Có nên quay lại bên nhau hay không? Một bài kiểm tra cho các cặp đôi

co-nen-quay-lai-ben-nhau-hay-khong-mot-bai-kiem-tra-cho-cac-cap-doi

Khi nghe tin hai người từng chia tay trong đau đớn nay lại đang tìm cách quay lại với nhau – sau vài tháng hay thậm chí vài năm – thì đối với những người tỉnh táo, cảm giác đầu tiên thường là nghi ngờ, nếu không muốn nói là bực bội hay buồn bã.

Khi nghe tin hai người từng chia tay trong đau đớn nay lại đang tìm cách quay lại với nhau – sau vài tháng hay thậm chí vài năm – thì đối với những người tỉnh táo, cảm giác đầu tiên thường là nghi ngờ, nếu không muốn nói là bực bội hay buồn bã. Tại sao họ lại tự đưa mình trở về với vòng xoáy hỗn loạn cũ? Chẳng phải đây chỉ là một giấc mơ hão huyền sinh ra từ cô đơn, non nớt – và có lẽ – là từ những ham muốn nhất thời? Lẽ nào họ không nên tin vào quyết định ban đầu của mình, tiếp tục trải nghiệm những cung bậc vui buồn trong hành trình hẹn hò, rồi có khi... mỗi người nuôi một chú chó cho đỡ buồn?

Thế nhưng, nếu phủ nhận hoàn toàn cơ hội để những người cũ nhìn lại và thử một lần nữa, thì điều đó cũng chẳng khác nào trừng phạt quá mức – và, xét cho cùng, cũng là một kiểu ngây thơ. Việc khăng khăng cho rằng con người không bao giờ thay đổi – rằng liệu pháp tâm lý, những cuộc trò chuyện sâu sắc, thời gian và những buổi đi dạo dài không dạy được ta điều gì – cũng dại dột chẳng kém gì việc tin rằng sự thay đổi luôn đến dễ dàng, nhẹ nhàng. Bên cạnh những lần hàn gắn sai lầm, hẳn cũng có những lần khước từ đáng tiếc – không phải vì khôn ngoan, mà vì sợ hãi trước một cơ hội chưa kịp mở ra, vì không dám tin rằng đôi khi con người thật sự có thể học được một điều gì đó mới.

Để tiến về phía trước, ta cần một công cụ giúp gạt bỏ cảm tính, để tỉnh táo phân biệt giữa một kế hoạch trưởng thành và một ảo tưởng lãng mạn.

Sau đây là một loạt những câu hỏi – một bài kiểm tra thực thụ – mà các cặp đôi cũ, khi tái ngộ sau thời gian xa cách, nên cùng nhau ngồi lại suy ngẫm, không chỉ với nhau mà còn với chính bản thân mình, trước khi dám nắm tay – chứ chưa nói gì đến chuyện đi xa hơn. Khi ai đó hỏi: "Tối nay mình gặp nhau ăn tối nhé?", thì câu trả lời hợp lý nhất, từ nay trở đi, nên là: "Trước hết, ta làm bài kiểm tra của The School of Life đã nhé."

Isaac Israëls, Cặp đôi thanh lịch trên hiên nhà, khoảng năm 1865–1934

Bài Kiểm Tra Tái Ngộ Của The School of Life

Liệu anh có thể gặp em để cùng làm bài kiểm tra tái ngộ này – có thể kéo dài đến bảy tiếng, chia thành năm lần gặp – và còn cần tham khảo ý kiến từ hai người bạn thân thiết của chúng ta nữa?

Một trong những dấu hiệu quan trọng cho thấy một mối quan hệ có cơ hội thành công chính là việc cả hai người sẵn lòng dành ra một khoảng thời gian lớn – thậm chí là nhiều hơn mức bình thường – để nhìn lại và phân tích những sai lầm trong quá khứ. Càng dám đối diện với điều kinh khủng, thì nó càng ít có khả năng lặp lại. Yếu tố tiên đoán thành công mạnh mẽ nhất chính là khả năng suy nghĩ sâu sắc, không phòng thủ, không tự ái, không thiếu kiên nhẫn, về những điều từng khiến ta tổn thương nhất.

