Đây là cách tái thiết lập bộ não của bạn để đạt được hạnh phúc: 4 bí mật từ Nghiên cứu  

day-la-cach-tai-thiet-lap-bo-nao-cua-ban-de-dat-duoc-hanh-phuc-4-bi-mat-tu-nghien-cuu  

Nếu anh khổ sở bởi những thứ bên ngoài thì không phải tại chúng, mà tại vì đánh giá của anh về chúng mới khiến cho anh nhiễu loạn. Và việc xóa bỏ đánh giá đó ngay bây giờ nằm trong khả năng của anh.

Cần bao nhiêu nhà tâm lý học để thay đổi một cái bóng đèn? Chỉ cần một, nhưng với điều kiện cái bóng đèn phải thật sự muốn thay đổi.

***

Có người khen bạn và bạn nghĩ, “Ý họ không phải thế đâu.”

Một điều tốt lành xảy đến và bạn nghe, “Mình không xứng đáng với nó.

Bạn gặp những người mới và “Họ sẽ không thích mình.”

Và bạn thường chấp nhận những lời đó bởi chúng đến từ trong đầu bạn. Nó giống như một bộ phim kinh dị nơi mà các cuộc gọi từ kẻ sát nhân đến từ bên trong ngôi nhà.

Chúng được gọi là “những ý nghĩ tự động.” Và chúng thật tệ. Nhưng chúng ta đều biết câu trả lời: bạn chỉ cần nghĩ những ý nghĩ lạc quan, hạnh phúc, đúng không?

Sai. Hãy đi tìm bài học tâm lý của chúng ta từ một nơi nào đó ngoại trừ những hình meme trên Instagram, được chứ? “Nghĩ những ý nghĩ hạnh phúc” không giúp được gì đâu trừ phi bạn không cần giúp đỡ.

Theo cuốn sách The Confidence Gap:

Nghiên cứu của họ, với tựa đề “Những lời tự tuyên bố tích cực: Sức mạnh đối với một số người, Nguy hiểm cho những người khác,” … cho thấy những người có lòng tự trọng thấp thực sự cảm thấy tồi tệ hơn sau khi lặp lại những tuyên bố tích cực, thí dụ như “Tôi là người đáng yêu” hay “Tôi sẽ thành công”. Thay vì hữu ích, những ý nghĩ tích cực đó thường kích hoạt một phản ứng tiêu cực mạnh mẽ và một tâm trạng chán chường.

Vậy nên khi bạn đang chán chường, những lời lạc quan sáo rỗng chẳng hiệu quả đâu. Không. Thành thử, chúng ta cần đến khoa học để xóa bỏ điều này. Chúng ta cần tái thiết lập bộ não của bạn, người anh em ạ.

Theo cuốn sách Cognitive Therapy and the Emotional Disorders:

Phương pháp tiếp cận mới này—trị liệu nhận thức—cho rằng các vấn đề của cá nhân phần lớn xuất phát từ sự bóp méo thực tế dựa trên những giả định và giả thuyết sai lầm. Những quan niệm không chính xác này bắt nguồn từ khiếm khuyết về học tập trong suốt quá trình phát triển nhận thức của con người. Bất kể căn nguyên của chúng là gì, việc đưa ra công thức điều trị tương đối đơn giản: Nhà trị liệu giúp bệnh nhân làm sáng tỏ những suy nghĩ méo mó của anh ta và học suy nghĩ thay thế thực tế hơn để xây dựng những trải nghiệm của anh ta.

Chuyện này không khó hay đắt đỏ, nhưng bạn cần phải thực hành một chút. (Nghe này, nếu bạn có thể dành 10 phút làm bài quiz trên Facebook để biết bạn giống nhân vật nào trong truyện Harry Potter, thì bạn cũng có thể dành 5 phút mỗi ngày để có cuộc sống hạnh phúc hơn, đúng không nào?)

