Đàn ông có thật sự thấy phụ nữ tóc dài hấp dẫn hơn không?

dan-ong-co-that-su-thay-phu-nu-toc-dai-hap-dan-hon-khong

Nghiên cứu cho thấy, chuyện này không quan trọng như bạn nghĩ đâu!

ĐIỂM CHÍNH:

  • Một số nghiên cứu chỉ ra rằng độ dài tóc của phụ nữ không ảnh hưởng nhiều đến độ hấp dẫn.
  • Một số khác lại cho rằng đàn ông nhìn nhận phụ nữ tóc dài khỏe mạnh hơn.
  • Một nghiên cứu cho thấy, phụ nữ tóc dài hay tóc ngắn đều được đánh giá là tự tin và độc lập như nhau.

Image: Ground Picture/Shutterstock

Có một ý tưởng lan truyền rằng phụ nữ tóc dài thì cuốn hút đàn ông lắm - kiểu như tóc bồng bềnh, mượt mà ấy gợi lên sự nữ tính, làm tăng độ hấp dẫn của người phụ nữ. Nhưng mà bạn biết không? Tôi chưa bao giờ thấy điều đó đúng cả. Tôi từng để tóc dài gần chạm eo, và cũng có lúc tóc tôi ngắn cũn như một cậu bé 8 tuổi. Chưa bao giờ tôi nhận thấy đàn ông phản ứng khác nhau với tôi chỉ vì độ dài tóc cả.

Thực tế, tôi bắt đầu để tóc dài lại sau cả chục năm dao động giữa tóc ngắn và bob, một phần vì tôi nghĩ bạn trai khi đó sẽ thích. (Ảnh có sở thích vuốt tóc tôi, như thể tụi tôi là chị em thời Victoria ấy). Nhưng khi tôi hỏi ổng, ổng lại bảo ổng thích phụ nữ tóc ngắn hơn. “Nhìn giống như người ta lựa chọn kỹ lắm, kiểu phụ nữ đó tự chủ hơn hay gì đó,” ổng bảo thế, và nói đó là điểm ổng thấy hấp dẫn ở phụ nữ.

Chắc chắn trong văn hóa của chúng ta, độ dài tóc là một kiểu phân biệt giới tính ngầm, một đặc điểm mà xã hội quy định để phân biệt giữa nam và nữ.

Tất nhiên, nhiều anh em để tóc dài, nhưng kiểu gì thì người ta vẫn coi đó là một tuyên bố ngược dòng xã hội - không hẳn là để khẳng định anh ấy đang hòa mình vào sự nữ tính, mà là để kháng cự lại cái định nghĩa truyền thống về nam tính. (Đối với giới nhạc metal nặng thì tóc dài gần như là “đồng phục” rồi, nhưng thể loại này vốn đã tự định nghĩa mình là thứ “khác bọt” với nhạc đại chúng dễ nghe).

Những đặc điểm chỉ ra sự khác biệt giới tính thực sự là điều mà nghiên cứu về vẻ đẹp, đặc biệt là từ góc độ tâm lý học tiến hóa, cho rằng hấp dẫn - ví dụ như phụ nữ thì môi đậm, mắt sâu; đàn ông thì cằm vuông chằn chặn. Nhưng chuyện cả nam và nữ đều có thể để tóc dài khiến điều này trở nên thú vị. Một số bằng chứng cho thấy estrogen kéo dài chu kỳ tăng trưởng tóc (gọi là giai đoạn anagen), nghĩa là tóc phụ nữ có thể dài hơn trước khi rụng tự nhiên, nhưng tóc đàn ông không phải đến tai là ngừng mọc. Vậy nên, nó không thực sự là thứ phân biệt giới tính.

