Điều gì thực sự đáng để chờ đợi?

dieu-gi-thuc-su-dang-de-cho-doi

Chúng ta thường kỳ vọng mọi thứ sẽ xảy ra ngay lập tức hoặc phải đợi chờ tới ngàn thu.

Hãy nhìn vào hiện thực rằng: Xã hội này luôn dành những phần thưởng cho sự kiên trì. Chúng ta khuyên những người trẻ đang quay cuồng trong nỗi lo âu hãy nhẫn nại. Chúng ta không tán thành với những người đi tắt quy trình và dành phần thưởng cho những người “tiếp tục kiên trì cố gắng để đạt được điều đó” — bất kể “điều đó” có là gì đi chăng nữa. 

Nhưng liệu có phải mọi sự chờ đợi đều xứng đáng?

Giả sử bạn đang hơi vội và vừa mới gọi xe bằng ứng dụng chia sẻ chuyến đi. Ứng dụng cho bạn biết tài xế ở cách đó bao xa và mất bao lâu để họ tới được chỗ bạn (ví dụ: trong vòng 10 phút). Thời gian trôi qua, đồng hồ đếm ngược và người tài xế đang đến gần. Việc chờ đợi có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, nhưng nó không phải là điều vô lý. Xét cho cùng thì, nếu bạn không sẵn sàng đợi trong 10 phút ấy, tại sao bạn lại chấp nhận chuyến đi này?

Nhưng bây giờ hãy tưởng tượng một kịch bản hơi khác một chút, cũng có thể là quen thuộc: Bạn chấp nhận chuyến đi và ứng dụng cho bạn biết rằng tài xế sẽ đến đó sau 10 phút nữa. Nhưng khi nhìn vào bản đồ, bạn sẽ thấy ảnh đại diện của người lái xe bắt đầu quay theo vòng tròn. Sau đó, nó dường như đang đi sai hướng. Sau đó, có vẻ như nó bị dừng lại. Thời gian ước tính vẫn là 10 phút, mặc dù bạn biết rằng thực tế đã vài phút trôi qua.

Bây giờ bạn sẽ làm gì? Nhiều người trong trường hợp này sẽ từ bỏ việc chờ đợi. Họ sẽ hủy chuyến đi và thử một ứng dụng khác hoặc một phương thức di chuyển khác. Điều đó có bất hợp lý hay không? Có phải những người bỏ cuộc đó thiếu đi sự kỷ luật không? Tôi nghĩ hầu hết chúng ta sẽ nói rằng họ làm thế là đúng.

Những Kỳ Vọng Của Chúng Ta 

Điều mà thí nghiệm tưởng tượng ở trên chứng minh là việc kiên trì để nhận được sự đền đáp nào đó có xứng đáng hay không tùy thuộc vào kỳ vọng về việc bạn sẽ phải chờ đợi trong bao lâu. Trong tình huống đầu tiên, bạn thấy chiếc xe đang ngày càng tới gần, vì vậy bạn mong đợi rằng thời gian chờ còn lại sẽ giảm đi. Tuy nhiên, trong giả định thứ hai, không có sự chắc chắn về thời điểm chiếc xe sẽ đến vào lúc nào.

Trong những trường hợp này, mọi người thường có thiên hướng có những kỳ vọng “suy yếu”. Về cơ bản, điều này có nghĩa họ nghĩ tới những tình huống cực đoan hơn có thể xảy ra: Chắc chắn, có khả năng chiếc xe sẽ đến ngay lập tức, nhưng cũng có khả năng cao là chiếc xe sẽ không xuất hiện sau một khoảng thời gian phải đợi chờ rất dài. 

Một ví dụ khác về việc mọi người có những kỳ vọng “suy yếu” là khi họ phải chờ đợi kết nối đường dây điện thoại với dịch vụ chăm sóc khách hàng. Trong trường hợp không có dấu hiệu rõ ràng về thời điểm bạn sẽ nhận được tín hiệu có thể nói chuyện được với ai đó, bạn có thể sẽ cúp máy chỉ sau một khoảng thời gian ngắn ngủi đợi chờ, bởi nếu họ không kết nối với bạn ngay lập tức, thì có thể đã từ rất lâu họ không liên lạc với bạn.

