‘Con người thật của bạn’ là một điều tưởng tượng – chúng ta liên tục tạo ra ký ức giả để có được danh tính theo ý muốn

con-nguoi-that-cua-ban-la-mot-dieu-tuong-tuong-chung-ta-lien-tuc-tao-ra-ky-uc-gia-de-co-duoc-danh-tinh-theo-y-muon

Ký ức định hình nên danh tính của một người.

Tất cả chúng ta đều muốn người khác “hiểu được ta” và quý trọng chúng ta vì con người thật của ta. Trong nỗ lực để đạt được những mối quan hệ như vậy, chúng ta thường nghĩ rằng mình có một “con người thật”. Nhưng làm sao chúng ta biết được mình là ai? Điều này tưởng chừng đơn giản–chúng ta là sản phẩm của những kinh nghiệm sống của mình mà ta có thể dễ dàng tiếp cận thông qua những ký ức của ta về quá khứ.  

Quả thật, nhiều nghiên cứu cho thấy ký ức định hình nên danh tính của một người. Những ai mắc phải các dạng mất trí nhớ (amnesia) nặng thì cũng thường mất đi danh tính của họ. Điều này đã được cố nhà văn và nhà thần kinh học Oliver Sacks miêu tả một cách sống động trong trường hợp nghiên cứu của ông về Jimmy G, 49 tuổi, “người thủy thủ lạc lối”, đang chật vật để tìm thấy ý nghĩa bởi anh không thể nhớ được bất kỳ chuyện gì đã xảy ra sau thời niên thiếu của mình.

Nhưng hóa ra, danh tính thường không phải là một đại diện chân thực về con người chúng ta–ngay cả khi chúng ta có một trí nhớ còn nguyên vẹn. Nghiên cứu cho thấy chúng ta không thực sự tiếp cận và sử dụng mọi ký ức có sẵn khi tạo ra những câu chuyện cá nhân. Vấn đề ngày càng trở nên sáng tỏ, vào bất kỳ thời điểm nào, chúng ta thường không biết rằng mình có xu hướng lựa và chọn thứ để ghi nhớ.

Khi chúng ta tạo ra những câu chuyện cá nhân, chúng ta dựa vào một cơ chế sàng lọc tâm lý, được gọi là hệ thống giám sát, dán nhãn cho một số ý niệm tinh thần nào đó là ký ức. Những ý niệm nào khá sinh động, giàu chi tiết và cảm xúc – những tình tiết mà chúng ta có thể tái trải nghiệm – thì nhiều khả năng được đánh dấu là ký ức. Sau đó, những tình tiết này phải trải qua một “bài kiểm tra tính hợp lý” được thực hiện bởi một hệ thống giám sát tương tự để cho ta biết liệu các sự kiện đó có phù hợp với tiểu sử cá nhân tổng quát hay không. Ví dụ, nếu chúng ta nhớ lại thật chi tiết, sống động mình đang bay mà không có ai hỗ trợ, thì ta biết ngay điều đó không thể nào là thật.

Song những gì được lựa chọn như một ký ức cá nhân cũng cần phải phù hợp với quan niệm hiện tại của chúng ta về bản thân. Giả sử bạn đó giờ là một người rất tốt bụng, nhưng sau một trải nghiệm đau thương, bạn đã phát triển một nét tính cách hung hăng mà hiện giờ lại hợp với bạn. Không chỉ hành vi của bạn đã thay đổi, mà còn cả câu chuyện cá nhân của bạn nữa. Nếu bây giờ bạn được yêu cầu hãy mô tả về bản thân thì bạn có thể đưa vào những sự kiện quá khứ mà trước đây từng bị bỏ qua trong câu chuyện của bạn – ví dụ, những trường hợp mà bạn có hành xử hung hăng.

Những ký ức sai lệch 

Và đây mới chỉ là một nửa câu chuyện. Nửa còn lại có liên quan đến tính chân thực của các ký ức mà mỗi lần nó được chọn lựa để trở thành một phần của câu chuyện cá nhân. Ngay cả khi chúng ta dựa vào các ký ức của mình thì chúng vẫn có thể rất sai hoặc hoàn toàn là dối trá: chúng ta thường bịa ra những ký ức về các sự việc chưa hề xảy ra.

Việc ghi nhớ không giống như việc phát một đoạn video từ quá khứ trong tâm trí bạn–mà đó là một quá trình tái tạo ở mức độ cao, phụ thuộc vào kiến thức, hình ảnh bản thân, nhu cầu và mục tiêu. Thật vậy, các nghiên cứu hình ảnh não bộ cho thấy ký ức cá nhân không chỉ có một vị trí trong não bộ, mà nó dựa trên một “mạng lưới não bộ ký ức tự truyện” bao gồm nhiều khu vực riêng biệt.