Và một khi bạn bắt đầu rành rọt điều này thì nó không chỉ làm bạn hạnh phúc—những kỹ thuật này đã được chứng minh là giúp con người ta giải quyết đủ loại vấn đề, từ trì hoãn, đến lo lắng và tức giận.

Theo cuốn sách Thoughts and Feelings:

Thách thức những ý nghĩ tự động là một cách mạnh mẽ để chống lại chủ nghĩa cầu toàn, kiểm soát tính trì hoãn và giảm bớt trầm cảm, lo âu. Nó cũng hữu ích trong việc điều trị lòng tự trọng thấp, xấu hổ và tội lỗi, và tức giận. Các kỹ thuật trong chương này dựa trên trị liệu nhận thức của Aaron Beck (1976), người tiên phong về phương pháp này để phân tích những ý nghĩ tự động và đưa ra những đáp trả hợp lý nhằm bác bỏ và thay thế lối suy nghĩ méo mó.

Chúng ta sẽ nhận được một số câu trả lời chín chắn từ cuốn sách “Suy nghĩ và Cảm xúc” của Bác sĩ Matthew McKay và ngay cả trường phái cũ trong tâm lý học với cuốn sách kinh điển năm 1979 của giáo sư Aaron Beck “Trị liệu Nhận thức và Những rối loạn Cảm xúc - Cognitive Therapy and the Emotional Disorders.

Bắt tay vào việc thôi…

Trị liệu Nhận thức 101

“Suy nghĩ quyết định cảm xúc.”

Hãy nhớ lấy điều đó. Hãy ghi chú lại đi. Hãy làm thành một hình xăm. Ý tưởng lớn lao này đã có từ hàng ngàn năm trước ở các triết gia Khắc kỷ. Aaron Beck thậm chí còn trích dẫn lời của Marcus Aurelius và Epictetus (hai tượng đài của Chủ nghĩa Khắc kỷ) trong cuốn sách của ông.


Theo cuốn sách Cognitive Therapy and the Emotional Disorders:

“Nếu anh khổ sở bởi những thứ bên ngoài thì không phải tại chúng, mà tại vì đánh giá của anh về chúng mới khiến cho anh nhiễu loạn. Và việc xóa bỏ đánh giá đó ngay bây giờ nằm trong khả năng của anh.”

– Marcus Aurelius

“Luôn tin tưởng vào cảm xúc của bạn” nghe thật dễ thương nhưng bạn sẽ không khuyên câu ấy với một người mắc chứng ám ảnh, vấn đề tích trữ, hay—Chúa cấm đấy—thôi thúc giết người, đúng không? Không. Các bạn thanh thiếu niên và những chú chó Golden Retrievers rất xuất sắc trong việc chạy theo cảm xúc của chúng, nhưng cả hai đều không thường xuyên được tư vấn về kỹ năng ra quyết định.

Cảm xúc không phải là hiện thân của sự thật. Chúng phụ thuộc vào ý nghĩ. Nếu tôi nghĩ rằng bạn đang chỉa súng vào tôi, tôi cảm thấy sợ hãi. Nếu tôi nhận ra nó chỉ là một khẩu súng nước thì tôi không còn run sợ nữa. Ý nghĩ quyết định cảm xúc. Và điều này có một hệ quả rất mạnh mẽ—nếu bạn thay đổi những ý nghĩ của mình thì bạn có thể thay đổi cảm xúc của mình.

Bộ não của bạn là một cỗ máy nhận dạng mẫu. Nó quan sát và bắt đầu hình thành nên các quy tắc về thế giới. Nó rất giỏi trò này. Bạn có lẽ đã ngừng cố gắng dịch chuyển đồ vật bằng  ngoại cảm kể từ khi một vài thí nghiệm ở trường tiểu học thất bại. Nếu bây giờ mà bạn nghĩ đến chuyện làm con mèo bay lên không trung thì bộ não của bạn sẽ độp ngay, “Chuyện này sẽ thất bại.” Bùm—một “ý nghĩ tự động.”

