Chứng tự kỷ ám thị

chung-tu-ky-am-thi

Có rất nhiều học thuyết liên quan đến chứng tự kỷ ám thị, nhưng giả thuyết cho rằng nguyên nhân là do suy giảm serotonin và mất cân bằng trong điều tiết là đáng tin cậy nhất.

Chứng tự kỷ ám thị

Melvin, nhân vật chính trong bộ phim Không thể tốt hơn (As good as it gets) không bao giờ bước lên vạch màu vàng trên vỉa hè khi đi bộ trên đường. Hơn nữa, anh cực kỳ ghét phải vượt qua người khác, nên thường lẽo đẽo đi theo sau mọi người. Khi ra nhà hàng dùng bữa, anh chỉ ngồi ở một chỗ cố định và sử dụng bộ dao dĩa dùng một lần tự mang theo. Thậm chí anh còn đáp trả ý định cho mượn bộ đồ vest của một người quen tốt bụng bằng sự giận dữ, vì không đời nào anh mặc lại bộ đồ bẩn thỉu người khác đã mặc. Trong bộ phim Plan Man, nhân vật chính Jeong Seok luôn cố gắng sống chính xác theo đúng kế hoạch mình đã đặt ra, từ giờ đi làm, giờ ngủ, giờ đi vệ sinh, cho đến cả giờ băng qua đường trên đường đi làm. Đối với anh, cuộc sống bình ổn nhất là khi mọi việc được thực hiện theo đúng thời gian đã đặt trước trong điện thoại. Anh không thể tưởng tượng nổi việc kế hoạch bị phá hủy và cuộc sống trật tự của mình bị xáo trộn sẽ mang lại cho anh nỗi khổ sở không thể chịu đựng được.

Có thể bạn sẽ cho rằng phim ảnh thường thổi phồng mọi việc, nhưng thực tế có những người còn sắp xếp kế hoạch tỉ mỉ hơn thế. Bệnh nhân mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có xu hướng bị ám ảnh bởi không chỉ thời gian, sự sạch sẽ, an toàn và gọn gàng, mà còn rất nhiều chủ đề đa dạng khác. Điều này thường gây khó khăn cho không chỉ bản thân mà cả những người xung quanh họ.

Có lần một bệnh nhân của tôi đã tìm hiểu trên internet về toàn bộ 132 tác dụng phụ của loại thuốc tôi kê cho anh vì sợ nó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Sau đó anh mang 132 tác dụng phụ đó đến tra hỏi tôi từng điều một trong suốt hai giờ đồng hồ tư vấn. Kết thúc buổi tư vấn, mở cửa bước ra ngoài rồi anh vẫn không yên tâm và quay lại hỏi tôi, “Bác sĩ ơi, nhưng liệu... thuốc này có thật sự an toàn không ạ?”. Rốt cuộc bệnh nhân bị ám ảnh với con số 3 đó đã hỏi tôi cùng một câu hỏi đúng 33 lần rồi mới chấp nhận quay trở về nhà.

Anh Young Soo mắc chứng liên tục kiểm tra đi kiểm tra lại

Sáng nay, Young Soo thức dậy vào đúng sáu giờ sáng. Như mọi khi, anh mở cửa sổ cho không khí ùa vào và bắt đầu một ngày mới bằng cách dọn dẹp khắp các ngóc ngách của căn nhà. Khi dọn dẹp, anh luôn đeo khẩu trang và găng tay, việc dọn nhà được thực hiện trong đúng ba mươi phút. Vì không thể dùng được nhà vệ sinh công cộng nên anh luôn cố gắng đi vệ sinh tại nhà mỗi buổi sáng. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, anh uống đủ năm loại vitamin, ăn sáng đơn giản bằng ngũ cốc và đi ra ga tàu điện ngầm.

Trước khi đi ra khỏi nhà, anh kiểm tra mấy lần van ga và cầu dao điện. Trong lúc đợi thang máy, anh lại hấp tấp quay trở về nhà để kiểm tra xem đã tắt ga, máy sưởi và điện chưa. Cuối cùng, dù cửa nhà đã khóa nhưng anh vẫn phải kéo thử đủ năm lần thì mới yên tâm. Nhìn cái cửa chắc chắn không động đậy, anh nở nụ cười mãn nguyện, kết thúc công cuộc chuẩn bị đi làm.

