Có gì sai sót – hay tôi chỉ là người quá ư sầu khổ?
“Điều gì sẽ xảy ra nếu vấn đề không nằm ở thế giới xung quanh, mà ở chính tôi?
Chúng ta có thể dành cả đời để giận dữ, mãi nhìn vào sự vô vọng và tồi tệ của mọi thứ: bản báo cáo ai đó gửi tới, cách đối xử của bạn đời, căn phòng khách sạn mới vào, cách cư xử của một người bạn… Nhưng đôi khi, nhận thức của ta có thể thay đổi hoàn toàn nếu đón nhận một suy nghĩ đầy thách thức nhưng cũng có thể cứu rỗi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu vấn đề không nằm ở thế giới xung quanh, mà ở chính tôi? Nếu tôi không bị vây quanh bởi những kẻ ngớ ngẩn, sự đe dọa và thất vọng, mà đơn giản – và đau lòng nhất – là tôi chỉ là một người rất khổ đau?”
Dĩ nhiên, không dễ chịu gì khi phải định nghĩa lại hình ảnh của chính mình như vậy, nhưng khi làm được, ta sẽ thấy rõ hơn những gì thực sự hiện diện trước mắt. Ta có thể chăm sóc và cảm thông đúng mực cho tâm hồn đầy tổn thương, hoài nghi và lo sợ của mình, và từ đó dần cải thiện sự phán xét và cách ứng xử với người khác.
Hãy tưởng tượng ta bắt đầu có những hoài nghi về bạn đời. Ta lo lắng về một câu nói vu vơ họ nói trong bữa ăn, cảm thấy không còn nhiều niềm vui bên nhau, tự hỏi liệu ngoài kia có người tốt hơn không, thấy khó chịu vì cách họ hắng giọng hay đóng cửa tủ lạnh... Nhưng trước khi vội vàng kết thúc một mối quan hệ nữa, hãy thử dừng lại và tự hỏi một câu hỏi đơn giản nhưng sâu sắc: “Tôi có thường cảm thấy thoải mái bên ai không?”
Nói cách khác: “Cảm giác bất mãn, khó chịu này có hiếm gặp không? Nó chỉ xảy ra với người này hay đã từng có với những người khác?” Để cải thiện sự phán xét, ta cần xem xét tần suất những cảm xúc ấy xuất hiện trong cuộc sống của mình. Càng thường xuyên gặp phải, ta càng cần thận trọng suy ngẫm lại tính hợp lý của nó trong từng tình huống. Trước khi từ bỏ ai đó, hãy tự hỏi: “Tôi đã từng thật sự hài lòng với ai chưa? Với bất cứ điều gì chưa? Liệu cảm giác tôi có về người bạn đời có giống với những phàn nàn tôi đã từng có với nhiều tình huống khác trong đời không?”
Chúng ta có thể nhận ra trong mình một nỗi u sầu và tâm trạng hay phàn nàn, thường len lỏi trong mọi hoàn cảnh, tìm ra lỗi lầm ở hầu hết mọi thứ – và khi nhận thức được điều này, chúng ta có thể suy xét lại và cảm thông hơn với những khuyết điểm tưởng chừng khó chấp nhận ở người bạn đời hiện tại. Một người hiểu rằng mình hiếm khi cảm thấy hài lòng với bất kỳ ai có thể chọn cách nhìn nhận một mối quan hệ với lòng bao dung hơn, dù mọi thứ lại cảm thấy không hoàn hảo như mong đợi.
Hay khi tỉnh giấc giữa đêm và hoảng hốt vì một quyết định vừa đưa ra, thay vì lắng nghe nỗi sợ một cách mù quáng, ta có thể tự hỏi: “Tôi có cảm thấy như thế này thường xuyên không? Tôi có hay hoảng hốt về những điều khác tương tự như vậy không? Và những cảm xúc mãnh liệt ấy có thường chính xác không? Liệu có điều gì cụ thể đáng lo ở đây, hay đầu óc tôi chỉ đang theo thói quen tìm kiếm một điều gì đó để tự hù dọa chính mình?” Chúng ta có thể tự hỏi một cách dịu dàng liệu sự bồn chồn của mình có xuất phát từ nỗi lo âu đã ăn sâu trong ta, hơn là từ một mối đe dọa thật sự bên ngoài.
