Chúng Tôi (Chẳng) Thích Tiệc Tùng!
Tám giờ tối, thứ sáu. Vừa được anh em mời lên “nghìn chín”, đầu bạn đã thấy ong ong nào âm nhạc (bạn yêu âm nhạc), nào nhảy nhót (bạn yêu nhảy nhót), nào anh em (bạn yêu anh em).
Tám giờ tối, thứ sáu. Vừa được anh em mời lên “nghìn chín”, đầu bạn đã thấy ong ong nào âm nhạc (bạn yêu âm nhạc), nào nhảy nhót (bạn yêu nhảy nhót), nào anh em (bạn yêu anh em). Cũng không ngoại trừ cả khả năng bạn sẽ gặp được ai đó thú vị (hoặc dễ thương) tại bữa tiệc. Vậy tại sao bạn lại không muốn đi? Cho dù đã cố gắng tự thuyết phục bản thân rằng à, mình cũng hào hứng lắm; nhưng cặp chân bạn vẫn cứ hoài lần lữa, đôi tay bạn vẫn cứ hoài chèo kéo bên chiếc máy tính, những muốn kiểm tra lại hòm thư điện tử một lần nữa. Bạn thậm chí còn không dám nghĩ đến những hoạt động hấp dẫn đáng lẽ có thể làm tại nhà, vì nhỡ đâu lại bị chúng quyến rũ, rồi cuối cùng trễ hẹn (hoặc tệ hơn, cho anh em leo cây luôn) thì sao?
Vậy, tại sao bạn vẫn chấp nhận đi? Câu hỏi tuy đơn giản, nhưng tôi vẫn chưa từng nghe được một lời đáp thoả đáng nào từ những người hướng nội. “Tôi nghĩ mình nên đi" là câu trả lời thường gặp nhất, trong đó “nên” có lẽ được dùng để ám chỉ kỳ vọng mà bạn, hoặc người khác, đã đặt ra cho bản thân. Thực ra thì tính hướng nội là một phạm trù hết sức khó hiểu và hàm chứa cả xu hướng tự trách. Lẽ dĩ nhiên thôi, bởi quá trời các cuốn sách tự lực (self-help) đều đã nhắc đến vấn đề này rồi, khiến cho chúng ta nghĩ rằng bản thân mình có thứ gì sai lệch và cần được thay đổi, xử lý hoặc “chấp nhận" như một chứng bệnh thâm căn cố đế. Tôi thì tôi thấy những định kiến về cái “nên” ấy vốn đã được hình thành thông qua góc nhìn của chúng ta về quy chuẩn xã hội.
Nếu được phép tưởng tượng về hình mẫu lý tưởng của mình - cái con người bạn “nên” trở thành, cái con người thú vị ai ai cũng quý nhà nhà đều mê, cái con người thành đạt và hạnh phúc - thì anh/cô ấy rốt cuộc trông như thế nào? Duyên dáng; lắm bè nhiều bạn; xung quanh người người bâu lại, những mong được san sẻ cho một chút ít sự chú ý/thời gian; rồi thì vô vàn các hoạt động hay ho, những đêm hội hè, các ngày cuối tuần không có lấy một giây trống hẹn. Nhìn chung, việc có nhiều kế hoạch nọ kia đã được xã hội quy định là dấu hiệu của sự thành đạt, đúng không? Có vậy người ta mới chứng minh được rằng mình được yêu thương, được chấp nhận, được nhiều người săn đón, và sẽ chẳng bao giờ phải chịu cảnh đơn chiếc trong cuộc đời.
Nhưng nếu là một người sống nội tâm, thì có thể bạn chỉ đơn giản là không muốn dành thời gian cùng mọi người thôi, ấy vậy mà đã bị gắn cho bao nhiêu cái mác: chỉ biết mình, ái kỷ, chán ngắt, tẻ nhạt, tự cao tự đại, vân vân và mây mây. Để ý nhé, tất cả đều mang nét tiêu cực. Nhiều người thấy như bị hắt hủi nếu có ai từ chối lời mời của họ; họ tự ái, và để giữ mặt mũi cho bản thân, họ mới đành đổ lỗi cho bạn là “tự cao quá đến nỗi không thèm dành thời gian cho ai khác”. Nhưng còn bạn, liệu bạn có muốn phải can hệ gì đến một lũ người không hiểu mình không?
Trên thực tế, vẫn có rất nhiều người sống nội tâm cố ra vẻ hướng ngoại. Họ tiệc tùng chỉ vì “nên thế", sau rốt lại băn khoăn không hiểu tại sao mình chẳng thể tận hưởng bữa tiệc “như ai khác" (họ còn chẳng thèm đoán xem có bao nhiêu người trong bữa tiệc cũng có cảm tưởng giống như họ!) Gặp bạn gặp bè thì cũng vui lắm chứ, nhưng chỉ sau vài tiếng là họ đã mong đến giờ về, trái ngược hẳn với những người chỉ muốn bữa tiệc kéo dài mãi. Và họ thấy phân vân chuyện ấy, về sự ác cảm của bản thân với nào câu lạc bộ, nào tiệc tùng, rồi thì khả năng kích ứng quá độ của tàu điện ngầm trong giờ cao điểm. Họ muốn trở nên “bình thường”, nên cũng đành cố gắng thôi.
