Danh tính và sự cô đơn

danh-tinh-va-su-co-don

Nếu ta chưa học cách sống với danh tính thực sự của mình, ta sẽ trả giá bằng những tổn thương tâm lý cho đến khi học được điều ấy.

Giới thiệu

Một nhân viên cảnh sát vừa ra hiệu dừng một xe hơi trong lần tuần tra của mình. Viên cảnh sát tự tin sải bước đến chỗ chiếc xe, tay chống hông, với vẻ vênh váo hiên ngang như thể đang hoàn toàn làm chủ tình hình. Anh ta bắt đầu nhìn vào trong cửa sổ tài xế. Đột nhiên, người đàn ông trong xe lôi ra một khẩu súng ra và bắn vài phát. Người cảnh sát ngã xuống đất, la hét và khóc lóc trong nỗi hoảng loạn tột cùng, “Tôi bị bắn rồi! Tôi bị bắn rồi! Gọi xe cứu thương đi! Tôi bị bắn rồi!”

Khi nhân viên y tế đến nơi, họ phát hiện ra người cảnh sát kia còn không hề bị thương. Tất cả các phát bắn đều trượt. Thương tổn duy nhất có thể nhìn thấy được chính là tên cớm này tè ướt hết cả ra quần.

Danh tính hoạt động như thế đấy. Trong một tíc tắc, tất cả những quyền lực mà anh ta tin tưởng đều biến mất, và anh ta trở thành một đứa bé bơ vơ.

Ảo tưởng ta nghĩ mình là ai - và ta mô tả rằng mình là ai - tan thành mây khói. Và nếu ta chưa học cách sống với danh tính thực sự của mình, ta sẽ trả giá bằng những tổn thương tâm lý cho đến khi học được điều ấy.

Vấn đề

Tất cả chúng ta nhận được danh tính từ thế giới xung quanh. Khi còn là trẻ sơ sinh, ta chỉ là một mớ những quá trình sinh học đa dạng và không có quyền hạn gì cả, nhiệm vụ đầu tiên trong đời chính là phát triển một tính cách đồng nhất để “hòa hợp” những hỗn độn rời rạc ấy. Ý thức đồng nhất đầu tiên của chúng ta đến từ sự gắn bó vô thức với những người xung quanh. Sau đó, khi lớn hơn một chút thành những đứa trẻ, ta nhìn xung quanh và xem thế giới cho ta thấy điều gì. Có một số thứ trên thế giới thu hút ta hơn so với những thứ còn lại, đó là vì có một số điều mang ngụ ý cho ta thấy những gì còn thiếu trong cuộc sống của chúng ta và mang đến kiến thức về những điều dường như trước nay bị ẩn giấu. Vì vậy, từ tất cả những điều thu hút ta trên thế giới, ta tạo ra hình ảnh về cách ta muốn nhìn nhận bản thân, và sau đó ta bắt đầu khiến bản thân “được nhìn nhận” trên thế giới để những hình ảnh ấy có thể được phản chiếu lại chúng ta thông qua ham muốn của người khác.

Dù là mặc bộ đồ tây hay nhuộm tóc tím và đeo khuyên môi, hình ảnh là hình ảnh. Không thể nào “loại bỏ” trật tự xã hội. Ngay cả chủ nghĩa vô chính phủ, dù trống rỗng không đường không lối, vẫn là một hình thức danh tính xã hội, một hình ảnh nhân tạo, một ham muốn được ham muốn. Tất nhiên, hình ảnh bên ngoài thì cố nói rằng, “Tôi không quan tâm các người nghĩ gì, thật ra thì, tôi khinh những gì các người nghĩ về tôi,” nhưng mục đích tâm lý học của hình ảnh là để được người khác nhìn nhận.

Và một số người ham muốn được ham muốn cực đoan đến nỗi bạn thực sự có thể nhìn thấy trong ánh mắt họ là một sự trống rỗng mà họ đang tìm cách lấp đầy.

Nhưng họ sẽ chẳng bao giờ có thể lấp đầy được khoảng hư không ấy.

Trong tình huống tốt nhất, hình ảnh họ lập nên chỉ là giả, một cách thức nhu nhược để che giấu nỗi đau khỏi chính tầm mắt của mình. Vết sẹo thương tổn cảm xúc từ thời thơ ấu có thể được trang trí bởi các hình xăm, có thể được khuyên lỗ đeo vòng, hoặc có thể được che chắn bằng từng mảnh vải phù phiếm - nhưng không ai có thể xóa bỏ được sự thật bằng cách che giấu dưới hình ảnh đơn thuần.