Tất cả những gì có vẻ "không lãng mạn", trớ trêu thay, lại chính là điều nuôi dưỡng tình yêu thật sự. Vì thế, bài kiểm tra này được cố ý thiết kế theo cách cứng nhắc, khô khan, thậm chí có phần chán ngắt. Nó cần phải mang màu sắc của một cuộc đối thoại nghiêm túc, lý trí – chứ không phải một màn tỏ tình bằng cách đu dây từ tháp đồng hồ xuống với bó hoa hồng hay lao vào nhau trong căn phòng khách sạn ngập tràn đam mê.

Chúng ta gặp lại nhau vì đã học được điều gì đó – hay chỉ vì vẫn còn nhớ nhau?

Đây là một câu hỏi rất dứt khoát, mang tính dẫn dắt cao – và chỉ có duy nhất một câu trả lời đúng. Nếu chọn sai, bài kiểm tra coi như kết thúc ngay lập tức. Nhớ nhung một người là điều rất cảm động. Nhưng điều đó hoàn toàn không – xin nhấn mạnh, hoàn toàn không – đủ điều kiện để quay trở lại bên nhau. Người ta có thể nhớ một ai đó da diết, nhưng vẫn biết – hoặc nên biết – rằng không nên tiếp tục gần gũi người đó lần nữa. Ta có thể tiếc nuối một người cũ, mà hoàn toàn không thu được lợi lộc gì từ việc gắn bó lại với họ.

Dĩ nhiên, cũng có thể ai đó sẽ nói dối ở câu hỏi này – nhưng ít ra, bản thân họ sẽ biết mình đang phải lừa dối để được tiếp tục. Không ai có thể mơ hồ về mục đích của bài kiểm tra này: không phải để tìm kiếm tình yêu, mà là để soi rọi những dấu hiệu của sự trưởng thành.

Chúng ta đã thật sự thay đổi từ lần cuối bên nhau – hay chưa?

Nói thẳng ra thì: lý do duy nhất để hai người từng yêu nhau quay lại bên nhau nên xuất phát từ một thay đổi mang tính nền tảng trong mỗi người. Không có gì khác đáng kể: dù ta từng hòa hợp ra sao, từng suýt có con (hay đã có với nhau tới năm đứa), vẫn nhớ như in biệt danh của nhau, hay đơn giản là người ấy trông thật dịu dàng, cuốn hút khi ngồi đối diện... Tất cả những điều ấy không đủ. Lý do duy nhất để ta tìm lại nhau là bởi vì, trong khoảng thời gian xa cách, ta cảm thấy mình đã học được điều gì đó thật sự sâu sắc và ý nghĩa.

Liệu ta có thể nói rõ vì sao mình đã thay đổi – một cách dài dòng, sâu sắc và mạch lạc – chứ không chỉ đơn giản là cảm thấy mình đã khác xưa? Liệu ta có thể chuyển những ý định tốt đẹp trong lòng thành ngôn từ, thành nhiều lời nói, là đằng khác?

Thường đến đây, những người hoài nghi sẽ xen vào: ai cũng có thể nói rằng mình đã đổi thay, nhưng điều khó – và điều đáng giá – là chứng minh bằng hành động. Rằng “lời nói gió bay”, hành động mới là điều cần thiết. Và ta đồng ý. Nhưng cũng cần nói thêm rằng: những người có thể diễn đạt trọn vẹn – với ít nhất là năm tiếng trò chuyện – về những gì đang diễn ra bên trong họ, và cũng có thể lắng nghe những gì đang vận hành trong người đối phương, thì họ có nhiều khả năng hơn để biến lời thành hành động thực sự. Những lời nói được mài giũa bằng suy ngẫm, bằng tự vấn không hề rẻ – không dễ dàng gì để thành thật với chính mình, để nói ra sự non nớt, vụng dại và lố bịch trong quá khứ. Và khi ai đó có thể làm được điều đó, đó thường là dấu hiệu của một sự khôn ngoan đang dần hình thành – thứ khôn ngoan vượt qua cả lòng tốt hay ý định ban đầu.

