Có thể nào quá thông minh khiến ta khó được yêu?

co-the-nao-qua-thong-minh-khien-ta-kho-duoc-yeu

Thông minh thường là một phẩm chất đáng mơ ước, nhưng liệu có khi nào ta lại… quá thông minh để trở nên hấp dẫn?

Thông minh – Chìa khóa trong tình yêu?

Khi được hỏi về người bạn đời lý tưởng, hầu hết mọi người đều đặt trí tuệ lên hàng đầu. Một nghiên cứu quy mô lớn trên hơn 200.000 người từ nhiều nền văn hóa khác nhau cho thấy, trí thông minh là đặc điểm được đàn ông đánh giá cao nhất khi chọn bạn đời (xếp ngay sau đó là ngoại hình). Đối với phụ nữ, đây là tiêu chí quan trọng thứ hai, chỉ đứng sau sự hài hước (Lippa, 2007). Rõ ràng, trí tuệ là một lợi thế trong “cuộc chơi tình ái”.

Nhưng liệu có ranh giới nào cho sự hấp dẫn của trí tuệ không?

Khi thông minh đạt đến mức… quá tải

Trước đây, các nhà nghiên cứu thường thu thập dữ liệu về tiêu chí chọn bạn đời bằng cách yêu cầu người tham gia xếp hạng các đặc điểm mong muốn hoặc đánh giá chúng theo một thang điểm. Cách tiếp cận này giúp ta hiểu rõ mức độ ưu tiên của từng đặc điểm (như hài hước, tốt bụng, thông minh), nhưng lại không cho biết bao nhiêu trí tuệ là vừa đủ để hấp dẫn.

Chẳng phải ta thường nghĩ rằng, nếu một phẩm chất là đáng giá, thì có càng nhiều lại càng tốt? Nếu tốt bụng là một điểm cộng, thì cực kỳ tốt bụng sẽ càng đáng quý! Nếu hài hước là sức hút, thì siêu hài hước sẽ càng quyến rũ! Và nếu trí tuệ là một ưu thế, thì có IQ siêu cao chẳng phải sẽ càng hấp dẫn sao?

Thực tế, trí tuệ vượt trội mang đến nhiều lợi ích tiến hóa: nó gắn liền với sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và sự đồng hành thú vị trong một mối quan hệ dài lâu. Nhưng có giới hạn nào cho sức hút của sự thông minh không?

Thí nghiệm về “điểm dừng” của trí tuệ

Các nhà nghiên cứu Gignac, Darbyshire và Ooi (2018) từ Đại học Western, Úc đã thử tìm câu trả lời. Thay vì chỉ yêu cầu người tham gia xếp hạng trí thông minh, họ đi thẳng vào bản chất vấn đề: Mức độ trí tuệ cụ thể nào là hấp dẫn nhất?

Họ khảo sát khoảng 375 người có IQ trung bình khoảng 100. Những người này được yêu cầu đánh giá mức độ hấp dẫn của một đối tượng tiềm năng (cho cả mối quan hệ ngắn hạn và dài hạn) với IQ dao động từ mức rất thấp (1% dân số) đến mức cực cao (99%).

Kết quả thật bất ngờ: trí tuệ vượt trội có thể làm giảm sức hấp dẫn!

Mức độ thu hút tăng mạnh từ nhóm có IQ rất thấp đến mức trung bình (50%), tiếp tục tăng ở nhóm 75%, nhưng sau đó bắt đầu chững lại ở mức 90%. Đặc biệt, những người ở nhóm 99% (tức siêu thông minh) lại kém hấp dẫn hơn so với nhóm 90%!

Vậy thông minh đến mức nào là lý tưởng?

Theo nghiên cứu, mức độ trí tuệ hấp dẫn nhất nằm ở khoảng IQ 120, tương đương với nhóm 90% dân số. Đây là mức cao hơn trung bình một chút nhưng chưa chạm ngưỡng “quá tải”. Trước điểm này, càng thông minh càng hấp dẫn. Nhưng sau đó, trí tuệ dường như bắt đầu trở thành một rào cản, dù là trong mối quan hệ ngắn hay dài hạn.

Khi điểm mạnh trở thành điểm yếu

Điều này cho thấy, những phẩm chất đáng mong muốn vẫn có thể trở thành gánh nặng nếu chúng đạt đến mức cực đoan. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng có thể những người quá thông minh gặp khó khăn trong kỹ năng giao tiếp xã hội, nhưng chưa có bằng chứng thực sự khẳng định điều này. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một điều: trong mắt số đông, trí tuệ quá cao có thể gắn liền với những định kiến không mấy tích cực.

Không chỉ riêng trí thông minh, nhiều đặc điểm khác cũng có thể gặp tình trạng tương tự. Một người hài hước đến mức… quá lố có thể khiến người khác mệt mỏi. Một người quá tốt bụng có thể trở thành “thánh tử vì đạo” trong mắt người đời. Và một người siêu thông minh đôi khi lại trở nên xa cách, khó hiểu.

Nhưng vẫn có ngoại lệ…

Dù vậy, không phải ai cũng cảm thấy e ngại trước trí tuệ vượt trội. Có một nhóm nhỏ trong xã hội – những sapiosexual– bị hấp dẫn mạnh mẽ bởi trí thông minh. Họ cảm thấy tẻ nhạt khi trò chuyện với những người có IQ trung bình, nhưng lại hứng thú mãnh liệt với những bộ óc siêu việt.

Nghiên cứu của Gignac và cộng sự (2018) cũng cho thấy rằng, những người có xu hướng sapiosexual đánh giá mức IQ 99% là cực kỳ hấp dẫn, trong khi những người khác lại ít bị thu hút bởi mức trí tuệ này.

Vậy liệu có thể quá thông minh để được yêu? Câu trả lời không đơn giản là “có” hay “không”. Trí tuệ vẫn là một lợi thế lớn trong chuyện tình cảm, nhưng có lẽ, cũng như mọi thứ khác trong cuộc sống, nó cần có sự cân bằng. Và quan trọng hơn hết, sức hấp dẫn không chỉ nằm ở một con số IQ – mà còn ở cách ta kết nối, thấu hiểu và đồng điệu với người khác.

Nguồn: Can a Person Be Too Smart to Be Loved? | Psychology Today

Photo: Jet Cat Studio/Shutterstock

menu
menu