Cuộc Khủng Hoảng Bản Sắc Lần Thứ Hai: Làm Cách Nào Để Sống Tốt Phần Đời Còn Lại
Hơn 60 năm trước nhà phân tâm học lỗi lạc Erik Erikson đã tạo ra cụm từ “khủng hoảng bản sắc” để miêu tả một vấn đề tâm lý to lớn mà giới trẻ gặp phải.
Hơn 60 năm trước nhà phân tâm học lỗi lạc Erik Erikson đã tạo ra cụm từ “khủng hoảng bản sắc” để miêu tả một vấn đề tâm lý to lớn mà giới trẻ gặp phải. Họ phải khám phá ra họ là ai và họ làm gì trong cuộc đời này, và họ sẽ đồng hành cùng ai.
Hiện nay, mỗi ngày có 10.000 người được sinh ra vào thời kỳ bùng nổ dân số bước sang tuổi 65 và họ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng bản sắc lần thứ hai, một thứ không hề tồn tại ở thời đại của họ. Sau khi dành phần tuổi trẻ của mình để lao động, họ sẽ "về hưu" và đeo đuổi những hoạt động tình nguyện, những thú vui tiêu khiển, hoặc những hoạt động gia đình và khá tách biệt khỏi cái thế giới của công việc đầy bận rộn và tấp nập. "Tôi từng là giáo viên - bây giờ thì tôi chăm sóc các cháu mỗi tuần một lần và dành nhiều thời gian hơn ở căn nhà bên hồ của chúng tôi." "Tôi từng là luật sư, còn giờ thì tôi chơi golf." "Tôi đã đóng cửa văn phòng của mình. Bây giờ tôi là Chủ tịch Hội đường Do Thái giáo." "Tôi từ chức CEO, và giờ đây tôi đã và đang đi tàu thăm thú nhiều nơi." Trong những lối đi truyền thống đó không có cái thật sự gọi là khủng hoảng bản sắc. Thay vào đó, có một sự tiếp tục của bản thân mỗi người.
GETTY
Hiện nay, hầu hết mọi người đều thấy bản thân mình rơi vào tình cảnh bị ép buộc hoặc tự giác về hưu (vì "tre già măng mọc") khi đến giữa độ tuổi 60. Hoặc do họ có một động lực nội tại để chuyển mình mạnh mẽ - họ đã bị vắt kiệt sức, hoặc mãi dậm chân tại chỗ, hoặc đơn giản là họ mệt rồi. Hoặc do họ không còn hứng thú làm cái việc họ vẫn làm từ trước đến nay.
Nhưng hiện nay tuổi thọ trung bình của một người 65 tuổi đang được kéo dài thêm 20 năm nữa. Và có vẻ như phần lớn thời gian trong hai thập kỷ đó họ sẽ luôn khoẻ mạnh, điều này không giống với những thế hệ trước. Cho nên, những người 65 tuổi của thời đại hiện nay rất có thể sẽ trải qua cùng một cảm giác và sự xáo trộn của cuộc khủng hoảng bản sắc thường thấy trước đó ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Erikson giải thích như thế này: bản sắc "vừa mang nghĩa sự đồng nhất nhất quán bên trong một người vừa là sự giống nhau nhất quán về đặc trưng tính cách với người khác". Một trong những đóng góp quan trọng của Erikson là đã miêu tả việc này như một hiện tượng tâm lý - một sự tác động qua lại giữa ý thức của một người về việc mình là ai với sự nhìn nhận của xã hội về cá nhân người đó. Điểm quan trọng ở đây là khi địa vị xã hội của bạn thay đổi, tâm thức bên trong về bản sắc của bạn cũng thay đổi theo.
