấn đề trong kiểm soát ham muốn, hoặc lạm dụng ma túy. Người bệnh đốt để giải tỏa những căng thẳng hình thành trong con người họ; không hẳn là một hành vi cố tình phạm tội, cũng không phải để trả thù hay để đạt được thứ gì đó cho bản thân dưới bất kỳ hình thức nào. Vì là một chứng bệnh hiếm gặp nên hiện vẫn có khá ít nghiên cứu được thực hiện nhằm đào sâu căn nguyên của chứng bệnh này. Một số nghiên cứu đã liên kết chứng cuồng phóng hỏa và những rối loạn kiểm soát ham muốn khác với chứng nghiện hành vi và cho rằng chúng có nguồn gốc sâu xa do di truyền.

Điều trị  

Vì những nguy cơ cao trong chấn thương, tử vong, tổn hại tài sản và bị bắt giam do chứng bệnh này gây ra, chúng ta cần tìm kiếm hình thức điều trị phù hợp từ các triệu chứng chẩn đoán được. Chứng cuồng phóng hỏa có khởi nguồn từ thời thơ ấu thường sẽ tiếp diễn vào giai đoạn trưởng thành và không tự chấm dứt hay chấm dứt do bất cứ một hình thức trừng phạt nào. Liệu pháp nhận thức–hành vi là một trong những biện pháp có thể được áp dụng để điều trị chứng bệnh này. Người bệnh có thể học cách chú ý đến cảm giác căng thẳng nhen nhóm bên trong họ, tìm ra nguyên nhân gây ra thôi thúc phải đốt thứ gì đó, hiểu được tác động của nó lên bản thân và tìm cách giải phóng những cảm giác đó mà không phải tìm đến lửa. Điều này có thể đạt được bằng cách dạy cho người bệnh các kỹ năng giải quyết vấn đề và sử dụng một đồ thị để vạch rõ ra chuỗi những sự kiện làm đưa đến từ những cảm xúc bên trong đến việc thể hiện hành vi đốt ra bên ngoài. Một người mắc chứng cuồng phóng hỏa cũng nên được dạy các bài học về phòng chống hỏa hoạn và cho họ tiếp xúc với những người đã từng bị phỏng do lửa. Liệu pháp tư vấn gia đình cũng có thể giúp các thành viên của gia đình người bệnh hiểu rõ hơn về rối loạn này và học cách làm sao để đảm bảo môi trường an toàn ở nhà.

Giải mã tâm lý tội phạm vụ phóng hoả ở Phú Đô: Hành vi đã trở thành thói quen

Theo tâm lý tội phạm, những kẻ thích "phóng hỏa" sẽ bắt đầu với việc đốt những đồ vật nhỏ, rồi dần chuyển sang những mục tiêu lớn hơn. Trong vụ án, khi cảm thấy tức giận, người phụ nữ này chọn cách phóng hỏa thay vì những hành vi khác bởi ngọn lửa là thứ nảy ra đầu tiên trong suy nghĩ.

Kẻ thích "phóng hỏa" sẽ bắt đầu với đốt đồ vật nhỏ

Liên quan đến vụ án phóng hoả đốt nhà khiến 1 người tử vong và 5 người bị thương xảy ra tại phường Phú Đô (Hà Nội) hiện cơ quan công an quận Nam Từ Liêm đã khởi tố vụ án “Giết người” và “Huỷ hoại tài sản” với Trần Thị Thanh Hải (SN 1993, quê Nam Định) là đối tượng đốt xe máy dẫn đến vụ cháy. 

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc, Hải khai do gia đình bạn trai ngăn cấm, nên trên đường đi mua xăng về đã bực tức dẫn đến việc đốt chiếc xe máy của anh họ bạn trai để trả thù. Đáng nói, theo lời bạn trai của Hải, trước đó cô ta từng đốt máy tính, đập phá đồ đạc trong những lần giận dỗi. 

Phân tích dưới góc độ tâm lý tội phạm, Lê Bảo Ngọc - Chuyên viên nghiên cứu tâm lý tội phạm từ Công ty luật Multi Law cho biết, nhiều người nghĩ, "phóng hỏa" chỉ là một hành vi đơn thuần. Tuy nhiên, trong tâm lý học tội phạm, đây là một loại tội phạm phức tạp.

Trần Thị Thanh Hải tại cơ quan công an

Theo những nghiên cứu tâm lý học tội phạm quốc tế, có 7 động cơ phổ biến dẫn đến hành vi đốt phá gồm: Báo thù; Hủy hoại tài sản; Chống chính quyền/khủng bố; Thỏa mãn ẩn ức tình dục bằng cách đốt phá; Tiêu hủy bằng chứng, xóa dấu vết nhằm che đậy tội ác; Mục đích trục lợi; Cảm thấy hưng phấn, kích thích hoặc thỏa mãn khi đốt phá.

Trong số các nguyên nhân này thì, "Cảm thấy hưng phấn, kích thích hoặc thỏa mãn khi đốt phá" là loại động cơ nguy hiểm nhất. 

