Sự bình thường của những cơn hoảng loạn

su-binh-thuong-cua-nhung-con-hoang-loan

Bạn đang ngồi trên máy bay, chiếc máy bay đang chờ cất cánh. Đến lúc đóng cửa rồi. Đột nhiên, một cơn điên loạn ập đến.

Bạn đang ngồi trên máy bay, chiếc máy bay đang chờ cất cánh. Đến lúc đóng cửa rồi. Đột nhiên, một cơn điên loạn ập đến. Bạn sắp bị nhốt trong một ống nhôm kín mít, có thể phát nổ bất cứ lúc nào, hít thở bầu không khí tái chế vương mùi dầu hỏa suốt sáu tiếng rưỡi, và hoàn toàn không có lối thoát. Phi công có thể đang kiệt sức hoặc mang trong mình những nỗi đau không ai hay biết. Hệ thống kiểm soát không lưu ở bất kỳ một trong 40 điểm trung chuyển dọc hành trình này cũng có thể lơ là chỉ trong một khoảnh khắc. Bạn sẽ trôi nổi cách mặt đất gần 10 cây số. Vậy mà xung quanh, chẳng ai tỏ vẻ bận tâm — người ta đang trò chuyện, đang đọc tạp chí. Nhưng với bạn, đó lại là điểm bắt đầu của một cơn ác mộng. Bạn gần như rơi vào một cơn hoảng loạn — thứ mà người ta gọi bằng cái tên nghe rất lạ tai: “panic attack”.

Hoặc bạn đang bước lên những bậc cầu thang hẹp dẫn tới một buổi tiệc trên tầng thượng. Đó là sinh nhật của một người bạn của bạn. Từ phía sau cánh cửa đã vang vọng tiếng nhạc và tiếng cười nói. Người ta gọi đó là vui — nhưng bạn chỉ thấy rõ ràng một điều: bạn hầu như không quen ai ở đó, bạn sẽ phải giới thiệu bản thân, phải giải thích bạn làm nghề gì với những con người xa lạ, bận rộn, và không chắc là sẽ đồng cảm. Mà nếu chẳng may bạn muốn trốn một mình trong yên lặng chốc lát, thì nhà vệ sinh có lẽ đang có một hàng người say xỉn đứng chờ. Một lần nữa, bạn lại rơi vào hố sâu của hoảng loạn.

Hoặc bạn tỉnh giấc lúc ba giờ rưỡi sáng. Căn nhà im ắng. Ngoài kia, một con cú kêu lên khe khẽ. Mớ giấy tờ công việc nằm bên giường. Chỉ vài tiếng nữa bạn sẽ phải có mặt ở buổi hội thảo. Và rồi, sự lạ lùng của mọi thứ — của việc tồn tại, của việc là chính bạn, của cuộc sống mà bạn đang sống, của đứa trẻ bạn từng là, và của cái chết đang chờ đâu đó phía trước — tất cả ập đến cùng lúc. Tim bạn bắt đầu đập nhanh, lòng bàn tay rịn mồ hôi; bạn không thể chống lại cơn hoảng loạn.

Xã hội — và cả chính những người đang chịu đựng những cơn hoảng loạn ấy — thường nhìn nhận chúng như một biểu hiện của sự điên loạn: một khiếm khuyết khó hiểu về mặt hóa học trong não bộ khiến ta tách rời khỏi thực tại và mất đi sự bình thường. Giải pháp thường được đề xuất là y học: làm dịu đi, làm tê liệt đi những phần “trục trặc” trong tâm trí.

Thế nhưng, cách lý giải ấy — dù có thiện ý — lại dựa trên một giả định chưa chắc đã đúng: rằng phản ứng tự nhiên trước cuộc sống nên và phải là sự bình thản. Nhưng nếu ta nhìn sâu vào những gì đang thực sự diễn ra trong tâm trí khi cơn lo âu dâng lên, ta có thể nhận ra: chính vào những khoảnh khắc đó, ta đang cảm nhận một cách vô cùng nhạy bén về những điều thực sự đáng lo. Cảm giác lo âu có thể khiến ta khó sống, khó hòa nhập. Nhưng không có nghĩa nó là hoang tưởng hay mất trí — và nhận thức ấy, nếu không xua tan được cơn hoảng loạn, thì ít nhất cũng giúp ta bớt đi nỗi ám ảnh rằng mình đang phát điên.

