Độc thân là phúc hay họa? Làm đàn ông độc thân khó hơn hay phụ nữ độc thân khó hơn?

doc-than-la-phuc-hay-hoa-lam-dan-ong-doc-than-kho-hon-hay-phu-nu-doc-than-kho-hon

Đàn ông độc thân thì bị gán mác “chưa trưởng thành”, còn phụ nữ độc thân lại phải chịu sự thờ ơ và thiếu tôn trọng.

NHỮNG Ý CHÍNH

  • Trong lịch sử, các khác biệt về giới tính giữa người sống độc thân và người kết hôn bắt nguồn từ vai trò được quy định trong những cuộc hôn nhân truyền thống. 
  • Các nhà tuyển dụng thích phỏng vấn đàn ông đã kết hôn hơn đàn ông độc thân và thậm chí còn muốn trả lương cao hơn cho những người đàn ông có vợ. 
  • Nhiều bất công mà ta thường cho là “phân biệt giới tính” thật ra lại bắt nguồn sâu xa từ sự “phân biệt người độc thân.”

Vậy đàn ông và phụ nữ có bị ảnh hưởng bởi “sự phân biệt người độc thân” theo cách khác nhau không? Trong bài viết này, Craig Wynne và Joan DelFattore chia sẻ góc nhìn về cách mà định kiến và thiên kiến đối với người độc thân có sự khác biệt đối với phụ nữ và nam giới. Joan phân tích rằng phụ nữ thường bị đánh giá thấp vì độc thân, trong khi Craig chỉ ra những định kiến, kỳ thị và bất lợi mà đàn ông độc thân phải đối mặt, thậm chí còn hơn cả phụ nữ.

Khi "Phụ Nữ" Có Nghĩa Là "Vợ" Và "Mẹ"

Joan DelFattore

Ngày xưa, việc sống độc thân với mỗi giới mang ý nghĩa khác nhau, gắn liền với vai trò mà đàn ông và phụ nữ phải đảm nhận trong các cuộc hôn nhân truyền thống. Đàn ông, với trách nhiệm chính là kiếm tiền, có cơ hội được đào tạo chuyên nghiệp, đi đây đi đó, và hưởng các quyền tín dụng tài chính. Dù họ có lập gia đình hay không, những cơ hội đó vẫn mở ra trước mắt, và họ cũng dễ dàng tìm nơi ở riêng cho mình.

Ngược lại, phụ nữ dường như sinh ra để được một người đàn ông chọn làm người nội trợ, làm mẹ của con anh ấy. Mục tiêu đó quyết định cách họ ăn mặc, nói năng, cư xử, những kỹ năng mà họ được phép hoặc không được phép học, thậm chí cả việc họ được ra ngoài trong những điều kiện nào. Những giới hạn này, có chủ đích rõ ràng, đã khiến phụ nữ độc thân không thể sống tự lập.

Đến giữa thế kỷ 20, nhiều rào cản pháp lý và thể chế dành cho phụ nữ đã được dỡ bỏ, dù áp lực xã hội vẫn còn. Ở nhiều nơi, phụ nữ đã có thể học nghề, tự đi du lịch, làm việc bên ngoài, và sống một mình mà không cần giám sát. Nhưng Joan, một trong các tác giả bài viết này, đã ra trường trước khi phụ nữ độc thân ở Mỹ có quyền sử dụng biện pháp tránh thai hợp pháp (năm 1972), và quyền sở hữu thẻ tín dụng, thế chấp hay vay vốn kinh doanh (năm 1974) – những điều mà đàn ông độc thân từ lâu đã được hưởng. Joan còn nhớ rõ những mẩu quảng cáo tuyển dụng công khai niêm yết mức lương kép cho cùng một công việc: lương cao hơn cho nam giới (được cho là phải nuôi gia đình) và lương thấp hơn cho phụ nữ (vì vị trí “đúng đắn” của họ là được chu cấp). Khoảng cách lương ấy, ảnh hưởng lớn đến khả năng sống độc lập, vẫn chưa được giải quyết cho đến nay.

image: New Africa/Shutterstock

Vòng Xoáy "Nữ Công Gia Chánh" Khiến Phụ Nữ Luôn Gắn Với "Gia Đình"

Khi các nhà lập pháp xây dựng chính sách theo mô hình gia đình truyền thống thay vì coi trọng từng cá nhân, phụ nữ càng bị trói chặt vào những kỳ vọng của “nữ công gia chánh.” Đơn cử như lúc đầu Quốc hội Mỹ định gọi dự luật ứng phó đại dịch là "Đạo luật Phản ứng với COVID-19," nhưng đến lúc ra mắt thì lại đổi thành "Đạo luật Phản ứng Với COVID-19 Ưu Tiên Gia Đình," mặc dù nội dung của nó chẳng liên quan gì đến tình trạng gia đình. Cũng vậy, các ứng cử viên chính trị, dù là nam hay nữ, thường hùng hồn phát biểu về những vấn đề liên quan đến các bà vợ và bà mẹ mà dường như bỏ quên mất sự hiện diện của những phụ nữ không thuộc hai danh phận này.

Bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy phụ nữ vẫn bị đánh giá qua hôn nhân là cách dùng danh xưng "bà" và "cô." Mãi đến năm 1986, tờ New York Times mới chấp nhận cách gọi trung lập "Ms." – và khi đó cũng chỉ áp dụng nếu không rõ tình trạng hôn nhân của phụ nữ, hoặc nếu chính cô ấy yêu cầu được gọi là "Ms." Ngay cả ngày nay, trong nhóm Facebook “Cộng Đồng Người Độc Thân,” nhiều phụ nữ vẫn phản ánh rằng người khác không mấy sẵn lòng gọi họ là “Ms.” (hoặc Tiến sĩ, Giáo sư). Có lẽ, những người không chịu thay đổi ấy nghĩ rằng gọi phụ nữ như thể đã có chồng là một lời khen. Trái lại, việc dùng "Mr." cho nam giới trưởng thành diễn ra tự nhiên như một lẽ hiển nhiên.

Sự khó khăn trong việc gán danh xưng trung lập cho phụ nữ cho thấy kỳ vọng giới vẫn còn bám rễ sâu. Không phủ nhận rằng sống độc thân ngày nay dễ thở hơn cách đây 50 năm, nhưng do bình đẳng cho phụ nữ còn mới mẻ và chưa hoàn thiện, bóng dáng của những vai trò “truyền thống” vẫn luôn phủ lên phụ nữ – những người dám đòi quyền tự chủ và quyền lựa chọn rộng rãi mà trước đây chỉ dành cho đàn ông.

Khi “Đàn Ông Độc Thân” Nghĩa Là “Con Trai Cưng Của Mẹ,” “Bừa Bộn” Hoặc “Đào Hoa”

Craig Wynne

Như Joan đã chia sẻ, việc sống độc thân với phụ nữ thật chẳng dễ dàng, và phần lớn các sách về “quyền tự do độc thân” đều tập trung vào phụ nữ. Điều này dễ hiểu thôi, vì thường thì phụ nữ phải hy sinh mong muốn cá nhân để ưu tiên cho người đàn ông bên cạnh. Thế nhưng, đàn ông cũng phải chịu sự kỳ thị độc thân, theo một cách rất riêng.

Trong cuốn sách của mình, Làm Sao Để Hạnh Phúc Khi Độc Thân, tôi có viết về sự gắn kết giữa kỳ thị độc thân và nam tính độc hại. Nghiên cứu chỉ ra rằng thứ “nam tính độc hại” này thực sự gây hại cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của đàn ông. Đàn ông dị tính bị xem là “kém nam tính” nếu không có bóng dáng một người phụ nữ bên cạnh. Nếu họ chưa kết hôn, người ta lại nghĩ chắc họ chỉ đi kiếm vui qua đường, còn nếu không thì liền bị xem là “không đủ đàn ông”—mà điều này tuyệt nhiên không phải là một lời khen.

Những định kiến và hình mẫu về đàn ông độc thân đầy rẫy. Như Joan đã đề cập, phụ nữ thường được kỳ vọng là người giữ gìn nhà cửa, chu toàn mọi việc trong gia đình. Ngược lại, đàn ông độc thân bị cho là “con trai cưng của mẹ,” cẩu thả, bừa bãi và vô phương tự lo liệu trong các việc nhà. Các hình ảnh trên truyền thông thường vẽ ra một gã độc thân với hộp bánh pizza bỏ trống, chồng bát đĩa bẩn chất đầy bồn rửa như thể đó là “phong cách sống của dân độc thân.”

Một định kiến khác là hình mẫu “tay chơi” đào hoa. Khi một người đàn ông không ở trong mối quan hệ một vợ một chồng, người ta thường mặc định là anh ta “ra ngoài săn đón,” dạo quanh các câu lạc bộ và hẹn hò với càng nhiều phụ nữ càng tốt. Nhiều người đàn ông độc thân trở thành niềm mơ ước của bạn bè đã lập gia đình, những người thích sống gián tiếp qua những ông bạn độc thân—những người mà họ nghĩ là “tình trường bội thu.” Ngược lại, trong một số hội nhóm, đàn ông lại bị gắn mác “đồng tính” hoặc “ẻo lả” nếu họ không tham gia vào các hoạt động này.

Buồn hơn nữa là những định kiến này lại len lỏi vào cả môi trường làm việc.

