Chúng ta cần thay đổi bộ phim mình đang sống

chung-ta-can-thay-doi-bo-phim-minh-dang-song

hầu hết chúng ta lại có đời sống nội tâm gần giống một bộ phim hành động của Schwarzenegger hơn là phim của Rohmer.

Thật khó mà tưởng tượng hai loại phim nào khác biệt hơn phim hành động của Arnold Schwarzenegger và phim của đạo diễn người Pháp Eric Rohmer. Ở dòng phim đầu tiên, một anh hùng hành động chống lại những thử thách khắc nghiệt qua hàng loạt pha gay cấn: treo mình qua các vực thẳm, nhảy từ máy bay trực thăng và bắn tên lửa từ lưng xe máy. Trong phim của Eric Rohmer, hành động vô cùng tối giản và không ngại tĩnh lặng. Cả cốt truyện của một bộ phim Rohmer điển hình có thể xoay quanh việc một cô gái trẻ quyết định đi đâu vào kỳ nghỉ hè, một công chức trăn trở có nên giữ liên lạc với người yêu cũ, hay một sinh viên ngần ngại xem có nên chào người lạ dễ thương trong tiệm bánh không. Đỉnh điểm “kịch tính” trong một bộ phim của Rohmer có lẽ là khi nhân vật đóng cửa xe hơi hơi mạnh một chút sau một hiểu lầm nhỏ trong nhà hàng (Pauline à la plage, 1983).

Mặc dù nghe có vẻ ngược đời, nhưng dù bề ngoài có điềm đạm đến đâu, hầu hết chúng ta lại có đời sống nội tâm gần giống một bộ phim hành động của Schwarzenegger hơn là phim của Rohmer. Dù nhịp sống hàng ngày có yên bình, trong tâm trí, chúng ta luôn sống như đang ở trong một bộ phim hành động căng thẳng: chúng ta chạy đua để vô hiệu hóa bom, vật lộn với kẻ thù, phá hủy cầu, đánh lừa các băng đảng – và chỉ vừa kịp thoát hiểm trong gang tấc. Mỗi tối khi nằm xuống, ta như vừa trải qua một ngày đầy chiến đấu kiệt sức. Chẳng trách sao ta lại thích xem phim hành động đến thế; đó là hình ảnh ta muốn thấy về chính mình – ngồi sát mép ghế, chờ đợi cú nổ tiếp theo.

Eric Rohmer, La Collectionneuse, 1967

Vậy tại sao ta sống cuộc sống mệt mỏi đến vậy? Có lẽ vì ta đã được nuôi dạy như thế, vì bố mẹ ta (những hình mẫu điện ảnh quyền lực) và tổ tiên của họ từ xa xưa đều đã học cách phản ứng mãnh liệt và ngập adrenaline trước những biến cố của cuộc sống đời thường.

Thực ra, việc sống như thế cũng có những cái lợi nhất định. Khi mọi người đều đang la hét, ta không cần phải để ý rằng thời gian đang trôi đi; cái chết như dần lùi xa khi mỗi ngày đều là một cuộc khủng hoảng. Ta không cần bận tâm đến những nuối tiếc thầm lặng hay nỗi buồn trầm tư, miễn là luôn có những chuyện nổ ra để giải quyết. Ta cũng không cần để ý vẻ đẹp và sự mong manh của cuộc sống khi chẳng bao giờ nghe thấy tiếng chim hót buổi sáng vì nhịp tim cứ đập liên hồi vì căng thẳng.

Trong tất cả những điều này, ta quên mất rằng mình có quyền lựa chọn. Có những kiểu phim rất khác mà ta có thể sống trong đó. Những sự kiện trong đời ta không nhất thiết phải được kể lại như hiện tại. Ta có thể, tất nhiên, tiếp tục “mồi thêm xăng” vào bộ phim đời mình, hoặc, thử một lần, đóng vai trong kiểu phim châu Âu điềm tĩnh hơn, nơi đỉnh điểm là cuộc trò chuyện về việc dọn bàn ăn ngoài trời và mọi người đều đã yên giấc lúc 10 giờ tối.

Biết đâu ta lại muốn từ bỏ sự nghiệp dài hơi trong các “bom tấn” của Hollywood để có một tương lai thú vị hơn ở một làng quê Pháp nhỉ?

Để làm được một bộ phim tĩnh lặng không dễ (đừng bị đánh lừa mà nghĩ vậy); và cũng chẳng hề dễ để sống như thể ta đang trong một bộ phim như thế.

Nguồn: WE NEED TO CHANGE THE MOVIE WE ARE IN

menu
menu