Gốc rễ của cơn hoảng loạn là một điều vừa rắc rối, vừa đẹp đẽ một cách tinh tế: sự nhạy cảm. Những suy nghĩ xuất hiện trong cơn hoảng loạn có thể đáng sợ, nhưng chúng không phải là điều vô lý hay tà ác. Trong những giây phút tưởng như địa ngục ấy, ta đang chạm đến những sự thật rất cơ bản về thân phận làm người — những điều mà thường ngày ta cố phớt lờ trong một thế giới luôn ép ta phải vui vẻ, lạc quan. Thực tế thì, việc bay trên không trung quả thật là một hành động phi lý, đầy rủi ro — chỉ có một tâm trí chai lì mới không cảm nhận được điều đó. Những buổi tiệc, thực chất, đòi hỏi ta phải trình diễn một phiên bản giản lược, không thật của chính mình trước hàng loạt gương mặt thờ ơ. Và quả là kỳ lạ khi con người — vốn từng sống giữa đồng cỏ hoang — giờ lại chen chúc trong những căn phòng hình hộp ồn ào, nhấm nháp chút nước ép trái cây lên men trong ly nhựa trong, với những suy nghĩ mơ hồ và có phần u ám quay cuồng trong não. Chỉ cần một cú chạm nhẹ, những cảm xúc âm thầm đó cũng có thể nổi dậy và nhấn chìm ta.

Cũng chính sự nhạy cảm từng dẫn ta vào cơn hoảng loạn lại là cội nguồn của những khoảnh khắc huy hoàng nhất trong lịch sử văn hóa loài người. Cảm giác kỳ quặc khi tồn tại — sự lạ lùng của con người, sự mong manh ngắn ngủi của đời sống, sự mênh mông đến choáng ngợp của thế giới mà ta chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi, cái tình trạng khó hiểu khi là một sinh vật có ý thức — một loài động vật biết quan sát chính tâm trí mình, biết đo đếm từng khoảnh khắc và đối chiếu cả một đời người — tất cả những điều ấy, từ lâu, đã được chia sẻ bởi những nhà nghệ sĩ, nhà hiền triết, nhà thơ vĩ đại nhất thế giới.

Trong cuốn tiểu thuyết vĩ đại Middlemarch, nữ văn sĩ người Anh thế kỷ 19 – George Eliot – một người phụ nữ đầy tự nhận thức, luôn mang trong mình những lo âu lặng thầm, đã từng ngẫm nghĩ rằng: điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thực sự nhạy cảm, thực sự mở lòng với thế giới, và cảm nhận được ý nghĩa sâu xa của mọi điều (và bà đang mô tả chính bản thân mình):

“Nếu chúng ta có thể nhìn thấy và cảm nhận rõ ràng từng chi tiết nhỏ nhất trong đời sống con người thường nhật, thì nó sẽ chẳng khác gì việc nghe thấy tiếng cỏ mọc, hay tiếng tim sóc đập. Và ta sẽ chết vì tiếng gầm ẩn nấp phía sau im lặng ấy. Trong thực tế, ngay cả những người nhanh nhạy nhất trong chúng ta cũng bước đi giữa đời với một lớp bông dày của sự ngu ngơ quấn quanh tâm trí.”

Như Eliot từng nhận ra, việc thực sự thấu cảm với thực tại – việc nghe được tiếng cỏ mọc, tiếng tim sóc đập – vừa là một đặc ân, vừa là một cơn ác mộng. Bởi lẽ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc ta có thể cảm thấy rõ ràng ánh mắt dò xét trong một cuộc gặp gỡ xã giao, nỗi bất an trước tiếng động cơ máy bay, cảm giác bị giam hãm nơi phòng họp nhỏ hẹp, hay hiểm họa tiềm ẩn trong ánh nhìn của một người xa lạ. Có lẽ, cũng như bà, đôi khi ta lại mong mình có được chút “ngu ngơ có chừng mực” để không còn phải cảm nhận mọi thứ một cách quá mãnh liệt như vậy.