Cùng lúc, ta cũng cần đặc biệt dè chừng với những người cũ viện cớ rằng họ không muốn làm bài kiểm tra này, hoặc né tránh việc phải nói ra, như thể đó chỉ là một lựa chọn cá nhân vô thưởng vô phạt: "Anh không giỏi dùng lời nói, em biết mà… Em hiểu anh yêu em, chỉ là anh không biết cách diễn đạt… Anh không quen đào sâu cảm xúc kiểu đó…"

Ta xin cảm thông với người như vậy. Nhưng cũng phải thành thật: người đó không xứng đáng có thêm một cơ hội nào nữa.

Cả hai ta đều đồng thuận rằng bài kiểm tra này không ràng buộc gì cả.

Nó đơn giản chỉ là một cuộc khám phá, không hơn, không kém. Và cả hai cần hiểu rằng, sau tất cả, ta hoàn toàn có thể ra về tay trắng – mà không ai trong hai người mang lỗi.

Tại sao ngày ấy ta lại cãi nhau nhiều đến thế?

Đây là phần trung tâm của bài kiểm tra. Những cặp đôi đã chia tay dứt khoát, không còn khả năng tái hợp, mới có cái “đặc quyền” chỉ nhớ về những điều đẹp đẽ. Họ có thể nghe những bản tình ca, mỉm cười nhớ lại khoảnh khắc dịu êm mà không cần đụng chạm đến thực tại. Nhưng với những ai đang cân nhắc việc quay lại, thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tập trung toàn bộ sự chú ý vào một điều duy nhất: điều gì đã từng thật sự tệ hại trong mối quan hệ ấy (và chắc chắn phải có, bởi chẳng ai dễ dàng chia tay một tình yêu sâu đậm nếu không có lý do).

Điều quan trọng nhất là nhận diện – rồi phân tích thấu đáo – mọi khía cạnh từng là ác mộng, mọi điều mà cho đến giờ vẫn khiến ta đau lòng, thậm chí rùng mình khi nhớ lại. Quyền được quay lại bên nhau của một cặp đôi nên được đo bằng sự dũng cảm mà họ có – khi cùng soi rọi lý do vì sao mình đã tan vỡ.

Ta cần vẽ ra một bảng, trong đó ít nhất phải liệt kê ba cuộc tranh cãi (mà nếu nhiều hơn thì càng tốt – có thể lên đến hai mươi). Bởi vì, mỗi cuộc cãi vã đều là sự va chạm giữa hai cảm nhận mạnh mẽ nhưng bất đồng về công lý, về đúng sai, nên ta cần thêm hai cột kế bên: điều gì đã quan trọng đến mức không thể bỏ qua với người A, và điều gì cũng quan trọng không kém với người B.

Từ đó, ta cần chắt lọc ra những nguyên tắc cốt lõi nằm sau các tình huống cụ thể. Ta không chỉ muốn biết ai đã nói gì, mà còn cần hiểu giá trị nào, nguyên tắc nào đã thúc đẩy mỗi người trong cuộc đấu tranh đó – và cuối cùng đã dẫn mối quan hệ đến chỗ đau lòng.

 

Cuộc cãi vã khủng khiếp

Điều quan trọng đối với A

Điều quan trọng đối với B

A muốn được ra ngoài cùng bạn bè.

B muốn A ở nhà.

A cần được tự do gặp gỡ bạn bè mà không bị “kiểm soát.”

B tin rằng một cặp đôi “đúng nghĩa” nên làm phần lớn mọi việc cùng nhau.


A bận rộn công việc nên không nhắn tin lại.


B thì mong muốn được hồi đáp thường xuyên hơn qua những tin nhắn.

Muốn có không gian để toàn tâm toàn ý với công việc mà không phải bận lòng vì phải xoa dịu người mình yêu.

Muốn được cảm nhận, dù là trong những điều nhỏ nhặt nhất, rằng mình vẫn có mặt trong tâm trí người kia suốt cả một ngày dài.


A kể rằng có người ở bữa tiệc thấy mình thu hút.


B thì không muốn nghe bất cứ điều gì liên quan đến việc người khác bị hấp dẫn bởi A.