Trong trường hợp tệ nhất, hình ảnh họ lập ra sẽ biến thành thực tại duy nhất của họ, một lời nói dối bi thương và một địa ngục trần gian.

Chạm trán - và Tổn thương tâm lý

Dù một người có dồn bao nhiêu công sức xây dựng hình ảnh, đó cũng chỉ là hư ảnh, trên phương diện tâm lý học, vì đa phần cuộc sống của chúng ta đều là vô thức. Ví dụ, trong những bài viết về xây dựng tính cách của mình, Erik Erikson mô tả việc thu nhận hữu thức danh tính xã hội ở tuổi dậy thì là một trong những “khủng hoảng tiêu chuẩn” trong cuộc sống. Nhưng quá trình “nhìn nhận” bản thân phản chiếu qua thế giới - dù là ở tuổi dậy thì hay trưởng thành - vẫn có những vấn đề của nó. Mặc dù việc xây dựng danh tính xã hội có giá trị ngắn hạn, những gì bạn “nghĩ” về bản thân mình đến cuối cùng chẳng là gì ngoài một sự xấp xỉ mơ hồ với con người thật của bạn. Và con người thật của bạn bộc lộ trong những khoảnh khắc chạm trán đơn thuần với cuộc sống nội tâm của mình.

Trong câu chuyện trên (được viết trước khi xảy ra những vụ thảm sát nhân viên cảnh sát) người cảnh sát chạm trán một sự thật sâu thẳm về bản thân vào khoảnh khắc anh ta tin rằng mình gặp nguy hiểm đến tính mạng. Anh ta nhận ra rằng, trái ngược với vẻ hiên ngang ngụy tạo, trong khoảnh khắc khủng hoảng ấy, anh ta chỉ là một đứa bé bất lực.

Bạn có thể sẽ làm mọi thứ để phản chiếu một hình ảnh ra thế giới. Bạn có thể sẽ giải thích bản thân với vô vàn chi tiết cho người khác để họ có thể nhìn nhận một hình ảnh “đúng” về bạn. Bạn có thể sẽ đưa danh tính của mình ra thế giới như thế đó là một tô đầy châu báu. Nhưng bạn chỉ đang mang đến một dĩa đầy sỏi đá mà thôi.

Trong một tập của series Star Trek (Du hành giữa các vì sao) đời đầu, một người đàn ông cố mua chuộc Thuyền trưởng Kirk với một tô đầy kim cương, hồng ngọc, và ngọc lục bảo. Thuyền trưởng chế giễu, “Chúng có gì hay ho đâu? Chỉ là sỏi và đá thôi. Chúng tôi muốn bao nhiêu cũng có thể sản xuất được bấy nhiêu ngay trên con tàu này.”

Cuộc chạm trán thực sự cũng không thể sản xuất được.

Khi chạm trán với điều không lường trước được, tất cả chúng ta phản ứng không phải dựa theo điều gì “đẹp mắt” đối với người khác mà dựa theo hệ chuẩn mực sâu thẳm nhất - và thường là vô thức - trong ta. Vậy nếu những chuẩn mực của bạn chỉ toàn là bắt chước những chuẩn mực mà thế giới đã tạo ra để quảng bá cho chính nó, thì trong khoảnh khắc khủng hoảng hoặc bất ngờ, bạn sẽ nhận ra một sự thật phũ phàng rằng những hứa hẹn quảng bá ấy thực sự sáo rỗng đến mức nào. Nếu những chuẩn mực của bạn chỉ toàn là những phục tùng áp lực đồng cấp (peer pressure), bạn sẽ nhận ra rằng ham muốn được người khác chấp nhận có thể dễ dàng đẩy bạn đến bờ vực tự hủy hoại. Nếu những chuẩn mực của bạn không dựa vào sự hiểu biết và chính trực, bạn sẽ cứ mãi làm ô uế sự hiểu biết và chính trực.

