Cờ đỏ cho tất cả: khi trị liệu khiến tình yêu trở nên khó khăn hơn

co-do-cho-tat-ca-khi-tri-lieu-khien-tinh-yeu-tro-nen-kho-khan-hon

Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất của cách con người ngày nay nhìn nhận về tình yêu là khả năng phân tích đến từng chi tiết nhỏ nhất những điểm sai sót của người khác.

Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất của cách con người ngày nay nhìn nhận về tình yêu là khả năng phân tích đến từng chi tiết nhỏ nhất những điểm sai sót của người khác. Nếu trước đây, ta chỉ có thể phàn nàn một cách đơn giản – rằng ai đó hay gây sự, khó chịu, kỳ quặc hay đơn giản là phiền phức – thì nay, ta có cả một hệ thống thuật ngữ chuyên sâu và đầy quyền uy để gán nhãn cho những điều ấy: độc hại, né tránh, rối loạn ranh giới, phụ thuộc đồng mãnh, gắn kết tổn thương, ám ảnh hoang tưởng và tất nhiên, narcissistic (tự ái thái quá).

Liệu pháp tâm lý đã đóng vai trò chủ chốt trong sự chuyển đổi này. Nó mang đến cho con người một công cụ tinh vi để mổ xẻ bản chất của những mối quan hệ phức tạp, biến những nỗi bất hạnh không tên thành hàng loạt triệu chứng lâm sàng rõ ràng.

Photo by Zachary Keimig on Unsplash

Cách tiếp cận này có giá trị nhất định. Thật nhẹ nhõm khi nhận ra rằng người bạn đời của mình có kiểu gắn kết không lành mạnh, thay vì nghĩ rằng họ chỉ đơn thuần là một kẻ thích kiểm soát. Hay rằng họ mắc chứng rối loạn điều tiết cảm xúc, thay vì chỉ là người bừa bộn, luộm thuộm. Một sự thấu hiểu đúng đắn có thể mang lại lòng tự tôn và sự giải thoát.

Nhưng vấn đề nằm ở bước tiếp theo. Ẩn sau những phân tích tâm lý là một giả định mặc định, rằng: chúng ta có thể chọn lựa một người khác tốt hơn. Và đây chính là điểm yếu của lý thuyết này. Bởi khi ta lùi lại một bước và quan sát kỹ hơn, ta sẽ nhận ra rằng cả nhân loại này, không chỉ riêng một vài cá nhân đầy vấn đề trong đời ta, đều ít nhiều có chút "điên rồ". Nếu ta nghiêm túc loại bỏ từng người một chỉ vì những tổn thương tâm lý hay sự thiếu hoàn hảo của họ, thì đến cuối cùng, dù có thể rất tự hào vì đã áp dụng triệt để nguyên tắc "trưởng thành về cảm xúc", ta cũng chỉ còn lại một mình.

Liệu pháp tâm lý đưa ra một lời hứa hẹn tưởng chừng như đầy giải phóng: dạy ta cách nhận diện và loại bỏ những kẻ "bệnh hoạn" khỏi cuộc đời mình. Nhưng trên thực tế, những con người hoàn toàn "khỏe mạnh" hiếm hoi hơn nhiều so với ta tưởng. Ta đang dần bị dẫn dắt đến một quan niệm sai lầm: cho rằng sự tiến hóa cảm xúc cao cấp là một trạng thái bình thường – trong khi thực tế, đó chỉ là một ngoại lệ vô cùng hiếm hoi. Ta bị dạy rằng những hành vi rất con người lại là những sai lệch nghiêm trọng, đáng bị loại trừ.

Ta đã quá bận vạch ra những sai sót của người khác, đến nỗi quên mất rằng sống chung với họ ra sao mới là điều quan trọng. Kỹ năng phán xét của ta đã vượt xa kỹ năng giáo dục, khả năng gắn nhãn tâm lý của ta mạnh hơn rất nhiều so với khả năng thấu hiểu và dung hòa.