Thế nhưng, những dòng văn ấy của Eliot lại mở ra cho ta một cách nhìn mới – nhẹ nhàng hơn, trân trọng hơn – về nỗi lo âu. Nó không phải là dấu hiệu của sự suy sụp. Nó không đến từ việc không thấy rõ thực tại, mà trái lại, là do ta không thể nào gạt nó ra khỏi tâm trí. Lo âu, dẫu khó sống cùng, vẫn có thể được xem như một dạng thức sâu sắc của cái thấy – một thị kiến hiếm hoi, như thể của một vị thánh – nơi những điều thường ngày vốn bị lãng quên bỗng hiện lên rõ ràng. Nỗi hoảng loạn xuất phát từ một sự sáng rõ quá sức chịu đựng với con người – nhưng không vì thế mà nó sai lầm.

Ta hoảng loạn là vì ta cảm nhận được – một cách hoàn toàn hợp lý – sự mong manh của lớp vỏ văn minh, sự bí ẩn của tha nhân, sự phi lý khi ta hiện hữu, sự thật rằng mọi điều ta đang nắm giữ cuối cùng cũng sẽ tiêu tan, rằng đời ta rẽ sang hướng nào phần lớn là do tình cờ, rằng ta có thể trở thành nạn nhân của bất trắc bất kỳ lúc nào; và rằng những ý nghĩ, cảm xúc của ta lại gắn chặt vào một cơ thể bằng thịt xương đầy yếu đuối. Lo âu, xét cho cùng, là một dạng thấu hiểu mà ta chưa kịp biến thành nghệ thuật hay triết lý. Chính thế giới điên cuồng này – nơi cho rằng người lo âu là những kẻ mất trí – mới là thứ nên được đặt lại câu hỏi.

Tất nhiên là đôi lúc ta sẽ hoảng loạn. Nhưng điều đáng hỏi hơn, là vì sao ta lại từng tin rằng mình sẽ không bao giờ như thế – và gán cho sự “bình thường” cái nghĩa là phải vững vàng, kiên cố. Những cơn hoảng loạn không kéo ta xa rời hiện thực – mà đang lôi kéo ta về lại với nó. Ta quá vội vàng gán nhãn bệnh tật cho nỗi lo, mà chẳng kịp nhận ra ánh sáng nhấp nháy của một thứ “sức khỏe khác thường” đang ẩn trong nó. Có lẽ, ta sẽ ít lo âu hơn nếu con người được phép thừa nhận một cách chân thành rằng: lo lắng là điều chính đáng khi ta phải bay lơ lửng trên trời, tham gia một buổi tiệc đông đúc, hay đơn giản là khi ta đang sống giữa một thế giới kỳ lạ đến vậy.

Chúng ta không nên làm nỗi khổ của mình thêm trầm trọng bằng cách cố xua đuổi nó một cách dữ dội. Việc ta không thấy bình tâm không phải là điều đáng xấu hổ, cũng không phải biểu hiện của sự yếu đuối. Đó chỉ là một phản ứng hoàn toàn hợp lý, của một sinh thể đầy bí ẩn đang tham dự vào một thế giới rối ren và bất định.

BÀI TẬP:

– Những điều kỳ lạ nào thường khiến bạn thấy lo âu?

– Nếu nhìn nhận một cách rộng lượng, vì sao nỗi lo ấy có thể là chính đáng?

– Khi bạn chia sẻ lo âu, người khác thường phản ứng như thế nào?

– Có khi nào bạn không nhận ra rằng mình đang lo âu?

– Nếu phải giải thích về nỗi lo của mình cho người khác một cách điềm tĩnh, bạn sẽ nói gì?

– Trong những thời điểm không may, bạn thường bộc lộ nỗi lo bằng cách nào – đặc biệt là những cách không trực tiếp thừa nhận rằng bạn đang lo? 

Nguồn: THE NORMALITY OF ANXIETY ATTACKS | The School Of Life

menu
menu