Đầu thập niên 1960, Stanley Milgram, một giáo sư tâm lý học xã hội tại Đại học Yale, thực hiện một số thực nghiệm về sự phục tùng. Dù gây nhiều tranh cãi do những chuẩn mực đạo đức ngày nay, những thực nghiệm ấy đã phơi bày một mặt tối của bản chất con người: rất nhiều người sẵn sàng phục tùng người khác trong một vị thế “quyền hạn” rõ ràng cho dù sự phục tùng ấy khiến một người khác đau đớn nghiêm trọng. Ngoài ra, dù những thực nghiệm ấy chỉ là giả (viễn cảnh người bị điện giật không phải là thật, và các “nạn nhân” thực chất đã giả vờ đau đớn theo kịch bản của thực nghiệm), nhưng rất nhiều người tham gia đã chịu đựng cảm giác vỡ mộng và tổn thương tâm lý khi biết rằng họ có khả năng gây ra màn tra tấn dã man như vậy - trong sự phục tùng quyền hạn và áp lực đồng cấp.

Việc này chứng tỏ một luận điểm quan trọng: Điều được tiết lộ về bản thân bạn trong một cuộc chạm trán với thực tại bên trong mình không nhất thiết là điều tốt đẹp. Trên thực tế, đó là nền tảng của tất cả tổn thương tâm lý. Ngoài ra, nỗi sợ chính những góc khuất của mình khiến nhiều người từ chối quan tâm với tâm lý học.

Trong rất nhiều trường hợp, nỗi sợ những điều vô thức này có thể biểu thị qua một ám ảnh sợ, khi những nỗi sợ trong nội tâm phản chiếu lên vật chất, tình huống, hoặc ngay cả là môi trường - ví dụ như sợ bóng tối.

Trẻ em thường có những nỗi sợ môi trường (sợ bóng tối, sợ giông bão, sợ nước, vân vân) vì vô thức của trẻ chưa có đủ hàng phòng ngự của người trưởng thành. Với sự hỗ trợ cảm xúc và tâm lý thích hợp, trẻ có thể vượt qua những nỗi sợ này. Nhưng đáng thương cho những đứa trẻ có cha mẹ quá sợ hãi vô thức của chính mình đến mức nỗi sợ ấy truyền sang cho con cái như một căn bệnh truyền nhiễm.

Jacques Lacan

Nỗi sợ góc khuất của chính mình cũng có thể khiến nhiều người từ chối liệu pháp tâm lý. Nhưng mục đích của liệu pháp tâm lý là tiếp cận vô thức, gỡ rối bản thân bạn khỏi những bó buộc sáo rỗng với thế giới đã kìm giữ bạn, và nhận ra tầm quan trọng của hệ chuẩn mực là bắt nguồn từ sự khôn ngoan xung quanh tất cả các “bộ phận” của tính cách.

Hoặc, bạn có thể chờ tới khi chấn thương tâm lý khiến bạn không thể trốn tránh được.

Nghe thì có vẻ lạ, nhưng ngay cả một điều bình thường như đi nhổ răng có thể gây ra mối lo âu đáng kể.

“Răng à?” có thể bạn sẽ tự hỏi. “Tôi không hiểu.”

Thử nghĩ mà xem. Chúng ta đều cắt tóc, cắt móng tay, móng chân. Thế nhưng hãy chú ý rằng những thứ này đều sẽ mọc trở lại. Răng thì không. Tất nhiên răng sữa sẽ rụng và răng trưởng thành sẽ mọc lên, nhưng khi răng trưởng thành mất thì sẽ chẳng còn gì cả. Nhổ răng cũng giống như là cắt bỏ một cánh tay hay một cái chân - hoặc một bên ngực do ung thư vú - cắt bỏ tử cung, sảy thai, hoặc phá thai.

Về cơ bản, mất đi bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể đều kích thích nỗi lo lắng bị thiến hoạn. Ta thường thiến động vật giống đực bằng cách phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn để khiến con vật ấy bớt hung dữ hoặc khiến nó không sinh sản được nữa. Trong triết lý phân tâm học của mình, Sigmund Freud đã đưa ra một nút thắt tâm lý học về sự thiến hoạn khi ông đặt giả thiết tất cả con trai đều cảm thấy lo lắng về việc mất đi dương vật, và tất cả con gái đều cảm thấy lo lắng vì đã mất đi nó.

Tuy nhiên, Jacques Lacan hiểu rằng những hình ảnh giới tính này chỉ là một bức màn che đậy một mối lo âu sâu thẳm hơn. Đối với Lacan, thiến hoạn nghĩa là một sự thừa nhận kinh hoàng rằng con người là những mảnh rời rạc, sự rời rạc mà một đứa trẻ phải “che đậy” bằng cách đồng hóa với thế giới trong khi xây dựng một tính cách đồng nhất.

