Tư tưởng của Schopenhauer và ánh sáng cho khủng hoảng tuổi trung niên

tu-tuong-cua-schopenhauer-va-anh-sang-cho-khung-hoang-tuoi-trung-nien

Suốt hơn 2.500 năm, triết học vẫn luôn trăn trở về một cuộc sống tốt đẹp.

Suốt hơn 2.500 năm, triết học vẫn luôn trăn trở về một cuộc sống tốt đẹp. Nhưng kỳ lạ thay, rất ít triết gia bàn luận về tuổi trung niên—khoảng thời gian mà nhiều người rơi vào khủng hoảng. Với tôi, khi chạm ngưỡng 40, cảm giác ấy đến đúng như một khuôn mẫu quen thuộc.

Tôi đã vượt qua những thử thách của con đường học thuật, may mắn trở thành một giáo sư triết học được biên chế chính thức. Nhưng khi tạm lùi lại khỏi guồng quay bận rộn, khỏi những việc cần làm dồn dập, tôi bỗng tự hỏi: Giờ thì sao? Một cảm giác lặp lại và vô nghĩa len lỏi trong tôi. Hoàn thành một bài viết, dạy một lớp học, rồi lại tiếp tục như vậy. Không phải tôi thấy những việc mình làm là vô ích. Dù ở đáy sâu nhất của sự hoài nghi, tôi vẫn không mất đi ý thức về giá trị của công việc. Nhưng bằng cách nào đó, chuỗi hoạt động nối tiếp nhau, dù từng việc đều hợp lý, vẫn không thể lấp đầy khoảng trống trong lòng tôi.

Don’t aim for completion. Photo courtesy Wikipedia

Tôi không phải người duy nhất trải qua điều này. Có lẽ bạn cũng từng cảm thấy một sự trống rỗng nào đó ngay cả khi đang theo đuổi những mục tiêu ý nghĩa. Đây là một dạng khủng hoảng tuổi trung niên, vừa quen thuộc, vừa khó hiểu về mặt triết học. Nghịch lý nằm ở chỗ: thành công có thể trông giống như thất bại. Và giống như mọi nghịch lý khác, nó cần được lý giải. Sự trống rỗng ấy không phải là trạng thái tuyệt đối của hư vô, nơi mà mọi thứ đều vô nghĩa. Nhưng rốt cuộc, điều gì đã sai trong cuộc đời tôi?

Tôi đi tìm câu trả lời nơi Arthur Schopenhauer, triết gia bi quan bậc nhất thế kỷ 19. Schopenhauer nổi tiếng với quan điểm về sự vô vọng của dục vọng—rằng đạt được điều mình muốn chưa chắc đã mang lại hạnh phúc. Ông hẳn cũng không ngạc nhiên khi thấy một người cảm thấy trống rỗng ngay cả khi đã có trong tay những thứ mình theo đuổi. Nhưng mặt khác, không đạt được điều đó cũng chẳng khá hơn. Với Schopenhauer, con người mắc kẹt trong một thế lưỡng nan: Có cũng khổ, mà không có cũng khổ. Khi đạt được điều mình mong muốn, cuộc săn đuổi kết thúc, để lại ta trong trạng thái "trống rỗng và buồn chán đáng sợ", như ông viết trong Thế giới như là ý chí và biểu tượng(1818). Cuộc sống cần một phương hướng, cần những khao khát, những mục tiêu chưa chạm tới. Nhưng chính điều đó lại là bi kịch, bởi khi mong muốn một thứ mình chưa có, ta phải chịu đựng khổ đau. Ta cố gắng khỏa lấp sự trống rỗng bằng cách lao vào những công việc mới, nhưng thực ra ta chỉ đang tự trói mình vào bất hạnh. Cuộc đời, theo Schopenhauer, "dao động như con lắc giữa đau khổ và buồn chán, và đó chính là hai yếu tố cốt lõi của nó".

Bức tranh mà Schopenhauer vẽ ra về kiếp người có vẻ quá u ám. Tuổi trung niên thường đi cùng với sự thành công hoặc thất bại trong những dự định quan trọng của đời người: ta đạt được công việc đã theo đuổi nhiều năm, gặp được người bạn đời mình mong chờ, xây dựng gia đình mình ao ước—hoặc không. Dù thế nào, ta cũng sẽ tìm kiếm một hướng đi mới. Và câu trả lời hiển nhiên là đặt ra những mục tiêu khác. Hơn nữa, theo đuổi hoài bão không hẳn chỉ mang lại khổ đau—đôi khi, làm mới những tham vọng của mình cũng là một niềm vui.

Tuy vậy, tôi nghĩ Schopenhauer không hoàn toàn sai. Bởi việc đặt ra những dự án mới thực chất chỉ là cách che đậy vấn đề. Khi theo đuổi một mục tiêu, ta luôn trì hoãn sự thỏa mãn: thành công vẫn còn nằm trong tương lai. Nhưng khi đạt được rồi, nó ngay lập tức trở thành quá khứ. Trong khi đó, chính hành trình theo đuổi lại tự làm nó mất đi ý nghĩa. Khi bạn hướng về một mục tiêu, bạn hoặc là thất bại, hoặc là thành công và khiến nó không còn khả năng dẫn dắt cuộc sống của bạn nữa. Không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ cạn kiệt các mục tiêu để theo đuổi (trạng thái "buồn chán" theo nghĩa của Schopenhauer). Nhưng vấn đề nằm ở cách ta gắn bó với những mục tiêu quan trọng nhất đời mình: bằng cách cố gắng hoàn thành chúng, ta vô tình loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống của mình.