Hãy tưởng tượng ta đang cực kỳ bực bội với một đồng nghiệp và tin chắc rằng họ sẽ chẳng bao giờ giúp được gì. Để nhìn nhận người đồng nghiệp đáng ghét ấy một cách khoan dung hơn, ta có thể tự hỏi: “Tôi có thường cho rằng chẳng ai giúp được mình không? Tôi có thường nghĩ rằng ai cũng ngu ngốc không? Và khi có suy nghĩ đó, tôi có cố gắng giải thích trước khi chìm đắm trong cảm giác cô độc và tức giận không? Tôi thực sự bị cô lập hay tôi chỉ cảm thấy như vậy một cách quá nhanh chóng?”
Vào những đêm khuya, ta có thể chắc chắn rằng cuộc sống của mình đang rơi vào một trạng thái tồi tệ. Một lựa chọn là đào sâu thêm vào sự bi quan ấy. Còn lựa chọn khác là tự hỏi: “Tôi có thường thấy mọi thứ u ám sau 9 giờ tối không?”
Bằng cách xem xét tần suất một cảm xúc nào đó xuất hiện, chúng ta có thể trở nên ý thức hơn về những định kiến đã hình thành trong quá khứ và sẵn sàng mở lòng đón nhận những điều tinh tế hơn:
— X dường như ghét tôi; nhưng tôi có thường nghĩ rằng mọi người không đứng về phía mình không?
— Có vẻ Y làm vậy là cố ý: nhưng tôi có hay cho rằng ai đó cố tình gây tổn hại không?
— Tôi lo sợ mình sẽ gặp rắc rối lớn với Z: nhưng tôi có thường lo lắng sẽ bị trừng phạt nặng nề không?
— Tôi cảm thấy tội lỗi vì điều mình đã làm: nhưng tôi có thường bị dày vò bởi cảm giác tội lỗi không?
Qua việc đặt câu hỏi về mức độ phổ biến và tần suất của một cảm xúc, chúng ta có thể giảm bớt áp lực của phán xét hiện tại. Chúng ta có thể nhận ra rằng có điều gì đó đang làm mờ ống kính mà ta nhìn cuộc sống, khiến hình ảnh bị bóp méo – và điều đó có thể xuất phát từ tâm lý được hình thành do những sự kiện đau buồn, hiếm hoi trong tuổi thơ, hơn là từ điều gì đó thực sự hiện hữu trước mắt. Chúng ta không ngừng nhìn thấy lại những gì đã từng xảy ra – ngay cả khi giờ đây nó có thể không còn nữa. Chúng ta cứ phải tin rằng mọi người đều lạnh lùng hay có mối đe dọa khủng khiếp đang rình rập, vì đó từng là thực tế mà chúng ta đối diện.
Khởi đầu của sự phán xét tốt đẹp và hy vọng hơn bắt đầu từ việc đối diện với việc chúng ta dễ dàng sai lầm đến kỳ lạ – dựa trên những trải nghiệm buồn bã, sợ hãi nhưng cũng may mắn là không đại diện cho mọi thứ của thời thơ ấu. Bằng cách giải quyết nỗi buồn trong chính mình, ta có thể khám phá một thực tại rộng lượng và tốt đẹp hơn. Hy vọng có thể nảy sinh từ một suy nghĩ ban đầu vô cùng khó khăn: chúng ta không sống trong một thế giới u ám đến không thể chịu nổi, mà có thể chỉ vì ta đã lớn lên (với những lý do hoàn toàn dễ hiểu) trở thành những con người mang nỗi buồn sâu sắc.
Image: Louis-Jean-François Lagrenée, Melancholy, 18th Century
Nguồn: IS THERE SOMETHING WRONG – OR AM I JUST A VERY MISERABLE PERSON?
The School of Life