Đứng bên bờ vực: Kiệt sức trong hành trình làm Cha mẹ

dung-ben-bo-vuc-kiet-suc-trong-hanh-trinh-lam-cha-me

Khi nghĩ về tình trạng kiệt sức, người ta sẽ tự nhiên nghĩ đến tình trạng kiệt sức trong công việc (Job Burnout). Hình ảnh xuất hiện trong tâm trí bạn thường liên quan đến sự quá tải của Bác sĩ, Y tá,...

Khi nghĩ về tình trạng kiệt sức, người ta sẽ tự nhiên nghĩ đến tình trạng kiệt sức trong công việc (Job Burnout). Hình ảnh xuất hiện trong tâm trí bạn thường liên quan đến sự quá tải của Bác sĩ, Y tá, một người công nhân làm việc căng thẳng quá mức hoặc một người quản lý quá bận rộn. Hiếm khi chúng ta nghĩ đến cảnh một người làm Cha mẹ cũng có thể bị quá tải. Tuy nhiên, cha mẹ cũng có thể có quá nhiều công việc và nhiệm vụ phải làm. Và họ cũng có thể kiệt sức khi không có ai giúp họ trút bỏ gánh nặng.

Mặc dù khái niệm về sự kiệt sức của cha mẹ (Parental Burnout) đã có từ những năm 80, nhưng nghiên cứu có hệ thống về sự kiệt sức của cha mẹ chỉ bắt đầu cách đây một thập kỷ. Và có lẽ công bằng mà nói rằng nó vẫn tương đối ngấm ngầm cho đến khi cuộc khủng hoảng COVID-19 và việc các bậc cha mẹ phải ở nhà cả ngày dài với con cái của của họ đã vén bức màn về hiện tượng này.

Đột nhiên, nhiều bậc cha mẹ đã có cái nhìn thoáng qua về việc trở thành một bậc cha mẹ kiệt sức sẽ như thế nào. Đối với hầu hết họ, các triệu chứng không kéo dài đủ để khiến họ kiệt sức, nhưng nhiều người đã hiểu được tình trạng kiệt sức có thể trông như thế nào: trạng thái kiệt sức dữ dội xảy ra ngay khi chỉ nghĩ đến việc phải làm gì với con cái của mình. Thậm chí, đôi lúc họ không còn muốn làm cha mẹ thêm một phút giây nào nữa, kết quả là những bậc cha mẹ ấy bị mất kết nối cảm xúc với con cái của mình, và cảm giác tội lỗi khi không còn là bậc cha mẹ mà họ đã từng hoặc muốn trở thành.

Nếu bạn chưa từng có con, phép ẩn dụ sau đây có thể hữu ích. Hãy tưởng tượng rằng bạn là một y tá với hai bệnh nhân. Những bệnh nhân này đang ở trong tình trạng cực kỳ phụ thuộc vào bạn. Sự sống còn và phát triển của họ phần lớn phụ thuộc vào bạn, và ngay cả khi không ai nói với bạn như vậy, bạn cũng biết rằng nhiệm vụ quan trọng nhất trong cuộc đời của bạn là chăm sóc tốt cho hai bệnh nhân này. 

Bạn chỉ có một đồng nghiệp duy nhất trong khoa này để giúp bạn, các bạn đã từng là một nhóm tốt, bạn quản lý được nhu cầu của bệnh nhân và các thiết bị chăm sóc bệnh nhân cũng đang hoạt động tốt. Hãy tưởng tượng bây giờ đồng nghiệp của bạn được chuyển đến một bệnh viện khác. Bây giờ bạn phải chăm sóc những bệnh nhân này một mình. Hoặc tưởng tượng rằng bệnh nhân thậm chí còn trở nên khắt khe hơn. Hoặc trạng thái của họ bắt đầu xấu đi. Cả bạn và đồng nghiệp của bạn đều không biết phải làm gì. Các bạn bắt đầu đổ lỗi cho nhau.

Có rất nhiều sách hướng dẫn về cách thức hoạt động của thiết bị và cách chăm sóc bệnh nhân, nhưng dường như không có sách hướng dẫn nào chứa đầy đủ các hướng dẫn chăm sóc cho thiết bị của bạn hoặc bệnh nhân của bạn. Bạn có thể gọi cho đồng nghiệp từ các bệnh viện khác, nhưng ai biết được liệu họ có biết rõ hơn bạn hay không? Bạn có mạo hiểm để gọi điện khi biết rằng họ có thể nghĩ rằng bạn không đủ năng lực và chỉ trích bạn sau lưng không?

