Dọn dẹp những rác rưởi trong tâm trí

don-dep-nhung-rac-ruoi-trong-tam-tri

Tâm trí không phải đồ vật - mà đó là một quá trình, quá trình liên tục hình thành những suy nghĩ. Luồng suy nghĩ này là cái mà ta gọi là Tâm trí.

Rất nhiều người quan tâm đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường, bạo lực, và đói nghèo. Chúng ta muốn giúp đỡ, nhưng nhiều khi lại cảm thấy mình vô năng trước những xu thế này. Tuy nhiên, có một quy luật vạn vật mà bạn cần suy xét trước khi cố gắng giúp đỡ: Bạn nên dọn dẹp những rác rưởi trong tâm trí của chính bạn. Nơi sản xuất rác rưởi lớn nhất trên đời chính là Tâm trí của mỗi người, vậy nên điều đầu tiên ta cần làm là dọn dẹp và nhận biết được chức năng của nó.

Để điều khiển một thứ gì đó, đầu tiên ta cần biết chính xác nó là gì, vậy nên ta phải biết Tâm trí của mình trước thì mới có thể điều khiển được nó. Điều quan trọng nhất ta cần biết là Tâm trí không tồn tại tách biệt, riêng lẻ như những món đồ vô tri vô giác.

Tâm trí không phải đồ vật - mà đó là một quá trình, quá trình liên tục hình thành những suy nghĩ. Luồng suy nghĩ này là cái mà ta gọi là Tâm trí. Khi những suy nghĩ này biến mất, Tâm trí cũng biến mất theo, vì cả hai chỉ có thể tồn tại cùng nhau. Bản chất cơ bản nhất của suy nghĩ là chúng chuyển động không ngừng, và chuyển động này, gần như tự động, tạo nên Tâm trí.

Một đặc điểm của Tâm trí là nó luôn lang thang, dạo chơi khắp nơi, điều này giống như một chế độ tự động. Suy nghĩ luôn đến và đi. Nếu ta cố kìm nén thì cũng phải nỗ lực lắm mới làm được, mà nếu được thì cũng chỉ trong một thời gian ngắn. Trong phần lớn thời gian mà ta thức, Tâm trí luôn lang thang ở quá khứ hoặc tương lai. Trong suy nghĩ, ta gặp phải những trải nghiệm trong quá khứ, những lần ta bị xúc phạm trong quá khứ, hoặc những dự định, mục tiêu tương lai và những nỗi sợ.

Một đặc điểm khác của Tâm trí là nó luôn luôn nhận định mọi việc. Có nghĩa là ta không chỉ đơn giản là sống qua những sự kiện xảy ra, mà ta còn phân loại chúng là tốt hay xấu. Ta đánh giá mọi thứ xảy đến với ta và mọi người ta gặp trong cuộc sống. Việc phân loại lâu dài này có thể dễ dàng dẫn đến một nhận thức sai lệch về thế giới, vì ta nhận định những trải nghiệm mới dựa trên những phân loại này. Nếu ta cảm thấy một sự việc tiêu cực, ta sẽ giữ - và củng cố - phân loại ấy cho những sự việc tương tự trong tương lai. Nhận thức của chúng ta từ đó cũng trở nên khắt khe, và ta sẽ chỉ chấp nhận những kích thích củng cố cho hệ thống phân loại của mình, và thường mặc kệ những sự việc nằm ngoài những phân loại ta thường thấy.

Đặc điểm quan trọng thứ ba của Tâm trí là nó liên tục sản sinh ra những câu chuyện. Những câu chuyện này thường có kết cục thảm họa. Ví dụ, đột nhiên tôi cố nhớ xem liệu tôi đã khóa cửa nhà hay chưa. Tâm trí ngay lập tức thêu dệt nên một câu chuyện xung quanh ý nghĩ đó: tôi chưa khóa cửa, tên trộm đột nhập vào nhà, đồ vật quý giá của tôi bị trộm mất, và cảnh sát thay vì đuổi theo tên trộm thì bức bách tôi với những câu hỏi lấy lời khai. Thường thì ta sẽ bắt gặp những cái kết và hệ quả đầy cảm xúc của những câu chuyện này. Một kiểu chuyện khác có liên quan đến chúng ta, ta là ai, ta thế nào, ta nên làm gì hay đáng lẽ nên làm gì. Toàn bộ những câu chuyện này chứa đựng lịch sử cá nhân của mỗi người.



