4 phản ứng tâm lý cơ bản của nạn nhân sau khi bị xâm hại

4-phan-ung-tam-ly-co-ban-cua-nan-nhan-sau-khi-bi-xam-hai

Những người sau khi bị xâm hại thường thu mình, ngại tiếp xúc với nhiều người, gặp khó khăn trong việc giao tiếp.

1. Sợ hãi và ám ảnh

Những người sau khi bị xâm hại thường thu mình, ngại tiếp xúc với nhiều người, gặp khó khăn trong việc giao tiếp. Hình ảnh, ký ức về sự việc đã xảy luôn rất rõ ràng, dù đã được về nhà, ở cạnh những người an toàn hơn. (Trong tình huống tệ hơn, khi kẻ xâm hại vẫn trong khoảng cách gần, thường là người thân, hàng xóm, ... thì càng khiến cho quá trình này kéo dài).

Câu chuyện của mọi người xung quanh bây giờ luôn có những chi tiết gợi nhắc cho bản thân mình đến sự việc ấy (dù đôi khi nó không có liên quan gì) khiến nạn nhân có thể cảm thấy bất an, sợ hãi, đau khổ, lo lắng.

Giai đoạn này, đa số nạn nhân gặp khó khăn trong những sinh hoạt bình thường của cuộc sống: thường xuyên mất ngủ, dễ nghiện ngập, có hành vi tự ngược đãi bản thân như rạch cổ tay, nhịn ăn uống, hoặc ăn vô tội vạ, cố gắng làm bất cứ việc gì để trông bản thân trông khó gần, xấu xí, nhạt nhẽo hơn, mọi người càng xa lánh/ không nhìn tới mình càng tốt. (Nếu vết thương về thể chất nhiều hơn, quá trình sợ hãi và ám ảnh sẽ kéo dài lâu hơn).

2. Chối bỏ, lờ đi, và "chế độ xóa ký ức tự động"

Sau khi vết thương về thể chất đã lành, nạn nhân dần nguôi ngoai sự việc đã xảy ra theo cơ chế tự vệ tinh thần của bản thân. Họ có thể sẽ quên đi nhiều phần về mặt cảm xúc, mà chỉ nhớ về mặt hình ảnh/ ký ức nhưng cũng rất mơ hồ và phân mảnh. Tuy đó không phải thật sự tha thứ, hay quên đi, nhưng cơ thể đã tự động làm phần việc này để giúp họ vượt qua giai đoạn sợ hãi, lo âu kéo dài.

Đây có lẽ là giai đoạn "nhạy cảm" nhất. Ở giai đoạn này, nạn nhân không thật sự còn khả năng kết nối với cảm xúc của mình chân thật, khó khăn trong việc xây dựng và giữ gìn một mối quan hệ lâu dài vì không thật sự hiểu bản thân, không có niềm tin bền vững vào các giá trị yêu thương, chia sẻ, tha thứ... mà nhìn nhận sự việc, các mối quan hệ dựa trên những tiêu chuẩn chứa nhiều định kiến, đánh giá, phán xét và bóp méo dữ kiện. Họ có thể cảm thấy không thật sự yêu thương ai, hoặc có yêu thương ai, cũng sẽ vô thức có những lời nói, hành động kháng cự và giữ khoảng cách nhất định, nhất là với người khác giới, dù là người thân. Giai đoạn này rất dày vò, người gặp vấn đề có xu hướng tự nhìn nhận bản thân là "một người cũng có lỗi" với sự việc cũ, cũng như tự chối bỏ bản thân nhiều hơn khi nhìn thấy quá nhiều "góc tối" của bản thân dần dần xuất hiện.

Trong thực tế, có không ít trường hợp những người xung quanh cũng không thật sự có sự ổn định và thấu hiểu về mặt tâm lý, khi nạn nhân chia sẻ câu chuyện của họ, một số người tự động lờ đi hoặc cho lời khuyên với đại ý: "Đừng nhắc/nhai lại vết thương cũ nữa, cho qua được thì cho qua", hoặc sẽ thể hiện sự phóng chiếu sự việc lên bằng góc nhìn cá nhân của họ như: "Đổi lại là anh/chị/em sẽ a, b, c... chứ không thể nào như em mà x, y , z... được đâu". Nạn nhân vẫn có thể hẹn hò, yêu đương, kết hôn, sinh con, thành công trong cuộc sống,... nhưng họ sẽ không thật sự cảm thấy thỏa mãn, hạnh phúc hay an toàn. Nếu trong quá trình đó, vô tình họ bị gợi lại vết thương tâm lý cũ, họ sẽ lại ám ảnh, sợ hãi, hoặc họ sẽ dần bước sang giai đoạn mới mà mình gọi là giai đoạn "Giận dữ và đổ lỗi".

3. Giận dữ và đổ lỗi

Khi giai đoạn "chối bỏ, lờ đi, tự động xóa ký ức" không thể giúp được họ nữa, lúc này, n.ạn nhân dễ dàng cáu kỉnh, bực bội, và sẵn sàng nổi điên, nghênh chiến với bất kì ai, bất chấp lý do. Những người này cảm thấy không còn ai đủ khả năng để khiến họ tin tưởng, bao dung, yêu thương nữa.

Thậm chí, họ có đủ khả năng để tính toán làm hại người khác, sự nhạy cảm khiến n.ạn nhân quá tải với chính mình và có xu hướng muốn "thay trời hành đạo" hay tìm cách "t.ự t.ử".

Đây là giai đoạn tâm lý nạn nhân trở nên mong manh nhất, cũng là giai đoạn họ khiến nhiều người xung quanh họ đau khổ nhất.

4. Thỏa hiệp và chết tâm

Khi nạn nhân "giận dữ và đổ lỗi" đủ lâu, họ dần nhận ra sai lầm của bản thân, nhất là trong những tương tác đặc biệt (với những người thật sự đặc biệt trong lòng). Ở giai đoạn này, nạn nhân đã tiến rất sâu vào "lãnh cung" tự tạo của bản thân, hoang mang, lạc lối, rối ren,... Họ vẫn tồn tại, nhưng không thật sự sống, không thể tha thứ cho bản thân, và khó lòng tha thứ cho người khác, mặc dù thực tâm họ đã muốn tha thứ. Giai đoạn trên giữ nạn nhân tiếp tục tồn tại, nhưng rất thoi thóp và cuối cùng là "c.h.ết tâm" - cố quên đi con người cũ, thoi thóp tồn tại hay nói cách khác họ bị trầm cảm…

Hy vọng bạn sau khi đọc được bài viết này có thể hiểu hơn sự phức tạp của những tổn thương tâm lý, những di chứng mà bản thân nạn nhân đã chịu đựng và gây ra cho người khác. Và nếu người thân hay người bạn biết không may ở trong tình trạng này mong bạn có thể kiên nhẫn hơn, để giúp đỡ họ bằng tình yêu thương, lòng bao dung và trí tuệ.

menu
menu