Cuộc ly hôn bắt đầu từ khi nào?
Khi một cuộc ly hôn đã diễn ra, người ta thường tự hỏi: “Nó bắt đầu từ khi nào?” Thông thường, sẽ có một khoảng cách rất lớn giữa thời điểm từ “ly hôn” được thốt ra và khi những mầm mống của nó bắt đầu tích tụ. Khởi nguồn của ly hôn có thể là từ những vết nứt rất nhỏ, bị phớt lờ suốt bao nhiêu năm tháng.
Giống như những nhà sử học, ai cũng gặp khó khăn khi cố xác định mốc khởi đầu chính xác của một sự kiện lớn. Chẳng hạn, ta có thể hỏi khi nào Cách mạng Pháp bắt đầu. Câu trả lời truyền thống sẽ là mùa xuân năm 1789, khi một trong các đẳng cấp của Hội nghị Quốc dân tuyên thệ sẽ không giải tán cho đến khi có hiến pháp, hoặc vài tuần sau đó, khi người dân Paris tấn công nhà ngục Bastille. Nhưng cách tiếp cận sâu sắc hơn sẽ đưa chúng ta lùi xa hơn: đến những mùa màng thất bát trong suốt mười năm trước đó, sự mất uy tín của hoàng gia sau những thất bại quân sự ở Bắc Mỹ vào thập niên 1760, hay sự trỗi dậy của triết lý mới về quyền lợi công dân. Những sự kiện này, vào thời điểm đó, không mang vẻ nghiêm trọng hay lập tức dẫn đến thay đổi xã hội, nhưng từ từ, chúng đã đặt đất nước vào trạng thái sẵn sàng cho một cuộc cách mạng vào năm 1789.
Cũng vậy, ly hôn không bắt đầu từ lúc ai đó ngồi xuống ở bàn ăn và nói rằng họ không thể chịu đựng thêm nữa. Nó bắt đầu từ những cuộc trò chuyện không suôn sẻ trong phòng tắm ba mùa hè trước, hay từ một lần giận dỗi khi đi taxi về nhà từ năm năm trước.
Eduard Manet, On the Beach, 1873
Dòng thời gian của những nguyên nhân sâu xa dẫn đến ly hôn có thể trông như thế này:
Sự bận rộn không hồi kết: Đó là một sáng Chủ Nhật, người bạn đời của chúng ta đã miệt mài với dự án lớn suốt nhiều tháng trời, và chúng ta đã luôn thông cảm, thấu hiểu. Giờ đây, dự án đã hoàn tất, ta hy vọng sẽ có chút thời gian gần gũi bên nhau, có thể là đi uống cà phê. Nhưng bỗng nhiên, họ lại có thứ gì đó mới cần kiểm tra trên điện thoại. Ta nhìn khuôn mặt họ trong ánh sáng xanh hắt lên từ màn hình, đôi mắt dường như lạnh lùng, quyết tâm và ở một nơi nào đó xa xôi. Hoặc đôi khi, khi ta đã sẵn sàng đi công viên cùng nhau, họ đột nhiên nảy ra kế hoạch "cần thiết" phải sắp xếp lại tủ bếp.
Sự lãng quên: Ta vừa trải qua một chuyến đi công tác kiệt sức, và trong khoảnh khắc hiếm hoi giữa các cuộc họp, ta phấn khởi gọi điện cho họ. Họ bắt máy, nhưng âm thanh từ TV vẫn vang lên trong nền. Họ thậm chí còn quên mất ta phải phát biểu trong cuộc họp này, và ta thấy hơi tủi thân khi phải nhắc nhở họ. Đáp lại là một lời "tuyệt lắm" hờ hững.
Sự bẽ mặt: Ta đang ngồi với vài người bạn mới, là những người mà ta muốn tạo ấn tượng tốt. Đối phương, vì muốn làm mọi người cười, đã chọn kể một câu chuyện về lần ta vô tình chiếu nhầm slide trong một buổi thuyết trình ở công ty. Họ biết cách kể chuyện hài hước, và tất nhiên mọi người cười rất nhiều.