Và mỗi khi sự kiện ấy thành ra “không tệ như họ nghĩ", hoặc chí ít tốt hơn việc cứ ngồi nhà mặc cảm một mình; là họ lại thở phào nhẹ nhõm vì đã khoác lên lớp mặt nạ của người hướng ngoại, trong khi vẫn phải kìm nén cảm giác xung đột giữa bộ mặt thật và vai diễn của bản thân. Họ thấy hạnh phúc vì đã “vượt qua” được tính hướng nội, mặc dù bản chất thật vẫn cứ không ngừng thách thức họ. Quả thực là một tình thế hết sức trái ngang: liệu bạn sẽ chọn ở nhà, ngẫm nghĩ xem tại sao mình lại không như mọi người; liệu bạn có thể tự thuyết phục bản thân rằng mình cũng thích cái này cái kia lắm? Hay bạn vẫn sẽ chọn ra ngoài ngay cả khi bản thân rõ ràng không thích chuyện ấy chút nào - liệu người ta có thấy bạn kì quái và bỏ mặc bạn nếu bạn bộc lộ con người thật của mình ra? Bạn có phải là một kẻ chẳng ngầu chút nào, lệch chuẩn, lạc loài hay không?
Người hướng nội cũng không muốn phải một thân một mình mãi đâu, nhưng nhu cầu về con người của họ lại rất khác. Chính vì không muốn phải một thân một mình mãi, nên họ mới cố gắng tuân theo quy chuẩn của mọi người, để ngay cả khi ước vọng duy nhất của họ lúc này là được ở một mình đi chăng nữa, thì họ cũng không bị tước mất đi quyền được giao thiệp cùng ai đó. Luôn luôn thì người hướng nội thấy sợ cái cảnh cô liêu, vì thế họ mới đành thỏa hiệp để giành được về cho mình sự công nhận từ xã hội và mối quan hệ bền chắc với những người xung quanh - nói cách khác, họ muốn đảm bảo rằng sự có mặt của bản thân lúc nào cũng được trân trọng, và họ vì thế sẽ chẳng bao giờ bị bỏ lại một mình cô đơn.
Tuy nhiên, chiến lược thoả hiệp kiểu này khiến cho nhu cầu cá nhân của họ không được đáp ứng, sau rốt dẫn đến sự trầm cảm (chi tiết hơn, bạn có thể tham khảo trong cuốn “Cái tôi nín lặng" (“Silencing the Self”) của Dana Jack, cũng nói về sự thỏa hiệp, nhưng là của người phụ nữ trong các mối quan hệ). Dẫu vậy, khi người hướng nội cư xử đúng theo khuôn mẫu của người hướng ngoại, thì họ cũng đồng thời thấy bản thân như được yêu thương, được chấp nhận, được “bình thường", được trấn an trong cảnh không-cô-đơn, nên cái thái độ bất bình ban đầu đối với kiểu kích thích sai lệch này cũng chỉ dừng lại ở mức độ thầm lặng ấy thôi. Cùng với đó, nói “nhu cầu về con người của họ lại rất khác" cũng có nghĩa rằng người hướng nội sẽ cần phải có được cho mình những ngữ cảnh và tầng bậc khác nhau của mạng lưới quan hệ xã hội, trước khi thực sự đạt được thứ họ cần (không phải là thứ họ nghĩ họ “nên” cần đâu nhé!).
Tôi sẽ không nhai đi nhai lại một lần nữa thông điệp của vô vàn bài báo bản thân đã đọc trước đó, cho rằng hướng ngoại là phong cách sống tốt đẹp hơn đâu; thay vào đó, tôi khuyên bạn nên xác định rõ xem rốt cuộc mình là ai, về khoản giao thiệp thì mình cần gì. Sau đó hãy chỉnh sửa lại các hoạt động và mối quan hệ xung quanh mình sao cho phù hợp - nhớ là phải làm thân cả với những người anh em cùng chí hướng nữa nhé. Bởi bạn có thật sự muốn tiếp tục sống trong cảnh người ta yêu thương mình chỉ vì cái mặt nạ của mình, trong khi con người thực của mình thì bị chối bỏ cả bởi xã hội, cả bởi chính mình hay không? Đúng vậy, trong trường hợp này bạn đang chối bỏ chính bạn đấy, nên tốt nhất hãy tự thừa nhận rằng ừ, mình là người hướng nội, rồi định ra rõ ràng ý muốn của bản thân đối với xã hội, xong dựa vào đó mà xây dựng các mối quan hệ và tìm bạn (hoặc để bạn tìm mình) sao cho phù hợp. Thật thà một chút nhé, bởi bạn sẽ thấy ngạc nhiên lắm đó trước sự thật rằng vô số người ngoài kia cũng có cảm nhận tương tự như bạn, và còn rất thích con người thật của bạn nữa kia. Hãy thử cho họ cơ hội tìm hiểu bạn, bằng cách trở lại hành xử như chính bản thân mình. Dẫu những người không hiểu bạn có thể sẽ rời đi, nhưng đi cùng với họ còn có mớ quy chuẩn xã hội cho rằng bạn như này như nọ là sai trái nữa.
Sự khác biệt cá nhân là vô cùng tuyệt vời, tính hướng của bạn cũng vì vậy mà rất đáng được tôn vinh. Mọi yếu tố làm nên con người bạn đều thật tốt đẹp, do đó nếu chuyện không thích tiệc tùng cũng nằm trong số ấy, thì cứ để kệ nó vậy đi. Ai thích cứ việc thích, còn bạn không thích thì cũng đâu có sao.
----
Dịch giả: Nguyễn Hà Anh – Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ
Link bài gốc: We [Don’t] Like to Party! PsychologyToday
Ảnh: https://getthefriendsyouwant.com/