Mỗi lần cửa thang máy mở ra là Young Soo bắt đầu lâm vào trạng thái căng thẳng. Chỉ chạm nhẹ vào áo người bên cạnh thôi là trong lòng anh lại dấy lên cảm giác không yên tâm, nên hễ có người bước vào thang máy là anh lại co rúm người lại. Khi đi tàu điện ngầm, anh luôn sử dụng khoang một người, và luôn cố gắng hết sức để có thể tránh tiếp xúc với người khác.

Giờ làm việc chính thức là chín giờ sáng, nhưng Young Soo luôn đến sớm ba mươi phút để dùng khăn giấy lau bàn, màn hình máy tính và bàn phím của mình. Sau đó, anh sắp xếp lại hồ sơ trong ngăn kéo cho thật thẳng hàng ngay lối. Sau mười lăm phút dọn dẹp, anh sẽ bắt đầu công việc, và việc đầu tiên anh làm là gửi email cho khách hàng. Anh gửi cùng một nội dung bằng đủ ba loại hotmail, naver và email của công ty, sau đó gửi tin nhắn qua Kakao Talk cho khách hàng với nội dung “tôi đã gửi email rồi, nhờ bạn kiểm tra”. Anh kiểm tra xem người kia đọc email chưa mỗi mười lăm, ba mươi phút, và nếu đến lúc đó người kia vẫn chưa đọc thì anh bắt đầu cảm thấy bất an.

Một giờ sau khi email gửi đi, nếu đối phương vẫn chưa kiểm tra, anh sẽ gọi điện cho nhân viên của họ để hỏi lại. Và mỗi lần như vậy họ lại cáu kỉnh không hiểu vì sao anh phải gấp gáp giục giã đến thế. Young Soo thì không hiểu nổi tại sao họ lại cáu khi anh chỉ muốn nhanh chóng xử lý công việc được giao mà thôi. Ba mươi phút sau cuộc điện thoại, nếu email vẫn chưa được đọc, Young Soo sẽ gửi thẳng email cho cấp trên của người đó yêu cầu nhắc nhở nhân viên của họ đọc email. Và rồi hai tiếng sau, trưởng phòng đột nhiên tức giận gọi anh lên. Anh ta nói rằng khách hàng phàn nàn về anh và yêu cầu anh làm việc linh hoạt hơn.

“Ơ hay, anh bảo tôi làm việc linh hoạt tức là yêu cầu tôi làm phiên phiến thôi à? Tôi không hiểu sao mình lại phải làm như thế!” Câu nói của Young Soo khiến trưởng phòng tức tối không nói được gì, chỉ đành đấm ngực thở dài.

Thực ra từ hồi còn học phổ thông, Young Soo đã thường xuyên bị nhận xét là “cố tỏ ra khác biệt”, “quá nhiều nghi ngờ”. Trước kỳ thi đại học, sợ bút hết mực, anh đã chuẩn bị hẳn mười cây bút mang theo. Đến ngày thi, vì sợ tắc đường mà anh đến sớm hẳn bốn tiếng để ngồi đợi sẵn. Khi làm bài thi, mỗi khi có một câu hỏi anh không chắc chắn, anh thường mất rất nhiều thời gian cân nhắc mà không dám chuyển sang câu khác, thậm chí kiểm tra đi kiểm tra lại tờ đáp án đến năm lần để chắc chắn rằng mình không điền nhầm.

Khi ăn cơm cùng bạn bè, anh rất ghét cảnh phải ăn chung một tô canh mà tất cả mọi người cùng thò thìa vào xúc. Và khi chia tiền ăn, anh dứt khoát phải chia đến từng đồng 100 won thì mới thôi khó chịu. Vì điều này mà mấy lần anh cãi vã với bạn bè. Rốt cuộc anh cho rằng ăn một mình vẫn là thoải mái nhất.

Chứng “tự kỷ ám thị” của người cầu toàn bệnh lý

Chứng tự kỷ ám thị là một thể trong rối loạn lo lắng, là hành vi lặp đi lặp lại một suy nghĩ hay hành động nhất định nào đó dù bản thân không muốn. Đây là triệu chứng xuất hiện ở 3% dân số thế giới và thường thấy nhiều hơn ở những người thành đạt hoặc nổi trội về trí tuệ, học vấn. Đặc biệt, cha mẹ thành công hoặc thông minh thường sẽ có khuynh hướng yêu cầu nhiều hơn ở con cái, nên đã có nhiều trường hợp căn bệnh này bị truyền từ đời trước sang đời sau do gen di truyền hoặc do hoàn cảnh môi trường sống.

