Có Sự Khác Biệt Nào Giữa Những Kẻ Mộng Mơ Và Những Kẻ Thực Tế?
Điều đầu tiên tôi muốn nói với bạn chính là, nếu bạn thực sự tin vào những gì mình theo đuổi và sẵn sàng dốc hết tâm huyết vì nó,
Điều đầu tiên tôi muốn nói với bạn chính là, nếu bạn thực sự tin vào những gì mình theo đuổi và sẵn sàng dốc hết tâm huyết vì nó, bạn sẽ có thể đạt được bất cứ thứ gì mình muốn. Khó khăn sinh ra chính để nhắc bạn nhớ mình mong muốn đích đến đó đến mức nào.
“Có những kẻ mộng mơ và có những kẻ thực tế trên thế giới này. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng những kẻ mộng mơ sẽ tìm kiếm những kẻ mộng mơ khác và những kẻ thực tế lại tìm đến những kẻ thực tế khác, nhưng… khá thường xuyên, điều ngược lại mới đúng. Người mộng mơ cần những người thực tế để giữ họ không bay quá gần tới mặt trời. Và người thực tế… ừm, nếu thiếu những người mộng mơ, họ chắc không bao giờ nhấc nổi người lên khỏi mặt đất.”
- Modern Family -
Trước khi đọc đến câu thứ hai, chắc bạn đã định sẵn mình là kiểu người như thế nào: là kẻ mộng mơ hay là kẻ thực tế. Và tôi cũng chắc chắn có hàng tá người khẳng định mình là sự kết hợp của cả hai. Bạn biết đấy, sự kết hợp tuyệt vời nhất.
Điều thú vị là, có vẻ như càng lớn lên, bạn càng hờ hững với những kẻ mộng mơ. Họ chỉ còn là phần thiểu số khi thời gian đi qua.
Những năm đầu của cuộc đời lại diễn ra điều ngược lại. Trong suốt thời ấu thơ chúng ta luôn được khuyến khích để ước mơ. Rằng không có giới hạn nào mà con người không thể đạt được. Hãy cứ yên tâm lấy mặt trăng làm đích nhắm vì dù bắn trượt ta cũng rơi giữa các vì sao. Hãy nhớ lại câu hỏi quen thuộc nhất mà người lớn hỏi chúng ta “Con muốn làm gì khi lớn lên?”. Và những câu trả lời lúc đó thật ngây thơ, thật chân thật.
Khi bạn lớn lên, câu trả lời bắt đầu được tái định hình. Không phải vì bạn không còn muốn nắm lấy những khát khao tương lai đó mà đơn giản bởi vì, trong suốt quá trình trưởng thành, bạn đã phải nghe những lời nhận xét rằng chúng quá phi thực tế. Hơn nữa, đây cũng là khi bạn chập chững bước vào đời - nơi mà các quyết định được thực hiện bằng bộ não chứ không phải bằng trái tim, nơi kết quả chỉ được đo bằng bằng chứng vật lý cụ thể chứ không phải bằng tiềm năng vô hạn mà cơ hội tạo ra.
Không phải lúc nào cũng dễ dàng để làm một kẻ mộng mơ. Bạn sẽ luôn đứng trước nguy cơ thất bại và nhục nhã. Sẽ luôn có những khán giả ngồi đoán xem khi nào bạn từ bỏ. Xã hội của chúng ta đã tiến hóa thành một cộng đồng thích thú quan sát một người bị tan vỡ hơn là thành công. Đối với những con người mơ mộng, thất bại mà họ gánh chịu sẽ công khai và đau đớn hơn, nhưng thành công mà họ tận hưởng lại càng ngọt ngào.
Những kẻ thực tế, kỳ vọng của họ thấp hơn nhiều so với những kẻ mộng mơ. Họ nhanh chóng từ chối các ý tưởng mới và chọn cách sống giữa những vạch kẻ giới hạn, không bao giờ khám phá ra điều gì đang chờ đợi đằng sau đường chân trời kia. Không bao giờ mong muốn vượt qua giới hạn. Luôn nằm trong vòng an toàn của bản thân. Với những người như thế, thành công đến khá thường xuyên, song chỉ dừng lại ở mức trung bình.
