Điều Chúa sẽ làm?
Trong truyền thống Kitô giáo, người ta thường được khuyến khích tự hỏi, đặc biệt là vào những thời khắc khó khăn: "Nếu Chúa Giê-su ở đây, Ngài sẽ làm gì?"
Bài tập tinh thần đặc biệt này dựa trên một hiện tượng tâm lý dễ nhận thấy. Một khi chúng ta đã đọc hoặc hiểu đủ về một ai đó, không quá khó để hình dung họ có thể nói hay làm gì trong một tình huống cụ thể. Dù không phải là những nhà thông thạo Phúc Âm, chúng ta vẫn có thể cảm nhận khá rõ đâu là hành động đầy yêu thương, dịu dàng, bao dung – những điều mà Chúa Giê-su sẽ thực hiện. Nhưng đáng tiếc, ý tưởng này thường không xuất hiện trong tâm trí ta, bởi ta không được tập luyện để ý thức mô phỏng theo ai đó. Vì vậy, ta mặc định rằng mình không có lựa chọn nào tốt hơn ngoài những phản ứng đầu tiên, vốn thường bộc phát, ích kỷ và bị chi phối bởi cái tôi.
Antonello da Messina, Christ Blessing, 1465
Điều đáng buồn là việc không ý thức học theo ai đó không có nghĩa là ta không mô phỏng ai cả. Thực tế, cách chúng ta nói chuyện với bản thân và với người khác hằng ngày vẫn âm thầm bắt nguồn từ cách những người quanh ta từng nói năng khi ta lớn lên. Đáng tiếc thay, những người đó hiếm khi là tấm gương mẫu mực về sự trưởng thành hay điềm đạm. Mà không hay biết, ta mang theo những cơn giận dữ và sự kịch tính của họ vào hiện tại – một hiện tại thường không đáng phải chịu đựng điều đó.
Bài tập tinh thần trong Kitô giáo hoàn toàn có thể được biến đổi cho một mục đích đời thường, thế tục. Chúng ta có thể – trong những khoảnh khắc nhỏ bé hay lớn lao – tự rèn luyện bản thân để hỏi: “Nếu là một người tử tế, điềm tĩnh, trưởng thành, họ sẽ nói hay làm gì lúc này?” Hình mẫu ấy luôn hiện diện trong tâm trí ta, nhưng thường thiếu sự khuyến khích và một “sân khấu” để lên tiếng. Khi ta sắp nổi nóng, họ có thể mỉm cười nhẹ nhàng và nhắc nhở: “Không phải lúc này.” Khi ta sắp đưa ra một lời buộc tội thiếu công bằng, họ có thể khuyên ta nên tạm ngừng lại, bước ra ngoài đi dạo một vòng.
Chúng ta không chịu trách nhiệm về cách mà người khác từng nói chuyện với mình trong quá khứ. Nhưng từ giờ trở đi, ta có thể nỗ lực điều chỉnh và làm mới giọng nói mà bản thân lựa chọn lắng nghe, để khi sắp rơi vào những cảm xúc khó chịu hay bực bội, ta có thể tự hỏi: “Một người ít tổn thương và ít kích động hơn tôi sẽ làm gì lúc này?”
Người trưởng thành mạnh mẽ và sáng suốt mà ta cần tìm đến thực ra đã luôn ở bên trong ta. Việc còn lại chỉ là khơi dậy tiếng nói ấy và lắng nghe thật chăm chú khi nó lên tiếng.
Nguồn: WHAT WOULD JESUS DO? - The School Of Life