Có rất nhiều học thuyết liên quan đến chứng tự kỷ ám thị, nhưng giả thuyết cho rằng nguyên nhân là do suy giảm serotonin và mất cân bằng trong điều tiết là đáng tin cậy nhất. Khi cảm thấy bất an, sự thôi thúc muốn rũ bỏ cảm giác ấy gây ra trong con người các cảm xúc bốc đồng. Và sự bốc đồng ấy gây ra các hành vi mang tính cưỡng bách.

Freud cho rằng tính cách hung hăng cùng nỗi ám ảnh quá mức về sự sạch sẽ - các biểu hiện thường xảy ra ở người có khuynh hướng ám ảnh cưỡng chế - có nguồn gốc từ cách họ được giáo dục việc đi vệ sinh một cách cưỡng bách. Tức là, trong giai đoạn hậu môn từ 3~4 tuổi, nếu phải trải qua cảm giác xấu hổ khi mắc lỗi trong việc che chắn khi đi tiểu tiện hoặc đại tiện, con người sẽ nảy sinh cảm giác sợ bẩn và nỗi ám ảnh quá mức về sự sạch sẽ, gọn gàng.

Thực tế nếu chẳng may ị đùn tè dầm trước mặt bạn bè ở lớp mẫu giáo, con trẻ sẽ cảm thấy vô cùng xấu hổ. Trải nghiệm đó sẽ biến thành ký ức đáng hổ thẹn, thậm chí trở thành sang chấn tâm lý. Rất nhiều trường hợp trải qua tình huống này về sau trở thành người cầu toàn, có khuynh hướng ám ảnh cưỡng chế và có thái độ mẫn cảm thái quá đối với sự chính trực, ngay thẳn, tinh khiết, trong sạch và khiếp sợ bệnh truyền nhiễm.

Phần lớn bệnh nhân ám ảnh cưỡng chế sẽ giống như Young Soo, không thể chịu đựng được nếu vật dụng hay sách vở không được xếp ngay hàng thẳng lối, liên tục kiểm tra đi kiểm tra lại những thứ liên quan đến sự an toàn như cửa, van ga, điện, v.v..., một ngày rửa tay đến hàng chục lần. Đa số họ đều nhận thức được hành động của mình là thái quá. Rõ ràng họ đã kiểm tra và biết rõ 100% cửa đã được đóng chắc chắn, nhưng vẫn băn khoăn không yên tâm. Chỉ 1~2% không yên tâm thôi cũng khiến những suy nghĩ bất an ùa lên, khiến tim đập thình thịch và buộc họ phải kiểm tra đi kiểm tra lại thêm nhiều lần nữa.

“Nhỡ cửa vẫn đang mở thì sao nhỉ? Nhỡ trộm vào khoắng sạch là coi như tiêu đời.”

“Nhỡ mình quên khóa van ga thì làm thế nào nhỉ? Nhỡ cháy thì hỏng hết đồ đạc, máy móc, quần áo mất. Lửa mà lan sang nhà hàng xóm thì khéo mình phải đi tù. Thế thì hỏng bét cuộc đời.”

Dù trí tưởng tượng bị phóng đại lên đến mức hoang đường, nhưng nỗi bất an mà bệnh nhân ám ảnh cưỡng chế cảm thấy luôn lên đến mức kịch điểm như vậy. Nếu không quay trở về nhà kiểm tra lại xem cửa đã khóa chưa, thì cả ngày họ sẽ bị nỗi bất an đeo bám đến mức không thể tập trung làm được bất cứ điều gì. Phải chạy về tận nơi, kiểm tra tận mắt thì họ mới có thể yên tâm để dành đầu óc nghĩ ngợi việc khác.

Khuynh hướng tính cách này cũng khiến bản thân họ cảm thấy vô cùng phiền phức, nhưng mệt mỏi hơn hết phải kể đến những người xung quanh. Giả sử nếu phải cùng đi ăn cơm, hoặc cùng đi du lịch với nhau, họ sẽ liên tục tra hỏi, kiểm chứng đủ điều. Người phải ở bên cạnh chứng kiến toàn bộ quá trình ấy hẳn sẽ không dễ gì để tỏ ra kiên nhẫn. Không biết người nhà gần gũi ngay cạnh bên thì sao, nhưng bạn bè hay người yêu nếu muốn chịu đựng và thấu hiểu cho kiểu tính cách này chắc chắn sẽ cần đến rất nhiều nỗ lực.