Vậy nghiên cứu về tóc dài nói gì? Chà, nó có chút "rối tóc" (xin lỗi nhé). Nghiên cứu từ Tạp chí Tâm lý học Scandinavia chỉ ra rằng độ dài tóc của phụ nữ không ảnh hưởng nhiều đến độ hấp dẫn của họ. Thậm chí, người tham gia nghiên cứu còn đánh giá phụ nữ tóc ngắn là "mắn đẻ" hơn, điều này đi ngược lại quan điểm của tâm lý học tiến hóa cho rằng tóc dài quảng cáo khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nghiên cứu từ năm 2004 lại cho thấy đàn ông thực sự nghĩ phụ nữ tóc dài trông khỏe mạnh hơn, ủng hộ lập luận của tâm lý học tiến hóa. Nhưng nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, tóc dài hoặc trung bình có thể giúp một phụ nữ bình thường trông hấp dẫn hơn, trong khi những người đã có gương mặt đẹp chuẩn rồi thì độ dài tóc chẳng ảnh hưởng mấy.

Chuyện tóc tai không phải là cách hack tình cảm đâu!

Nhưng tôi cứ nhớ mãi lời anh người yêu cũ nói về tóc ngắn - rằng nó khiến phụ nữ trông quyết đoán hơn. Đúng là độ dài tóc có thể ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận tính cách của bạn, nhưng nghiên cứu này lại cho thấy anh ta thuộc nhóm thiểu số rồi. Nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ tóc dài hay ngắn đều được đánh giá là tự tin và độc lập như nhau, chỉ có điều tóc dài thì được cho là nữ tính hơn. Bạn sẽ nghĩ rằng tóc dài khiến người ta liên tưởng đến những phẩm chất truyền thống của phụ nữ như sự thụ động, đồng cảm, nhưng không phải vậy. Phụ nữ tóc dài được coi là mạnh mẽ và thông minh hơn, trong khi phụ nữ tóc ngắn lại được xem là trung thực, chu đáo và giàu cảm xúc. (Cũng nên lưu ý rằng nghiên cứu này xuất phát từ Hungary, nơi có thể quan niệm về độ dài tóc hơi khác so với Bắc Mỹ. Dù vậy, tôi chỉ cho bạn câu tục ngữ Hungary: "Hosszú haj, rövid ész", nghĩa là "Tóc dài, trí ngắn" - một câu tục ngữ mà nghiên cứu này đã vui vẻ phản biện lại).

Nhưng đừng quên rằng cách nhìn của người đối diện cũng quan trọng: Trong nghiên cứu này, phụ nữ bảo thủ thích đàn ông tóc ngắn hơn, còn phụ nữ tự do thì thích đàn ông tóc dài hơn. Nghiên cứu này từ năm 1976 rồi, và từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi về cả giới tính lẫn tóc tai. Tôi đoán là xu hướng này vẫn còn đúng ngày nay, nhưng chắc không còn rõ ràng như cách đây 40 năm nữa. Tuy nhiên, ý chính vẫn đúng: Sự hấp dẫn không phải là một đặc điểm cố định của đối tượng - cách nhìn của chủ thể cũng quan trọng lắm.

Như hầu hết nghiên cứu về vẻ đẹp con người, có nhiều bằng chứng trái chiều đến mức kết luận duy nhất ta có thể rút ra là… chưa có kết luận gì cả. Khoa học chưa thể dự đoán được điều gì khiến ai đó trở nên cuốn hút với chúng ta, và tôi hoàn toàn đồng ý rằng cách tốt nhất để trở nên hấp dẫn là làm điều khiến bản thân cảm thấy thoải mái. Rất khó để bạn quyến rũ nhất khi bạn không cảm thấy tự tin. Vì vậy, ngay cả khi nghiên cứu cho rằng phụ nữ tóc dài hấp dẫn hơn, thì tóc dài cũng không hiệu quả với bạn nếu bạn không thấy thoải mái. Tôi không gợi ý rằng chúng ta nên mù quáng chạy theo nghiên cứu để cố đuổi bắt “con rồng sắc đẹp” đâu. Cứ để tóc dài, cắt tóc ngắn, hay đội tóc giả nếu bạn thích: Chỉ cần biết rằng, về mặt thẩm mỹ, một mình tóc tai sẽ không đủ giúp bạn nổi bật đâu!

Nguồn: Do Men Really Find Long-Haired Women More Attractive?

Psychology Today

menu
menu