Vấn đề là, thi thoảng bộ não bạn mắc sai lầm khi nó hình thành các quy tắc của nó. Giống như lần bạn bị biến thành trò hề ở trường tiểu học trong “Show and Tell” và bài học của nó là, “Nói chuyện trước đám đông thật kinh khủng và  từ đó trở đi lúc nào cũng sẽ như thế.”

Yeah, những ý nghĩ tự động đó thường tiêu cực. Sẽ thật tuyệt khi có những ý nghĩ nói rằng trông bạn thật quyến rũ, nhưng thay vì vậy chúng thường tập trung vào việc né tránh sự khó chịu. Và đôi khi bộ não của bạn giống như một vị phụ huynh bảo vệ thái quá và đưa ra những quy tắc quá chung chung.

Nó có thể quan sát “Lần trước khi chúng ta đi ra ngoài, trời rất lạnh.” Có một số bài học mà bộ não của bạn có thể học được từ chuyện này. Ví dụ:

  • BÀI HỌC HAY: “Tôi nên mặc áo khoác trước khi ra ngoài.”
  • BÀI HỌC XẤU: “Tôi không bao giờ nên ra khỏi nhà vì bất cứ lý do gì.”

Trí tuệ cũ đi quá xa và “Cẩn tắc vô ưu” trở thành “an toàn là trên hết.” Những quy tắc đó đưa đến rất nhiều ý nghĩ tự động kéo theo một bãi rác những cảm xúc kinh khủng.

Các quy tắc có vấn đề phổ biến bao gồm:

  • “Để hạnh phúc, bất cứ việc gì tôi làm cũng phải thành công.”
  • “Nếu người thân (người yêu, cha mẹ, con cái) không yêu tôi thì tôi là người vô giá trị.”
  • “Để hạnh phúc, tôi phải được tất cả mọi người chấp nhận mọi lúc mọi nơi.”

Và chúng ta trở nên quá quen thuộc với các quy tắc và ý nghĩ tự động này đến nỗi ta thậm chí chẳng còn để ý đến chúng nữa. Chúng ta chỉ đơn giản thở dài mà nói, “Tôi chỉ biết là chuyện này sẽ không hiệu quả với tôi.”

Vậy chúng ta phải làm gì? Vâng, hãy lắng nghe…

Không phải nghe tôi. Mà là bản thân bạn. Bắt đầu để ý đến những ý nghĩ tự động đó trước khi bạn để cho chúng dẫn dắt cảm xúc của mình.

Đó là bước đầu tiên của chúng ta…

Lắng nghe

Lần tới khi bạn phản ứng lại điều gì đó bằng một mức độ buồn bã, lo lắng hoặc sợ hãi không phù hợp—hãy đóng băng. Dừng lại. Tua lại cuộn băng của những gì vừa xảy ra trong đầu bạn và hỏi bản thân:   

Những ý nghĩ tự động nào dẫn đến những cảm xúc ấy? Chúng đang ủng hộ những quy tắc không lời nào?

Vì chúng ta sẽ không mù quáng để chúng làm chủ cuộc chơi nữa. Chúng sẽ phải bào chữa trước tòa. Và tất cả bắt đầu bằng một câu hỏi rất đơn giản:

“Điều này đúng đến đâu?”

Đã đến lúc vào vai công tố viên. Nếu chúng ta sắp để cho ý nghĩ này quyết định hạnh phúc đời mình, tốt hơn là nó cần có nhiều bằng chứng để đứng trước tòa án:

  • Ý nghĩ tự động: “Chẳng có ai ưa tôi.”
  • Ý nghĩ có cân nhắc: “Thật không? Thưa quý vị trong bồi thẩm đoàn, ý tôi là một cuộc khảo sát với tất cả 7 tỷ người trên hành tinh này cần được thực hiện để chứng minh cho câu tuyên bố như vậy. Một cuộc khảo sát như vậy đã được thực hiện chưa? Không? Khi ấy tôi đề nghị không được xem nó như bằng chứng trong phiên tòa này.”