Muốn có quyền được cảm nhận, đôi khi, về sự hấp dẫn của bản thân với những người khác ngoài mối quan hệ này.

Muốn sự thủy chung trong chuyện thể xác là một điều giản dị, trọn vẹn, chỉ dành riêng cho hai người.


A buồn, nhưng không nói ra. A chỉ mong B tự cảm nhận được.


B buồn vì không được nói thẳng, và khó chịu khi bị kỳ vọng phải hiểu những điều chưa từng được chia sẻ.

Muốn có một người yêu đủ tinh tế để thấu cảm cả khi mình chưa kịp mở lời.

Muốn ở bên một người biết cách lắng nghe chính mình, gọi tên được những cảm xúc đang cuộn trào, và nói ra nỗi buồn, nỗi giận khi chúng vẫn còn đang sống động.

 

Vì sao tôi lại cảm thấy mãnh liệt đến thế?

Cuộc chia tay mở ra một khoảng lặng, nơi hai người có thể nhìn lại và khám phá bản chất của những cảm xúc cuồng nhiệt đã từng bùng cháy giữa họ – và đặc biệt là, nhận ra phần nào trong đó bắt nguồn từ những tổn thương, những thiếu vắng hay rối ren thầm lặng của tuổi thơ, vốn dĩ chưa bao giờ là một hành trình êm đềm. Bởi lẽ, đằng sau những cảm xúc tưởng như bộc phát, dữ dội và vô cớ ấy… gần như luôn có một dấu vết xưa cũ – một mảnh ký ức chưa lành, một vết thương chưa kịp nguôi ngoai.

 

Điều từng rất quan trọng đối với tôi

Câu chuyện phía sau

Được tự do ra ngoài với bạn bè mà không bị “kiểm soát”

Vì mẹ tôi chưa bao giờ cho tôi sự độc lập, còn chị gái thì luôn theo dõi từng hành động của tôi.

Có thể toàn tâm toàn ý làm việc mà không phải cố làm vừa lòng người yêu

Tôi từng phải luôn dè chừng cảm xúc của cha – một người hay giận dữ. Tôi không muốn sống trong cảnh phải đoán xem người khác đang vui hay buồn nữa.

Có thể thoải mái thể hiện cảm xúc tình dục và sự hấp dẫn của bản thân với người khác, ngoài mối quan hệ đôi lứa

Tôi chưa từng có cơ hội thực sự để khám phá và trân trọng sự quyến rũ của chính mình. Có một phần trong tôi cần được tự do, cần một khoảng thời gian để được một chút phù phiếm, một chút kiêu hãnh.

Có một người bạn đời đủ tinh tế để thấu hiểu tôi mà không cần tôi phải nói ra

Tôi không học được cách bày tỏ cảm xúc, bởi xưa nay chẳng ai thật sự quan tâm đến những gì tôi nghĩ, hay những điều tôi muốn chia sẻ.

 

Giờ đây, nếu là tôi của hiện tại, tôi sẽ làm khác đi như thế nào? Tôi có thể thay đổi điều gì trong cách nhìn nhận của mình?

Khi những lập trường gay gắt của ta ngày trước đã được soi chiếu rõ ràng và hiểu được cội nguồn sâu xa của chúng, ta có thể bắt đầu mở lòng để suy xét: liệu có thể buông bỏ điều mà ta từng xem là phần không thể tách rời của bản thân – một điều từng được ta bảo vệ tới cùng?

Có điều gì trong tôi là không thể đổi thay?

Và nếu có, đâu là những cách ta có thể cùng nhau tìm ra để sống chung với những phần bất biến ấy?

Ta cần nhìn nhận rằng – gần như chắc chắn – sẽ có những điều trong tính cách mỗi người không thể thay đổi. Và đây chính là lúc ta nên thành thật với người cũ về ranh giới giữa điều khả thi và điều bất khả. Một lời hứa hão luôn để lại hậu quả nặng nề hơn nhiều so với một kỳ vọng được hạ thấp từ đầu. Vậy điều gì mà, dù có thiện chí đến đâu, ta vẫn khó lòng vượt qua? Và nếu không vượt qua được, liệu có thể có cách nào – dù nhỏ – để dung hòa?