Trò chơi ngu ngốc

Đa số mọi người đều liên hệ suy nghĩ và lịch sử cá nhân của mình với Tâm trí của họ. Rất nhiều người không thỏa mãn với chính mình, và ta muốn có một lịch sử cá nhân tốt đẹp hơn. Đó là lý do ta tạo ra trong đầu một hình tượng (mental image) về sự phát triển mà ta mong muốn, và cách để khiến Tâm trí làm việc hiệu quả hơn.

Để đạt được hình tượng ấy ta đã tạo ra, và tham gia một trò chơi ngu ngốc, ta cố gắng kiểm soát Tâm trí của mình, và điều khiển sự phát triển của bản thân. Vì ta không biết bản chất của Tâm trí, hành động này ngay từ đầu đã định là sẽ thất bại.

Trò chơi này rất ngu ngốc, vì trên thực tế một nửa Tâm trí đang muốn điều khiển nửa kia. Tâm trí nhận thấy hình tượng phát triển của ta là tốt. Cùng lúc đó, phân nửa Tâm trí này lại nhận thấy nửa kia ta muốn thay đổi là xấu. Những hình tượng đấu đá lẫn nhau, cố gắng vượt trội đối phương, với vũ khí là nhận thức khắt khe và việc thêu dệt nên những câu chuyện. Cuộc vật lộn này kéo dài suốt cuộc đời ta. Đôi lúc ta tin rằng ta đang tiến triển, đang tiến bộ, và sau một vài tuần, vài tháng, hay vài năm, ta rơi vào hố sâu thất vọng.

Rất nhiều người trong chúng ta chơi trò chơi này trong suốt cuộc đời, vì ta không thể nhận ra sự thật đơn giản là Tâm trí không thể nào vượt trội chính bản thân nó. Ta có thể kìm nén những điều ở bản thân mà ta tin là xấu, với nỗ lực tột đỉnh. Tuy nhiên đó chỉ là một chiến thắng ảo, dẫn dắt ta đến một viễn cảnh yên bình ảo và sự tiến bộ ảo, vì khi khả năng của chúng ta giảm đi, những gì ta kìm nén như tức nước vỡ bờ, phá hủy tất cả những kết quả tạm thời mà ta đã tạo nên, rửa trôi những phát triển mà ta đạt được.

Khoan dung với Tâm trí

Giờ thì ta đã hiểu rằng không thể điều khiển Tâm trí bằng cách đè nén. Ta không thể điều khiển Tâm trí theo lẽ thường. Một phần là vì nó chỉ tồn tại trên chức năng và hoạt động, và một phần là vì không ai điều khiển nó cả. Một nửa Tâm trí, như ta đã thấy, không điều khiển, mà chỉ đè nén nửa kia.

Để có thể điều khiển Tâm trí, ta cần phải bước ra khỏi nó. Điều này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, vì ta thường đồng hóa bản thân với Tâm trí và cách thức hoạt động của nó. Nếu sự đồng hóa này vững chắc, ta sẽ không thể bước ra khỏi điệu nhảy điên cuồng của Tâm trí, ta sẽ phải chịu đựng những hệ quả.


                                               (Ảnh: Mọi thứ đều nằm trong đầu bạn)
                                                Shawn Coss

Tuy nhiên ngày nay, càng có nhiều người bắt đầu nhận ra rằng con người ta còn hơn cả Tâm trí, hơn cả những suy nghĩ và cảm xúc, và hơn cả lịch sử cá nhân mà những suy nghĩ, cảm xúc ấy dựng nên. Mối quan tâm của chúng ta không còn hoàn toàn lệ thuộc vào lịch sử cá nhân và đồng hóa với lịch sử cá nhân, và ta ngày càng trở nên nhạy cảm với những khía cạnh sâu hơn trong cuộc sống. Ta cũng bắt đầu nhận ra những vết nứt xen giữa những suy nghĩ, và ta bắt đầu hướng đến những cánh cửa vượt xa Tâm trí.