Aaron Beck nói về việc phân biệt giữa “Tôi tin” (một ý kiến thì tùy thuộc vào sự xác thực) và “Tôi biết” (một sự thật không thể chối cãi). Nếu chúng ta có thể chỉ ra những ý nghĩ đó là sai thì khẩu súng đáng sợ sẽ biến thành một khẩu súng nước vô hại—và nỗi sợ hãi tan biến.

Theo cuốn sách Cognitive Therapy and the Emotional Disorders:

Nhà trị liệu nhận thức dụ bệnh nhân áp dụng những kỹ thuật giải quyết vấn đề tương tự mà ông ta từng dùng trong suốt cuộc đời ông ta để chỉnh sửa lối suy nghĩ sai lầm của mình. Các vấn đề của anh ta bắt nguồn từ sự bóp méo thực tế dựa trên những giả thuyết và quan niệm sai. Những sự méo mó này bắt nguồn từ thiếu sót học tập trong quá trình phát triển của anh ta. Công thức điều trị có thể được phát biểu một cách đơn giản như sau: Nhà trị liệu giúp bệnh nhân nhận diện lối suy nghĩ sai lạc của anh ta và học những cách thực tế hơn để xây dựng trải nghiệm của mình.    

Những quy tắc và ý nghĩ tự động của bạn có thể mang đậm phong cách riêng nhưng chúng không hề là ngẫu nhiên. Trên thực tế, những lỗi chúng mắc phải thường rơi vào một số ít các loại sau.

Nếu chúng ta xác định được loại lỗi mà chúng mắc phải thì ta có thể áp dụng một thách thức cụ thể đối với nó sẽ bắt đầu đưa bạn đi trên con đường tái thiết lập sự việc— và cảm thấy hạnh phúc hơn…

Bao vây những nghi phạm thông thường

Hãy cùng xem xét 8 lỗi phổ biến nhất và tìm hiểu xem làm thế nào công tố viên của bạn có thể phá hủy chúng trước tòa.

1) Sàng lọc

Đây là khi bạn tập trung vào điều tiêu cực và lờ đi điều tích cực. Nếu bạn trúng thưởng một con Ferrari và phản ứng đầu tiên của bạn là, “Các khoản phí bảo hiểm sẽ giết mình mất”—thì đấy là Sàng Lọc.

Kế hoạch tấn công? Bạn cần thay đổi thay đổi sự chú ý của bạn sang những phương diện tốt đẹp của tình huống. Buộc bản thân liệt kê tất cả những điều tích cực. Bạn không chỉ “nghĩ những ý nghĩ hạnh phúc”—bạn đang cố gắng cân bằng cán cân và trở nên khách quan.

2) Suy nghĩ phân cực

Nhìn mọi thứ qua hai màu trắng và đen. Nếu bạn không hoàn hảo thì bạn là kẻ thất bại. Nếu họ không yêu bạn, thì họ ghét bạn. Nếu giành huy chương bạc trong Thế vận hội Olympics biến bạn thành “kẻ thua cuộc”, thì đấy là suy nghĩ phân cực.

Làm sao chúng ta giải quyết được điều này? Nhận ra rằng nhìn thế giới qua hai màu trắng và đen là không thực tế và không chính xác. Tôi ước cuộc sống đơn giản được như thế. Nó không phải vậy. Hàng đống sắc thái chất chồng ở khắp mọi nơi.

Vì vậy hãy điều chỉnh xu hướng này bằng cách khiến bản thân đánh giá theo tỷ lệ phần trăm: “80% chuyện này thật khủng khiếp nhưng 20% là khá tốt.”