Chính vì thế, một hình ảnh quen thuộc của khủng hoảng tuổi trung niên là những người thành đạt—những con người luôn miệt mài chinh phục những mục tiêu mới, nhưng lại bị ám ảnh bởi sự trống rỗng của đời sống thường ngày. Khi ta bị cuốn vào những dự án liên tục, luôn thay cũ đổi mới, sự thỏa mãn chỉ tồn tại ở tương lai hoặc đã nằm trong quá khứ. Nó được "thế chấp" khi ta theo đuổi, rồi được "lưu trữ" khi ta đạt được, nhưng chưa bao giờ thực sự thuộc về ta. Bởi theo đuổi mục tiêu nghĩa là nhắm tới một kết quả mà chính nó sẽ xóa đi bản thân sự theo đuổi đó—giống như ta kết bạn chỉ để rồi nói lời chia tay. Và chính điều đó đã dập tắt những tia sáng mang ý nghĩa cho cuộc đời ta.

Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để đối diện với điều này? Với Schopenhauer, không có lối thoát nào cả. Những gì ta gọi là khủng hoảng tuổi trung niên thực chất chỉ là bản chất của kiếp người. Nhưng Schopenhauer đã sai. Và để nhận ra sai lầm ấy, ta cần phân biệt giữa hai kiểu hoạt động mà ta trân trọng trong cuộc sống: những hoạt động hướng đến sự hoàn tất và những hoạt động không hướng đến điểm kết thúc.

Mượn thuật ngữ từ ngôn ngữ học, ta có thể gọi những hoạt động thuộc nhóm đầu là "telic"—từ telos trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là mục đích. Đây là những việc có một trạng thái cuối cùng để ta hướng đến và hoàn thành: bạn dạy một lớp học, kết hôn, xây dựng gia đình, thăng tiến trong sự nghiệp. Nhưng không phải mọi hoạt động đều như vậy. Có những việc mang tính "atelic", tức là không nhắm đến một điểm dừng cuối cùng, không có trạng thái hoàn tất trọn vẹn, cũng không có đích đến rõ ràng. Hãy nghĩ đến việc lắng nghe âm nhạc, nuôi dạy con cái hay dành thời gian bên những người thân yêu. Đó là những việc ta có thể dừng lại, nhưng không thể hoàn thành. Chúng không vận hành theo logic của một dự án với mục tiêu sau cùng, mà theo nhịp điệu của một quá trình vô tận.

Nếu khủng hoảng tuổi trung niên mà Schopenhauer mô tả bắt nguồn từ việc ta quá đầu tư vào những dự án, thì lời giải không phải là từ bỏ chúng, mà là chuyển hướng sự đầu tư vào chính quá trình đó. Hãy tìm kiếm ý nghĩa trong những hoạt động không có điểm kết thúc, bởi vì khi không thể hoàn tất, ta cũng không bao giờ cạn kiệt sự gắn bó với chúng. Chúng không phản bội chính ý nghĩa của mình, cũng không đẩy ta vào vòng luẩn quẩn của những khao khát chưa được thỏa mãn—cái cảm giác mà Schopenhauer khinh miệt, khi mọi điều ta mong mỏi luôn hoặc nằm trong tương lai, hoặc đã thuộc về quá khứ.

Dĩ nhiên, ta không cần từ bỏ những mục tiêu đáng theo đuổi. Thành tựu vẫn quan trọng. Nhưng ta cũng cần suy ngẫm về giá trị của quá trình. Không phải ngẫu nhiên mà những người trẻ và người già thường cảm thấy hài lòng với cuộc sống hơn so với người ở độ tuổi trung niên. Người trẻ chưa bắt đầu những dự án mang tính định hình cuộc đời, người già đã có những thành tựu phía sau lưng. Vì thế, họ có xu hướng sống trọn trong hiện tại, tìm thấy giá trị trong những hoạt động không bị tiêu hao bởi sự tham gia, cũng không bị trì hoãn đến tương lai, mà được hiện hữu ngay bây giờ, ngay tại đây.

Thật khó để cưỡng lại sự thống trị của những dự án ở tuổi trung niên, để tìm ra sự cân bằng giữa hoạt động hướng đến thành tựu (telic) và hoạt động không có điểm kết thúc (atelic). Nhưng nếu ta muốn vượt qua khủng hoảng tuổi trung niên, muốn thoát khỏi bóng tối của sự trống rỗng và cảm giác tự đánh bại chính mình, đó là điều ta cần phải làm.

Midlife: A Philosophical Guide by Kieran Setiya is out now through Princeton University Press.

Nguồn: How Schopenhauer’s thought can illuminate a midlife crisis | Aeo.co

menu
menu