Hãy cảnh giác với 7 giáo lý của tình yêu

hay-canh-giac-voi-7-giao-ly-cua-tinh-yeu

Sau đây là 7 giáo lý tình yêu mà bạn cần tránh:

Tình yêu là một chuyện quan trọng nhất trong cuộc sống, hơn nữa, tình yêu cũng là thứ khó nắm bắt nhất. Cảm xúc lúc này dường như quá phức tạp, nên chúng ta có xu hướng không tin tưởng vào cảm xúc của bản thân, mà tin tưởng vào một số giáo lý. Điều này rất nguy hiểm. Sau đây là 7 giáo lý tình yêu mà bạn cần tránh:
 
1. MỘT NGƯỜI CÀNG YÊU TÔI, THÌ CÀNG ĐỐI XỬ TỐT VỚI TÔI
 
Đây là một trong những giáo lý phổ biến nhất về tình yêu, cũng là giáo lý có mức độ nguy hiểm nhất.
 
Nếu như mối quan hệ giữa “cha mẹ bên trong nội tâm” và “đứa trẻ bên trong nội tâm” của một người về cơ bản là hài hòa, yêu thương lẫn nhau, thì khi người này càng yêu bạn, sẽ càng đối xử tốt với bạn.
 
Nhưng nếu mối quan hệ giữa “cha mẹ bên trong nội tâm” và “đứa trẻ bên trong nội tâm” của một người là không bình thường, đối nghịch hoặc thậm chí là thù hận nhau, thì khi người đó càng yêu bạn bao nhiêu, thì sẽ càng đối xử tệ với bạn bấy nhiêu.
 
Tất cả các mối quan hệ bên ngoài quan trọng của chúng ta đều là kết quả của sự phóng chiếu mô hình mối quan hệ nội tâm của chúng ta. Hơn nữa, mối quan hệ bên ngoài càng quan trọng, thì mức độ phóng chiếu mô hình mối quan hệ nội tâm của chúng ta càng được thể hiện mạnh mẽ hơn. Vì vậy, một người trong lòng có nhiều oán hận, khi càng yêu một người, thì đó càng là địa ngục trần gian của người đó.
 
 
2. CÀNG YÊU ĐẾN QUÊN MÌNH THÌ CÀNG ĐÁNG QUÝ
 
Tất cả chúng ta đều khao khát có được tình yêu, nhưng chúng ta lại không dám tin tưởng tình yêu. Cứ phải nhìn thấy bằng chứng tình yêu của đối phương, chúng ta mới dám tin tưởng.
Vậy thì, đối phương phải dùng cách biểu đạt nào thì mới được coi là bằng chứng tình yêu đáng tin cậy nhất?
 
Đáp án trong lòng rất nhiều người chính là yêu đến quên mình. Nếu như đối phương yêu tôi đến quên mình, thậm chí, không ngần ngại chà đạp lên tôn nghiêm của bản thân, do đó, anh ấy có thể vì một chút lợi ích của tôi, mà từ bỏ tất cả những gì mình có, kể cả tài sản và sinh mệnh…
 
Nếu như bạn có câu trả lời tự động này, vậy thì, điều đang chờ đợi bạn chính là địa ngục.
 
Bởi vì, trong quá trình theo đuổi, một người càng quên đi bản thân mình thì sau khi xác định quan hệ, họ càng dễ “quên bạn”. Sự thay đổi lớn này sẽ khiến nhiều người bất ngờ, đặc biệt là phụ nữ. Cô ấy sẽ nghĩ rằng, trong thời gian theo đuổi cô ấy, lý do khiến người yêu yêu đến quên mình như vậy hóa ra chỉ là vì một mục đích, đó là có được thân thể của cô ấy. Và một khi anh ta có được nó, bản chất ích kỷ của anh ta sẽ lộ ra ngay.
 
Bởi vì, quên mình và “quên bạn” là hai mặt của một đồng xu, chúng vẫn đều là một.
 
3. TUỔI TÁC CÀNG LỚN, CÀNG BIẾT CÁCH YÊU THƯƠNG.
 
Câu nói này xây dựng dựa trên tiền đề rằng mọi người đều yêu thích học hỏi, biết cách tự suy ngẫm. Điều đáng tiếc là, ngược lại, có một câu tục ngữ khác lại càng chính xác hơn: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.
 