Mỗi người chúng ta có thể chịu đựng bao nhiêu từ những điều không thể đổi thay nơi đối phương?

Câu trả lời thẳng thắn ở đây có thể cứu một cặp đôi khỏi hàng chục năm tranh cãi. Ta thực sự có thể chấp nhận được điều gì? Và nếu nhìn thẳng vào lòng mình, điều gì là thứ ta nên học cách tránh xa mãi mãi?

Tôi mang điều phiền toái gì vào mối quan hệ này? Tôi khó sống chung ở điểm nào?

Không nên có sự tự ái ở đây. Những người dễ chịu thật ra là những người có cái nhìn rõ ràng về phần khó chịu của chính mình. Ta không cần ai hoàn hảo. Ta chỉ cần người có thể thừa nhận sự thiếu sót của bản thân – và hiểu được sự thiếu sót đó đã khiến người bên cạnh tổn thương đến mức nào.

Còn anh/em thì sao? Anh/em đã mang điều rắc rối nào vào mối quan hệ? Anh/em khiến người khác thấy khó gần ở chỗ nào?

Cần có sự thống nhất giữa hai bên về những rối ren mà mỗi người đã đem vào cuộc sống chung. Mỗi người nên tự viết ra câu trả lời của mình, rồi đưa cho đối phương xem. Liệu cả hai có thể đồng thuận về những điều tồi tệ nhất trong nhau? Càng có nhiều điểm trùng khớp, thì những lời phê bình trong tương lai sẽ càng ít mang cảm giác “cằn nhằn”, mà thay vào đó sẽ trở thành một phần của hành trình tử tế, giúp nhau thay đổi theo đúng cách mà – trong những lúc sáng suốt nhất – ai cũng mong mình có thể.

Trong nỗi lo âu và buồn bã của mình, tôi đã phát hiện ra phần nào thực ra không phải do bạn gây ra? Điều gì vẫn khiến tôi thấy nặng nề, dù bạn đã không còn ở bên?

Trong lúc yêu, ta thường dễ tin rằng mọi nỗi khổ của mình đều bắt nguồn từ người kia. Ta trao cho người ấy – người gần gũi nhất – một quyền năng gần như tuyệt đối trong việc định đoạt tâm trạng của ta. Nhưng khi họ rời đi, ta có thể buộc phải đối diện với một sự thật phức tạp hơn: rằng phần lớn những nỗi buồn và rối loạn trong lòng vốn đã có từ trước, thuộc về chính ta – không hoàn toàn do người kia mang lại. Thật lạ, nhưng rồi ta phải chấp nhận: không thể đổ hết lỗi lên vai họ được nữa. Vậy cuộc sống đã vẫn còn khó khăn ra sao, dù không còn có họ bên cạnh? Và điều gì, rốt cuộc, không phải lỗi của họ?

Điều mà giờ đây tôi trân trọng nơi anh/em hơn bao giờ hết là…

Người ta thường bảo rằng, ta không nên quên những điều tuyệt vời của người cũ. Nhưng thật ra, chỉ khi đã có một khoảng cách đủ dài với thời gian, ta mới có thể nhìn rõ hơn những điều quý giá nơi họ. Trong những tháng ngày xa nhau, điều gì ở bạn khiến tôi nhận ra mình đã từng – và vẫn luôn – thật lòng trân quý?

Tôi đã học được gì sau khi gặp gỡ những người khác?

Một câu hỏi khá nhạy cảm, nhưng như ta đang dần nhận ra, chính khả năng “nuốt trôi lòng tự ái” là điều sẽ giúp một mối quan hệ có cơ hội bắt đầu lại một cách đàng hoàng. Những cuộc hẹn tệ hại đã dạy tôi điều gì? Những lần bị từ chối đã giúp tôi nhận ra điều gì? Những khuyết điểm nơi người khác đã khiến tôi hiểu thêm được gì về giá trị của người mà mình từng rời xa?

Chuyện gì sẽ xảy ra khi ta cãi nhau lần tới? Hãy định hình sáu tình huống có thể xảy ra trong tương lai – và cùng nhau tìm hướng giải quyết mới.