Ám ảnh cưỡng chế là căn bệnh không chỉ khiến bản thân và những người xung quanh mệt mỏi mà còn rất khó để khôi phục lại những mối quan hệ con người và quan hệ xã hội đã bị nó làm cho xấu đi. Hơn nữa, căn bệnh này khiến công việc ở công sở trở nên khó khăn, gây ra các cuộc cãi vã với người yêu thương, nên nó thường song hành với chứng trầm cảm. Điều quan trọng nhất là vì người bệnh biết rõ hành động hoặc suy nghĩ của mình là thái quá và kì dị, nên họ càng buồn bã, âu sầu đến mức trở thành tâm bệnh.

“Hãy thử phá vỡ quy tắc của chính mình một lần xem sao, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu”

Vì chứng tự kỷ ám thị mà cuối cùng Young Soo phải chia tay với bạn gái, các cuộc gặp gỡ với bạn bè cũng thưa thớt dần, thậm chí tình hình ở công ty của anh cũng vô cùng căng thẳng. Song hành với trị liệu tâm lý và dùng thuốc an thần, tôi còn khuyên Young Soo thử tập thể dục. Trước hết, tập trung vào một sự kích thích khác, như thể dục chẳng hạn, sẽ giúp anh né tránh được tư duy mang tính cưỡng bách. Ngoài ra, ta có thể dự đoán rằng việc vận động sẽ đốt cháy hết năng lượng và nhiệt lượng vốn sử dụng cho hệ thống limbic của não và hạch nền - bộ phận gây ra tư duy cưỡng bách.

Điều quan trọng nhất trong việc chữa trị chứng tự kỷ ám thị là cắt đứt mối quan tâm và nuôi dưỡng lòng kiên nhẫn. Ta cần luyện tập để cắt đứt mọi sự quan tâm, dành thời gian tập trung vào việc khác, ngăn lại những suy nghĩ mà chính bản thân mình cũng cho là bất thường, ví dụ như đã rửa tay đến tám lần rồi nhưng dứt khoát phải rửa đủ mười lần mới yên tâm.

Một biện pháp thực tế thường đươc dùng trong điều trị chứng bệnh này là: mỗi lần định rửa tay, hãy vẽ lên giấy nhớ một nét của chữ Chính (正). Nhìn số lượng nét đã vạch ra trên giấy nhớ, ta có thể biết rõ “Hôm nay mình đã nghĩ về việc này ngần ấy lần, mình lại bị ám ảnh quá rồi”. Ngoài ra còn có các biện pháp tương tự khác như mỗi lần nghĩ về việc đó, hãy ăn một viên chocolate, hoặc ngậm một viên kẹo. Dù cách thức là gì đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất là phải tìm ra “phương tiện giúp ta né tránh tư duy cưỡng bách”.

Gần đây hầu như ai cũng có cho mình một chiếc điện thoại thông minh trên tay. Mỗi khi có suy nghĩ hay mong muốn được lặp đi lặp lại việc nào đó, hãy nghe nhạc hoặc mở YouTube lên xem để hướng sự chú ý của mình sang một việc khác.

Nếu phía trên chỉ là những phương thức né tránh tư duy cưỡng bách, thì dưới đây tôi sẽ giới thiệu các phương pháp đối mặt trực diện với triệu chứng này. Thực tế hiệu quả nhất vẫn là sử dụng cả hai phương pháp một cách đồng đều và phù hợp.

Khi hành động cưỡng bách trở nên quá mạnh mẽ đến mức không thể kìm nén được, hãy học cách tự vỗ về nỗi bất an và bốc đồng của bản thân. Ví dụ như tự thưởng cho mình một món quà nếu vượt qua được sự thôi thúc muốn đi rửa tay (một thứ đồ ăn vặt mọi khi vẫn muốn ăn chẳng hạn), và nếu chịu đựng được đủ mười lần thì sẽ tự mua cho mình một thứ đồ vật mình vẫn muốn sở hữu. Đó là cách rất tốt để cổ động tinh thần. Điều quan trọng là chỉ sau một lần chiến thắng nỗi ám ảnh ấy, bạn sẽ nhận ra dù có phá vỡ quy tắc và trật tự của bản thân một chút thì thế giới cũng chẳng có gì thay đổi và cuộc sống của mình cũng chẳng dao động thêm chút nào.

 

Trích từ cuốn sách TÔI TỪNG NGHĨ MỌI THỨ SẼ ỔN KHI TRỞ THÀNH NGƯỜI LỚN

menu
menu