Đây là những câu hỏi được đặt ra, một cách có ý thức hay vô thức: Rốt cuộc thì tôi là ai? Bây giờ tôi muốn làm việc gì? Tôi muốn dành thời gian bên cạnh ai và ở đâu? Mục tiêu của cuộc đời tôi là gì? Tôi cần tiếp xúc và tránh loại kích thích nào? Tôi đã chịu đựng đủ điều gì rồi và tôi vẫn còn khao khát điều gì nữa?
Quá trình đương đầu với những câu hỏi này - cũng như đi tìm câu trả lời - mang những dấu hiệu mang tính gián đoạn của cuộc khủng hoảng bản sắc.
Tai sao trải nghiệm này lại được gọi là "khủng hoảng" chứ không phải những cái tên khác như là "quá trình hình thành bản sắc", hoặc theo cách nói của người xưa, "cuộc tái lập bản sắc"? Bởi vì đây là một quá trình gây gián đoạn - không phải chỉ một sự kiện, mà cả một quá trình tiếp diễn của việc tự đánh giá bản thân, thử thách, mắc lỗi, và đánh giá lại. Hãy thử làm điều gì đó và cảm nhận xem bạn thấy ổn không. Hãy để ý đến cái khiến bạn cảm thấy trống rỗng. Hãy để ý đến cái khiến bạn thấy tràn đầy sức sống. Đó là một phần đời vừa kích thích vừa đầy tiềm năng nhưng không nhất thiết phải vui thú. Và không dễ để miêu tả bằng lời.
Đây là miêu tả của Erikson về cuộc khủng hoảng bản sắc ở thanh thiếu niên:
"Trong giai đoạn cuối của quá trình hình thành bản sắc, thanh thiếu niên thường có khuynh hướng chịu đựng sự khuếch tán vai trò nhiều hơn trước đó (hoặc cả sau này). Và cũng đúng là sự khuếch tán đó khiến cho nhiều thanh thiếu niên cảm thấy bất lực trước sự tác động đột ngột của những sự xáo trộn có hại tiềm ẩn.
Người trải qua cuộc khủng hoảng bản sắc phải chịu đựng. Phần lớn những thứ họ phải chịu đựng có nguồn gốc từ một “sự khuếch tán vai trò” *. “Tôi biết làm bác sỹ (luật sư, giáo viên, thương gia, v.v.) là như thế nào nhưng nếu tôi không làm công việc đó nữa thì tôi là gì, cái gì định hình một ngày của tôi, tôi muốn gì, tôi nên làm gì?”
Nói cách khác, tôi đã tạo ra cụm từ “bắt đầu già hơn” để miêu tả một giai đoạn cuộc sống mà một người 65 tuổi đang tiến đến. Họ bước vào giai đoạn này chẳng thấy già cũng chẳng thấy trẻ. Những áp lực bên ngoài và bên trong thúc giục họ thay đổi hoặc từ bỏ những cấu trúc đã dựng nên cuộc sống của họ - nơi làm việc, chuyến tàu về nhà, thậm chí cả môi trường thiên nhiên.
Nhu cầu tìm kiếm vai trò và cấu trúc mới - sự khuếch tán vai trò - đi chung với một cảm giác khuếch tán mang tính chủ quan và tâm lý. Mặc dù có thể tồn tại mặt tích cực, trạng thái cảm xúc này khá gây hoang mang và mạo hiểm. Sự khuếch tán tạo cảm giác mù mờ, mơ hồ, mập mờ, và khó chịu. Có một sự vô định che khuất đi sự chắc chắn được níu giữ trước đó. Từ "lạc lõng" lột tả được tình trạng này khá chính xác. Ngoài ra cụm từ "giải thể nhân cách**" của các nhà tâm thần học cũng phần nào nói lên được tình trạng này - khi mà bạn thấy lạc lõng rối bời.
Hãy trong tư thế sẵn sàng nếu bạn đã bước vào những năm đầu tuổi 60. Mọi chuyện không dễ. Nhưng bạn có cơ hội để tìm thời gian dành cho bản chất thật sự của mình. Hãy tham gia vào những hoạt động cần bạn khơi dậy cái phần đã bị bỏ quên hàng năm trời bên trong bạn. Cứ tiếp tục làm việc, nhưng làm theo một hướng đi và môi trường khác, và với một mục đích mới.