Khi đã là một kẻ mộng mơ, bạn phải tập cách nhìn thẳng về phía trước. Bởi vì xung quanh sẽ luôn có những kẻ nghi ngờ và thậm chí chê bai những điều tuyệt vời mà bạn đang gắng sức đạt được. Những kẻ này hoàn toàn có khả năng kéo chúng ta ra khỏi hành trình đạt tới ước mơ. Không phải vì những ước mơ này quá xa vời và không thể đạt tới, mà vì ta đã để bản thân bị thuyết phục bởi những lý lẽ đó và rồi từ bỏ. Khoảnh khắc bạn để ý đến những điều tiêu cực cũng là khoảnh khắc bạn bắt đầu nghi ngờ bản thân.
Những kẻ thực tế có phải là những kẻ nghi ngờ đó không? Không hẳn. Đúng ra họ là những người biến ý tưởng thành hiện thực. Họ có khả năng tập trung vào dự án trong tầm tay trong khi cẩn trọng vạch ra từng kế hoạch để thực hiện. Hãy cứ coi họ như nhân viên sân khấu. Họ làm việc sau hậu trường để đảm bảo mọi người đều ở đúng vị trí của mình. Họ tính đến từng tình huống cụ thể và sẽ đảm bảo cho mọi thứ được chuẩn bị chu toàn. Thiếu họ, buổi biểu diễn có khả năng biến thành thảm họa.
Nhưng điều mà hầu hết những kẻ thực tế không hiểu hay không công nhận là thiếu đi những kẻ mộng mơ thì cũng sẽ chẳng có buổi diễn nào. Người mộng mơ muốn thay đổi thế giới bởi vì họ thực sự tin rằng họ có thể. Thiếu đi góc nhìn “không gì là không thể” của kẻ mộng mơ, thử tưởng tượng xem thế giới sẽ trở thành thứ gì. Khi mỗi ý tưởng sáng tạo được đặt ra, luôn có những kẻ cười nhạo ngay từ ban đầu … cho đến khi chúng thành hiện thực.
Thật khó để không tự hỏi rằng liệu những kẻ thực tế có mong muốn trở thành một kẻ mộng mơ hay không. Là vì họ quá sợ hãi thất bại hay đơn giản là không đủ tự tin để bắt lấy cơ hội có phần mạo hiểm. Dù là thế nào, thì thật nực cười khi những kẻ mộng mơ lại là người thức dậy trong phấn khích để bắt tay biến ước mơ thành sự thật, trong khi những kẻ thực tế lại ước được nằm mãi trên giường mà ảo tưởng về ước mơ của họ.
Tôi chưa bao giờ phải băn khoăn cái nào mới miêu tả đúng con người mình. Tôi có cả một bản danh sách trọn đời những ý tưởng và mục tiêu cá nhân mà nhìn qua chỉ như một mẩu giấy ghi chú lấp đầy những thành tích.
Nơi tôi lớn lên không có nhiều kẻ mộng mơ. Ở vùng nông thôn thuộc Đông Nam Ohio này, con người ta không trở thành những vận động viên, những ca sĩ nhạc pop, những nhà văn bán chạy nhất, hay cả những giám đốc điều hành công ty. Các bậc phụ huynh không phải lúc nào cũng khích lệ con cái, cơ hội không gõ cửa thường xuyên và kỳ vọng chỉ ở mức tối thiểu. Mọi người ở đây thích tán dóc và việc theo đuổi ước mơ đối với họ nghe thật buồn cười và vô vọng.
Nhưng tôi ở đây để nói với bạn rằng, trước hết nếu bạn thực sự tin vào những gì mình theo đuổi và sẵn sàng làm mọi thứ có thể vì nó, thì một ngày nào đó nó sẽ thành hiện thực. Khó khăn phát sinh để nhắc bạn nhớ rằng mình mong muốn đích đến đó đến mức nào.
Những kẻ mộng mơ đơn giản là những kẻ không bao giờ bỏ cuộc… không bao giờ.
Dịch: Hương
Nguồn: https://www.huffpost.com
Nguồn: A Crazy Mind