Vì thế, mất đi một cái răng là một sự đối đầu - sự chạm trán - với thực tại con người rời rạc và đến cuối cùng là với cái chết. Về bản chất, sự mất mát ấy nói rằng, “Ngươi không tốt đẹp và quyền lực như ngươi nghĩ đâu. Ngươi chỉ là một bộ xương được bao phủ bởi những khối thịt có thể vỡ vụn bất cứ lúc nào. Hình ảnh bản thân ngươi chỉ là một sự dối trá.”

Do đó, ta không bao giờ nên đánh giá thấp việc mất đi bất kỳ bộ phận cơ thể nào - ngay cả là mơ về sự mất mát ấy, hoặc là nạo phá thai, Vì kèm theo mất mát thể chất là mất đi sự tự tin thiển cận rằng cơ thể là bất khả xâm hại. Nếu bạn không hiểu mình đã đánh mất điều gì, chấn thương tâm lý sẽ tấn công bạn, và đòn tấn công ấy sẽ rất nặng.

Kiêu hãnh và Tình yêu

Bạn đã bao giờ nghe ai đó phàn nàn, “Tôi không hiểu. Tôi đã cho người khác rất nhiều thứ, nhưng lại không nhận được sự thừa nhận hay tôn trọng nào. Thế giới này bị làm sao vậy?”

Thật ra, thế giới chỉ đang làm điều nó làm tốt nhất thôi. Nó lấy đi mọi thứ có thể, từ mọi nơi có thể, từ bất kỳ ai có thể, và nó chẳng bao giờ biết nói “Cảm ơn.” Và nó vẫn sẽ tiếp tục như thế, dù bạn có lên án đến mức nào. Đến đây thì vấn đề nằm ở người lẫn lộn giữa niềm kiêu hãnh và tình yêu.

Ví dụ, rất nhiều người làm trong ngành nghề giúp đỡ người khác - y tá, bác sĩ, nhân viên xã hội, cố vấn, nhà tâm lý học, và tương tự - cảm thấy có động lực chăm sóc và giúp đỡ người khác. Nhưng thường thì động lực trở thành người chăm sóc xuất phát từ nhu cầu phản chiếu một hình ảnh nhất định về bản thân lên thế giới, một hình ảnh như là “sứ giả hòa bình” bắt nguồn từ vai trò trong một hệ thống gia đình xung đột vào thời thơ ấu. Trong những trường hợp như vậy, việc chăm sóc trở nên không hơn gì một sự thi hành quyền lực đối với bệnh nhân. Điều này vẫn luôn diễn ra. Hãy thử đến bệnh viện và xem bạn được đối xử như thế nào. Rất có thể là không phải tình yêu thương đâu.

Nói cách khác, nhiều người “cho đi” là để quảng bá một danh tính và để duy trì vị thế quyền lực. Đó là niềm kiêu hãnh, không phải tình yêu, vì tình yêu là không có những ham muốn thông qua hành động giúp đỡ, là để cho đi không vị kỷ. Trong khi đó, kiêu hãnh khiến “cho đi” trở thành một hình thức mua chuộc, để nhận lại một thứ lớn lao hơn.

Có thể bạn sẽ nói, “Khoan đã. Tôi có thể cho đi điều gì? Tôi cảm thấy mình chẳng là gì cả. Tôi trống rỗng. Tôi cằn cỗi. Tôi cảm tưởng như mình không có danh tính. Tôi không có gì để cho đi cả.” Luôn có thứ gì đó để từ bỏ, thứ mà ai cũng bám víu như là phương thức phòng ngự cuối cùng: bạn có thể từ bỏ niềm kiêu hãnh khi cảm thấy mình là nạn nhân, cùng với hy vọng bí mật sẽ nếm mùi trả thù cho tất cả những tổn thương và bạo hành mà bạn đã phải chịu đựng.

Cô lập và Tâm điểm kiểm soát

Rotter đã đề xuất một khái niệm gọi là tâm điểm kiểm soát (locus of control - xuất phát từ chữ Latin locus nghĩa là điểm) để chỉ một “điểm” tâm lý học nơi một người đổ trách nhiệm cho những kết cục của các tình huống cuộc sống vào đó. Người có tâm điểm kiểm soát nội giới (internal locus of control) nhận thức rằng họ có thể đích thân “kiểm soát” kết cục của tình huống, trong khi người có tâm điểm kiểm soát ngoại giới (external locus of control) quy những kết cục không phải do hành động của mình mà là hành động của người khác - hoặc do may mắn.