Ví dụ, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nhà tuyển dụng thích phỏng vấn đàn ông đã lập gia đình hơn đàn ông độc thân và sẵn sàng trả lương cao hơn cho những người có gia đình, mặc dù ứng viên độc thân và có gia đình hoàn toàn giống nhau về trình độ lẫn kinh nghiệm. Tôi chưa thấy nghiên cứu nào cho thấy điều này xảy ra với phụ nữ – rằng phụ nữ có gia đình được ưu tiên phỏng vấn và trả lương cao hơn phụ nữ độc thân có cùng trình độ. Như Joan đã đề cập, nhìn chung phụ nữ, dù độc thân hay có gia đình, thường bị trả lương thấp hơn đàn ông. Nhưng khi so sánh giữa người độc thân và người có gia đình, thì đàn ông độc thân lại là nhóm chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Dù phụ nữ độc thân chịu không ít định kiến, họ vẫn sống dễ chịu hơn đàn ông khi phải sống một mình. Một lý do có thể là phụ nữ thường dễ dàng xây dựng các mối quan hệ xã hội hơn đàn ông. Đàn ông khi kết hôn thường trông cậy vào vợ mình cho nhu cầu xã hội; khi hôn nhân tan vỡ, họ thường không biết cách đáp ứng những nhu cầu này cho bản thân. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người chọn cuộc sống độc thân và sống một mình, và ngay cả những người có kết hôn cũng làm điều đó muộn hơn, đàn ông có lẽ sẽ hưởng lợi từ xu hướng này. Trong những năm tháng độc thân, họ sẽ học được cách tự xoay xở những điều mà trước đây chỉ biết dựa vào vợ.

Dù bạn đánh dấu giới tính nào trên các biểu mẫu, thì những định kiến về người độc thân, sự tôn sùng hôn nhân và phân biệt dựa trên tình trạng hôn nhân đều có ảnh hưởng đến những ai nhận diện mình là người độc thân. Khi tỷ lệ kết hôn ngày càng giảm và càng nhiều người tìm thấy những cách sống khác cũng viên mãn không kém, bao gồm cả cuộc sống độc thân, việc hiểu và giải quyết những vấn đề này sẽ càng trở nên quan trọng.

Lời Kết

Joan DelFattore và Craig Wynne

Trước tiên, bài viết này không nhằm khơi lên cuộc tranh cãi về việc ai khổ hơn vì kỳ thị độc thân: đàn ông hay phụ nữ. Đây không phải là một cuộc thi, cũng chẳng phải cuộc đấu tranh giải. Chúng tôi không muốn tham gia “Olympic Đàn Áp.” Mục tiêu đơn giản là mở ra một cuộc đối thoại về tác động của các kỳ vọng giới truyền thống lên trải nghiệm của người sống độc thân.

Vì dung lượng có hạn - cũng như giới hạn trong chuyên môn của chúng tôi - bài viết này chỉ tập trung vào các khía cạnh chính trong xã hội Mỹ, những điều có thể hoặc không thể áp dụng cho các nền văn hóa khác hoặc các nhóm bị thiệt thòi về mặt lịch sử trong nước Mỹ. Khi nghiên cứu về người độc thân còn đang phát triển, nhiều góc nhìn đa dạng hơn xứng đáng được khám phá và tìm hiểu về tác động của kỳ vọng giới lên cuộc sống độc thân.

Khi xem xét mối liên hệ giữa giới tính và tình trạng hôn nhân, bài viết chỉ ra rằng nhiều bất công thường được nhận diện là “phân biệt giới tính” thực chất cũng ăn sâu vào kỳ thị người độc thân. Quả thật, nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực giới tính lâu đời cũng có thể đặt dưới tiêu đề “nghiên cứu về người độc thân,” vì chúng nhắm tới các bất công mà gốc rễ không phải chỉ do giới tính hay tình trạng hôn nhân, mà là sự giao thoa của cả hai. Ta không thể thực sự tìm kiếm bình đẳng giới nếu không giải quyết sự gắn bó quá sâu sắc của phụ nữ với hôn nhân và công việc gia đình. Ngược lại, ta cũng không thể giải quyết toàn diện các bất công xã hội, tài chính và chính trị đối với người độc thân nếu không công nhận tác động của định kiến giới lên cả đàn ông lẫn phụ nữ. Đây không thể là một hoặc hai, mà phải là cả hai.

Về Tác Giả

Craig Wynne là giáo sư ngành Tiếng Anh tại Đại học Khu vực Thủ đô Washington (UDC). Ông đã viết nhiều bài về cuộc sống độc thân trên Psychology Today, Spark: a 4C4 Equality Journal, Revista Feminismos, Dialogue, và Writer's Digest, và cũng xuất bản cuốn sách Làm Sao Để Hạnh Phúc Khi Độc Thân.

Joan DelFattore là giáo sư danh dự tại Đại học Delaware. Các bài viết của bà về cuộc sống độc thân trong xã hội hướng tới gia đình đôi lứa đã xuất hiện trên Psychology Today, New England Journal of Medicine, Washington Post, Philadelphia Inquirer, và nhiều nơi khác.

Nguồn: Is It Harder to Be a Single Man or a Single Woman?

menu
menu