Hãy nghĩ ra sáu cuộc tranh cãi có khả năng sẽ diễn ra:
— Có một người thứ ba xuất hiện...
— Bạn lại quá bận rộn với công việc…
— Bạn mệt mỏi và tổn thương vì người kia trót lỡ trêu đùa ai đó...

Lần sau, ta sẽ cư xử khác đi như thế nào? Ta có thể làm gì – thay vì buông tay? Làm sao để sự khéo léo có thể thay thế cho cuộc chiến?

Mỗi người nên tìm đến một người bạn thân – người từng chứng kiến trọn vẹn cuộc chia tay – và nhờ họ gặp gỡ riêng người cũ, sau đó đưa ra một nhận định trung thực về khả năng tái hợp. Liệu người cũ ấy giờ đây có khiến bạn mình cảm thấy an toàn? Liệu chuyện quay lại có nên diễn ra?

Nghe có vẻ kỳ lạ khi lôi kéo bên thứ ba vào câu chuyện hai người. Ta hay nghĩ rằng, các cặp đôi sẽ tự giải quyết được mọi khúc mắc giữa họ. Nhưng thật ra, hầu hết những ai vượt qua được một cuộc chia tay đều có – đâu đó phía sau – một người bạn khôn ngoan, nhẹ nhàng nhưng đầy hoài nghi. Người đã từng lắng nghe ta nức nở, đưa lời khuyên lúc nên nhắn tin hay nên chặn số, luôn túc trực, và có trí nhớ tường tận về từng chi tiết đau buốt trong cuộc chia tay ấy.

Sẽ thật dại dột nếu ta không tận dụng sự từng trải và cái nhìn tỉnh táo của người bạn ấy. Họ không muốn lại chứng kiến một bi kịch nữa. Càng hay hơn, họ không yêu người cũ của ta, không lên giường với họ, chỉ đứng ngoài và nhìn thấy hết những mặt tối – và chính vì thế, họ là người đáng tin cậy. Họ không phải kẻ thù (những người đó thì chẳng giúp được gì), nhưng cũng chẳng phải kẻ mộng mơ mù quáng. Họ là một người thực tế, lý trí, đã từng chứng kiến người cũ khiến bạn mình đau ra sao – và không hề muốn điều đó lặp lại.

Người bạn ấy cần được đưa vào cuộc trò chuyện. Họ nên có một cuộc gặp riêng với người cũ – và dù điều đó có đáng sợ đến mấy thì người kia vẫn nên chấp nhận, vì tình yêu chân thành không sợ bị xét nét. Nếu người cũ có thể thuyết phục được người bạn từng cùng ta vượt qua bão giông, thì đó mới thực sự là dấu hiệu của một sự thay đổi có thật – và ngược lại.

Người bạn này sẽ đánh giá người cũ dựa trên các tiêu chí sau – và cho điểm từ 1 đến 10:

— Người ấy hiểu rõ đến đâu về những vấn đề họ từng mang vào mối quan hệ?
— Họ có vẻ thực sự có khả năng thay đổi không?
— Mức độ phòng thủ của họ thế nào khi bị góp ý?
— Họ đã hiểu gì về chính mình?
— Họ sẽ xử lý mâu thuẫn trong tương lai như thế nào?
— Họ trân trọng người cũ – tức là bạn mình – ở điểm nào?
— Đánh giá tổng thể về khả năng tái hợp. Tóm lại, nên hay không nên?

Chúng ta thường ra quyết định quan trọng nhất đời mình chỉ bằng cảm tính. Nhưng ta sẽ thật sự biết tôn trọng tình yêu – và tránh được vòng lặp đau thương – khi cuối cùng cũng học được cách gạt sang một bên ham muốn nhất thời, để lắng nghe lý trí giản dị, mộc mạc mà đầy bản lĩnh: thứ logic chậm rãi, kiên nhẫn, tẻ nhạt nhưng rất mực tỉnh táo và chân thành.

Nguồn: TO GET BACK TOGETHER – OR NOT? AN EXAM FOR COUPLES | The School Of Life

menu
menu