Bạn không biết phải làm gì. Bạn ngày càng cảm thấy kiệt sức và căng thẳng với công việc này, ngày càng có nhiều căng thẳng hơn với đồng nghiệp của bạn về bệnh nhân và bạn bắt đầu la mắng họ - hét lên một cách điên cuồng với những người bạn từng yêu quý. Bạn khóc vì kiệt sức và tuyệt vọng: Giá như bạn có thể tạm xa họ hoặc nhờ ai đó thay thế bạn. Nhưng không ai có thể thay thế bạn. Và bạn không thể bỏ cuộc. Không bao giờ. Đây là cuộc sống của bạn.

Đây chính là cảm giác của các bậc cha mẹ trong tình trạng kiệt sức. Theo một nghiên cứu quốc tế được công bố gần đây, tình trạng kiệt sức trên toàn thế giới (được dự đoán) là khoảng 5%, và con số này cao gấp đôi ở một số nước phương Tây (theo Tổ chức Điều tra Quốc tế về Tình trạng Kiệt sức của Phụ huynh [IIPB]). Và có lẽ tình trạng COVID-19 và việc cách ly xã hội còn có thể đã làm tăng tỷ lệ kiệt sức của cha mẹ hơn nữa. 

Trong một xã hội hiện đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức và khủng hoảng (dịch tễ, môi trường, kinh tế,…), chúng ta có nên thực sự quan tâm đến sự kiệt sức của cha mẹ không? Việc thu thập bằng chứng khoa học cho thấy rằng chúng ta nên, vì ít nhất ba lý do:

Thứ nhất: Tình trạng kiệt sức của cha mẹ làm tăng nghiêm trọng quá trình hoạt hóa nội tiết thần kinh mãn tính [chronic neuroendocrine activation](Brianda, Roskam và cộng sự, 2020; Brianda, Roskam & Mikolajczak, 2020) và sự hao mòn cơ thể (allostatic load), được biết là làm giảm khả năng bảo vệ của cơ thể trước vi rút và mầm bệnh. Tại thời điểm mà khả năng miễn dịch là then chốt, không nên đánh giá thấp tác động này.

Thứ hai: Sự kiệt sức của cha mẹ làm tăng nguy cơ trẻ em bị bỏ rơi và/hoặc bạo lực bởi cha mẹ (Mikolajczak và cộng sự, 2019; Mikolajczak và cộng sự, 2020). Những nghiên cứu định tính hoặc lâm sàng của chúng tôi với những bậc cha mẹ này cho thấy rằng tình trạng kiệt sức nghiêm trọng thậm chí có thể khiến những bậc cha mẹ chưa từng bạo lực hoặc phản đối bạo lực nay cũng sử dụng bạo lực với con cái của họ. Và điều này hầu như không gây ngạc nhiên khi hội chứng kiệt sức khi làm cha mẹ làm tăng mức cortisol lên gấp đôi so với các cha mẹ không trong tình trạng này (Brianda và cộng sự, 2020) và cortisol được biết đến là một trong những nguyên nhân góp phần vào sự tức giận và thực hành nuôi dạy con cái khắc nghiệt.

Thứ ba: Sự kiệt sức của cha mẹ làm gia tăng ý định tự tử, nhiều hơn là trầm cảm (Mikolajczak và cộng sự, 2019; Mikolajczak và cộng sự, 2020). Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi các bậc cha mẹ trong tình trạng kiệt sức thường có cảm giác rằng họ bị mắc kẹt với nguồn gốc của sự đau khổ và họ không có nơi nào để trốn tránh hoặc tìm kiếm sự an ủi ngoại trừ cái chết. Nếu kiệt sức dẫn đến bỏ bê hoặc bạo lực, có khả năng là chính những yếu tố này sau đó cũng có liên quan/ góp phần vào ý định tự tử.

Như đã đề cập ở trên, sự kiệt sức của cha mẹ là một rối loạn nghiêm trọng đáng được quan tâm. Với mức độ nghiêm trọng và hậu quả của nó đối với cả cha mẹ và trẻ em, các bước phòng ngừa cần được thực hiện ở cả cấp độ cá nhân và xã hội.

Các tác giả bài viết gốc: 

- Moïra Mikolajczak: Giáo sư Tâm lý học Sức khoẻ và Y tế tại UCLouvain, Bỉ. Bà là đồng Giám đốc của Phòng nghiên cứu về Parental Burnout tại UCLouvain.

- Isabelle Roskam: Giáo sư Tâm lý học Phát triển tại UCLouvain, Bỉ. Bà là đồng Giám đốc của Phòng nghiên cứu về Parental Burnout tại UCLouvain.

- James Gross: Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Stanford. Ông là Giám đốc phòng nghiên cứu Tâm lý học tại Stanford University. 

Người dịch:

- Nguyễn Minh Thành: Thạc sĩ (khoa học) Tâm lý học Phát triển và Giáo dục, và hiện đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ [Ph.D. Candidate] ngành Tâm lý học Lâm sàng và Khoa học Giáo dục tại UCLouvain. 

Bài viết gốc đăng tại: Society of Clinical Psychology, Division 12, American Psychological Association.

menu
menu