Vậy nên hãy chú ý cuộc chạm trán trong lời phàn nàn được nêu ở đầu mục. “Tôi không hiểu.” Đó là “sự thật” duy nhất trong cả lời phàn nàn ấy. Tất nhiên người này không hiểu. Hiểu cần có sự quy phục và tình yêu đích thực, và đáng buồn thay đó là những gì người đó còn thiếu. Khi bạn mắc kẹt trong ham muốn vô thức và cảm thấy bị cô lập, có cảm tưởng cuộc sống của bạn đã bị cướp đi. Bạn luôn bám víu lấy điều bạn sợ mất đi. Bạn không bao giờ có thể ngơi nghỉ, và bạn không bao giờ có thể nhận lại đủ để cảm thấy hài lòng. Trong thuật ngữ tâm lý học, khi bạn có tâm điểm kiểm soát ngoại giới, bạn vĩnh viễn sống với cảm giác bị cô lập, luôn khó chịu bởi những gì diễn ra trong thế giới xung quanh. Nhưng khi bạn yêu - và hoạt động với tâm điểm kiểm soát nội giới - bạn buông bỏ cuộc sống của mình vì người khác. Khi bạn yêu, bạn không có gì để mất, vì bạn đã từ bỏ lòng kiêu hãnh - một cách tự nguyện.

Đồng hóa với Kẻ tấn công

Năm 1973, ở Stockholm, Thụy Điển, một tên cưới ngân hàng giữ bốn nhân viên làm con tin trong mái vòm của ngân hàng trong sáu ngày. Kỳ lạ là, khi sự việc kết thúc, người ta nhận thấy các nhân viên đã hình thành một gắn bó cảm xúc với kẻ đã bắt giữ họ. Hành vi kỳ lạ này sau đó được gọi là Hội chứng Stockholm. Một điều tương tự đã xảy ra ở Mỹ khi nữ thừa kế Patty Hearst bị bắt cóc vào năm 1974, hai tháng sau cô ấy cướp ngân hàng cùng với người đã bắt cóc mình.

Tất cả những điều này cho thấy khi một bi kịch cảm xúc đe dọa sinh mạng của một người, có một hình thức tự vệ tâm lý - và thể chất - là gắn bó với người đem lại mối đe dọa ấy. Vì vậy, để bảo toàn mạng sống, những cá nhân sẽ đồng hóa cảm xúc với kẻ tấn công mình thay vì chống cự lại. Từ đó xuất hiện cái tên của hình thức phòng ngự tâm lý, Đồng hóa với Kẻ tấn công (Identification with the Aggressor). (Ngược lại, khi nạn nhân của bạo lực gia đình giết kẻ bạo hành, tình huống này được gọi là Hội chứng người phụ nữ bị đánh đập - Battered Women’s Syndrome.)

Nhưng đừng hiểu lầm. Trong một tình cảnh hoàn toàn vô phương, kiểu “gắn bó bi kịch” này có thể giữ cho bạn sống sót, và có thể giúp giữ vững tinh thần của bạn, nhưng nó không có liên hệ gì với tình yêu đích thực hay lòng khoan dung đơn thuần.

Danh tính và Giới tính

Halloween. Mardi Gras. Dạ hội hóa trang. Các nền văn hóa của chúng ta có đầy những cách thức để ta thay đổi danh tính bằng cách thay đổi diện mạo bên ngoài.

Trong quá khứ, mũ của một người có thể nói lên nghề nghiệp của họ. Và ngày nay ta vẫn mặc đồng phục (đồng - “giống nhau” và phục - “quần áo”, tương tự như trong tiếng Anh là uniform, uni - “một” và form - “hình dạng” hoặc “diện mạo bên ngoài”), một diện mạo giống nhau cho tất cả những ai làm một công việc nhất định.

Tuy nhiên, đa số chúng ta hiểu rõ rằng đồng phục bản thân nó chẳng có ý nghĩa gì cả.Nếu không được huấn luyện làm một công việc thì dù bạn có mặc đồng phục gì thì cũng chẳng thể làm được công việc ấy.
Ấy vậy mà, có một đồng phục hoàn toàn cắt nghĩa con người chúng ta mà không bao giờ có thể thay đổi được. Đó là đồng phục cơ thể, nó định nghĩa giới tính của chúng ta, dựa trên chức năng sinh sản.