3) Khái quát hóa quá mức

Đưa ra những kết luận rộng lớn dựa vào rất ít bằng chứng. Một lần chia tay đồng nghĩa với “sẽ chẳng có ai yêu tôi nữa.” Những từ cực đoan như “tất cả,” “không ai,” “mọi,” “không bao giờ,” “luôn luôn,” “tất cả mọi người,” và “tuyệt không” là một cảnh báo cho biết bạn đang khái quát hóa quá mức.

Điều này rất dễ giải quyết vì những câu khái quát hóa quá mức chứa những từ ở mức tuyệt đối như “tất cả” hoặc “không bao giờ” hiếm khi nào đứng vững trước sự soi xét logic. Hãy xem xét số lượng bằng chứng bạn đang có. Một trường hợp không thể tạo thành một xu hướng.

4) Đọc suy nghĩ

Đấy là khi bạn giả định rằng bạn biết người khác đang suy nghĩ hay cảm nhận điều gì: “Sarah đang cau mày nên rõ ràng là cô ta ghét tôi.

Xin thứ lỗi vì phải thông báo điều này cho bạn, Giáo sư X, nhưng bạn không phải là nhà ngoại cảm. Và bạn càng tin mình là nhà ngoại cảm, bạn sẽ càng gặp nhiều rắc rối trong cuộc đời này.

Làm cách nào đánh bại được lối suy nghĩ này? Từa tựa như Sàng lọc, bạn muốn tạo ra những lựa chọn thay thế. Có lý do nào khác có thể khiến Sarah cau mày chăng? Có thể cô ấy bị bệnh trĩ. Sarah không ghét bạn. Sarah đang có vấn đề ở mông.

Hoặc bạn có thể thử kỹ thuật vi diệu này: Chỉ cần mở lời hỏi tại sao Sarah lại cau mày.  

5) Thảm họa hóa

Bạn quên chìa khóa nhà? Bạn hẳn là mắc chứng Alzheimer rồi.

Khi bạn lúc nào cũng nhảy đến tình huống tồi tệ nhất có thể, thì ấy là thảm họa hóa. (Hoặc nó là một khối u.)

Bạn đánh bại Thảm họa hóa bằng cách trở thành một sòng cược. Đánh giá tỷ lệ cược. Nếu bạn phải đặt cược bằng tiền thật, liệu bạn sẽ đánh cược Phil không trả lời điện thoại vì anh ta là một kẻ ngu ngốc quên sạc điện thoại và máy hết pin, hay vì một trận bão sao băng thổi anh ta và toàn bộ phương Đông ra biển?

Theo thống kê, tôi sẽ phải chọn “Phil là một tên ngốc.”

6) Phóng đại

Tất cả ụ mối đều có thể trở thành một ngọn núi. Lỗi nhỏ? Không, đó là tỉ lệ bi kịch xảy ra trong kịch Shakespeare. Trở ngại nhỏ? Dĩ nhiên không; nó là một rào cản không thể vượt qua.

Kế hoạch tấn công ở đây là nhắc nhở bản thân về những trường hợp cụ thể mà bạn từng giải quyết được những tình huống còn tồi tệ hơn thế nhiều.

Điều đó không phải là quá sức và không thể chịu đựng được—nó là một dòng người xếp hàng dài ở cửa hàng tạp hóa, được chứ?

7) Cá nhân hóa

Đây là khi bạn giả định rằng tất cả những gì mọi người làm hay nói phần nào đó là một phản ứng tiêu cực đối với bạn. (Thật kỳ lạ làm sao mà bạn có thể mang lòng tự trọng thấp mà lại vô cùng ám ảnh với bản thân đến thế?)

Một lần nữa, bạn muốn tạo ra những lựa chọn thay thế. Nhưng khi làm điều này, bạn nên khắc ghi một điều hơi đau lòng nhưng dầu sao hoàn toàn đúng:

Hầu hết mọi chuyện không phải về bạn vì trong kế hoạch vĩ đại của mọi sự, bạn không quan trọng đến thế đâu.