Nhiều phần của não bộ tham gia vào việc tạo ra các ký ức cá nhân. / Triff/shuttestock

Một khu vực quan trọng là thùy trán, chịu trách nhiệm tích hợp mọi thông tin thu nhận được thành một sự kiện cần phải có ý nghĩa– theo nghĩa không có những thành phần phi lý và bất khả thi trong đó, và phù hợp với ý niệm mà cá nhân ghi nhớ về bản thân họ. Nếu không phù hợp hoặc không có ý nghĩa thì ký ức sẽ bị loại bỏ hoặc bị thay đổi, chỉnh sửa, với các thông tin được thêm vào hoặc xóa đi.

Do đó các ký ức rất dễ bị uốn nắn, chúng có thể bị xuyên tạc và thay đổi dễ dàng, như nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của chúng tôi đã chỉ ra. Chẳng hạn, chúng tôi phát hiện thấy những gợi ý, ám thị và trí tưởng tượng có thể tạo ra những ký ức vô cùng chi tiết và xúc động trong khi chúng hoàn toàn sai sự thật. Jean Piaget, một nhà tâm lý học phát triển nổi tiếng, suốt đời ghi nhớ về sự kiện mà ông từng bị bắt cóc cùng với bảo mẫu của mình, một cách chi tiết, sống động – bà ấy thường kể cho ông nghe về chuyện này. Sau nhiều năm, bà thú nhận là đã bịa chuyện. Lúc đó, Piaget ngừng tin vào ký ức, tuy thế nó vẫn còn sống động như trước đây.

Thao túng ký ức

Chúng tôi đã đánh giá tần suất và bản chất của những ký ức sai lầm và không còn-được tin tưởng này trong một loạt nghiên cứu. Khi kiểm tra một mẫu rất lớn ở một số quốc gia, chúng tôi phát hiện thấy trên thực tế chúng khá là phổ biến. Thêm nữa, giống như với Piaget, người ta cảm thấy chúng rất giống với các ký ức thật.

Điều này vẫn đúng ngay cả khi chúng tôi đã tạo ra ký ức giả thành công trong phòng thí nghiệm bằng cách dùng các video được chỉnh sửa/làm giả để báo cho những người tham gia rằng họ đã làm một số hành động nào đó. Sau đó, chúng tôi nói với họ rằng những ký ức ấy thực sự chưa từng xảy ra. Đến lúc này, những người tham gia đã ngừng tin vào ký ức, nhưng họ lại báo cáo rằng những đặc tính của nó khiến họ có cảm giác nó là thật.

Một nguồn phổ biến của ký ức giả là những tấm ảnh từ quá khứ. Trong một nghiên cứu mới, chúng tôi phát hiện thấy chúng ta đặc biệt có khả năng tạo ra những ký ức giả khi ta nhìn một hình ảnh về ai đó đang chuẩn bị thực hiện một hành động. Đó là bởi vì những cảnh như vậy khiến cho tâm trí ta tưởng tượng về hành động đang được thực hiện theo thời gian.

Nhưng tất cả những chuyện này có phải là một điều xấu hay không? Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào những mặt tiêu cực của quá trình này. Ví dụ, có những lo ngại rằng liệu pháp có thể tạo ra những ký ức giả về việc lạm dụng tình dục trong quá khứ, dẫn đến những lời vu khống. Cũng có những cuộc tranh cãi rất sôi nổi về những người đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần–chẳng hạn như trầm cảm–có thể có khuynh hướng nhớ lại những sự việc rất tiêu cực. Vì thế mà một số cuốn sách self-help đưa ra lời khuyên về cách đạt được một cảm nhận chính xác hơn về bản thân. Ví dụ, chúng ta có thể suy ngẫm về những thiên kiến chủ quan của mình và nhận phản hồi từ người khác. Song điều quan trọng cần nhớ là người khác cũng có thể có những ký ức sai lệch về chúng ta.

Quan trọng là, ký ức dễ uốn nắn của chúng ta cũng có những mặt thuận lợi. Việc lựa ra và chọn ký ức thực sự được dẫn dắt bởi những thiên kiến chủ quan, đề cao bản thân khiến chúng ta viết lại quá khứ của mình để nó giống với những gì ta cảm nhận và tin tưởng trong hiện tại. Những ký ức và những câu chuyện chưa chính xác là cần thiết, xuất phát từ nhu cầu cần duy trì một cảm nhận tích cực và hợp thời về bản thân.

Câu chuyện cá nhân của riêng tôi đó là tôi là một người luôn yêu thích khoa học, đã sinh sống ở nhiều quốc gia và gặp gỡ nhiều người. Nhưng tôi có thể, phần nào đó đã bịa ra chuyện ấy. Niềm yêu thích hiện tại của tôi với công việc của mình và những chuyến đi liên tục, có thể làm hư hỏng các ký ức của tôi. Sau cùng, có những lúc mà tôi không hề yêu khoa học và chỉ muốn sống an phận thủ thường. Nhưng rõ ràng điều đó không thành vấn đề, phải không nào? Điều quan trọng là tôi đang hạnh phúc và biết mình muốn gì lúc này.

 

Dịch: Chó béo cute

Nguồn: https://theconversation.com/the-real-you-is-a-myth-we-constantly-create-false-memories-to-achieve-the-identity-we-want-103253

 

menu
menu