Cũng có nghĩa là, một người biết cách yêu thương sẽ luôn biết cách yêu thương, nhưng một người không biết cách yêu thương sẽ không bao giờ biết cách yêu thương. Khả năng yêu thương ít liên quan đến tuổi tác.
 
Yêu đương thực ra là sự phóng chiếu sống động của mô hình mối quan hệ nội tâm, mà chúng ta đã hình thành với cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình khi còn nhỏ lên mối quan hệ bên ngoài với người yêu sau khi trưởng thành. Vì vậy, những người có mối quan hệ hòa thuận với gia đình trong thời thơ ấu, thì khi yêu sẽ dễ đạt được sự hòa hợp với người yêu; những người trong thời thơ ấu có quá nhiều mâu thuẫn và xung đột trong mối quan hệ với người nhà, thì khi yêu cũng dễ xảy ra xung đột với người yêu.
Sự phóng chiếu này tương đối ổn định và không liên quan nhiều đến tuổi tác.
 
Một người nội tâm có quá nhiều xung đột sẽ không chịu tự suy ngẫm. Đối với anh ta, tuổi tác càng lớn, càng gặp nhiều thất bại trong tình yêu, trong lòng anh ta ngày càng tự ti, ngày càng không chịu tự xem xét lại bản thân, khả năng yêu thương ngược lại ngày càng kém đi.
 
4. ĐỐI XỬ VỚI BẠN BÈ TỐT, ĐỐI XỬ VỚI TÔI SẼ CÀNG TỐT HƠN
 
Một số cái gọi là “cẩm nang tình yêu” đã đề cập rằng, khi quan sát một người, bạn có thể học hỏi từ mối quan hệ của anh ta với bạn bè hoặc đồng nghiệp. Nếu như anh ta hòa thuận với họ, vậy thì anh ta sẽ hòa hợp với bạn. Đã có lúc tôi nghĩ câu nói này đúng. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu vô số câu chuyện tình yêu, tôi phát hiện ra rằng, dù với đàn ông hay phụ nữ, ý nghĩa tham khảo của điểm này thực ra có giới hạn.
 
Bởi vì, cho dù một người trông có vẻ quan tâm đến mối quan hệ giữa mình với bạn bè hay đồng nghiệp như thế nào đi chăng nữa, thì chiều sâu tình cảm của mối quan hệ đó vẫn kém xa so với một cặp đôi. Vậy nên, một người khi xử lý mối quan hệ với bạn bè và đồng nghiệp, có thể sử dụng lý trí, kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn. Tuy nhiên, trong mối quan hệ yêu đương sâu sắc, không ai muốn kiểm soát bản thân mình.
 
Do đó, chúng ta thường thấy hiện tượng này: Nhiều người lạnh nhạt với vợ chồng và con cái, nhưng lại rất nhiệt tình với người ngoài.
 
Hiện tượng này trông có vẻ kỳ lạ, nhưng thực ra lại khá dễ hiểu. Bởi với người ngoài, anh ta có thể kiểm soát cảm xúc của mình, trong mối quan hệ tình cảm không sâu sắc này, anh ta có thể thể hiện những mặt tốt của mình. Nhưng đối với người thân, anh ta không muốn, cũng không thể khống chế được cảm xúc của mình, nên đã bộc lộ bộ mặt thật của mình.
 
5. ANH TA NÓI TÔI KHÔNG TÀI GIỎI, VẬY CHẮC CHẮN LÀ ANH TA TÀI GIỎI
 
Một xã hội nam quyền yêu cầu nam giới phải tài giỏi, phụ nữ trong xã hội nam quyền cũng mong muốn nam giới phải tài giỏi.
 
Mặc dù xã hội hiện đại không còn chủ nghĩa nam quyền nữa, dù có một số phụ nữ rất tài giỏi, không cần đàn ông quá tài giỏi mới có thể tồn tại, nhưng quan niệm “đàn ông tương đối tài giỏi, phụ nữ tương đối bất tài” vẫn còn ẩn sâu trong tiềm thức của chúng ta. Có thể nói, đây là vô thức tập thể1 của mọi xu hướng văn hóa hiện nay.
 
Có hai cách để một người đàn ông thuyết phục một người phụ nữ rằng anh ta tài giỏi: Thứ nhất, thể hiện ưu điểm của bản thân; thứ hai, phủ định ưu điểm của phụ nữ.
 