Trong những vết nứt xen giữa suy nghĩ, Tâm trí không hoạt động, Tâm trí không có ở đó - đơn giản là nó biến mất. Thứ còn lại là Ý thức đang cảnh giác quan sát. Nếu ta có thể nắm bắt được Ý thức cảnh giác đó, ta sẽ nhận ra sự cảnh giác ấy đang khoan dung với Tâm trí và những hoạt động của nó. Ta sẽ thấy những suy nghĩ không có gì sai cả, và những hoạt động của Tâm trí cũng không có gì sai cả. Ta không cần phải vật lộn với Tâm trí, vì đó không phải là một kẻ thù, mà là một công cụ sẽ hoạt động hỗn loạn nếu không được kiểm soát.

Ta chỉ có thể có cơ hội biết được bản chất thật của suy nghĩ và chức năng của Tâm trí nếu ta tách bản thân ra khỏi chúng, giữ khoảng cách, và không coi chúng là kẻ thù. Chúng sẽ tiết lộ bí mật của mình với Ý thức cảnh giác, quan sát những tác động, và ta sẽ nhìn thấy những sắc thái tiềm ẩn của Tâm trí, những trò chơi nó tham gia và những ước mơ nó khơi gợi.

Điều khiển Tâm trí

Thái độ quan sát cảnh giác, khoan dung đối với những chức năng của Tâm trí sẽ cho ta khả năng dừng những dòng suy nghĩ mà không tốn hơi sức. Một khi suy nghĩ bị chặn đứng, luồng suy nghĩ cũng dừng lại, Tâm trí cũng theo đó mà biến mất.

Giờ đây ta không xem danh tính (identity) là sự đồng hóa với Tâm trí nữa, vì ta đã tìm thấy một cái tâm mới, con người thật của chúng ta, chính là Ý thức quan sát cảnh giác. Ta sẽ nhận thức được suy nghĩ và Tâm trí không hề biến mất, chúng vẫn ở đó, chỉ là trong trạng thái im lìm. Ta suy nghĩ khi cần thiết, và ta không cần Tâm trí, nên ta bỏ nó qua một bên. Tâm trí không còn thống trị cuộc sống của chúng ta, nó không khác gì một công cụ ngoan ngoãn phục vụ theo ý thích của ta.


Đó là khi ta nhận ra Tâm trí là một công cụ tuyệt vời thế nào, và bây giờ ta có thể sử dụng nó theo mục đích ban đầu. Và mục đích của Tâm trí là một phương tiện gắn kết, để gắn kết ta với thế giới. Bằng Tâm trí cùng với Ý thức cảnh giác, năng lượng sáng tạo được giải phóng ra thế giới, và tạo nên một sự hòa hợp tuyệt vời.

Về tác giả:

Frank M. Wanderer Ph.D là giáo sư tâm lý học, nhà nghiên cứu về ý thức (consciousness). Frank là tác giả của các cuốn sách The Revolution of Consciousness: De-conditioning the Programmed Mind, Ego - Alertness - Consciousness: The Path to Your Spiritual Home và nhiều sách khác về chủ đề ý thức. Đam mê suốt đời với những bí ẩn của sự tồn tại của loài người, công trình của Frank giúp chúng ta thức tỉnh khỏi sự đồng nhất với lịch sử cá nhân của chúng ta và thế giới ảo tưởng của những hình tướng, và tìm thấy danh tính (identity) của chúng ta trong cái mà ông gọi là "the Miracle", điều bí ẩn của Ý thức.



Dịch: Hồng Phương

http://themindunleashed.com/2016/11/universal-law-pick-mental-garbage.html

menu
menu