Sự áp đặt: Họ tự ý sắp xếp cả hai sẽ cùng đi ăn trưa với bố mẹ họ mà không bàn bạc trước với ta. Ta không phiền chuyện đi ăn, nhưng cái cảm giác họ không nghĩ đến việc hỏi xem ta có đồng ý, có tiện không, khiến ta hụt hẫng. Một lần khác, họ tự mua một chiếc ấm đun nước mới và vứt chiếc cũ đi mà chẳng hề đề cập với ta, cứ như thể ta không có tiếng nói nào. Đôi lúc, họ chỉ bảo ta "đem rác đi đổ," "mua nước khoáng về," hoặc "đổi đôi giày khác đi," mà không thêm vào câu "làm ơn," "có thể không?" hay "sẽ tuyệt biết bao nếu em/anh có thể…”. Chỉ cần vài từ nhỏ nhặt thôi mà, nhưng nó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.
Tán tỉnh: Hôm đó, ta đi dự tiệc cùng họ. Từ xa nhìn lại, ta thấy họ nghiêng người về phía ai đó, nói điều gì đó và cười duyên dáng, rồi đặt tay lên lưng ghế của người kia. Sau đó họ nói rằng, cuộc trò chuyện ấy chán ngắt vô cùng.
Một lần tranh cãi quá mức: Vấn đề không phải là mâu thuẫn, mà là tần suất và sự lặp lại vô tận của chúng. Một lần gây ấn tượng mãi là khi cả hai ở bãi biển, lẽ ra nên là một khoảnh khắc vui vẻ, nhưng họ lại một lần nữa làm căng thẳng lên chỉ vì một đơn hàng đồ ăn Thái. Ta nhớ lại, khi đang tranh luận, có một phần trong tâm trí như thoát ra khỏi cuộc cãi vã, đứng trên cầu tàu, nhìn xuống hai gương mặt cau có và tự hỏi: “Vì sao?”
Thiếu đi sự dịu dàng: Cùng đi dạo gần chợ đồ cổ, ta đưa tay nắm lấy tay họ, nhưng họ không để ý. Một lần khác, khi họ đang ngồi ở bàn bếp, ta choàng tay ôm vai họ thì họ nói gắt: "Không phải lúc này." Khi nằm trên giường, ta luôn là người quay sang chúc họ ngủ ngon, hôn họ. Họ đáp lại, nhưng chưa bao giờ là người bắt đầu. Điều này cứ âm ỉ khó chịu, nhiều hơn mức mà ta có thể thổ lộ.
Sự hờ hững trong chuyện chăn gối: Có một ý tưởng mới mẻ ta muốn thử nghiệm trong đời sống gối chăn, nhưng cảm thấy ngại ngùng khi đề cập. Ta gợi ý nhẹ, nhưng họ không có vẻ tò mò hay khuyến khích. Họ khiến ta cảm nhận rằng, có lẽ sẽ tốt hơn nếu ta giữ riêng những ý nghĩ ấy cho mình.
Riêng lẻ thì những điều này không có vẻ gì là nghiêm trọng. Hầu như cặp đôi nào cũng có vài khoảnh khắc tương tự, đôi khi vô tình và chẳng có ý nghĩa gì sâu xa. Và không phải chỉ có một bên gây ra: cả hai có thể đều vô thức lặp lại những điều này một cách đều đặn, không có ác ý.
Thế nhưng, một nhà lịch sử am tường về ly hôn có thể nhìn vào bất cứ một trong những khoảnh khắc ấy và xem đó như thời khắc mà rạn nứt thực sự bắt đầu: khi một cảm giác âm thầm bám rễ vào tâm hồn (có lẽ nằm ngoài ý thức) rằng có điều gì đó vô cùng quan trọng đang thiếu trong mối quan hệ này và không thể chịu đựng mãi.
Khi ly hôn xảy ra, nhiều người thường hóa thành người tra hỏi, lục lọi điện thoại, truy vấn người “phản bội” chi tiết từng chỗ đã đi, từng hóa đơn, từng tin nhắn. Nhưng sự nhiệt thành ấy có lẽ đã muộn màng, sai hướng và hơi ích kỷ. Chuyện ly hôn chẳng bắt đầu từ những tin nhắn hay bữa trưa bí mật; nó đã khởi đầu từ một chiều nắng dịu dàng nhiều năm trước, khi vẫn còn tràn đầy thiện cảm, khi một bàn tay chìa ra và người kia đã vô tình để nó rơi vào khoảng không. Đó có thể là một cách nhìn nhận đau lòng về mối quan hệ, khó để đối diện vào lúc này, nhưng lại chân thật hơn và – cuối cùng – có thể hữu ích hơn nhiều.
Nguồn: WHEN DOES A DIVORCE BEGIN