Giới tính sinh sản rất đơn giản, đó là một chức năng sinh học. Vấn đề của định dạng giới tính bắt nguồn từ vô thức. Hãy chú ý trẻ em thường tin những gì nhìn thấy là thật. Nếu một đứa trẻ thấy một người đàn ông mặc trang phục ông già Noel, nó sẽ nghĩ, “Đó là ông già Noel.” Cũng tương tự như cách đứa trẻ nghĩ thực tại chính là diện mạo, đôi lúc có những cá nhân lẫn lộn chức năng giới tính của mình bởi những trang phục tạo ra diện mạo giới tính. Có một thuật ngữ lâm sàng cho vấn đề này: Rối loạn định dạng giới (Gender Identity Disorder).

Nhưng sự thật là dù bạn mặc quần áo gì, dù bạn thích vở kịch thế nào, dù bạn chọn bạn mà chơi ra sao, dù bạn hành xử kiểu gì - và ngay cả dù bạn phẫu thuật thay đổi cơ thể - bạn vẫn không bao giờ có thể thay đổi thực tại sinh sản di truyền của mình.

Carl Jung từ lâu đã nhận ra mỗi một người trong chúng ta, trong vô thức, có những yếu tố tâm lý học của giới tính ngược lại. Người đàn ông có ẩn nữ (anima), và người phụ nữ có ẩn nam (animus). Dù Jung đã nhận dạng những “bộ phận” khác của vô thức mà ông gọi là phức hệ (complexes), ông không đề đạt ý tưởng này khi nói về tình trạng bản ngã. Ngày nay, ta có thể hiểu những tình trạng này đơn giản là những đồng hóa vô thức với thế giới xung quanh.

Tất cả những điều này có nghĩa là, mặc kệ những vai trò và định dạng giới tính được các nền văn hóa tạo nên, tất cả chúng ta đều có khả năng cá nhân để trải nghiệm những yếu tố tâm lý của giới tính khác. Vì vậy nếu bạn cảm thấy “lạc lõng” vì không thích nghi được với hình ảnh người đàn ông hay phụ nữ phải hành xử thế nào trong xã hội, vấn đề có thể không phải ở “định dạng giới” mà là ở chính xã hội và những khuôn mẫu hành vi con người cứng nhắc của nó.

Vậy thì tại sao có người lại xây dựng một ham muốn thay đổi thực tại sinh sản? Ngay cả khi bạn hiểu thực tại tâm hồn, sự thật cơ bản của cuộc sống - sinh và tử - vẫn là những thực tại đau lòng. Nhưng chúng chỉ là những thực tại đơn thuần, chúng không có ý nghĩa gì cả, chúng chỉ là như thế mà thôi. Mong muốn thay đổi ý nghĩa cá nhân bằng cách thay đổi giới tính (Rối loạn định dạng giới) hay thay đổi trang phục (Loạn dục cải trang - Transvestic Fetishism) bắt nguồn từ một niềm tin sai lệch rằng giới tính chứa đựng những bí mật lớn lao, bí ẩn có thể giải phóng bạn khỏi những hiện thực tàn khốc của cái chết và lạc lõng trong xã hội. Vì vậy, về cốt lõi, mộng tưởng ấy, trong chính sự bất khả thi của nó, đại diện cho nỗ lực vô thức trốn chạy cái chết.

Tất cả những mộng tưởng, dù là về giới tính hay không, thực sự đại diện cho những xung đột vô thức cần được hiểu và giải quyết rõ ràng, vì lợi ích của cái chết sau cùng. Nhưng nếu liệu pháp tâm lý trở thành một quá trình chính trị để bình thường hóa những mộng tưởng - và ủng hộ bạn hành xử như vậy ở thực tại - thì mục đích toàn cục của chữa trị không cón được bảo toàn.

Chính vì thế, nếu bạn không thể nhận ra sự giả dối vốn dĩ của danh tính ngay từ đầu, và thay vào đó là bất chấp mà bám víu vào mộng tưởng rằng có điều gì đó “sai” trên cơ thể của bạn, mộng tưởng ấy, cũng như biết bao nỗi sợ và mộng tưởng khác, sẽ chỉ dẫn đến sự cô đơn thảm thiết.

