Dám yêu

dam-yeu

Có một nghịch lý kỳ lạ trong tình yêu mà nhiều người trong chúng ta vô thức rơi vào: Ta tìm đến những người sợ hãi tình yêu, những người không thể hoàn toàn mở lòng trong một mối quan hệ, những người luôn lảng tránh khi cần cho đi và đón nhận yêu thương.

Có một nghịch lý kỳ lạ trong tình yêu mà nhiều người trong chúng ta vô thức rơi vào: Ta tìm đến những người sợ hãi tình yêu, những người không thể hoàn toàn mở lòng trong một mối quan hệ, những người luôn lảng tránh khi cần cho đi và đón nhận yêu thương.

Điều này nghe có vẻ vô lý, vì ta vẫn nghĩ rằng, theo bản năng, ta chỉ nên yêu những người sẵn sàng trân trọng mình, những người biết cách đáp lại tình cảm, những người ấm áp, chân thành và luôn ở đó khi ta cần.

Nhưng suy nghĩ đầy lạc quan ấy không tính đến một sự thật phức tạp: tâm trí ta luôn có những cơ chế phòng vệ vô hình. Tuổi thơ của ta có thể đã không mang lại cảm giác an toàn rằng tình yêu là thứ có thể tin tưởng. Có thể cha rời xa gia đình ngay trước sinh nhật năm tuổi của ta để đến sống ở một nơi xa xôi. Có thể mẹ ta là người lạnh lùng, nghiêm khắc, đôi khi khiến ta cảm thấy nhỏ bé và xấu hổ. Hoặc có thể, cha mẹ ta đã vật lộn với những cơn nghiện, những nỗi đau của riêng họ, để rồi tình yêu họ dành cho ta trở nên chập chờn, mờ nhạt.

Ernst Kirchner, The Kiss, 1930

Và thế là, ta học cách tự bảo vệ mình. Ta tạo ra những chiến lược để luôn giữ bản thân ở trạng thái cô lập – vì như thế, ta sẽ không phải thất vọng, không phải chịu thêm một tổn thương nào nữa. Ta có thể khao khát tình yêu, có thể mơ mộng về một mối quan hệ dịu dàng và viên mãn, có thể thành thật khi nói rằng ta muốn trao trái tim mình cho một người biết mở lòng và biết yêu thương. Nhưng cùng lúc đó, một phần sâu kín trong ta cũng âm thầm chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ thực sự để tình yêu có cơ hội đâm chồi, sẽ không bao giờ để bản thân hạnh phúc đến mức có thể mất đi tất cả. Ta chọn sự thất vọng âm ỉ của một tình yêu không trọn vẹn, còn hơn là đối mặt với nỗi kinh hoàng khi có một tình yêu trọn vẹn rồi lại bị nó tước đoạt.

Đó là lý do ta thường bị thu hút bởi những người yêu ta nhưng không thực sự dành hết tâm trí cho ta. Những người đồng ý chung sống cùng ta nhưng rồi lại thu mình vào thế giới riêng. Những người lúc gần lúc xa, những người chơi trò kéo – đẩy khiến ta không bao giờ cảm thấy chắc chắn. Ta có thể than phiền rằng họ lạnh lùng, nhưng kỳ thực, chính ta đã cố ý tìm đến kiểu người ấy.

Quá trình chữa lành bắt đầu khi ta nhận ra rằng mình không chỉ đơn thuần là kém may mắn trong tình yêu. Ta đã vô thức tự hủy hoại chính mình. Ta đã tìm kiếm những người sẽ đẩy ta ra xa – không phải vì ta muốn đau khổ, mà vì ta tưởng rằng đó là cách duy nhất để bảo vệ trái tim mình, sau những đổ vỡ của quá khứ.

Và có lẽ, sẽ mất cả một quãng đời rất dài để ta thôi trách cứ một người chỉ vì họ dám yêu ta bằng cả tấm lòng.

Nguồn: DARING TO LOVE | The School of Life

menu
menu