Bạn có thể phát hiện ra nhiều thứ ở bản thân mà bạn chưa từng biết. (Tôi muốn biết liệu ông George W. Bush có biết ông ấy có óc quan sát và tài hoa đến mức nào trước khi theo đuổi con đường hội hoạ sau khi hết nhiệm kỳ Tổng thống không.)
Bạn có thể cảm thấy nhớ nhung và thương tiếc cho những kỹ năng và đam mê mà bạn đã đánh mất. Đó là một phần đời tự do, lộn xộn, đáng sợ, tồi tệ, và huy hoàng. Như thời tuổi trẻ vậy.
Sau đây là những lời khuyên thực tế đối với vấn đề này: những người sắp hoặc đang bước qua giai đoạn tuổi 60 nên bắt đầu lập kế hoạch cho giai đoạn bắt đầu già hơn sau này. Đừng mong đợi mọi chuyện sẽ ổn thoả. Hãy linh hoạt và tập thích ứng. Những người tiên liệu trước sự khuếch tán và sự lộn xộn và lập ra kế hoạch A rồi kế hoạch B và có thể có cả kế hoạch C thì sẽ có thể bớt khó khăn hơn và đỡ tốn thời gian hơn.
Hãy bắt đầu bằng cách tự đặt những câu hỏi này cho bản thân. Nếu bạn không có dự định tiếp tục công việc mình đang làm, vậy bạn thật sự muốn làm gì? Có ước mơ hay niềm đam mê nào bạn bỏ quên ở tuổi trẻ không? Bạn có muốn theo đuổi chúng lại không? Và bạn muốn sống ở đâu? Bạn có cần thêm cây cối xung quanh mình không? Hay bạn muốn sống ở đô thị? Cân bằng hơn hay đa dạng hơn? Kết thêm bạn hay ở một mình? Đây là lúc nội quan phát huy tác dụng. Có rất nhiều con đường cho bạn chọn. Bạn không biết trước được đâu là con đường đúng đắn. Nhưng nếu bạn học cách tập trung vào cách bạn phản hồi với những lựa chọn và khác nhau, bạn sẽ có thể cải thiện được sự hiểu biết của bạn về những gì bạn cần và bạn muốn và xây dựng nên một cấu trúc vững chắc và hoạt động hiệu quả suốt phần đời còn lại.
May mắn là cuộc khủng hoảng bản sắc lần thứ hai ở lứa tuổi này lại có lợi hơn ở lứa tuổi thanh thiếu niên vì họ đã có nhiều kinh nghiệm sống, bạn bè khôn ngoan, kiến thức về cách thế giới vận hành, kinh tế và nguồn nhân lực để kêu gọi và đây vẫn có thể là phần đời tuyệt vời nhất.
*Sự khuếch tán vai trò: một trạng thái thường diễn ra ở thanh thiếu niên, họ mơ hồ về vai trò xã hội của họ. https://www.thoughtco.com/identity-diffusion-definition-examples-4177580
**Giải thể nhân cách: Cảm giác dai dẳng về việc quan sát bản thân từ bên ngoài cơ thể của một người hoặc có cảm giác môi trường xung quanh của một người không có thực. https://en.wikipedia.org/wiki/Depersonalization
Dịch: ivvimcmxcix
Nguồn: https://www.forbes.com/sites/prudygourguechon/2019/06/02/the-second-identity-crisis-10000-boomers-face-it-every-day/?fbclid=IwAR222ga3hUhN0nH4nPIgKG0nUXZX89ClfSSwU-fhTsZRzk7NwZFWrcEno0Y#2e2e7ce334c0
Nguồn: A Crazy Mind - Ybox.vn