Vì vậy, mục tiêu của liệu pháp tâm lý không nên là dạy ta cách căm ghét những kẻ "có vấn đề" trong đời mình. Mà thay vào đó, nó cần giúp ta tìm ra một trạng thái tinh thần bớt khắt khe hơn, để ta có thể chung sống với những con người vốn dĩ không hoàn hảo – bởi họ là một phần không thể tránh khỏi của thế giới này.

Hiện tại, ta đang được khuyến khích tin rằng việc chịu đựng những mối quan hệ không lý tưởng là hậu quả của những tổn thương thời thơ ấu – rằng ta đã từng bị bỏ rơi, nên mới chấp nhận ít hơn những gì mình xứng đáng có. Lập luận này không sai. Nhưng nó cũng bỏ qua một sự thật đơn giản và khó chịu hơn: không phải lúc nào ta cũng có một lựa chọn "tốt hơn". Đôi khi, người ta bước từ mối quan hệ trầy trật này sang mối quan hệ chông chênh khác không chỉ vì họ bị tổn thương, mà đơn giản là những lựa chọn khác cũng không khá hơn là bao. Nếu ta muốn có một mối quan hệ tình cảm, thì theo lẽ tự nhiên, ta gần như chắc chắn sẽ gắn bó với một người mà – theo hệ quy chiếu trị liệu hiện đại – cũng có không ít "cờ đỏ" vẫy gọi.

Ta không bao giờ nghĩ rằng chỉ ra những khuyết điểm ngoại hình của người khác là một việc hữu ích. Ta hiểu rằng không ai cần phải được "giáo dục" để nhận diện sự bất đối xứng giữa hai mắt hay những nếp nhăn đang dần hằn sâu. Ta biết rằng quá nhạy cảm với những gì không thể thay đổi chỉ khiến ta thêm khổ sở. Vậy thì, tại sao chúng ta lại không có lòng bao dung tương tự đối với những khiếm khuyết về tâm lý của nhau?

Nhiệm vụ thực sự của liệu pháp tâm lý nên là giúp ta học cách nhìn những sai lầm của người khác – và của chính mình – với một sự bình thản pha chút hài hước, thay vì kinh hoàng hay phẫn nộ.

Ta gần như không có cơ hội để tìm được một người "bình thường" làm bạn đời. Vì thế, việc tập trung vào những điều bất thường cũng chỉ hữu ích đến một mức độ nhất định. Nếu ta chấp nhận rằng điên rồ là quy luật, thì ta sẽ phải thay đổi cách nói về tình yêu và hẹn hò. Liệu pháp tâm lý không nên là hành trình đi tìm sự hoàn hảo, mà phải là nghệ thuật dung hòa sự bất toàn.

Dù có như vậy, các mối quan hệ vẫn sẽ có những khoảnh khắc khủng hoảng. Nhưng thay vì tuyệt vọng, ta sẽ có một bộ công cụ để làm nhẹ gánh nặng của chính mình: ta sẽ biết cách mỉm cười thay vì giận dữ, biết cách dừng lại để nghỉ ngơi thay vì cố gắng kiểm soát, biết cách đặt những biến động vào bối cảnh rộng lớn hơn thay vì để chúng nhấn chìm ta. Ta sẽ học được cách ngủ yên trên một vấn đề thay vì lao đầu vào nó với sự mù quáng. Ta sẽ biết cách cười cùng nhau, thú nhận sai lầm, và sống chung với những mảnh vỡ.

Ta sẽ học cách yêu khi hiểu rằng chẳng mấy ai thực sự xứng đáng được yêu – nhưng tất cả chúng ta đều tuyệt vọng cần nó.

Nguồn: RED FLAGS FOR EVERYONE: HOW THERAPY HAS MADE LOVE HARDER – The School Of Life

menu
menu