Có nên giúp đỡ con cái đã trưởng thành?

co-nen-giup-do-con-cai-da-truong-thanh

Việc quyết định hỗ trợ đến mức nào cho đứa con đã trưởng thành có thể không dễ dàng với mọi bậc cha mẹ.

Trong khi nhiều đứa trẻ trưởng thành và có một sự nghiệp tốt và trở thành chỗ dựa tinh thần, vật chất cho cha mẹ, xã hội có không ít hoàn cảnh ngược lại: Con cái trưởng thành vẫn không ngừng đòi hỏi, hầu như không biết ơn cha mẹ, thậm chí coi sự hỗ trợ của cha mẹ như một lẽ tất nhiên.

Theo tiến sĩ tâm lý học Joshua Coleman (Mỹ), cha mẹ nên biết khi nào thì nói không và khi nào nên nói đồng ý với những yêu cầu được giúp đỡ của con.

Sự day dứt của cha mẹ là 'con dao hai lưỡi'

Joshua Coleman cho rằng cảm giác day dứt và tội lỗi của cha mẹ có thể khiến họ gặp khó khăn trong việc biết khi nào nên và không nên hỗ trợ con cái. Cảm giác này làm nảy sinh các vấn đề cơ bản:

Khiến cha mẹ cho đi nhiều hơn là mức cần thiết - mức tốt cho đứa con đã trưởng thành.

Cha mẹ cảm thấy như thể mình phải mãi mãi bù đắp và phần nào chịu trách nhiệm cho những khó khăn mà con cái phải trải qua.

Người con nảy sinh suy nghĩ rằng cha mẹ có trách nhiệm phải gánh vác, bù đắp cho những gì đang diễn ra trong cuộc sống của họ.

Cha mẹ thường xuyên nảy sinh cảm giác vô vọng, bất lực và cho rằng mình làm không đủ tốt, hoặc buồn bã, khi con cái không đánh giá cao lòng tốt của mình.

Cha mẹ nên làm gì?

Theo tiến sĩ Joshua Coleman, cha mẹ nào cũng yêu thương con. Tuy nhiên, việc giúp đỡ con đã trưởng thành không giống với việc giúp con khi con là đứa trẻ. Do đó, cha mẹ nên làm những việc sau:

Bình tĩnh nói với con những gì bạn sẵn sàng hoặc không sẵn sàng hỗ trợ. Không đổ lỗi, chỉ trích hay cảm thấy tội lỗi. Ví dụ, cha mẹ nên nói: "Ba/mẹ sẵn sàng giúp đỡ con trong những điều kiện sau đây" hoặc "Ba/mẹ hiểu tại sao con cảm thấy như vậy, nhưng ba/mẹ không thể làm điều đó" thay vì nói "Tất cả những gì con muốn là đòi hỏi và đòi hỏi".

Nên bình tĩnh để chia sẻ cho con biết rằng chúng đang nói chuyện với bạn theo cách khiêu khích hoặc thiếu tôn trọng. Nên giải thích với con rằng bạn biết con có điều cần nói và sẵn sàng lắng nghe, với điều kiện con không sử dụng giọng điệu thù địch hoặc đe dọa.

Đừng để bản thân bị "tống tiền". Cũng không nên chỉ trích con. Nên cứng rắn và chỉ ra cho con thấy khả năng của mình.

Đồng cảm với những gì con đang cảm nhận và nêu ra những lý do bạn cho là hợp lý trong hoàn cảnh, thay cho sự từ chối hỗ trợ.

Kiểm soát cảm xúc của bạn thay vì kiểm soát cảm xúc của con.

Cha mẹ nên nói có hoặc không dứt khoát thay vì phàn nàn hoặc kỳ vọng.

Bất kể nguyên nhân là gì, cha mẹ luôn rất khó để nói không với con mình vì lòng yêu thương, vì mong muốn được con cái đáp lại tình cảm đó. Trong trường hợp bạn sẵn sàng để giúp đỡ con cái, hãy làm điều đó bằng tình yêu thay vì đồng ý với lời phàn nàn hay buộc tội, điều đó làm giảm sức mạnh món quà mà bạn trao vào tay con.

Trong trường hợp bạn không đủ khả năng để giúp đỡ con, hãy sẵn sàng để nói "Không". Tiến sĩ Joshua Coleman nhấn mạnh, cha mẹ tuyệt đối không nên dốc trọn tiền tiết kiệm cho tuổi già để giúp đỡ con cái. Bạn cũng có thể nói "Không" ngay cả khi bạn đủ khả năng hỗ trợ, nếu thái độ của con không đáp ứng mong muốn của bạn về sự tôn trọng. Đừng bao giờ nên cảm thấy day dứt về điều đó. Bạn chỉ cần xem xét các yếu tố sau:

Sự giúp đỡ của tôi sẽ giúp con trưởng thành hơn hay trở nên phụ thuộc hơn?

Sự giúp đỡ nên là vô điều kiện, hay có điều kiện?

Cách nhìn nhận của tôi về con có đúng và phù hợp với bối cảnh hiện tại hay không?

 

Thùy Linh dịch

Theo https://www.psychologytoday.com/intl/blog/the-rules-estrangement/202107/should-i-help-my-adult-child-more

menu
menu