Yeah, yeah, bạn quan trọng với gia đình và bạn bè—nhưng tôi dám cược ngay bây giờ rằng trong 50 năm nữa các trường tư sẽ được mở vào ngày sinh nhật của bạn.

Mọi thứ không xoay quanh bạn và chỉ cần một lúc bị hoang tưởng hoặc được nổi tiếng để bạn nhận ra rằng đây chắc hẳn là một điều tuyệt vời.

8) “Nên”

“Những cái nên, phải” là những quy tắc bạn đưa ra về cách mà người khác hay thế giới “đáng lẽ nên” hành xử. Mọi người nên lái xe giống như vầy, họ không nên ăn nói như thế kia, và lạy Chúa, thế giới này đang đi về đâu…? Vì bạn không phải Chúa, mọi người không tuân theo những cái nên, phải của bạn và kết quả là bạn hành xử với nỗi thất vọng không bao giờ dứt.

Và cũng có những cái nên mà chúng ta đeo vào người mình: Tôi lúc nào cũng nên là người giỏi nhất. Tôi lúc nào cũng phải là người bạn/người cha người mẹ/người bạn đời hoàn hảo. Tôi không bao giờ nên nổi giận hay cảm thấy tổn thương. Và hàng tỷ thứ khác mà không người phàm nào có thể sống theo được.

Kế hoạch tấn công? Đầu tiên, bạn không chịu trách nhiệm về vũ trụ, vì vậy dừng ngay cái kỳ vọng rằng sự tán thành của bạn sẽ có tác động lên hành vi của người khác. Người khác không làm bạn thất vọng; mà chính những kỳ vọng vô lý của bạn mới gây ra chuyện này.

Thứ hai, hãy nhớ rằng các giá trị mang tính cá nhân. Bạn cho rằng người ta “nên” đứng đầu trong tất cả mọi thứ. Nhưng có thể họ đề cao việc không rơi vào một tình huống căng thẳng. Những giá trị khác nhau, những hành vi khác nhau. Nhắc nhở bản thân rằng không phải ai cũng có những giá trị giống bạn.

Chúng ta vừa bao quát 8 lối suy nghĩ lớn. Tìm ra lối suy nghĩ nào gây nhiều đau khổ nhất cho bạn? Được rồi, đã đến lúc tái thiết lập bộ não của bạn.

Không, điều này sẽ không thay thế bộ não của bạn đâu, tôi hứa…

Tái thiết lập đang diễn ra  

Chúng ta biết cách làm lắng dịu những ý nghĩ tiêu cực, nhưng tự nhiên ghét khoảng trống (và phần lớn bọn thú cưng trong gia đình cũng vậy). Vì vậy chúng ta cần những ý nghĩ mới để thay thế cho những ý nghĩ có vấn đề. Làm sao đây?

Đầu tiên, hãy đi tìm những ý nghĩ tự động mà bạn thường có. Tiếp tục lắng nghe nó để bạn biết cách nhận diện được nó.

Và sau đó bạn sẽ phải bắt tận tay khi chú chó đang ị trên thảm. Đó là cách mà bạn huấn luyện con chó và cách bạn tái thiết lập bộ não của bạn. Bắt tận tay hành vi phạm lỗi của nó và để cho công tố viên của bạn diễn lại nguyên bộ phim Law and Order:

  • Bạn: “Phil đến trễ.”
  • Bộ não của bạn: “Mọi chuyện quá rõ rồi, Phil đã chết trong vụ tai nạn xe hơi. Điều tốt nhất nên làm bây giờ là hãy lo lắng thật nhiều. Tui sẽ khởi động Mô thức Kích động 847…”
  • Bạn: “Whoa, whoa, whoa. Điều đó nghe giống như thảm họa hóa mà tôi đọc được ở một trang blog cực kỳ xuất sắc. Mới 6 giờ sáng. Khả năng Phil chết vì tai nạn xe bây giờ khá thấp trong khi khả năng anh ấy ngủ quên thì rất cao.”
  • Bộ não của bạn: “Grrrr… Được rồi, được rồi. Mô thức Kích động 847 đã tắt.”

