Cơ thể không bao giờ nói dối – Alice Miller
Review bởi Phan Phương Đạt
Alice Miller (1923-2010) là nhà tâm lý học, tác giả viết sách gốc Do Thái, sinh ở Ba lan và thành danh ở Thụy sỹ. Với 12 đầu sách về chủ đề chấn thương tâm lý thời thơ ấu, bà được cho là đã làm đảo lộn hai thế giới: thế giới của quan hệ cha mẹ – con cái và thế giới của phân tâm học. Bà đã chỉ ra rằng, thứ nhất, hệ thống các quan niệm truyền thống và điển hình về mối quan hệ cha mẹ-con cái không chỉ sai lầm, mà còn là một hệ thống các ảo tưởng rất nguy hiểm, mà việc đi theo nó sẽ dẫn các quá trình phát triển nhân cách vào ngõ cụt đau đớn. Và thứ hai, những quan niệm phân tâm học truyền thống về các vấn đề của quan hệ con cái-cha mẹ và phương tiện giải quyết chúng cũng ảo tưởng và sai lầm nốt, và không thể là cơ sở cho liệu pháp tâm lý hiệu quả. Đến nay thì hai chủ đề trên cũng không còn mới, nhưng vào thời điểm đầu những năm 198x khi cuốn Bi kịch của đứa trẻ tài năng – cuốn sách đầu tay của Miller – ra mắt, nó đã gây chia rẽ và tranh cãi kịch liệt.
Tôi tình cờ biết đến Alice Miller thông qua một câu nói của bà: “khinh miệt là vũ khí của kẻ yếu”. Khi đó tôi đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, tại sao khi tranh luận trên Facebook và cả ở những chỗ khác, rất nhiều người có xu hướng hạ thấp, miệt thị, tấn công bất kỳ thứ gì họ coi là khiếm khuyết của đối phương? Hóa ra, đó là vũ khí của kẻ yếu, những người đã bị coi thường, bị khinh miệt từ nhỏ và đã phát triển cho chính mình một vũ khí như vậy để có thể sống sót, để khẳng định bản thân. Ngược lại, nếu một người từ lúc bé đã được tôn trọng, được bao dung, thì họ sẽ trở nên mạnh mẽ và bao dung, vì hiểu rằng ai cũng có khiếm khuyết.
Xem sách tại Tiki: https://shorten.asia/XahTd8m1
Tôi đã tìm sách của bà để đọc kỹ hơn, và thấy chưa có quyển nào được dịch ra tiếng Việt. Sau đó, công ty cổ phần sách Bách Việt đã dần cho dịch và xuất bản 3 cuốn: Bi kịch của đứa trẻ tài năng (2022), Sự thật sẽ giải phóng bản thân (2022) (đúng ra là Sự thật sẽ giải phóng bạn) và Cơ thể không bao giờ nói dối (2023). Tôi đọc cuốn đầu thấy bản dịch có nhiều lỗi, nên đã liên hệ với Bách Việt, khi đó họ chuẩn bị in cuốn thứ ba, nên tôi nhận hiệu đính, và giờ sách đã được xuất bản.
Chủ đề xuyên suốt của Cơ thể không bao giờ nói dối là về việc Điều răn thứ tư trong Kinh Thánh đã khiến người ta không nhận ra hậu quả của chấn thương tâm lý thời thơ ấu đối với cuộc sống của mình khi trưởng thành. Điều răn đó là về việc con cái phải hiếu kính vô điều kiện với cha mẹ. Miller cho rằng, nếu một đứa trẻ bị ngược đãi, thì khi lớn lên nó có thể quên mất điều đó, nhưng cơ thể của nó thì vẫn ghi nhớ (Cơ thể không bao giờ nói dối!) và đòi hỏi được nhận biết và giải quyết. Nếu không thì cơ thể sẽ phát bệnh. Thế nhưng Điều răn thứ tư đã cản trở không cho người ta nhận biết ra sự ngược đãi này và hậu quả mà cơ thể họ ghi nhớ, và cũng khiến các nhà trị liệu đi sai hướng, khuyên bệnh nhân “bỏ qua” một cách nhẹ nhàng những ngược đãi từ cha mẹ họ, mà không ý thức được rằng cơ thể không dễ bỏ qua như vậy.
Các luận điểm của Miller chủ yếu được rút ra từ các nghiên cứu của bà về tiểu sử các nhân vật nổi tiếng và các câu chuyện mọi người viết cho bà, do đó không được giới khoa học công nhận chính thức. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học chặt chẽ hơn cũng đã đi đến kết luận giống của bà, điển hình là cuốn The body keeps the score (có thể dịch là Cơ thể ghi nhớ mọi điều, tuy nhiên bản dịch tiếng Việt là Sang chấn tâm lý – hiểu để chữa lành) của bác sỹ Van der Kolk. Theo tôi, tất cả các ông bố bà mẹ đều nên đọc cuốn này, cho dù có thấy được thuyết phục hay không.
Tôi rất tâm huyết với việc giới thiệu sách của Miller đến với độc giả Việt Nam, nên đã cố gắng hiệu đính tốt nhất có thể. Tuy nhiên chắc chắn vẫn còn lỗi, do đó rất mong nhận được góp ý từ người đọc. Tôi cũng đã viết bài review cuốn thứ nhất, và sẽ viết bài review cho cuốn thứ hai. Và mong tiếp tục được góp phần dịch các sách khác của Miller và giới thiệu cho bạn đọc Việt Nam.
Nguồn: Phan Phương Đạt
Mời bạn đặt sách tại Tiki: https://shorten.asia/wuFHfMRg