Thì ra, khi mọi người có những kỳ vọng “suy yếu” về việc họ sẽ phải đợi trong bao lâu, thì việc họ ngừng mong chờ chỉ sau một khoảng thời gian ngắn là thực sự khôn ngoan. Tại sao vậy? Điều này được Joseph McGuire và Joseph Kable giải thích chi tiết trong một bài báo năm 2013, nhưng về cơ bản, việc chờ đợi sẽ đi kèm với chi phí cơ hội. Khi bạn đang chờ đợi chiếc xe có thể đã không đến trong một khoảng thời gian dài, thì chính bạn đã bỏ lỡ cơ hội được sử dụng những phương tiện giao thông khác. Khi bạn cứ chờ đợi kết nối với người ở bên kia đầu dây điện thoại, chính bạn lại đang bỏ lỡ cơ hội làm những việc khác. Vì vậy, mặc dù “bỏ cuộc” bị mang tiếng xấu, nhưng những người hiểu rõ nhất trong chúng ta đều biết các tình huống nào cần phải từ bỏ.

Image: Peeradon payakpan/Shutterstock

Nghiên Cứu Mới 

Trong một nghiên cứu mà tôi thực hiện với Kable và các cộng sự khác, những người tham gia đã thực hiện một nhiệm vụ trên máy tính, trong đó họ phải thu thập các mã token ảo mà sau đó đã được chuyển đổi thành tiền thật. Họ có 10 phút để thu thập càng nhiều mã token báo càng tốt, nhưng họ chỉ có thể thu thập từng mã token một và mỗi mã token phải mất một thời gian mới xuất hiện. Những người tham gia không biết mỗi mã này sẽ mất bao lâu để xuất hiện. Đối với một số mã token, người tham gia có thể chỉ phải đợi hai giây, nhưng đối với một số mã token, họ có thể phải đợi 40 giây. Tuy nhiên, các đối tượng của chúng tôi có tùy chọn được từ bỏ chờ đợi bất cứ mã token nhất định nào vào bất kể thời điểm nào mà họ muốn. Sau đó, họ có thể chuyển sang một lượt mới với khoảng thời gian phải chờ đợi sẽ được rút ngắn hơn.​

Mục tiêu của chúng tôi trong nghiên cứu này là để xem liệu, trong những điều kiện không chắc chắn về thời điểm khi nào kết quả sẽ thành hiện thực, kỳ vọng của mọi người có trở nên “suy yếu” hay không?

Để thu được những dấu hiệu khách quan của sự kỳ vọng, chúng tôi đã thực hiện đo độ giãn đồng tử của người tham gia. Vì đồng tử của mọi người giãn ra khi họ ngạc nhiên nên chúng tôi có thể đo lường mức độ ngạc nhiên của người tham gia đối với việc nhận được mã token khi chúng xuất hiện. Hóa ra, khi ai đó đã chờ đợi phần thưởng càng lâu thì họ lại càng trở nên ngạc nhiên khi cuối cùng nó cũng xuất hiện.

Điều này nghe có vẻ kỳ quặc. Xét cho cùng thì, bạn biết mã thông báo sẽ đến vào một lúc nào đó, vì vậy càng chờ đợi lâu, có phải bạn sẽ càng bớt ngạc nhiên hơn khi nó xuất hiện không? Nhưng kết quả này – cảm giác bất ngờ hơn sau một khoảng thời gian phải chờ đợi lâu hơn – hoàn toàn nhất quán với kỳ vọng bị “suy yếu” của những người tham gia. Về cơ bản, họ đều rất ngạc nhiên khi những mã token đó cuối cùng cũng xuất hiện, bởi họ đã bắt đầu suy nghĩ rằng: “Chà, có lẽ sẽ phải chờ tới ngàn thu mất".

Điểm mấu chốt rút ra được từ nghiên cứu của chúng tôi là, khi mọi người không biết họ sẽ phải chờ đợi một điều gì đó trong bao lâu, họ thường có xu hướng nghĩ tới những điều cực đoan: Hoặc điều này sẽ xảy ra ngay lập tức, hoặc họ sẽ phải đợi chờ tới ngàn thu, và không đáng để mong đợi. Và khi chúng ta có những kỳ vọng như thế, việc ngừng chờ đợi sau một khoảng thời gian ngắn ngủi thực sự là điều hợp lý để không lãng phí quá nhiều thời gian.

Nói cách khác, kiên nhẫn không phải lúc nào cũng là một đức tính tốt, bởi có một số việc chỉ đơn giản là không đáng để chờ đợi.

Dịch giả: Hương Thu - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ

Link bài gốc: What's Really Worth Waiting For?

menu
menu