Mọi việc sẽ không diễn ra đơn giản như vậy vậy vào lúc đầu. Bộ não của bạn sẽ thử mọi mánh khóe. Nhưng điều quan trọng là đừng chấp nhận những phản ứng tự động của nó như nguyên tắc chỉ đạo. Đừng chống lại cảm xúc—hãy tranh luận logic và đưa ra bằng chứng chống lại ý nghĩ bên dưới.    

Và một khi bạn giành chiến thắng, hãy giữ ý nghĩ mới đó như một câu thần chú cho các trận chiến trước tòa trong tương lai. “Hiếm ai đến trễ vì họ gặp tai nạn tử vong. Họ đi muộn vì một việc gì đó vô thưởng vô phạt mà không đáng để tức giận.

Và khi ý nghĩ mới sáng ngời của bạn tỏ ra chính xác không biết bao nhiêu lần, bộ não của bạn sẽ dần dần áp dụng quy tắc này và giảm bớt cảm xúc tiêu cực gắn liền với quy tắc cũ.

Hãy liên tục chỉnh đốn chú chó và cuối cùng cái thảm nhà bạn sẽ không còn phân chó nữa.

Okay, quá trình tái thiết lập đã hoàn tất. Hãy tóm hết tất cả bọn chúng và vạch trần sai lầm lớn nhất mà con người mắc phải khi sử dụng các kỹ thuật này …

Tóm tắt

Đây là cách tái thiết lập bộ não của bạn để đạt được hạnh phúc:

  • Trị liệu nhận thức 101: Suy nghĩ quyết định cảm xúc. Thay đổi suy nghĩ của bạn và cảm xúc của bạn rồi sẽ đi theo.
  • Lắng nghe: Đừng cho phép những phản ứng của bạn “xảy ra một cách tùy tiện.” Chúng có thể đi theo hướng khác. Vậy thì tại sao chúng lại không làm? Bộ não của bạn đã nói điều gì khiến bạn chọn A thay vì chọn B? Quyết định của nó dựa trên “quy tắc” nào?
  • Bao vây những nghi phạm thông thường: Bạn đang mắc phải lỗi suy nghĩ nào? Chẩn đoán chính xác kéo theo một phương pháp chữa trị.
  • Tái thiết lập: Bạn phải bắt tận tay hành vi của con chó. Vâng, bộ não của bạn là một sinh vật đáng yêu, nhưng vô cùng thiếu tự chủ—nhưng chúng ta có thể sửa chữa cái phần sau đó.

Những suy nghĩ vô thức thật đáng thất vọng—nhưng đừng tức giận với chúng.

Bởi vì “chúng” là bạn. Nổi giận với những ý nghĩ sẽ chẳng giúp được gì cho bạn. Cả hai. Bạn và không phải-bạn cần sống hòa thuận với nhau. Chia sẻ một hộp sọ với một ai đó là điều thách thức, cho nên hãy dễ thương với tất cả mọi người ở đó và cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Bộ não của bạn không ghét bạn. Nó chỉ đang cố gắng giúp đỡ. Một lần nữa, nó giống như một vị phụ huynh quá lo lắng, muốn bảo vệ bạn khỏi đau khổ. Vì vậy thay vì tuyên chiến với những ý nghĩ trong đầu bạn, thật tốt biết mấy nếu đối xử với chúng như một vị phụ huynh độc đoán. Cảm ơn chúng vì những dữ liệu đầu vào. Rồi sau đó nhẹ nhàng trải qua quá trình tái thiết lập.

Bạn sống phần lớn cuộc đời mình bên trong đầu óc bạn. Hãy đảm bảo rằng đó là một nơi dễ thương để sống.  

 

Nguồn: https://www.bakadesuyo.com/2019/08/rewire-your-brain/

menu
menu