Trong đó người phạm tội cực kỳ khao khát sự phấn khích do ngọn lửa mang lại. Nhóm này được chia thành 3 loại:

Thứ nhất: Đốt phá là cách để họ đạt được khoái cảm, tìm kiếm cảm giác mạnh, nhận được sự kích thích mà họ cần từ ngọn lửa và phản ứng khẩn cấp mà nó gây ra đối với những người xung quanh. Người phạm tội cảm thấy mình quan trọng, quyền lực, được công nhận và gây chú ý.

Thứ 2 là một số người lại gặp vấn đề về sự tức giận. Alan Feldberg–Tiến sĩ tâm lý học tại Cornell Abraxas Group, một trung tâm ở Pennsylvania chuyên điều trị "những người thích nhóm lửa" cho biết, sự tức giận là động lực chính của các bệnh nhân tại đây. 

Theo một báo cáo trong Bản tin thực thi pháp luật của FBI, đại đa số những người phóng hoả khi tức giận có chỉ số thông minh và trí tuệ cảm xúc thấp hơn người bình thường.

Có thể nhận thấy những người trong nhóm "Cảm thấy hưng phấn, kích thích hoặc thỏa mãn khi đốt phá" bằng cách mà họ sử dụng lửa, cũng như theo dõi tần suất họ xử lý cơn giận của mình với ngọn lửa. 

Các chuyên gia tâm lý tội phạm cho rằng, những kẻ thích "phóng hỏa" sẽ bắt đầu với việc đốt những đồ vật nhỏ, rồi dần chuyển sang những mục tiêu lớn hơn. 

Thứ 3 là chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Đốt phá khiến đối tượng hưng phấn, kích thích

Trở lại với vụ án phóng hỏa ở Hà Nội, nữ nghi phạm khai, bản thân cho rằng anh V. là kẻ ngăn cản chuyện hôn nhân của mình nên muốn làm hỏng xe máy của anh V. Hải đổ xăng lên xe máy rồi dùng diêm châm lửa nhiều lần cho đến khi lửa cháy bùng lên. 

Cần lưu ý rằng, nếu muốn làm hỏng xe máy thì có rất nhiều cách, thông thường những kẻ phá hoại sẽ sử dụng những cách thức như đập nát, làm hỏng bộ phận của xe, thường gặp nhất là phá hỏng lốp hoặc động cơ xe. 

Hiện trường vụ cháy

Rất hiếm trường hợp phá xe trong khu để xe bằng cách châm lửa đốt, bởi điều này rất nguy hiểm và phức tạp hơn nhiều so với những cách khác. 

Việc nữ nghi phạm chọn cách phóng hỏa chiếc xe, đồng thời đã từng có hành vi đốt máy tính của bạn trai trong quá khứ cho thấy cô ta không chỉ là dạng đốt phá kiểu trả thù, mà còn thuộc loại "cảm thấy hưng phấn, kích thích hoặc thỏa mãn khi đốt phá". 

Đối tượng bị hấp dẫn bởi ngọn lửa, nên khi cảm thấy tức giận với ai đó, người phụ nữ này chọn cách phóng hỏa thay vì những hành vi khác bởi ngọn lửa là thứ nảy ra đầu tiên trong suy nghĩ của cô ta.

Các nhà tâm lý học tội phạm coi phóng hoả là hành vi đặc biệt nguy hiểm, bởi hành vi đốt phá khác với các hành vi phạm tội khác ở chỗ hậu quả của việc đốt phá thường nằm ngoài tầm kiểm soát. 

Cũng như trong vụ việc vừa qua tại Hà Nội, nữ nghi phạm chỉ định đốt chiếc xe máy nhưng kết quả lại dẫn đến cháy nhà, khiến 1 người chết và 5 người bị thương. Do trí thông minh và trí tuệ cảm xúc của những kẻ phóng hoả không cao nên họ thường không lường trước được hậu quả xảy ra, hoặc có thể lường trước được nhưng cố ý hành động bất chấp hậu quả. 

Hơn nữa, những kẻ phóng hoả sẽ không dừng lại nếu không bị ngăn chặn kịp thời: nếu không bị bắt hoặc không đi điều trị tâm lý, họ vẫn sẽ tiếp tục hành vi đốt phá với mức độ nghiêm trọng hơn trong tương lai. 

Thế nên, phóng hoả là hành vi phạm tội cần phải bị trừng trị nghiêm khắc trước pháp luật.

 

Tham khảo

https://trangtamly.blog/2017/10/04/so-luoc-ve-chung-cuong-phong-hoa-pyromania/

https://kenh14.vn/giai-ma-tam-ly-toi-pham-vu-phong-hoa-o-phu-do-hanh-vi-da-tro-thanh-thoi-quen-20220405163633836.chn?fbclid=IwAR3lDzvusISVUmkwOm20Lw-Izd9TrLk2yYJCK5AF02q-8VANslp5y72xkjI

menu
menu