Cô đơn

Từ tất cả những điều đã nêu trên, bạn có lẽ đã có thể đoán ra sự cô đơn đến từ đâu.

Nếu danh tính của bạn bắt nguồn từ thế giới xung quanh, bạn phải quan tâm đến việc đánh mất nó. Giống như con rồng trong truyện cổ tích tham lam ngồi trên núi kho báu, sự sống của bạn hoàn toàn mắc kẹt trong việc bảo vệ cho những gì bạn sợ mất đi.

Tại đây, trong sự tích trữ ấy, cũng là cái cốt lõi cay đắng của thành kiến. Thuật ngữ gọi đó là xenophobia, nỗi sợ bị người lạ hoặc người ngoài ghét bỏ. Thành kiến là gì khi bạn sợ niềm vui sướng của “người khác” sẽ bằng cách nào đó sẽ phá vỡ danh tính mà bạn cố gắng rất nhiều để gầy dựng?

Và bạn cũng không thể thành thật với người khác vì nếu bạn nói ra suy nghĩ của mình, bạn có thể sẽ làm mất lòng họ, và sau đó họ sẽ bỏ đi trong cơn bực tức, mang theo cả danh tính của bạn, để lại bạn trống rỗng và “chết” đi. Đó là sự cô đơn. Là nỗi sợ cái chết tâm lý.

Đây cũng là lý giải cho hành vi phụ thuộc lẫn nhau (codependent behaviour), là khi một người kích thích khả năng (ví dụ như viện cớ, nói dối) người khác nghiện một vật chất (như bia rượu hay cocaine) hoặc một hành vi (như bài bạc hoặc khiêu dâm). Sự thật đáng buồn là khi một người bình thường trong xã hội của người nghiện có “quá nhiều thứ để mất” khi thành thật về thói nghiện ấy, thì họ cũng sẽ phụ thuộc vào cơn nghiện giống như người bị nghiện thật vậy.

Cuộc sống thực sự - không phải là hình ảnh “cuộc sống” hào nhoáng được quảng cáo - bao gồm tất cả những sự bất định trong vô thức của bạn, sự chấp nhận tính dễ bị tổn thương của bạn, và sự tự nguyện mạo hiểm mọi thứ để tin tưởng vào một điều gì đó vĩ đại hơn những gì bạn “nghĩ” về chính bản thân mình.


Người biết cách chết trong mọi tình cảnh sẽ có cuộc sống trong mọi tình cảnh.” St. John of the Cross

Tài liệu tham khảo:

1. Milgram, S. (1963). Behavioral study of obedience. Journal of Abnormal and Social Psychology, 67, 371–378.

2. Jacques Lacan, “The mirror stage” and “The subversion of the subject and the dialectic of desire in the Freudian unconscious.” In Écrits: A selection, trans. Alan Sheridan (New York: W. W. Norton, 1977).

3. See, for example, Abortion and Breast Cancer which reveals the scientific evidence for the connection between abortion and breast cancer.

4. Rotter, J. B. (1966). Generalized expectancies for internal versus external control of reinforcement. Psychological Monographs, 80, 1–28.

 

Về tác giả:

Raymond Lloyd Richmond, có bằng tiến sỹ về tâm lý lâm sàng và được cấp phép (psy 13274) hành nghề trị liệu ở bang California. Trước khi có bằng tiến sỹ, ông đã học lấy bằng M.A về nghiên cứu tôn giáo và một bằng M.S.E về tham vấn, và một bằng M.S về tâm lý lâm sàng. Ông đã hoàn thành chương trình Sau tiến sỹ về Tâm lý học Sức khoẻ.

Trong quá trình học của ông, ông được dạy về phân tâm học trường phái Lacanian, trị liệu tâm động học, thôi miên và trị liệu nhận thức-hành vi. Kinh nghiệm lâm sàng của ông bao gồm can thiệp khủng hoảng; điều trị về lạm dụng tình dục, thân thể và cảm xúc thời thơ ấu; tổn thương tâm lý và rối loạn stress sau sang chấn PTSD; và điều trị các chứng rối loạn lo âu, rối loạn tâm trạng và loạn thần

Tiến sỹ Richmond đã viết và duy trì một website vì cộng đồng (GuideToPsychology.com) về việc thực hành tâm lý lâm sàng; website này không có quảng cáo.


Người dịch: Thợ Săn Tiền Thưởng
Nguồn: Guidetopsychology

menu
menu