Điều thú vị là trong thời gian yêu đương, có rất nhiều phụ nữ, sau khi lòng tự tin của họ chịu rất nhiều tổn thương do thường xuyên bị người yêu phủ định, thì suy nghĩ của họ lại là: “Nếu như anh luôn nói rằng em không tài giỏi, vậy thì, anh nhất định tài giỏi rồi. Nếu đã như vậy, em sẽ dựa cả vào anh.”
 
Cuối cùng, họ phát hiện ra rằng, những người đàn ông họ cùng chung sống sẽ luôn luôn trước sau như một mà phủ định họ.
 
6. TỪNG BỊ TỔN THƯƠNG SẼ CÀNG BIẾT TRÂN TRỌNG
 
Khi phát triển một mối quan hệ yêu đương mới, một việc mà rất nhiều đàn ông thường làm là kể khổ. Họ mô tả những mối quan hệ trước đây của họ một cách tồi tệ, mô tả bạn gái cũ, hoặc vợ cũ của họ rất đáng sợ, thế nên, bản năng làm mẹ của người phụ nữ mà họ kể khổ liền trỗi dậy.
 
Ngoài ra, một số phụ nữ khi yêu những người đàn ông này, họ sẽ nghĩ rằng nếu đã bị tổn thương, vậy thì sẽ càng biết cách yêu thương, càng trân trọng mình hơn. Đôi khi, phụ nữ cũng sẽ kể khổ với đàn ông, hơn nữa, còn kích thích ham muốn bảo vệ của một số đàn ông.
 
Tuy nhiên, khi là đối tượng để dốc bầu tâm sự, họ lại quên mất một điều, người đang tâm sự đó đã từng tự do yêu đương, người yêu trước đây là sự lựa chọn tự do của họ, ít nhất họ phải chịu trách nhiệm một nửa về sự lựa chọn của mình.
 
Chúng ta thường nói rằng, con người nên “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, nhưng đây chỉ là mong muốn. Sự thật là, số người có được phẩm chất quý giá này luôn là số ít, còn cuộc đời của hầu hết mọi người đều vấp ngã ở cùng một chỗ, hơn nữa, ngay cả tư thế ngã cũng đều giống nhau.
 
Vì vậy, nếu như người đang theo đuổi bạn, trước đây có đời sống tình cảm rối rắm, vậy thì, nhiều khả năng tương lai giữa anh ta và bạn cũng sẽ rối tung, chứ không phải đột nhiên tốt hơn.
 
7. CÓ CHO ĐI, NHẤT ĐỊNH SẼ ĐƯỢC BÁO ĐÁP
 
Niềm tin này nếu được đặt vào trong sự nghiệp, thì cơ bản là đúng, nhưng nếu đặt vào chuyện tình cảm, thì cơ bản là không chính xác. Bởi vì, chúng ta thường thấy kiểu tình yêu này: cho đi càng nhiều, nhận lại càng ít.
 
Trong một mối quan hệ tình cảm, việc cho đi một cách mù quáng, mà không đòi hỏi gì ở người yêu, cách làm này đôi khi ngụ ý một thông điệp rằng: Tôi đã làm một việc hoàn hảo như vậy, có nghĩa là tôi có lương tâm trong sáng, vậy thì, mối quan hệ của chúng ta dù có xảy ra vấn đề gì đều không phải là trách nhiệm của tôi, mà là trách nhiệm của bạn.
 
Do đó, trong tình yêu, những ai đã từng đóng vai trò là người cho đi tất cả nên tự suy ngẫm một chút, rốt cuộc bản thân họ đang theo đuổi điều gì.
 
Tình yêu là vấn đề nan giải số một trong cuộc sống, là cội nguồn hạnh phúc lớn nhất, cũng là nguồn đau đớn lớn nhất, vì vậy, có rất nhiều giáo lý nguy hiểm xoay quanh tình yêu. Tôi chỉ viết về bảy điều tương đối thường thấy nhất. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên coi quan điểm của tôi là tuyệt đối, nếu không, chúng cũng sẽ trở thành những giáo lý mới.
 
Trích từ sách "THOÁT KHỎI BẪY NHÂN CÁCH"
 
menu
menu